Trường hợp nào nhà ở xây dựng không phép không phải phá dỡ?

Trường hợp nào nhà ở xây dựng không phép không phải phá dỡ? Nhà ở xây dựng không phép có bắt buộc phải tháo dỡ không? Có bị cưỡng chế tháo dỡ không?

Bên cạnh các trường hợp buộc phải phá dỡ công trình xây dựng không phép, trái phép thì pháp luật còn quy định những trường hợp xây dựng trái phép không bị phá dỡ. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì có 8 trường hợp xây dựng không phép, trái phép không bị phá dỡ. Theo đó, nhà ở xây dựng không phép để không phải phá dỡ, muốn tồn tại thì phải đáp ứng 6 điều kiện theo quy định hiện hành.

1. Quy định về các trường hợp phá dỡ công trình xây dựng:

Căn cứ theo quy định tại Điều 118 Luật xây dựng 2014, phá dỡ công trình xây dựng được quy định như sau:

– Việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong các trường hợp sau:

+ Để giải phóng mặt bằng xây dựng công trình mới, công trình xây dựng tạm;

+ Công trình có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận;

+ Công trình xây dựng trong khu vực cấm xây dựng theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật này;

+ Công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng;

+ Công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng sai với thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng;

+ Nhà ở riêng lẻ có nhu cầu phá dỡ để xây dựng mới.

– Việc phá dỡ công trình xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Phá dỡ công trình chỉ được thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

+ Phá dỡ công trình phải được thực hiện theo phương án, giải pháp phá dỡ được duyệt, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường.

– Trách nhiệm của các bên trong việc phá dỡ công trình xây dựng được quy định như sau:

+ Tổ chức, cá nhân được giao tổ chức thực hiện việc phá dỡ công trình phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều này; chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do mình gây ra;

+ Tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc đang sử dụng công trình thuộc diện phải phá dỡ phải chấp hành quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ;

+ Người có thẩm quyền quyết định phá dỡ công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do không ban hành quyết định, quyết định không kịp thời hoặc quyết định trái với quy định của pháp luật.

2. Các trường hợp nhà ở xây dựng không phép không phải phá dỡ:

Theo Điều 79 Điều khoản chuyển tiếp của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định như sau:

– Hành vi vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền nhưng chưa thực hiện thì tiếp tục thực hiện hoặc cưỡng chế thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (viết tắt là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (viết tắt là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP).

– Hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP, xảy ra sau ngày Nghị định số 180/2007/NĐ-CP có hiệu lực, mà đã kết thúc trước ngày Nghị định này có hiệu lực, đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì xử lý theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.

– Hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6, điểm b khoản 7 Điều 13 và khoản 2 Điều 70 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, mà đã kết thúc trước ngày Nghị định này có hiệu lực, đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì xử lý theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.

– Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, mà đã có quyết định xử lý theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, nay lại tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

– Không áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp tính theo tỷ lệ giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ.

– Bộ Xây dựng quy định chi tiết các trường hợp và cách tính số lợi bất hợp pháp đối với công trình, phần công trình xây dựng vi phạm tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Điều này được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 03/2018/TT-BXD về áp dụng quy định chuyển tiếp tại Điều 79 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP như sau:

– Hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng; xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng được phê duyệt hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP nếu đáp ứng đủ 6 điều kiện sau đây:

+ Hành vi vi phạm xảy ra từ ngày 04/01/2008 và đã kết thúc trước ngày 15/01/2018 nhưng sau ngày 15/01/2018 mới được người có thẩm quyền phát hiện hoặc đã được phát hiện trước ngày 15/01/2018 và đã có một trong các văn bản sau đây: Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả;

+ Không vi phạm chỉ giới xây dựng;

+ Không ảnh hưởng các công trình lân cận;

+ Không có tranh chấp;

+ Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp;

+ Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

– Kể từ ngày 15/01/2018, cá nhân, tổ chức xây dựng nhà ở riêng lẻ có hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được miễn áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.

Theo quy định trên chúng ta có thể thấy, trước khi khởi công xây dựng công trình, phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Theo khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014, công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Theo quy định, những công trình vi phạm xây dựng trước ngày 1 tháng 5 năm 2009 được tồn tại khi không lấn chiếm không gian, đất đai, không lấn chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.

Và cũng theo quy định thì một số trường hợp phát sinh mái che cầu thang, tầng lửng, tầng kỹ thuật… cũng không bị xem là xây dựng sai phép nên sẽ được xử lý cho tồn tại. Trong nhiều trường hợp không phải tất cả các trường hợp xây dựng không phép, trái phép nộp phạt sẽ được phép tồn tại mà chỉ những trường hợp quy định tại khoản 2, 3 Điều 79 Nghị định 139/2017/NĐ-CP sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng. Những trường hợp xây dựng không phép, trái phép kể từ ngày 15/01/2018 trở về sau thì không được nộp phạt để tránh bị phá dỡ dù có đủ điều kiện.

Do vậy, hiện nay trước khi khởi công xây dựng công trình thì phải có giấy phép (trừ được hợp được miễn) và phải thi công theo đúng giấy phép để tránh bị phá dỡ. Thực tế cho thấy, quy định xử phạt đối với những trường hợp vi phạm như xây dựng sai phép, không phép đã liên tục có những bước lùi như khi thì cho nộp phạt để tồn tại, khi không; cho 60 ngày để “chạy” giấy tờ và bây giờ là xét một số điều kiện để được tồn tại. Thực tế tại các địa phương, việc xử lý dứt điểm các công trình trên không khó nhưng các cơ quan chức năng không làm, một phần không muốn “bươi” sai phạm ra vì có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều người.

Không những vậy, việc xử lý vi phạm xây dựng lại vướng bởi sự không rõ ràng của Nghị định 121. Nghị định này quy định khi công trình thỏa mãn một số điều kiện thì chủ đầu tư được nộp phạt cho phần vi phạm xây dựng, bằng 40 – 50% giá trị phần vi phạm, tùy công trình là nhà ở riêng lẻ hay dự án. Thay vì bắt buộc các chủ đầu tư phải tháo dỡ ngay các diện tích vi phạm và tổ chức cưỡng chế để răn đe, để thấy được sự nghiêm minh của pháp luật thì nhiều địa phương đã chấp thuận cho vi phạm tồn tại bằng cách cho các công trình này hoàn công sau khi đóng một khoản phạt khá tượng trưng.

Do sự không nghiêm minh của pháp luật, của những người thực thi pháp luật, nên có một thực tế đang diễn ra là rất nhiều quyết định xử phạt vi phạm đã đưa ra nhưng mất hàng năm trời không thực hiện được đã gây bức xúc, thiệt hại rất lớn cho người dân, những người thực thi pháp luật một cách nghiêm túc. Cách xử lý thiếu dứt khoát, tạo nhiều kẽ hở là một trong những lý do dẫn đến tình hình xây dựng không phép, trái phép diễn ra tràn lan. Do tâm lý chờ đợi hợp thức hóa nhà xây sai phép, không phép nên người ta cứ vô tư vi phạm và cứ thế điều này chỉ làm tình trạng xây dựng trái phép không có hồi kết.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com