Tổng Kiểm toán nhà nước là ai? Quyền hạn và trách nhiệm là gì?

Giới thiệu về Tổng kiểm toán nhà nước? Trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước? Quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước?

Kiểm toán Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát tài chính ở nước ta. Đây là cơ quan hoạt động độc lập, và đứng đầu Kiểm toán nhà nước chính là Tổng Kiểm toán nhà nước. Vậy Tổng Kiểm toán nhà nước có vị trí như thế nào trong cơ quan kiểm toán và quyền hạn, trách nhiệm như thế nào? Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin về vấn đề này.

Tổng đàiLVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.0191

1. Giới thiệu về Tổng kiểm toán nhà nước:

Bản chất của hoạt động kiểm toán phản ánh mối quan hệ giữa chủ thể kiểm toán với khách thể kiểm toán thông qua hoạt động kiểm tra, đánh giá một cách độc lập nhằm kiến nghị các giải pháp quản lý và sử dụng các nguồn lực kinh tế một cách đúng đắn, hợp pháp, tiết kiệm, hiệu quả, hiệu lực để bảo vệ lợi ích của các chủ thể sở hữu và quản lý các nguồn lực kinh tế đó. 

Hiện nay, quy định về Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 12 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019. Theo đó thì người đứng đầu Kiểm toán nhà nước là Tổng Kiểm toán nhà nước, đây là cá nhân chịu trách nhiệm  về hoạt động, tổ chức của Kiểm toán nhà nước trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Quốc hội bầu, miễn nhiệm và bãi nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, Quốc hội – cơ quan quyền lực nhất Nhà nước Việt Nam đã quy định thẩm quyền và quy trình bổ nhiệm cao nhất đối với Tổng Kiểm toán nhà nước để đảm bảo tính độc lập của cơ quan kiểm toán nói chung và Tổng Kiểm toán nói riêng khi thực hiện hoạt động kiểm toán. Pháp luật hiện hành quy định nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước là 05 năm theo nhiệm kỳ của Quốc hội, đây là điểm khách biệt so với quy định cũ, khi nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước là 7 năm, dài hơn nhiệm kỳ của Quốc hội. Tổng Kiểm toán nhà nước có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tục.

Thực tế Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới cho thấy, cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo của cơ quan kiểm toán nhà nước, đặc biệt là Tổng Kiểm toán nhà nước có ảnh hưởng quan trọng đến những quyết định do chính họ ban hành trong hoạt động kiểm toán. Vì vậy, quy trình bổ nhiệm cũng như việc bãi nhiệm, miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước phải được quy định chặt chẽ và hợp lý bằng luật, theo một cách thức không làm ảnh hưởng tính độc lập của họ trong khi thực thi công việc. 

2. Trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước:

Trách nhiệm của Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 13 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019. Theo đó, là người đứng đầu quan đứng đầu Kiểm toán nhà nước, thì Tổng kiểm toán nhà nước có trách nhiệm lãnh đạo và chỉ đạo Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Đây là trách nhiệm chỉ người đứng đầu cơ quan mới có, thể hiện việc tập trung quyền lực trong hệ cơ quan kiểm toán nhà nước.

Như ở phần trên đã nói, Tổng Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Kiểm toán nhà nước, do đó, Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm trình bày báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm, báo cáo công tác trước Quốc hội việc báo cáo này được thực hiện trong các kỳ họp Quốc hội; khi Quốc hội không họp, thì Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm báo cáo trước cơ quan thường trực của Quốc hội là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại các kỳ họp Quốc hội, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Bản thân là người lãnh đạo Kiểm toán nhà nước, vì vậy mà Tổng Kiểm toán nhà nước phải nắm rõ được tình hình hoạt động của cơ quan mình để báo cáo với cơ quan quyền lực cao nhất đó là Quốc hội. 

Bên cạnh việc chịu trách nhiệm trước Quốc hội thì Tổng Kiểm toán nhà nước Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Nội dung báo cáo phải đảm bảo tính hợp pháp, đúng đắn, không vi phạm pháp luật, quá trình lập báo cáo cũng phải đảm bảo về tính hợp pháp đó. 

Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm rất có trong việc thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán nhà nước. Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm quyết định áp dụng biện pháp nào, tổ chức thực hiện như thế nào, áp dụng trong thời gian bao lâu,…. Tương tự, đối với các hoạt động phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền,… trong Kiểm toán nhà nước, thì Tổng Kiểm toán nhà nước cũng có trách nhiệm quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp phù hợp với cơ quan, đặc thù của mình.

Trách nhiệm: “Ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán, việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.” Đây là trách nhiệm mới được bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019. Tổng Kiểm toán nhà nước vừa là người có trình độ chuyên môn cũng như năng lực chính trị, nên đối với những vụ việc tham nhũng, Tổng Kiểm toán nhà nước phải đưa ra được bộ khung cơ bản để xử lý, từ đó các cơ quan cấp dưới vận dụng, chi tiết hóa bộ khung đó nhằm giải quyết việc tham nhũng một cách triệt để. 

Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm xác định, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước. Kiểm toán nhà nước cũng như các cơ quan khác đều có cơ cấu tổ chức riêng biệt, do vậy, mà Tổng Kiểm toán nhà nước phải xác định được tổ chức của cơ quan cũng như các nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận cơ quan. Quyền hạn đối với tổ chức của Kiểm toán nhà nước không chỉ dừng lại ở đó, Tổng Kiểm toán nhà nước còn có trách nhiệm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc biên chế và việc thành lập, sáp nhập, giải thể đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra, thì Tổng Kiểm toán nhà nước còn có trách nhiệm tổ chức, thực hiện các  hoạt động, biện pháp phù hợp để nhằm bảo đảm tính độc lập và chất lượng kiểm toán của cơ quan mà họ đứng đầu và có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền

3. Quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước:

Bên cạnh các trách nhiệm thì Tổng Kiểm toán nhà nước cũng có các quyền hạn riêng biệt. Đối với các chủ thể cần tiến hành kiểm toán thì Tổng Kiểm toán nhà nước có quyền ban hành quyết định kiểm toán theo luật định. 

Tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp của Chính phủ về vấn đề có liên quan đến hoạt động kiểm toán nhà nước, thì Tổng Kiểm toán nhà nước được mời tham dự để có thể đưa ra những quan điểm, nhận định, đóng góp ý kiến dưới góc độ kiểm toán nhà nước.

Quyền hạn không thể thiếu của Tổng Kiểm toán nhà nước đó chính là ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó  là việc ban hành các quyết định liên quan đến hoạt động kiểm toán như hướng dẫn quy trình kiểm toán, hay việc thi, cấp chứng chỉ kiểm toán viên,…

Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo quy định mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho Kiểm toán nhà nước; cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước thì Tổng Kiểm toán nhà nước có quyền kiến nghị lên Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán mà vi phạm để các cơ quan này biết và xử lý theo thẩm quyền.

Trường hợp kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước lên các cơ quan này không được giải quyết hoặc giải quyết không đầy đủ thì Tổng Kiểm toán nhà nước có quyền kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc quy định quyền hạn này của Tổng kiểm toán nhà nước thể hiện sự độc lập của Kiểm toán nhà nước đối với các hoạt động của nhà nước cũng như độc lập với các cơ quan nhà nước khác, khi cơ quan nào có vi phạm thì cần phải xử lý kịp thời. 

Bên cạnh việc quyết định kiểm toán theo nhiệm vụ được quy định theo luật thì Tổng Kiểm toán nhà nước còn có thẩm quyền quyết định việc kiểm toán theo đề nghị của cơ quan, tổ chức khác. Đối với các trường hợp này, thì Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ căn cứ vào yêu cầu, lý do đề nghị của cơ quan đề nghị để quyết định việc có thực hiện kiểm toán hay không. 

Tổng Kiểm toán nhà nước có quyền quyết định việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan. Do việc niêm phong, kiểm tra này có ảnh hưởng trực tiếp đến đơn vị kiểm toán, nên cần phải có xem xét kĩ lưỡng để quyết định. 

Cuối cùng là Tổng Kiểm toán nhà nước có quyền đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với Phó Tổng Kiểm toán nhà nước. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước là người giúp việc cho Tổng Kiểm toán nhà nước, nên Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ trực tiếp xem xét cũng như đánh giá năng lực của các ứng cử cho vị trí này để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com