Thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là gì? Thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài?

Với sự phát triển của hội nhập quốc tế, các quan hệ tư pháp quốc tế ngày càng trở nên sôi động và phát triển mạnh mẽ. Trước bối cảnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự đã dành Chương XXXVI, XXXVII để quy định về các nội dung về tư pháp quốc tế trong tố tụng dân sự, trong đó, đáng chú ý là quy định về thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Đây cũng là nội dung sẽ được Luật LVN Group phản ánh trong bài viết dưới đây: Thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

1. Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là gì?

Khái niệm về vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã được giải thích trong rất nhiều tài liệu khoa học pháp lý và được xem như một chủ đề thú vị được nhiều học giả quan tâm. Dưới góc độ pháp lý, vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được giải thích tại Khoản 2, Điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự, cụ thể:

Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài.

– Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài.

– Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Như vậy, một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là sự cộng hưởng của hai yếu tố, trước hết đó phải là một vụ việc dân sự thuần tuý (đó là những tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình được Toà án thụ lý và giải quyết theo trình tư, thủ tục luật định); hai là, phải có “yếu tố nước ngoài”, yếu tố nước ngoài được xem xét dưới ba góc độ: chủ thể, khách thể, đối tượng của quan hệ dân sự, mà chỉ cần đáp ứng một trong ba trường hợp, thì được xem là có “yếu tố nước ngoài”.

2. Thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài?

Thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự không được quy định tập trung vào một điều luật cụ thể và điều mà tác giả cung cấp dưới đây là sự tổng kết từ các quy định. Nhìn chung, nếu thẩm quyền xét xử thuộc về toà án Việt Nam, thì trình tự thủ tục giải quyết vụ việc dân sự được thực hiện như một vụ án dân sự, việc dân sự thông thường, tuy nhiên, do có yếu tố nước ngoài, thủ tục giải quyết vụ việc dân sự sẽ có những điểm phát sinh khác như sau:

2.1. Địa vị pháp lý trong tố tụng dân sự củangười nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Nhà nước nước ngoài.

Địa vị pháp lý trong tố tụng dân sự được hiểu là tổng thể năng lực pháp luật tố tụng dân sự, năng lực hành vi tố tụng dân sự, các quyền mà mgười nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế được hưởng và các nghĩa vụ mà họ phải gánh chịu khi tham gia tố tụng tại Việt Nam.

Xét về địa vị pháp lý, nội dung về năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự là nội dung trọng tâm, trong đó năng lực chủ thể được xem xét giữa cá nhân và cơ quan, tổ chức sẽ có sự khác nhau và được Bộ luật tố tụng dân sự quy định tại Điều 466. Điều 467. Tuy nhiên, tác giả sẽ chỉ tập trung vào năng lực chủ thể của người nước ngoài như một sự ví dụ cụ thể:

Đối với một người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài tham gia tố tụng dân sự tại Việt Nam sẽ có ít nhất hai hệ thống pháp luật điều chỉnh. Đó là hệ thống pháp luật Việt Nam (nơi tiến hành tố tụng) và hệ thống pháp luật nước họ mang quốc tịch/nơi thành lập hoăc nơi họ cư trú. Việc xác định năng lực pháp luật và năng lực hành vi tố tụng dân sự của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài là một nội dung quan trọng trong vấn đề xác định quy chế pháp lý dân sự của cá nhân người nước ngoài.

Khoản 1, Điều 466 Bộ luật tố tụng dân sự quy định như sau:

1. Năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của người nước ngoài được xác định như sau:

a) Theo pháp luật của nước mà người nước ngoài có quốc tịch; trường hợp người nước ngoài là người không quốc tịch thì theo pháp luật của nước nơi người đó cư trú; nếu người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam thì theo pháp luật Việt Nam;

b) Theo pháp luật của nước nơi người nước ngoài có quốc tịch và cư trú tại một trong các nước mà họ có quốc tịch nếu họ có nhiều quốc tịch nước ngoài.

Trường hợp người nước ngoài có nhiều quốc tịch và cư trú ở nước mà không cùng với quốc tịch của nước đó thì theo pháp luật của nước nơi người nước ngoài có thời gian mang quốc tịch dài nhất;

c) Theo pháp luật Việt Nam nếu người nước ngoài có nhiều quốc tịch và một trong quốc tịch đó là quốc tịch Việt Nam hoặc người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú tại Việt Nam.

Nguyên tắc được xác lập rõ ràng trong quy định trên là áp dụng hệ thuộc luật quốc tịch (đối với người có quốc tịch nước ngoài) và hệ thuộc luật nơi cư trú (đối với người không có quốc tịch). Đây là căn cứ có sự kế thừa từ Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

Bên cạnh nguyên tắc chung, cần chú ý các trường hợp đặc biêt:

Thứ nhất, trường hợp người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam. Trong trường hợp này thì sẽ áp dụng theo pháp luật Việt nam. Điều này cũng hoàn toàn với nguyên tắc chung, nếu họ thường trú tại Việt Nam thì rõ ràng Việt Nam là nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với người đó.

Thứ hai, trường hợp người có nhiều quốc tịch. Trong trường hợp này, có 3 khả năng có thể xảy ra: (1) người có nhiều quốc tịch nhưng không có quốc tịch Việt nam và cư trú ở một trong những nước mình có quốc tịch. Khi đó, sẽ kết hợp dấu hiệu quốc tịch, dấu hiệu nơi cư trú để xác định luật áp dụng là luật của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú; (2) người có nhiều quốc tịch nhưng không cư trú ở một trong những nước mình có quốc tịch (cũng không cư trú tại Việt Nam), khi đó luật được áp dụng là luật của nước nơi người đó có thời gian mang quốc tịch dài nhất; (3) Nếu người có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam (dù không cư trú ở Việt Nam) hoặc tuy không có quốc tịch Việt Nam nhưng thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam thì luật áp dụng là pháp luật Việt Nam, quy định này nhằm mở rộng khả năng áp dụng của pháp luật Việt Nam.

2.2. Thẩm quyền của Toà án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Quy định về thẩm quyền của Toà án Việt Nam trong Bộ luật tố tụng dân sự được ghi nhận bao gồm thẩm quyền chung (Điều 469) và thẩm quyền riêng biệt (Điều 470). Trong một vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài, điều đầu tiên là tòa án phải xác định mình có thẩm quyền giải quyết hay không. Điều này dẫn tới “vấn đề khi nào tòa án của quốc gia có xét xử và phán quyết vấn đề dựa vào quyết định mà tòa án đó đạt được”. Trong bối cảnh này, đây là thẩm quyền duy nhất, là đặc quyền, trong đó thuật ngữ “thẩm quyền” nghĩa là quyền năng điều chỉnh, xét xử (adjudiatory competence).

Vấn đề về thẩm quyền của Toà án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã được Luật LVN Group cung cấp trong một bài viết khác cụ thể hơn. Do đó, ở phần này, tác giả chỉ nhắc đến như một thủ tục không thể thiếu trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

2.3. Các thủ tục liên quan.

Như đã nói ở trên, khi đã xác định được thẩm quyền xét xử thuộc về Toà án Việt Nam, thì trình tự thủ tục giải quyết một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài được được thực hiện như một vụ việc dân sự thông thường, theo quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự và việc dân sự được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng dân sự.

Trước hết, mối quan hệ giữa Toà án và đương sự phát sinh dựa trên sự kiện khởi kiện và thụ lý, tức là phải có đơn khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Quá trình xem xét đơn sẽ có phần phức tạp hơn và Toà án phải trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp đã có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận lựa chọn Tòa án nước ngoài hoặc đã có Tòa án nước ngoài, Trọng tài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết hoặc đương sự được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. Bên cạnh đó, Toà án cũng phải thực hiện việc yêu cầu cung cấp thông tin về nhân thân, xác định địa chỉ của đương sự ở nước ngoài.

Khi thụ lý, Toà án phải thực hiện thông báo, đồng thời thông báo về ngày mở phiên toà, phiên họp, các hoạt động về thu thập chứng cứ, tống đạt giấy tờ là các hoạt động cần thiết trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự được quy định tại Điều 474, Điều 475 Bộ luật tố tụng dân sự, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan nhà nước thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp hiệu quả.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com