Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng

Khái quát về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng? Quy định của pháp luật về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng?

Hầu hết các văn bản pháp luật khi nhắc đến thẩm quyền của cơ quan nhà nước đều quy định về trách nhiệm của họ, đó là các cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh hành vi của cá nhân người trong cơ quan, tránh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Điều này cũng không loại trừ đối với cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Pháp luật xây dựng đã quy định rất cụ thể về nội dung này và trong bài viết dưới đây, Luật LVN Group sẽ dựa trên các quy định đó để phân tích, bình luận và đưa ra các góc nhìn khác giúp người đọc hiểu rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.

Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

Văn bản hợp nhất Luật Xây dựng năm 2020.

1. Khái quát về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 89 thì mọi công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo luật định. Vì vậy, vai trò của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cực kỳ quan trọng, là chủ thể không thể thiếu trong mối quan hệ với cá nhân tổ chức về hoạt động cấp giấy phép xây dựng.

Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.

Vậy: Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng gồm những cơ quan nào?

Khoản 2, Khoản 3, Điều 103 Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng năm 2014 đã quy định rằng:

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh, trừ công trình quy định tại khoản 3 Điều này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng thuộc chức năng và phạm vi quản lý của cơ quan này.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý.

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Việc trao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện là hoàn toàn hợp lý, đây là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương, là cơ quan trực tiếp nắm bắt, theo dõi, đánh giá, phê duyệt và thực hiện hàng loạt các hoạt động đại diện cho sự quản lý của nhà nước tác động tới các cá nhân, tổ chức trong xã hội hoạt động xây dựng.

2. Quy định của pháp luật về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng?

Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng là những việc mà pháp luật bắt buộc cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện nhằm bảo đảm quyền, lợi ích cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng được quy định tại Điều 104 Luật Xây dựng, gồm 5 trách nhiệm cơ bản:

Thứ nhất, niêm yết công khai và giải thích, hướng dẫn các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng.

Niêm yết công khai là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện; địa điểm niêm yết công khai thường là trụ sở của Ủy ban nhân dân, đây cũng là nơi cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép xây dựng, do đó, việc tới địa điểm và có thể tiếp cận được nội dung công khai là điều có thể đạt được. Tuy nhiên, nội dung niêm yết công khai phải thực sự chọn lọc, không phải tất cả các quy định của pháp luật về cấp giấy phép xây dựng đều được niêm yết công khai, thông thường là các quy định về phí cấp, về trình tự, thủ tục, đặc biệt là hồ sơ đề nghị.

Giải thích là việc làm rõ các quy định, hướng dẫn là việc chỉ dẫn, sao cho người đề nghị cấp giấy phép xây dựng hiểu được nội dung, quy định của pháp luật, chủ động thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Việc giải thích, hướng dẫn có thể được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp (gặp người tiếp nhận hồ sơ, gọi điện thoại) hoặc gián tiếp thông qua việc tuyên truyền, tổ chức các buổi tập huấn tại Ủy ban về các quy định của pháp luật.

Trách nhiệm niêm yết công khai, giải thích, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân là trách nhiệm đối ứng với quyền yêu cầu giải thích, hướng dẫn của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

Thứ hai, theo dõi, trả kết quả hoặc thông báo cho chủ đầu tư về hồ sơ chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng.

Nếu như chủ đầu tư các trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ, chính xác, trung thực hồ sơ thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm theo dõi, trả kết quả hoặc thông báo cho chủ đầu tư về hồ sơ chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép. Thông thường, hồ sơ chưa đủ điều kiện có nhiều nguyên nhân xác định như chưa đủ một trong các tài liệu thuộc hồ sơ, một trong các tài liệu thuộc hồ sơ không còn giá trị hiệu lực, không đúng.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với mỗi trường hợp là có sự khác nhau, ví dụ:

– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với công trình không theo tuyến gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng; Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Bản sao quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư; Bản vẽ thiết kế xây dựng; Bản sao hoặc mã số chứng chỉ hành nghề của tổ chức thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng, chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình được cấp theo quy định. (Khoản 2, Điều 95 Luật Xây dựng).

Vì vậy, khi xem xét, đánh giá, theo dõi hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chú ý, nắm rõ quy định của pháp luật để đưa ra quyết định trả kết quả hay thông báo hồ sơ chưa đủ điều kiện hợp lí, tránh gây mất thời gian đối với cả hai bên.

Thứ ba, cấp giấy phép xây dựng theo quy trình và trong thời hạn theo quy định tại Điều 102 của Luật này.

Quy trình cấp giấy phép xây dựng là nội dung cực kỳ quan trọng, việc không thực hiện theo quy trình là vi phạm pháp luật và việc cấp giấy phép xây dựng sẽ không được chấp nhận. Nhìn chung, quy trình cấp giấy phép xây dựng tại Điều 102 khá phức tạp, tập trung vào giai đoạn tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa.

Thời hạn cấp giấy phép xây dựng được quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 102 là: “Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ…..”

Trách nhiệm thứ ba này cũng áp dụng trong trường hợp cấp lại, gia hạn giấy phép xây dựng.

Thứ tư, chủ trì và phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép xây dựng; đình chỉ xây dựng, thu hồi giấy phép xây dựng theo thẩm quyền khi chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm nghiêm trọng.

Hoạt động liên ngành, liên cơ quan là hoạt động đặc trưng trong quản lý nhà nước ở nước ta trong các lĩnh vực nhất định. Vì vậy, việc Ủy ban nhân dân phối hợp với cơ quan chức năng (cơ quan chuyên môn) có liên quan kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép là điều dễ hiểu.

Đình chỉ xây dựng không được quy định về trong Luật xây dựng, do đó, gần như quy định này sẽ dựa trên căn cứ là “chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm nghiêm trọng”; còn đối với trường hợp thu hồi giấy phép xây dựng, Khoản 1, Điều 101 quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép bao gồm: Giấy phép xây dựng được cấp không đúng quy định của pháp luật; Chủ đầu tư không khắc phục việc xây dựng sai với giấy phép xây dựng trong thời hạn ghi trong văn bản xử lý vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc trao quyền đình chỉ xây dựng, thu hồi giấy phép xây dựng cho Ủy ban nhân dân là hợp lý, đây là cơ quan cấp giấy phép, họ phải có trách nhiệm đối với giấy phép và nội dung hoạt động của chủ đầu tư trong giấy phép.

Thứ năm, người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm theo quy định của pháp luật.

Đây là trách nhiệm cơ bản của mọi chủ thể có nghĩa vụ, nếu đã là nghĩa vụ thì buộc phải thực hiện và việc vi phạm nghĩa vụ khiến chủ thể phải gánh chịu các trách nhiệm pháp lý nhất định. Việc chịu trách nhiệm trước pháp luật phải tuy theo tính chất, mức độ của hành vi và việc bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có thiệt hại trong thực tế diễn ra do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com