Ưu và nhược điểm của quy định về thời hạn chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại

Ưu và nhược điểm của quy định về thời hạn chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại. Các quy định về vấn đề hợp đồng đại lý có điểm gì lưu ý?

Uu-va-nhuoc-diem-cua-quy-dinh-ve-thoi-han-cham-dut-hop-dong-dai-ly-thuong-mai.jpgUu-va-nhuoc-diem-cua-quy-dinh-ve-thoi-han-cham-dut-hop-dong-dai-ly-thuong-mai.jpgLuật thương mại 2005 có quy định về thời hạn đại lý như sau:

Điều 177. Thời hạn đại lý

1. Trừ trường hợp có thoả thuận khác, thời hạn đại lý chỉ chấm dứt sau một thời gian hợp lý nhưng không sớm hơn sáu mươi ngày, kể từ ngày một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia về việc chấm dứt hợp đồng đại lý.

2. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đại lý có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường một khoản tiền cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý đó.

Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý.

3. Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý.

Quy định của pháp luật về chấm dứt thời hạn đại lý có những ưu điểm và hạn chế. Cụ thể như sau:

1. Ưu điểm:

Quy định về chấm dứt thời hạn đại lý trong quan hệ đại lí thương mại trong Luật thương mại 2005 có nhiều điểm tiến bộ so với quy định trong Luật thương mại 1997. Điều 126 Luật thương mại 1997 quy định về các trường hợp được chấm dứt hợp đồng đại lý, trong đó : “một bên có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng khi việc vi phạm hợp đồng của bên kia là điều kiện để đình chỉ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận” . Nói cách khác, theo quy định của Luật thương mại 1997, các bên chỉ có quyền chấm dứt thời hạn đại lý khi bên kia không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, Luật thương mại 2005 quy định rộng hơn các trường hợp chấm dứt thời hạn đại lý của các bên, nếu không có thỏa thuận gì khác thì các bên có quyền chấm dứt thời hạn hợp đại lý bất cứ khi nào nhưng phải thông báo bằng văn bản trước một khoảng thời gian ít nhất là sáu mươi ngày.

So với quy định của Bộ Luật dân sự 2005 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ thì quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý được quy định tại Luật thương mại 2005 cũng có sự mở rộng về các trường hợp đơn phuơng chấm dứt hợp đồng. Sự tự do chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại được quy định trong Luật thương mại 2005 sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên kia bởi quan hệ đại lý thương mại có sự gắn kết, phụ thuộc cao.

Uu-va-nhuoc-diem-cua-quy-dinh-ve-thoi-han-cham-dut-hop-dong-dai-ly-thuong-mai.jpgUu-va-nhuoc-diem-cua-quy-dinh-ve-thoi-han-cham-dut-hop-dong-dai-ly-thuong-mai.jpg

>>> LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191

2. Hạn chế:

Là hoạt động trung gian thương mại, đại lý thương mại có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, pháp luật quy định về hoạt động này vẫn còn chưa đáp ứng được những nhu cầu phát triển trên thực tế mặc dù hoạt động đại lý được quy định trong Luật thương mại 2005 cũng như nhiều luật chuyên ngành như hoạt động đại lý xăng dầu, hoạt động đại lý tàu biển, đại lý lữ hành du lịch

Mặc dù có những điểm tiến bộ so với Luật thương mại 1997, nhưng quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong quan hệ đại lí thương mại vẫn tồn tại những điểm bất cập. Cụ thể:

Thứ nhất, về các trường hợp chấm dứt thời hạn đại lý thương mại. Luật thương mại 2005 quy định mở rộng các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại. Theo đó, nếu không có thỏa thuận khác, các bên có quyền chấm dứt hợp đồng đại lý thương mại mà chỉ cần thông báo cho bên kia bằng văn bản trong thời hạn quy định. Cụ thể, pháp luật quy định thời hạn báo trước việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý ít nhất sáu mươi ngày để bên kia có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh lại hoạt động đại lý của mình trước khi chấm dứt hoàn toàn quan hệ đại lý. Quy định cụ thể thời hạn báo trước cũng như hình thức thông báo nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đại lý. Có thể thấy, quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý không cần lý do phù hợp với tinh thần chung của Luật thương mại 2005, phù hợp điều kiện hội nhập của đất nước.

Tuy nhiên, quy định tự do đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý của các bên trong nhiều trường hợp sẽ làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bên kia, đồng thời quy định này cũng khiến cho quan hệ đại lý không còn được vững chắc, gắn bó đúng như bản chất của nó, thương nhân cũng thiếu sự tin tưởng khiến cho việc thúc đẩy hoạt động thương mại thông qua đại lý thương mại cũng bị ảnh hưởng phần nào.

Thứ hai, Khoản 3 Điều 177 Luật thương mại năm 2005 quy định: “Trường hợp hợp đồng đại lý được chấm dứt trên cơ sở yêu cầu của bên đại lý thì bên đại lý không có quyền yêu cầu bên giao đại lý bồi thường cho thời gian mà mình đã làm đại lý cho bên giao đại lý”. Quy định như vậy chưa thực sự hợp lý, chưa bảo vệ được quyền lợi của bên đại lý trong trường hợp bên giao đại lý không thực hiện, thực hiện không đủ, thực hiện không đúng nghĩa vụ buộc bên đại lý phải chấm dứt hợp đồng.

Thứ ba, về hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý:

– Về việc đòi bồi thường của bên đại lý khi bên giao đại lý thông báo chấm dứt hợp đồng quy định chưa hợp lý, chưa bao quát được tất cả các trường hợp. Không phải trong bất cứ trường hợp nào bên giao đại lý yêu cầu chấm dứt hợp đồng cũng là vi phạm hợp đồng đã kí. Ví dụ như đối với hợp đồng đại lý không xác định thời hạn, trong trường hợp không có vi phạm thì việc trả tiền bồi thường đối với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý của bên giao đại lý cần được xác định hợp lý hơn.

– Về mức bồi thường khi bên giao đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng: Điều 177 Luật thương mai 2005 quy định “Giá trị của khoản bồi thường là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý cho mỗi năm mà bên đại lý làm đại lý cho bên giao đại lý. Trong trường hợp thời gian đại lý dưới một năm thì khoản bồi thường được tính là một tháng thù lao đại lý trung bình trong thời gian nhận đại lý”. Cách quy định giá trị khoản bồi thường như vậy mang tính chủ quan, không phù hợp với nguyên tắc tính bồi thường thiệt hại. Hơn nữa, trên thực tế quan hệ đại lý thường được thực hiện trong thời gian dài và để thực hiện dịch vụ đại lý cho bên giao đại lý, bên đại lý có thể phải bỏ khá nhiều chi phí. Nếu bên giao đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng đại lý sẽ gây thiệt hại cho bên đại lý.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com