Thời hạn và những lưu ý khi làm hợp đồng gia công

Thời hạn thực hiện hợp đồng gia công? Những lưu ý khi làm hợp đồng gia công?

Hợp đồng gia công là một trong những loại hợp đồng được ký kết phổ biến hiện nay. Cũng như những loại hợp đồng khác, các bên được tự do thỏa thuận khi ký kết hợp đồng gia công, tuy nhiên vẫn cần đảm bảo tuân theo các quy định của pháp luật. Đồng thời, với tính chất riêng biệt của hợp đồng gia công so với các loại hợp đồng khác, các chủ thể khi soạn thảo và ký kết hợp đồng gia công cần lưu ý một số vấn đề nhất định. Bài viết này cung cấp cho bạn đọc những thông tin về thời hạn thực hiện hợp đồng gia công và đưa ra một số lưu ý khi làm loại hợp đồng này.

LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

– Luật Thương mại năm 2005

– Bộ luật dân sự năm 2015

1. Thời hạn thực hiện hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công không bao giờ có thể được thực hiện và chấm dứt ngay tại thời điểm giao kết, mà luôn đòi hỏi một khoảng thời gian đủ để bên nhận gia công có thể thực hiện được việc gia công của mình.

– Theo quy định của Bộ luật dân sự thì các bên có thể tự do thỏa thuận về thời hạn thực hiện hợp đồng gia công. Thời hạn có thể được xác định cụ thể như 1 tháng, 2 tháng, 3 năm,… nhưng cũng có thể không được xác định cụ thể như bên nhận gia công sẽ thực hiện gia công cho đến khi hoàn thiện sản phẩm và giao cho bên đặt gia công (hay còn được gọi là hình thức khoán sản phẩm). Nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn thì thời hạn được tính là khoảng thời gian hợp lý để thực hiện công việc đó.

– Trường hợp hết thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng mà bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì hai bên có thể thỏa thuận lại để gia hạn. Nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc, thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp sản phẩm gia công không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm nhưng yêu cầu sửa chữa mà bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận, thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2. Những lưu ý khi làm hợp đồng gia công

Khi tham gia vào quan hệ gia công, các bên phải ký kết hợp đồng gia công. Theo đó, hợp đồng gia công sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công. Pháp luật hiện hành đã có những quy định chặt chẽ đối với hợp đồng gia công. Chính vì vậy khi ký kết hợp đồng gia công cần phải lưu ý những vấn đề sau:

* Về hình thức của hợp đồng gia công

Bộ luật dân sự 2015 tại phần hợp đồng gia công không có quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng gia công. Tuy nhiên, đối với hình thức của hợp đồng gia công trong thương mại thì Luật Thương mại năm 2005 quy định tại Điều 179 là hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Trong đó, các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương văn bản có thể là điện báo, telex, fax, thông điệp điện tử, các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, dù luật chung không quy định nhưng luật chuyên ngành đã có những quy định cụ thể thì bắt buộc phải tuân theo quy định của luật chuyên ngành. Nếu hợp đồng gia công trong thương mại không được lập thành văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương thì đây sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến hợp đồng gia công bị vô hiệu.

* Về chủ thể ký kết hợp đồng gia công

Khi ký kết hợp đồng gia công, cả bên đặt gia công và bên nhận gia công đều phải đáp ứng những điều kiện về năng lực chủ thể cũng như về tính tự nguyện của chủ thể.

Trường hợp chủ thể ký kết hợp đồng là cá nhân thì phải có đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự, không thuộc các trường hợp bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

Trường hợp chủ thể ký kết hợp đồng là pháp nhân thì phải có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký. Trường hợp cá nhân đại diện cho pháp nhân ký kết hợp đồng gia công thì phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc do pháp nhân ủy quyền.

Bên cạnh điều kiện về năng lực chủ thể thì người ký kết còn phải đảm bảo việc ký kết là tự nguyện, không bị ép buộc, đe dọa, cưỡng ép, cũng như không được nhằm mục đích lừa dối. Đối với tất cả những điều kiện trên, nếu không đáp ứng thì sẽ dẫn đến hợp đồng gia công vô hiệu.

* Về nội dung của hợp đồng gia công

Các bên có thể tự do thỏa thuận những điều khoản trong hợp đồng gia công nhưng không được vi phạm các quy định của pháp luật cũng như không được trái đạo đức xã hội.

– Ví dụ về đối tượng của hợp đồng gia công, Bộ luật dân sự 2015 chỉ quy định đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Để cụ thể thì Luật Thương mại năm 2005 đã quy định rõ về đối tượng của hợp đồng gia công trong thương mại là tất cả các loại hàng hóa đều có thể được gia công, trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh. (Bạn đọc có thể tham khảo thêm Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh được ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ).

 – Ngoài ra, đối với trường hợp gia công cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài thì Điều 29 Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ cũng quy định rõ hợp đồng gia công phải tối thiểu bao gồm các điều khoản sau:

+ Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp.

+ Tên, số lượng sản phẩm gia công.

+ Giá gia công.

+ Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán.

+ Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công.

+ Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có).

+ Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.

+ Địa điểm và thời gian giao hàng.

+ Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa.

+ Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

* Ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng

Các bên có thể tự do thỏa thuận về ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng. Theo quy định hiện hành, nếu ngôn ngữ hợp đồng gia công bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt thì khi làm các thủ tục liên quan không cần dịch. Do đó, để thuận tiện trong quá trình làm việc, hợp đồng gia công nên được thực hiện bằng tiếng Anh, hoặc tiếng Việt hoặc song ngữ trong đó có ít nhất một thứ tiếng Anh hoặc tiếng Việt.

* Điều gì xảy ra khi hợp đồng gia công vô hiệu?

Hợp đồng gia công có hiệu lực sẽ làm phát sinh các quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, trên thực tế khi ký kết hợp đồng, các bên liên quan, có thể vì lý do chủ quan hay khách quan, làm cho hợp đồng gia công vô hiệu. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý khác trong quá trình thực hiện hợp đồng. Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả. Bên cạnh đó, trường hợp bên có lỗi gây ra thiệt hại thì còn phải bồi thường.

Khi ký kết hợp đồng, các bên tham gia phải chú ý đến những trường hợp có thể xảy ra làm hợp đồng gia công vô hiệu, nếu không quyền lợi của các bên có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví dụ: bên đặt gia công đã mua nguyên vật liệu và giao cho bên nhận gia công mà lúc này hợp đồng gia công vô hiệu thì bên nhận gia công hoàn lại những nguyên vật liệu đã nhận. Trên thực tế, việc này có thể gây ảnh hưởng cho bên đặt gia công trong việc đảm bảo sản phẩm gia công cho chính mình, hay cho bên thứ ba.

* Trách nhiệm chịu những rủi ro

Khi tiến hành các hoạt động kinh doanh thương mại, không một chủ thể nào muốn xảy ra những rủi ro đối với mình. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các bên khi tham gia vào quan hệ gia công, pháp luật quy định những trường hợp chịu rủi ro theo quy định tại Điều 548 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:

– Cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo đó, trường hợp các bên trong hợp đồng gia công có những thỏa thuận khác về trách nhiệm chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hay sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó thì pháp luật cho phép các bên thực hiện theo những thỏa thuận đó. (Ví dụ: các bên thỏa thuận bên đặt gia công sẽ mua các nguyên vật liệu cho bên nhận gia công nhưng kể từ thời điểm chuyển giao nguyên vật liệu cho bên nhận gia công thì bên nhận gia công chịu mọi rủi ro đối với nguyên vật liệu cũng như những sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó).

– Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo đó, trường hợp các bên đã thỏa thuận về thời hạn giao nhận sản phẩm gia công mà bên đặt gia công lại chậm nhận sản phẩm thì bên đặt gia công phải gánh chịu những rủi ro xảy ra đối với sản phẩm gia công đó.

– Khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công. Theo đó, trường hợp các bên đã thỏa thuận về thời hạn giao nhận sản phẩm gia công mà bên nhận gia công lại chậm giao sản phẩm dẫn đến xảy ra rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc của luật dân sự là thiệt hại đến đâu thì bồi thường đến đó.

Vấn đề xác định trách nhiệm chịu rủi ro là một vấn đề quan trọng, có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các bên trong quan hệ gia công, vậy nên trong quá trình soạn thảo, thương lượng, ký kết hợp đồng gia công, các bên phải lưu ý đến vấn đề này.

Thông qua những phân tích trên, những vấn đề pháp lý liên quan đến gia công trong thương mại cũng như hợp đồng gia công rất đa dạng và phức tạp đòi hỏi những chủ thể khi tham gia vào quan hệ này cần nắm rõ. Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản về thời hạn thực hiện hợp đồng gia công cũng như lưu ý một số vấn đề khi làm hợp đồng gia công để bạn đọc có thể phát triển các hoạt động kinh doanh thương mại của mình thông qua hình thức gia công.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com