Quân nhân dự bị là gì? Quy định về trách nhiệm của quân nhân dự bị? Quyền và nghĩa vụ của quân nhân dự bị?
Xây dựng lực lượng dự bị động viên giữ vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng – an ninh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đây là nhiệm vụ cơ bản nhất, góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và đảm bảo nguồn nhân lực bổ sung, mở rộng lực lượng quân đội khi chuyển đất nước sang trạng thái chiến tranh. Điều đó thể hiện sự quán triệt quan điểm về kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp kinh tế – quốc phòng, quốc phòng – kinh tế. Đối với đất nước trong thời bình chỉ cần duy trì một lực lượng quân đội thường trực với số lượng, qui mô thích hợp, nhưng khi xảy ra chiến tranh yêu cầu quân đội cần có số quân đảm bảo để tiến hành thực hiện nhiệm vụ.
Khi nhắc tới lực lượng dự bị động viên thì không thể không nhắc tới quân nhân dự bị, sự có mặt của chủ thể này được pháp luật ghi nhận, quy định về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ làm cơ sở để tiến hành xây dựng lực lượng một cách hiệu quả và tối ưu nhất. Trong bài viết dưới đây, Luật LVN Group sẽ có sự phân tích rõ hơn, cung cấp tới người đọc quy định về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của quân nhân dự bị.
LVN Group tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
– Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019.
– Văn bản hợp nhất 24/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam do Văn phòng Quốc hội ban hành.
– Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015.
– Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.
1. Quân nhân dự bị là gì?
Theo giải thích tại Khoản 2, Điều 2 Luật Lực lượng dự bị động viên: “Quân nhân dự bị bao gồm sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị được đăng ký theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự.” Như vậy, để xác định chính xác cá nhân là quân nhân dự bị phải đi vào từng văn bản cụ thể, hơn nữa, cách định nghĩa này được thể hiện dưới dạng liệt kê mà không phải cắt nghĩa một cách chính xác nhất về quân nhân dự bị. Trong đó:
– Sĩ quan dự bị là những sĩ quan thuộc lực lượng dự bị động viên được đăng ký, quản lý, huấn luyện để sẵn sàng huy động vào phục vụ tại ngũ. (Khoản 3, Điều 6, Văn bản hợp nhất 24/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam do Văn phòng Quốc hội ban hành).
– Quân nhân chuyên nghiệp dự bị là công dân Việt Nam có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. (Khoản 4 Điều 2 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015.)
– Hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị là công dân đã đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.(Khoản 6 Điều 3 Luật nghĩa vụ quân sự 2015).
2. Quy định về trách nhiệm của quân nhân dự bị?
Như đã có sự phân tích ở mục 1, quân nhân dự bị chỉ là tên gọi chung để chỉ những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị. Ở mỗi văn bản điều chỉnh đối với các đối tượng cụ thể đều ghi nhận về trách nhiệm của các chủ thể này. Tuy nhiên, với việc xác định trách nhiệm của quân nhân dự bị nói chung trong mối quan hệ với đơn vị dự bị động viên, thì tại Điều 4 Luật Lực lượng dự bị động viên cũng đã đưa ra các nội dung về trách nhiệm của quân nhân dự bị được xếp trong đơn vị dự bị động viên. Đây cũng sẽ là điều luật trọng tâm được tác giả phân tích dưới đây.
Tại Điều 4 quy định về trách nhiệm của quân nhân dự bị nói chung và quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên nói riêng, trong đó, quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên có trách nhiệm “bao trùm” lên quân nhân sự bị, cụ thể:
Thứ nhất, kiểm tra sức khỏe. Sức khỏe là một trong những nội dung quan trọng nhất được được áp dụng đối với quân nhân. Vì vậy, việc kiểm tra sức khỏe khi xếp vào đơn vị dự bị đồng viên là điều hoàn toàn cần thiết để xác định năng lực huấn luyện và chiến đấu.
Thứ hai, thực hiện lệnh gọi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu. Đây là trách nhiệm cơ bản và nòng cốt nhất, đúng với bản chất trong sự tồn tại của quân nhân, việc thực hiện huấn luyện, diễn tập là cơ sở để quân nhân dự bị đủ năng lực thực chiến, chuẩn bị tinh thần và các kỹ năng cơ bản cho việc chiến đấu trong tương lai.
Thứ ba, thực hiện chế độ sinh hoạt đơn vị dự bị động viên và nhiệm vụ do người chỉ huy giao. Chế độ sinh hoạt ở đây bao gồm nội dung sinh hoạt, hình thức sinh hoạt và thời gian sinh hoạt. Chế độ sinh hoạt đối với quân nhân dự bị tại đơn vị dự bị động viên khá đặc trưng và được giám sát chặt chẽ, hơn nữa, chỉ huy là người có quyền rất lớn trong việc tác động, chỉ đạo, điều hành về chế độ sinh hoạt này.
Thứ tư, thực hiện lệnh huy động để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân. Trách nhiệm này mang đúng bản chất “dự bị” để phục vụ tại ngũ. Lệnh huy động được coi là mệnh lệnh bắt buộc để chuyển quân nhân dự bị sang lực lượng thường trực, chính thức hưởng các chế độ và cấp bậc, các quy định khác theo đối tượng cụ thể được pháp luật ghi nhận.
Ngoài ra, quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên còn có trách nhiệm:
Một là, nắm tình hình số lượng, chất lượng đơn vị; duy trì đơn vị sinh hoạt theo chế độ và thực hiện chế độ báo cáo. Trách nhiệm này là cách để duy trì thống nhất đơn vị dự bị động viên, trong đó, quân nhân dự bị là đội tượng tác động chủ yếu. Việc giao trách nhiệm này cho phép quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên có những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định.
Hai là, quản lý, chỉ huy đơn vị khi huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu; quản lý, chỉ huy đơn vị để bổ sung cho lực lượng thường trực của Quân đội nhân dân. Thông thường, quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên phải là người có năng lực chuyên môn, có sức khỏe tốt, có khả năng chủ huy, quản lý và được bổ nhiệm thực hiện, vì vậy, việc họ có trách nhiệm quản lý, chỉ huy là điều dễ hiểu và cũng là cách để huấn luyện, diễn tập được diễn ra hiệu quả hơn.
3. Quyền và nghĩa vụ của quân nhân dự bị?
Có thể nhận định rằng, Luật Lực lượng dự bị động viên không có bất cứ một điều luật cụ thể nào để ghi nhận về quyền và nghĩa vụ của quân nhân dự bị, có chăng, nội dung này chỉ được phản ánh trong từng các điều luật và được nhắc đến như một khía cạnh nhỏ mà không thực sự được chú trọng. Tuy nhiên, nghĩa vụ và trách nhiệm ở một góc độ nào đó là hai phạm trù khác nhau, nhưng khi nói đến quân nhân dự bị, hầu hết đều gắn chủ thể này với trách nhiệm vì vậy, ở mục này, tác giả chỉ tập trung vào phân tích về quyền của quân nhân dự bị.
Hơn nữa, các quyền của quân nhân dự bị dưới đây là được dựa trên các văn bản chuyên ngành cụ thể, chẳng hạn:
Tại Điều 43, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam quy định về quyền lợi của sĩ quan dự bị bao gồm:
Một là, được hưởng phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên; trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp, được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở quân y và được hưởng các chế độ khác do Chính phủ quy định; được miễn thực hiện nghĩa vụ lao động công ích.
Quyền lợi này chủ yếu gắn với các quyền lợi về “tài chính”, đây cũng là quyền lợi cơ bản mà hầu hết các quân nhân dự bị đều được hưởng, nhằm có sự chuẩn bị chu đáo để họ có thể bước vào hoạt động huấn luyện một cách toàn tâm nhất, hơn nữa, các chế độ này cũng nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản cho một lực lượng đặc biệt mà hoạt động của họ trong thời gian huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu không thể tạo ra của cải vật chất để chăm sóc bản thân và gia đình.
Hai là, sĩ quan dự bị được gọi vào phục vụ tại ngũ trong thời bình, khi hết thời hạn được trở về cơ quan hoặc địa phương trước khi nhập ngũ và tiếp tục phục vụ trong ngạch dự bị; trường hợp quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ tiêu chuẩn thì được chuyển sang ngạch sĩ quan tại ngũ.
Quyền lợi này nhằm tạo sự linh hoạt cho chính sĩ quan dự bị cũng như nhằm đáp ứng yêu cầu về lực lượng phục vụ tại ngũ, phù hợp với biên chế, bởi việc xác định sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ sẽ làm thay đổi các tiêu chuẩn, chế độ, vì vậy, phải được xem xét kỹ lưỡng.
Bên cạnh quy định này, các Điều 43 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Điều 51, Luật Nghĩa vụ quân sự cũng quy định về chế độ, chính sách áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị, đây đều là những quyền lợi mà quân nhân dự bị được hưởng với địa vị pháp lý mà mình đang có.