Trình báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần

Trình báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần là gì? Quy định của pháp luật về trình báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần?

Công ty cổ phần là mô hình doanh nghiệp được nhiều người lựa chọn và là mô hình phổ biến hiện nay. Chính vì vậy mà những vấn đề pháp lý xoay quanh công ty cổ phần cũng được quan tâm hơn cả. Bài viết này cung cấp cho bạn đọc thông tin về hoạt động trình báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần.

Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191

Cơ sở pháp lý: Luật Doanh nghiệp năm 2020

1. Trình báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần là gì?

Trình báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần là hoạt động thường xuyên của công ty cổ phần do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thực hiện để báo cáo các vấn đề về hoạt động kinh doanh cũng như tổ chức quản lý của công ty cổ phần lên Đại hội đồng cổ đông sau khi kết thúc một năm tài chính.

Bởi lẽ hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty cổ phần, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công ty, trừ các quyền và nghĩa vụ thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Chính vì vậy mà đối với các hoạt động kinh doanh, đối với các công tác quản lý, điều hành công ty, Hội đồng quản trị là cơ quan nắm bắt rõ nhất nên việc báo cáo về các kết quả sau một năm hoạt động của công ty cổ phần được giao cho Hội đồng quản trị. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát, thẩm định nhằm đảm bảo hoạt động của các bộ phận khác trong công ty là đúng đắn thì cũng cần thiết nên cần Ban kiểm soát cũng tham gia vào trình báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần.

Báo cáo thường niên của công ty cổ phần sau khi được soạn thảo bởi Hội đồng quản trị sẽ trình lên cho Đại hội đồng cổ đông bởi đây là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Đại hội đồng cổ đông cần nhìn nhận lại để nắm được tổng thể những hoạt động của công ty cổ phần trong một năm vừa qua, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục hạn chế, rút kinh nghiệm và đưa ra những chiến lược phát triển công ty trong những năm tiếp theo.

Từ những phân tích trên, bạn đọc đã phần nào hiểu được cơ bản hoạt động trình báo thường niên hằng năm của công ty cổ phần. Vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động này sẽ được chúng tôi trình bày cụ thể ở phần tiếp sau đây.

2. Quy định của pháp luật về trình báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần?

Trình báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần được quy định tại Điều 175 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cụ thể như sau:

– Khi kết thúc năm tài chính, Hội đồng quản trị phải trình Đại hội đồng cổ đông báo cáo sau đây:

+ Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty

Báo cáo kết quả kinh doanh là bảng báo cáo phản ánh tình hình và kết quả của các hoạt động kinh doanh mà công ty cổ phần thực hiện trong 1 năm vừa qua, bao gồm các hoạt động kinh doanh chính và các hoạt động tài chính, các hoạt động khác của công ty cổ phần.

Báo cáo kết quả kinh doanh cần thể hiện một số nội dung như doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, giá vốn hàng bán, lợi nhuận, doanh thu hoạt động tài chính,… (Bạn đọc xem thêm tại Điều 113 Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn lập và trình bày báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh).

+ Báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính của công ty cổ phần dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của công ty cổ phần, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.

Theo đó, một báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về: tài sản; nợ phải trả; vốn chủ sở hữu; doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác; lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh; các luồng tiền;… Ngoài ra, Hội đồng quản trị còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm để giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính tổng hợp cũng như các chính sách kế toán đã áp dụng.

Đối với công ty cổ phần mà pháp luật yêu cầu phải kiểm toán thì báo cáo tài chính hằng năm của công ty cổ phần phải được kiểm toán trước khi trình Đại hội đồng cổ đông xem xét, thông qua. Đây được xem là một trong những quy định nhằm xác định tính trung thực, đúng đắn và hợp lý của các báo cáo tài chính.

Điều 15 Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 hướng dẫn thi hành Luật Kiểm toán độc lập, những đối tượng sau bắt buộc phải kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm gồm:

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm.

Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Các doanh nghiệp, tổ chức khác bắt buộc phải kiểm toán theo quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, còn tùy theo yêu cầu của khách hàng, đối tác khi tham gia đấu thầu, hợp tác kinh doanh mà Hội đồng quản trị có quyết định kiểm toán báo cáo tài chính hay không.

+ Báo cáo đánh giá công tác quản lý, điều hành công ty

Trong báo cáo đánh giá công tác quản lý, điều hành công ty, Hội đồng quản trị có thể nêu việc thực thi pháp luật doanh nghiệp cũng như Điều lệ của công ty trong công tác điều hành, quản lý; Hội đồng quản trị với công tác quản trị công ty và giám sát điều hành kinh doanh của Giám đốc, Tổng Giám đốc và các bộ phận khác của công ty; Hội đồng quản trị điều hành kinh doanh, điều hành và quản lý tài chính của công ty; Hội đồng quản trị trình bày những cuộc họp Hội đồng quản trị trong năm qua, báo cáo thù lao và chi phí của Hội đồng quản trị;…

Từ việc đánh giá công tác quản lý, điều hành công ty, Hội động quản trị đưa ra các định hướng chiến lược phát triển kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo.

+ Báo cáo thẩm định của Ban kiểm soát

Trong báo cáo này, Ban kiểm soát nêu tình hình hoạt động của Ban kiểm soát, tình hình hoạt động tài chính và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty trong năm vừa qua; nhận xét về công tác quản lý của Hội đồng quản trị; nhận xét về công tác điều hành của Tổng Giám đốc.

– Ngoài ra cũng cần lưu ý, chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, các báo cáo như báo cáo kết quả kinh doanh của công ty, báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá công tác quản lý, điều hành công ty phải được gửi đến Ban kiểm soát để thẩm định, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. Trường hợp Điều lệ công ty quy định không cần thẩm định hoặc quy định thời hạn thẩm định khác thì thực hiện theo Điều lệ công ty.

Để tiến hành việc thẩm định các báo cáo, các Kiểm soát viên của Ban kiểm soát tiến hành tiếp cận các hồ sơ, tài liệu lưu trữ của công ty (tại trụ sở chính hay các chi nhánh, các địa điểm khác), đến các địa điểm làm việc của người quản lý và nhân viên của công ty trong giờ làm việc để kiểm tra xác minh. Ban kiểm soát kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; tính hệ thống, nhất quán và phù hợp của công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính. Khi được Ban kiểm soát yêu cầu, Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người quản lý khác phải cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về công tác quản lý, điều hành và hoạt động kinh doanh của công ty.

Khi tiến hành thẩm định, Ban kiểm soát phải thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp và trung thực của báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hằng năm báo cáo đánh giá công tác quản lý của Hội đồng quản trị và trình báo cáo thẩm định tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

– Tất cả các báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần đều phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty chậm nhất là 10 ngày trước ngày khai mạc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên nếu Điều lệ công ty không quy định thời hạn khác dài hơn. Cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục ít nhất 01 năm có quyền tự mình hoặc cùng với LVN Group, kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề trực tiếp xem xét các báo cáo này.

Theo đó, pháp luật trao thẩm quyền này cho cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục ít nhất 01 năm nhằm kiểm tra lại sự chính xác của các báo cáo này trong trường hợp có nghi ngờ tính đúng đắn của nó hoặc để xem xét, chuẩn bị các định hướng chiến lược trước khi cuộc họp Đại hội đồng cổ đông diễn ra. Tuy nhiên, thẩm quyền này là thẩm quyền trực tiếp, nghĩa là cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục ít nhất 01 năm phải trực tiếp (có thể một mình hoặc đi cùng với LVN Group, kế toán viên, kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề) thực hiện việc xem xét chứ không được ủy quyền cho một ai khác để xem xét các báo cáo này.

Thông qua những phân tích trên, có thể thấy những vấn đề pháp lý xoay quanh hoạt động của công ty cổ phần được quy định rất chặt chẽ. Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về hoạt động trình báo cáo thường niên hằng năm của công ty cổ phần để bạn có thể nắm được những quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này và thực hiện có hiệu quả nhất.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com