Thực hiện quyền và giới hạn việc thực hiện quyền dân sự

Quyền dân sự là gì? Thực hiện quyền và giới hạn việc thực hiện quyền dân sự?

Trong xã hội hiện nay, việc người dân xác lập các quan hệ dân sự là rất nhiều, bởi lẽ việc xác nhập các giao dịch dân sự này nhằm giúp cho mỗi người thủa mãn được nhu cầu trong cuộc sống của mình. Trong một giao kết dân sự theo như quy định của pháp luật hiện hành thì khi một giao dịch dân sự được xác lập thì đi kèm với đó là quyền và nghĩa vụ của các bên, việc quy định này nhằm đảm bảo việc giao kết các giao dịch dân sự được thực hiện đúng theo mong muốn của các bên. Bên cạnh việc quy định về những quyền mà các bên được thực hiện thì Bộ luật dân sự năm 2015 cũng đã xác định về việc quy định việc giới hạn thực hiện quyền của các bên trong giao dịch dân sự.

Do đó, mà các bên chỉ được thực hiện quyền của mình trong giới hạn thực hiện quyền theo như quy định của pháp luật hiện hành. Vậy pháp luật Dân sự đã quy định về vấn đề thực hiện quyền và giới hạn việc thực hiện quyền dân sự với nội dung như thế nào? Trong bài viết này, luật LVN Group sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về thực hiện quyền và giới hạn việc thực hiện quyền dân sự như sau:

LVN Group tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

– Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

– Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR);

–  Luật Hiến pháp năm 2013;

– Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. Quyền dân sự là gì?

Trên cơ sở quy định của pháp luật tại Điều 2 Bộ luật Dân sự có quy định về quyền dân sự như sau: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Như vậy, quyền dân sự là quyền của chủ thể được pháp luật dân sự quy định như là nội dung của năng lực pháp luật của chủ thể đó, các chủ thể có năng lực pháp luật dân sự khác nhau thì có các quyền dân sự khác nhau theo nghĩa rộng.

Theo nghĩa hẹp, quyền dân sự được biết đến dưới góc độ pháp lý là quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện trong quan hệ dân sự nhất định mà chủ thể này đang tham gia. Trong đó, các quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện bao gồm: quyền tự mình thực hiện những hành vi nhất định, quyền yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ, quyền yêu cẩu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị người khác xâm phạm.

Cũng trên cơ sở quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giới hạn việc thực hiện quyền dân sự, theo đó, khái niệm về giới hạn việc thực hiện quyền dân sự được hiểu một cách đơn giản là phạm vi hạn chế mà pháp luật quy định cho cá nhân, pháp nhận thực hiện các quyền dân sự của mình, theo đó cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật.

Một số quyền dân sự đã được ghi nhận tại Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị. Đây là văn kiện quan trọng cùng với Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được gọi chung là Bộ luật quốc tế về quyền con người. Theo đó, Công ước trên đã ghi nhận quyền dân sự bao gồm các quyền sau:  Quyền sống; Quyền không bị tra tấn; Quyền tự do và an toàn cá nhân (còn được gọi là quyền không bị bắt hoặc giam giữ tùy tiện); Quyền tự do không bị buộc làm nô lệ hay nô dịch; Quyền được đối xử nhân đạo của người bị tước tự do; Cấm phạt tù vì nghĩa vụ dân sự; Quyền tự do đi lại và cư trú; Quyền về thủ tục khi bị trục xuất; Quyền về xét xử công bằng; Quyền được thừa nhận là thể nhân trước pháp luật; Cấm áp dụng luật hồi tố; Quyền bảo vệ sự riêng tư; Quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo; Quyền tự do biểu đạt; Bảo vệ gia đình; Bảo vệ trẻ em.

2. Thực hiện quyền và giới hạn việc thực hiện quyền dân sự

Việc xác định của pháp luật Dân sự hiện hành về quyền dân sự là một trong các quyền cơ bản của con người nên các quyền dân sự sẽ được pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, quyền dân sự có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với quy định của pháp luật.

2.1. Thực hiện quyền dân sự

Ngoài ra, theo như Bộ luật dân sự quy định thì cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ nguyên tắc trên, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định. Trên cơ sở các quy định này thì căn cứ tại Điều 9 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về thực hiện quyền dân sự như sau:

1. Cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với quy định tại Điều 3 và Điều 10 của Bộ luật này.

2. Việc cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

Trong quan hệ dân sự thì các chủ thể luôn bình đẳng với nhau, mọi giao dịch dân sự được hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự do ý chí. Các bên được quyền tự do thỏa thuận để hai bên cùng có lợi, mỗi bên đều đạt được mục đích của mình. Pháp luật luôn tôn trọng ý chí của các bên. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền dân sự thì các chủ thể phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 3 Bộ luật dân sự) vì đây là những tư tưởng chủ đạo, mang tính định hướng. Một xã hội muốn ổn định thì phải có pháp luật, chính vì vậy dù các chủ thể có thể thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình nhưng phải tuân thủ các nguyên tắc mang tính định hướng chung.

Ngoài ra, cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mực đích khác trái pháp luật. Bởi vi mọi chủ thể đều bình đẳng với nhau, không người nào có địa vị cao hơn. Do vậy, mọi người thực hiện quyền của mình phải đảm bảo không xâm phạm đến quyền của người khác.

Ngoài việc tôn trọng quyền của chủ thể trong quan hệ dân sự, pháp luật dân sự cũng quy định: khi cá nhân, pháp nhân không thực hiện quyền dân sự của mình không phải là căn cứ làm chấm dứt quyền, trừ trường hợp luật có quy định khác. Quyền là không thể bắt buộc, ai muốn thực hiện quyền của mình thì thực hiện. Ngược lại, đã là nghĩa vụ thì phải thực hiện vì nếu không thực hiện sẽ ảnh hưởng đến quyền của người khác.

Bên cạnh đó, theo như quy định tại Điều 244 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định căn cứ làm chấm dứt quyền trong trường hợp: “Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật”.

Do đó, theo khoản 1 Điều 10 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trải pháp luật.”

2.2. Giới hạn thực hiện quyền dân sự

Theo Từ điển tiếng Việt thì “Giới hạn” có nghĩa là phạm vi, mức độ nhất định, không thể hoặc không được phép vượt qua. Do đó, giới hạn việc thực hiện quyền dân sự tức là các chủ thể chỉ có thể thực hiện quyền của mình ở một mức độ nhất định, không được phép vượt qua mức do pháp luật quy định. Họ được tự do thực hiện quyền của mình nhưng phải trong khuôn khổ.

Pháp luật dân sự tôn trọng quyền của chủ thể trong quan hệ dân sự, cho phép cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình. Nhưng pháp luật dân sự cũng quy định về giới hạn thực hiện quyền dân sự và không được lạm quyền trong quan hệ dân sự. Đó là quy định: “Cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật”.

Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật dân sự tôn trọng quyền của chủ thể trong quan hệ dân sự nhưng phải xác lập, thực hiện không trái với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi chủ thể của quan hệ dân sự không tuân thủ nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015, vi phạm giới hạn thực hiện quyền dân sự, thì có thể pháp luật không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ.

Trên đây là bài phân tích mới nhất của Luật LVN Group về thực hiện quyền và giới hạn việc thực hiện quyền dân sự theo quy định mới nhất năm 2021. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến trường hợp này hoặc các vấn đề pháp luật về quyền dân sự khác, vui lòng liên hệ: 1900.0191 để được tư vấn – hỗ trợ!

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com