Thủ tục nộp đơn xin ly hôn và thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

Thủ tục nộp đơn xin ly hôn? Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn?

Quan hệ hôn nhân xuất phát từ quyền tự do kết hôn của nam, nữ được pháp luật thừa nhận và bảo vệ thì việc chấm dứt quan hệ hôn nhân cũng được nhà nước tôn trọng và thừa nhân thông qua việc bảo đảm quyền tự do ly hôn của từng bên vợ chồng hoặc do sự đồng thuận của cả hai vợ chồng. Thực tế, tỷ lệ ly hôn ở nước ta ngày càng gia tăng, để lịa nhiều hệ lụy đối với tất cả các thành viên trong gia đình.

Khi nghiên cứu về pháp luật ly hôn, điều quan trọng mà nhiều người muốn nắm bắt nhất là thủ tục để xin ly hôn và các thức giải quyết của Tòa án. Hiểu được tinh thần đó, trong bài viết dưới đây, Luật LVN Group sẽ lấy nội dung: Thủ tục nộp đơn xin ly hôn và thụ lý đơn yêu cầu ly hôn làm nội dung chính để phân tích và có hướng dẫn cụ thể.

LVN Group tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

1. Thủ tục nộp đơn xin ly hôn?

Theo giải thích tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình: “Ly hônlà việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.” Việc chấm dứt quan hệ vợ chồng xuất phát từ bản chất của cuộc hôn nhân “đã chết” như Mác-Ang ghen đã chỉ ra: “bản chất của ly hôn chỉ là việc xác nhân một sự kiện, cuộc sống hôn nhân này là cuộc hôn nhân đã chết, sự tồn tại của nó chỉ là bề ngoài và lừa dối.” Vợ chồng ly hôn bởi cuộc hôn nhân của họ đã mất hết ý nghĩa, việc ky hôn là để giải phóng cho vợ chồng khỏi những mâu thuẫn sâu sắc mà họ không thể tự giải quyết được.

Ly hôn không thể tiến hành một cách tùy tiền mà phải đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước. Theo đó, Nhà nước đã trao quyền cho Tòa án- đại diện giải quyết yêu cầu ly hôn và Tòa án là cơ quan nhà nước duy nhất có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn. Thẩm quyền này của Tòa án được thể hiện rõ trong Luật Hôn nhân và gia đình: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.” (Khoản 1, Điều 51). Tòa án chính là cơ quan đại diện, trung gian khách quan để phân tích, đánh giá, xem xét tình trạng hôn nhân của bên vợ, chồng, xác định của hôn nhân này đã thực sự chấm dứt chưa mà không phụ thuộc vào tình cảm nhất thời của hai bên vợ, chồng yêu cầu ly hôn, từ đó giải quyết cho ly hôn.

Ly hôn được xem xét trong hai trường hợp là thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên. Về bản chất và xem xét nó trong mối quan hệ với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì yêu cầu thuận tình ly hôn được xác định và việc dân sự thuộc thẩm quyền của tòa án và ly hôn theo yêu cầu của một bên được xác định là vụ án dân sự (vụ án ly hôn) thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Trong phần này, tác giả tập trung vào việc nộp đơn xin ly hôn theo yêu cầu của một bên bởi tính phức tạp hơn so với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

Thứ nhất, ai là người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn? Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Bên cạnh đó, pháp luật còn mở rộng chủ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của một số người yếu thế, cụ thể: “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.” (Khoản 2, Điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình). Do vậy, ly hôn theo yêu cầu của một bên được tòa án thụ lý làm phát sinh vụ án ly hôn phải do vợ hoặc chồng hoặc người thứ ba thực hiện nộp đơn yêu cầu ly hôn.

Cần lưu ý, quyền ly hôn là quyền nhân thân, mà cụ thể là quyền nhân thân không gắn với tài sản. Theo đó, Khoản 4, Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự hướng dẫn rằng: “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện.” Như vậy, một bên vợ, chồng phải là người trực tiếp nộp đơn ly hôn tới Tòa án và trực tiếp tham gia vào quá trình tố tụng, không được ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác.

Thứ hai, chuẩn bị đơn xin ly hôn. Mẫu đơn khởi kiện về việc ly hôn hoặc đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn được Hội đồng thẩm phán ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP, người yêu cầu ly hôn có thể tải mẫu đơn đó để sử dụng. Thông thường, người yêu cầu ly hôn có thể đến trực tiếp Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn để xin đơn.

Các giấy tờ kèm đơn ly hôn được đăng tải trên Công thông tin của Tòa án nhân dân tối cao bao gồm: đơn xin ly hôn, chứng minh nhân dân/hộ chiếu; hộ khẩu (bản sao có chứng thực); giấy chứng nhận kết hôn (bản sao có chứng thực); giấy khai sinh con, nếu có có (bản sao có chứng thực);…

Thứ ba, xác định tòa án có thẩm quyền tiếp nhận đơn. Người nộp đơn xin ly hôn phải nộp đơn tới Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

Thứ tư, phương thức gửi đơn ly hôn. Chủ thể khởi kiện có thể gửi đơn qua hình thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đơn theo đương dịch vụ bưu chính, ngoài ra còn có thể gửi đơn khởi kiện trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của tòa án (nếu có).

Việc nộp đơn xin ly hôn chỉ dừng lại ở việc xác định được các vấn đề cơ bản này và sau đó, Tòa án có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về việc tiếp nhận, xử lý đơn và thụ lý đơn yêu cầu ly hôn. Đây sẽ là nội dung trọng tâm được phân tích tại Mục 2.

2. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn?

Dựa trên nguyên tắc được quy định tại Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình về thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, cụ thể:

1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

Như vậy, việc thụ lý đơn yêu cầu ly hôn phải dựa theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Bộ luật tố tụng dân sự đã có sự phân chia rõ ràng giai đoạn nhận và xử lý đơn so với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, điều này tạo điều kiện cho việc thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự được rõ ràng và minh bạch hơn trong việc áp dụng trên thực tiễn. Theo đó, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và tiến hành các thủ tục tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn ly hôn và xử lý đơn ly hôn theo đúng quy định của pháp luật như sau:

– Nếu xem xét đơn ly hôn và nhận thấy vụ việc tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì Thâm phán ra Thông báo chuyển đơn khởi kiện và thông báo cho người yêu cầu ly hôn.

– Nếu xem xét đơn ly hôn và nhận thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự thì Thẩm phán ra thông báo trả lại đơn khởi kiện.

– Nếu xem xét đơn ly hôn thỏa mãn các điều kiện thụ lý thì Thẩm phán thực hiện thủ tục thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn thụ lý vụ án ly hôn được phân tích dựa trên các chủ thể:

– Đối với người khởi kiện- nguyên đơn (bên vợ-chồng yêu cầu ly hôn).

Sau khi nhận đơn ly hôn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, Thẩm phán ra thông báo cho bên vợ (chồng) yêu cầu ly hôn biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí.

– Đối với Tòa án: Trên cơ sở đương sự thực hiện xong nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, Thẩm phán tiến hành thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án thực hiện các công việc sau:

Một là, thẩm phán  thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.

Hai là, Chánh án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc ly hôn trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.

– Đối với bị đơn (bên chồng- vợ còn lại) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có).

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập (nếu có). (Khoản 1, Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự).

Đến đây, giai đoạn thụ lý kết thúc và chuyển sang các giai đoạn tố tụng mới để tiến hành giải quyết vụ án ly hôn và kết quả cuối cùng là vợ chồng được tòa án tuyên bố chấm dứt hôn nhân thông qua bản án đã có hiệu lực pháp luật.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com