Thủ tục thông báo lưu trú? Xử phạt không thông báo lưu trú?

Phải thực hiện thông báo lưu trú khi nào? Thủ tục thông báo lưu trú? Không thông báo lưu trú bị xử lý như thế nào?

Việc quản lý dân số, người sinh sống, lưu trú tại địa phương là vô cùng quan trọng. Nhà nước hiện nay giám sát việc đó thông qua hoạt động thông báo lưu trú tại cơ quan có thẩm quyền. Hiện nay quy định về thông báo lưu trú được thể hiện trong Luật Cư trú năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bài viết dưới đây Luật LVN Group sẽ cung cấp các thông tin về thông báo lưu trú và xử phạt khi cá nhân không thông báo lưu trú theo quy định.

Tổng đàiLVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.0191

* Cơ sở pháp lý:

– Luật Cư trú năm 2020;

– Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 do Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chng bạo lực gia đình; 

– Thông tư số 55/2021/TT- BCA ngày 15 tháng 5 năm 2021 do Bộ Công an ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú;

– Thông tư số 57/2021/TT-BCA  ngày 15 tháng 5 năm 2021 do  Bộ Công an ban hành quy định về quy trình đăng ký cư trú;

– Quyết định số 5548/QĐ-BCA-C06 ngày 06 tháng 7 năm 2021 do Bộ Công an về việc công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký cư trú và lĩnh vực xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an

1. Phải thực hiện thông báo lưu trú khi nào?

Lưu trú là việc ở lại một địa phương trong một khoảng thời gian nhất định, thông thường là một vài ngày mà không phải là việc tạm trú, thường trú tại địa phương đó. Thông báo lưu trú chính là việc cá nhân thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc một hay nhiều cá nhân khác ở lại địa phương trong một khoảng thời gian nhất định.

Nhà nước quy định về việc phải thực hiện thông báo lưu trú do, thông thường, dân cư ở mỗi khu vực sinh sống khá ổn định, không có biến động nhiều, nhưng khi cá nhân ở nơi khác đến và ở lại trong một khoảng thời gian, thì cơ quan nhà nước cần phải biết đến sự hiện diện của cá nhân này tại địa phương để quản lý, phòng tránh xảy ra các sự cố không mong muốn như xảy ra tội phạm, các tai tệ nạn khác,… gây ảnh hưởng đến địa phương.

Vậy phải thực hiện thông báo lưu trú khi nào? Thì tại Khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú năm 2020 quy định:

“1. Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.”

Theo quy định này, thì không quy định về thời gian bắt buộc mà người lưu trú đến lưu trú tại địa phương là bao lâu, nên có thể hiểu khi cá nhân đến lưu trú tại địa phương mà không thuộc trường hợp tạm trú, thì phải thực hiện thông báo lưu trú tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và tại khoản 4 Điều 15 Thông tư số 55/2021/TT- BCA quy định: “4. Thời gian lưu trú tuỳ thuộc nhu cầu của công dân nhưng không quá 30 ngày….”. Như vậy, theo quy định này thì thời gian lưu trú tối đa là 30 ngày.

Hoạt động thông báo lưu trú phải được thực hiện khi có một cá nhân đến ở lại trong phạm vi gia đình như họ hàng đến nhà người thân, cha mẹ lên nhà con, bạn bè đến chơi,…. và trong các trường hợp người ở nơi khác đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, trạm y tế, cơ sở chữa bệnh hoặc du khách đến du lịch tại cơ sở lưu trú du lịch như khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, resort, khu sinh thái,….

2. Thủ tục thông báo lưu trú

Chủ thể phải thực hiện thông báo lưu trú đó chính là đại diện gia đình, hoặc thành viên hộ gia đình, cá nhân nơi có người đến lưu trú, đại diện của cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện, cơ sở y tế khác,…), các cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, nhà nghỉ, homestay,… tại các địa điểm du lịch). Trong trường hợp người đến lưu trú tại nơi ở của cá nhân, hộ gia đình mà các cá nhân, thành viên hộ gia đình không có ở chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm phải thông báo lưu trú.

Khi có sự xuất hiện việc lưu trú của cá nhân khác thì bắt buộc phải thực hiện việc thông báo, và pháp luật cũng có quy định ưu tiên trong trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú tại nơi ở của cá nhân, hộ gia đình nhiều lần thì các chủ thể có nghĩa vụ thông báo lưu trú chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

Cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thông báo lưu trú ở đây chính là cơ quan đăng ký lưu trú, cụ thể là Công an xã, phường, thị trấn hoặc Công an cấp huyện tại nơi không có đơn vị hành chính cấp xã. (Quy định tại Quyết định số 5548/QĐ-BCA-C06)

Thời điểm thực hiện lưu trú thì tại Khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú năm 2020 quy định đó chính là được thực hiện trước trước 23 giờ củngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau. Quy định này nhằm kéo dài thời gian mà có thể thực hiện lưu trú, không giới hạn phải thông báo lưu trú trong thời gian hành chính, tạo thuận lợi cho người có nghĩa vụ thông báo đồng thời cũng giúp cơ quan lưu trú thực hiện tốt hơn vai trò quản lý của mình. 

Để thực hiện việc thông báo lưu trú, thì người có nghĩa vụ thông báo lưu trú có thể chọn các phương thức khác nhau, cụ thể thì cá nhân đó có thể thông báo lưu trú trực tiếp tại Công an xã, phường, thị trấn hoặc địa điểm tiếp nhận thông báo lưu trú do Công an xã, phường, thị trấn quy định; hoặc gọi điện thông qua số điện thoại hoặc gửi thư điện tử đến hộp thư điện tử do Công an xã, phường, thị trấn thông báo hoặc niêm yết để khai báo lưu trú. Bên cạnh đó, thì phương thức mới để thực hiện thông báo lưu trú đó chính là thông báo lưu trú thông qua trang thông tin điện tử của Công an xã, phường, thị trấn hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú, Nhà nước đã và đang phát triển việc lưu trữ thông tin về dân số, do đó, hoàn toàn có thể thực hiện thông báo lưu trú qua phương thức này. Và có thể lựa chọn thông báo lưu trú thông qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.

Nội dung thông báo về lưu trú tại cơ quan đăng ký cư trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; đa ch lưu trú. (Khoản 3 Điều 30 Luật Cư trú năm 2020). Nếu như việc cá nhân lưu trú tự thông báo lưu trú thì việc cung cấp các nội dung này được thực hiện rất đơn giản, còn nếu việc thông báo lưu trú do cá nhân, thành viên gia đình nơi người lưu trú đến lưu trú hoặc đại diện của các cơ sở chữa bệnh, cơ sở du lịch thực hiện thì các chủ thể này yêu cầu người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ pháp lý thể hiện thông tin về số định danh cá nhân như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu,…. để họ lấy những thông tin cần thiết để thực hiện thông báo lưu trú. 

Khi tiếp nhận thông báo lưu trú trực tiếp hoặc bằng điện thoại, qua mạng internet hoặc mạng máy tính thì cán bộ của Công an xã tiếp nhận kiểm tra thông tin và tiến hành nhập thông tin người đến lưu trú vào phần mềm quản lý cư trú – phân hệ lưu trú, sau đó ghi vào số tiếp nhận lưu trú. Nếu việc thông báo lưu trú được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú cán bộ Công an xã kiểm tra thông tin, thực hiện việc tiếp nhận thông báo lưu trú vào phần mềm quản lý cư trú – phân hệ lưu trú, sau đó ghi vào Sổ tiếp nhận lưu trú. (Điều 16 Thông tư số 57/2021/TT- BCA).

3. Không thông báo lưu trú bị xử lý như thế nào?

Hoạt động thông báo lưu trú là hoạt động bắt buộc phải thực hiện, do đó, đối với các cá nhân không chấp hành thì phải chịu trách nhiệm về việc không thực hiện thông báo. Theo đó, thì tại Nghị định số 167/2013/NĐ- CP quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 8 thì cá nhân, chủ hộ gia đình, thành viên hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú như không thông báo lưu trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Và tại điểm đ, khoản 2 Điều 8 của Nghị định này quy định:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

đ. Cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan công an theo quy định khi có người đến lưu trú;”

Như vậy, tổng kết lại thì đối với hành vi không thông báo lưu trú sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân có nghĩa vụ thông báo lưu trú; xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cơ sở kinh doanh (cơ sở du lịch như khách sạn, nhà nghỉ,…) không thực hiện thông báo lưu trú.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com