Kháng cáo bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài là gì? Thời hạn kháng cáo bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài?
Kháng cáo là quyền của đương sự, người đại diện của đương sự và cơ quan, tổ chức khởi kiện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi cho rằng, bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm là không hợp lý, điều này cũng không ngoại lệ với bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, kháng cáo là quyền có giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm đảm bảo hiệu lực thi hành bản án, quyết định cũng như bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Nếu như, thời hạn kháng cáo vụ án dân sự thông thường đã được Luật LVN Group gửi đến người đọc trong hệ thống dữ liệu của mình, thì trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ tập trung phân tích quy định về thời hạn kháng cáo bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài, được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn Quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của Bộ Luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi theo Luật sửa đổi Bộ Luật tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành.
1. Kháng cáo bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài là gì?
Kháng cáo bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài là hoạt động của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, khi họ cho rằng, bản án quyết định không hợp lý, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.
Đối tượng của kháng cáo phúc thẩm là bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài, trong đó:
– Bản án dân sự có yếu tố nước ngoài là văn bản tố tụng ghi nhận phán quyết của Hội đồng xét xử về kết quả giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.
– Quyết định dân sự có quyết tố nước ngoài là văn bản tố tụng được Toà án ban hành (Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử) ban hành trong quá trình giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.
Theo đúng tinh thần của Bộ luật tố tụng dân sự, thì chủ thể có quyền kháng cáo phúc thẩm dân sự đối với bản án dân sự sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.
2. Thời hạn kháng cáo bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài?
Theo Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý thì: “Thời hạn là khoảng thời gian quy định để làm xong hoặc chấm dứt việc nào đó”. Dưới góc độ pháp lý, Khoản 1, Điều 182, Bộ luật tố tụng dân sự giải thích rằng: “Thời hạn tố tụng là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện hành vi tố tụng do Bộ luật này quy định.“
Dựa theo khái niệm chung về thời hạn tố tụng, có thể hiểu, thời hạn kháng cáo bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác để đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện thực hiện quyền kháng cáo thông qua việc nộp đơn kháng cáo tới Toà án có thẩm quyền đối với bản án, quyết định sơ thẩm về giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.
Thời hạn kháng cáo bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài vừa mang trong mình nội dung về thời hạn kháng cáo bản án, quyết định dân sự thông thường, vừa có nội dung riêng, theo quy định tại Điều 479 Bộ luật tố tụng dân sự.
Thời hạn kháng cáo được xác định trong hai trường hợp lớn:
Trường hợp 1: Đương sự có mặt tại Việt Nam. Trong trường hợp này, thời hạn kháng cáo bản án, quyết định dân sự có yếu tố nước ngoài được thực hiện như thời hạn kháng cáo thông thường, tức là, ở đây xem xét “như một vụ án dân sự thông thường” và các đương sự hoàn toàn có đủ điều kiện để đảm bảo quyền kháng cáo trong thời hạn mà pháp luật cho phép. Theo đó, tại Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về thời hạn kháng cáo là:
– Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
– Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết.
Điểm phức tạp trong việc tính xét về thời hạn là thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc, bởi tuỳ vào các trường hợp mới xác định được thời điểm bắt đầu, nó có thể là ể từ khi tuyên án, kể từ khi nhận được bản án, bản án được niêm phong, hoặc trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.
Để cụ thể hoá cho việc xác định thời điểm, Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐTP có nêu rõ: “Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định. Ngày được xác định là ngày Toà án tuyên án đối với đương sự có mặt tại phiên toà sơ thẩm hoặc là ngày bản án sơ thẩm được giao hoặc được niêm yết đối với đương sự không có mặt tại phiên toà sơ thẩm.” và “Thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần (thứ bảy, chủ nhật) hoặc ngày nghỉ lễ, thì thời hạn kháng cáo, kháng nghị kết thúc vào lúc hai mươi tư giờ của ngày làm việc đầu tiên tiếp theo ngày nghỉ đó.”
Trường hợp 2: Đương sự cư trú ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa.
Thời hạn kháng cáo trong trường hợp này dài hơn so với trường hợp 1, Điều này cũng hoàn toàn hợp lý xuất phát từ điều kiện khách quan, không thuận lợi như thông thường do đương sự không có mặt tại Việt Nam là cũng không tham gia phiên toà. Nội dung về thời hạn kháng cáo được quy định tại Khoản 2, Điều 479, cụ thể: “Đương sự cư trú ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án là 01 tháng, kể từ ngày bản án, quyết định được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án, quyết định được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.”
Như đã nói ở trên, nội dung quan trọng nhất khi nghiên cứu thời hạn là việc xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc, điều đặc biệt trong việc xác định thời điểm bắt đầu trong trường hợp này là “kể từ ngày bản án, quyết định được tống đạt hợp lệ”. Tống đạt là thủ tục tố tụng được Toà án thức hiện thông qua các phương thức được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng dân sự để chuyển giao bản án, quyết định cho đương sự đang ở nước ngoài. Việc xác định tống đạt hợp lệ được xác định dựa trên các phương thức tống đạt và phải đúng theo nội dung phương thức đó, điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với việc đương sự phải thực sự “cầm trên tay” bản án, quyết định của Toà án.
Đối với việc niệm yết hợp lệ, đó là hoạt động niêm yết đảm bảo đúng quy định pháp luật, có thể là niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặcTòa án đang giải quyết vụ việc hoặc tại nơi cư trú cuối cùng của đương sự tại Việt Nam.
Thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là ngày tiếp theo của ngày được xác định và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo là thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
Trường hợp 2 có một trường hợp đặc biệt, đó là việc toà án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài trong trường hợp Tòa án không nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 477 về kết quả thực hiện việc tống đạt cho đương sự ở nước ngoài thì thời hạn kháng cáo là 12 tháng, kể từ ngày tuyên án. Quy định này cũng nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của đương sự đang ở nước ngoài, mặc dù trước đó trong quy định về việc xét xử nếu Tòa án không nhận được văn bản thông báo về kết quả tống đạt cũng như lời khai, tài liệu, chứng cứ của đương sự ở nước ngoài và đến ngày mở phiên tòa đương sự ở nước ngoài không có mặt, không có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ thì Tòa án hoãn phiên tòa. Và sau đó đã phải thực hiện các thủ tục pháp lý khác để nhằm thông báo được đến đương sự về việc xét xử và giải quyết vụ án dân sự tại Việt Nam.