Tự do hóa tỷ giá hối đoái? Điều kiện thực hiện và công thức tính hối đoái?
Tỷ giá hối đoái là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng của mỗi quốc gia. Lịch sử phát triển và vai trò của tỷ giá hối đoái gắn liền với quá trình lớn mạnh không ngừng của nền kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế. Tỷ giá tác động hầu hết đến các mặt hoạt động của nền kinh tế như tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, tình trạng tài chính tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp…. Từ đó đã dẫn đến chính sách của nhà nước trong việc tự do hóa tỷ giá hối đoán và xem đó như một cách thức để phát triển kinh tế vững chắc. Vậy, tự do hóa tỷ giá hối đoái là gì? Điều kiện thực hiện và công thức tính hối đoái như thế nào? Câu trả lời sẽ được Luật LVN Group cung cấp trong bài viết dưới đây.
LVN Group tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
Cơ sở pháp lý:
Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất Pháp lệnh Ngoại hối do Văn phòng Quốc hội ban hành.
Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi.
1. Tự do hóa tỷ giá hối đoái?
Mỗi quốc gia hiện nay thường tạo dựng cho mình một đồng tiền riêng, đồng tiền nước này là ngoại tệ của nước khác, việc thanh toán giữa các quốc gia đòi hỏi phải sử dụng đồng tiền này đổi lấy đồng tiền kia, từ đó lại xuất hiện hai khái niệm cụ thể hơn về tỷ giá hối đoái xét trên phạm vi một quốc gia. Theo giải thích tại Khoản 9, Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối: “Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam.”. Tỷ giá hối đoái có một quá trình phát triển lâu dài, trải qua nhiều chế độ khác nhau, các chế độ tỷ giá hối đoái luôn gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thương mại thế giới.
Nhắc đến tự do hóa tỷ giá hối đoái là nhắc đến cơ chế tỷ giá hối đoái, ở đó, tỷ giá hối đoái phụ thuộc trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, việc tự do hóa tỷ giá hối đoái phải làm giảm, hạn chế hoặc loại bỏ một hoặc một số các rào cản do chính nhà nước đặt ra để can thiệp quá sâu, tác động vào tỷ giá hối đoái. Khoản 1 Điều 15 Nghị định 70/2014/NĐ-CP, quy định về sự can thiệp này như sau: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều tiết tỷ giá hối đoái thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ và thực hiện phương án can thiệp trên thị trường ngoại tệ.“.
Minh chứng cho việc tự do hóa tỷ giá hối đoái, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 70/2014/NĐ-CP cũng nêu rõ: “Chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ“.
Việc áp dụng chế đội tỷ giá thả nổi thường thấy ở các nước hiện nay là xác định một mức tỷ giá hối đoái chính thức và một biên độ dao động, nếu tỷ giá trên thị trường dao động vượt quá biên độ dao động cho phép so với tỷ giá chính thức thì can thiệp của nhà nước sẽ được thực hiện để duy trì biên độ đó. Nếu tình hình kinh tế có những biến động lớn thì mức tỷ giá hối đoái cũng như biên độ giao động cho phép cũng thường được nhà nước xác định và công bố lại. Trong chế độ này, việc can thiệp dẫn đến những biến động tỷ giá trên thị trường phụ thuộc vào việc đánh giá của các nhà điều hành chính sách kinh tế vĩ mô về các biến số, các mục tiêu của nền kinh tế.
2. Điều kiện thực hiện và công thức tính hối đoái?
Thực tế pháp luật cho thấy không có một quy định cụ thể nào về điều kiện thực hiện việc tính tỷ giá hối đoái và cũng không có một công thức cụ thể để xác định về tỷ giá mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính chuyên môn cao, yêu cầu phải tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn và được đạo tạo cụ về lĩnh vực này.
Trong quá trình theo dõi sự vận động của tỷ giá hối đoái, các nhà kinh tế đưa ra hai khái niệm về tỷ giá là tỷ giá hối đoái danh nghĩa và tỷ giá hối đoái thực tế. Chúng ta lần lượt bàn về từng loại và xem xét về mối quan hệ giữa chúng:
– Tỷ giá hối đoái danh nghĩa: Tỷ giá hối đoái danh nghĩa là giá tương đối giữa hai đồng tiền, nó phản ánh tỷ lệ chuyển đổi giữa hai đồng tiền và được biết đến nhiều thông qua các thị trường tài chính tiền tệ, các phương tiện truyền thông đại chúng… Khi nói đến tỷ giá hối đoái giữa hai nước, người ta thường ám chỉ tỷ giá hối đoái danh nghĩa.
– T ỷ giá hối đoái thực tế: Tỷ giá hối đoái thực tế là giá tương đối của hàng hóa ở hai nước. Tức là tỷ giá hối đoái thực tế cho chúng ta biết tỷ lệ mà dựa vào đó hàng hóa của một nước được trao đổi với hàng hóa của nước khác. Tỷ giá hối đoái thực tế đôi khi được gọi là tỷ lệ trao đổi. Tỷ giá hối đoái thực tế phản ánh tính cạnh tranh của nền kinh tế và được đo bằng tỷ lệ so sánh mặt bằng giá cả giữa hai quốc gia.
Tỷ giá hối đoái thực tế đối với một loại hàng hóa duy nhất được tính bởi công thức :
Tỷ giá hối đoái thực tế = (Tỷ giá hối đoái danh nghĩa x Giá hàng nội)/Giá hàng ngoại
Tỷ lệ trao đổi giữa hàng nội và hàng ngoại phụ thuộc vào giá hàng hóa được tính bằng nội tệ và tỷ giá mà tại đó hai đồng tiền được trao đổi với nhau.
Từ công thức tính tỷ giá hối đoái thực tế của một loại hàng hóa duy nhất, người ta đưa ra công thức tính tỷ giá hối đoái của một giỏ hàng hóa rộng hơn. Ký hiệu e là tỷ giá hối đoái danh nghĩa ;P là mức giá trong nước và P*là mức giá nước ngoài. Khi đó tỷ giá hối đoái thực tế ε được tính bởi công thức sau:
Tỷ giá hối đoái thực tế ε = Tỷ giá hối đoái danh nghĩa e x Tỷ số các mức giá P/P*
Từ công thức trên cho thấy :nếu tỷ giá hối đoái thực tế cao thì có nghĩa là hàng ngoại tương đối rẻ và hàng ngoại tương đối đắt. Ngược lại, nếu tỷ giá hối đoái thực tế thấp thì hàng ngoại tương đối đắt và hàng ngoại tương đối rẻ. Ngoài hai khái niệm cơ bản trên về tỷ giá, thực tế trong nền kinh tế thị trường còn tồn tại nhiều loại tỷ giá khác nhau. Nếu dựa trên tiêu thức là đối tượng quản lý thì có tỷ giá chính thức (tỷ giá được công bố trên thị trường để làm cơ sở cho các hoạt động giao dịch…) và tỷ giá thị trường (tỷ giá được hình thành thông qua các giao dịch cụ thề của các thành viên trên thị trường).Nếu dựa trên kỹ thuật giao dịch thì cơ bản có hai loại là tỷ giá mua/bán giao ngay và tỷ giá mua /bán kỳ hạn.
Như vậy, giữa tỷ giá hối đoái danh nghĩa và tỷ giá hối đoái thực tế có mối quan hệ mật thiết, tác động, trong đó tỷ giá hối đoái danh nghĩa là nền tảng cho tỷ giá hối đoái thực tế.
Đối với mỗi cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái thì các công thức tình tỷ giá hối đoái có sự khác biệt, chẳng hạn:
– Tỷ giá được hình thành trên ngang giá vàng:
Tỷ giá hối đoái (đồng A/đồng B) = (Hàm lượng vàng trong 1 đơn vị tiền A)/ (Hàm lượng vàng trong 1 đơn vị tiền B).
Dưới chế độ bản vị vàng, khi tiền giấy tự do đổi ra vàng và ngược lại, thì mọi biến động của tỷ giá hối đoái sẽ tự động được điều chỉnh về mức cân bằng.
– Thuyết ngang giá sức mua được xây dựng trên sự phát triển qui luật một giá cho rằng:
Tỷ giá hối đoái giữa tiền tệ hai quốc gia sẽ bằng tỷ lệ giữa mức giá của hai quốc gia đó. Từ đây, tỷ giá hối đoái được hình thành như sau: nếu xem PD là mức giá của giỏ hàng hóa trong nước (tính bằng nội tệ), PF là mức giá của giỏ hàng hóa (tính bằng ngoại tệ) thì : Tỷ giá hối đoái (số đơn vị nội tệ /1 đơn vị ngoại tệ) = PD / PF
Quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao, giữa các nước trên thế giới đã phát sinh quan hệ thanh toán quốc tế. Mỗi quốc gia đều có một đồng tiền riêng nên trong giao dịch quốc tế phải chuyển đổi đồng tiền nước này sang đồng tiền nước khác theo một tỷ lệ nhất định . Như vậy, mọi hoạt động quan hệ quốc tế đều phải thông qua tiền tệ và tỷ giá hối đoái có vai trò quan trọng trong việc xác định giá cả đồng tiền.
Trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, việc nhìn nhận thực trạng cán cân thanh toán quốc tế của một nước là đòi hỏi cần thiết trong việc hoạch định và điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Một trong những nhân tố có mối liên hệ chặt chẽ với cán cân thanh toán là tỷ giá hối đoái. Trên thực tế, đã nhiều nước dùng chính sách phá giá để cải thiện cán cân thanh toán nhưng thành công hay thất bại lại phụ thuộc vào điều kiện của mỗi nước, nhất là chế độ tỷ giá được lựa chọn ở nước đó.