Yêu cầu độc lập là gì? Quy định về yêu cầu độc lập theo Bộ luật tố tụng dân sự?
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 được sửa đổi năm 2011, có nhiều điểm mới, trong đó có quy định về quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập. Nhìn chung, quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự về yêu cầu độc lập tương đối đầy đủ, góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng quy định về yêu cầu độc lập đã phát sinh một vài vướng mắc, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án, ảnh hưởng quyền lợi của đương sự.
LVN Group tư vấn pháp luật miễn phí qua điện thoại 24/7: 1900.0191
* Căn cứ pháp lý
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
– Nghị quyết 103/2015/QH13 về việc thi hành bộ luật tố tụng dân sự;
– Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP biểu mẫu trong tố tụng dân sự;
– Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;
– Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 Hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật Tố tụng Dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự;
– Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành quy định của Nghị quyết 103/2015/QH13 về thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết 104/2015/QH13 về thi hành Luật tố tụng hành chính do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.
1. Yêu cầu độc lập là gì?
Khi tham gia vào vụ án dân sự, bên cạnh việc đứng về nguyên đơn hoặc đứng về bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan còn tham gia với vai trò độc lập để đưa ra yêu cầu của mình nhưng yêu cầu này liên quan, gắn với vụ án đang được giải quyết. Theo đó, yêu cầu độc lập là yêu cầu của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tham gia với vai trò độc lập để đưa ra yêu cầu của mình nhưng yêu cầu này liên quan, gắn với vụ án đang được giải quyết.
Nếu xét về bản chất chúng ta có thể nhận thấy yêu cầu độc lập của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có là một dạng của yêu cầu khởi kiện, và điều này chứng tỏ có thể được khởi kiện thành một vụ án độc lập. Nhưng nếu tiến hành giải quyết theo hình thức của một vụ án mới thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi của các bên liên quan do đó bắt buộc phải cùng đưa vào giải quyết chung để được giải quyết nhanh hơn, tranh việc phải xác định vụ án giải quyết trước, sau dẫn đến kéo dài mất thời gian giải quyết những vụ án khác.
Yêu cầu độc lập tiếng Anh có nghĩa là: Independent requirement
An independent claim is a request of a person with related interests and obligations participating in an independent role to make his request, but this requirement is related, associated with the case being resolved.
2. Quy định về yêu cầu độc lập theo Bộ luật tố tụng dân sự:
Thứ nhất, Bô luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định yêu cầu độc lập của các đương sự là cơ sở để tòa án căn cứ, lựa chọn, áp dụng thủ tục giải quyết vụ án dân sự
Về cơ bản, thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại tòa án không có nhiều thay đổi. Điểm khác biệt lớn nhất là BLTTDS năm 2015 quy định hai thủ tục (hình thức) giải quyết vụ án dân sự tại tòa án, gồm: Thủ tục rút gọn và thủ tục thông thường. Điểm đ Khoản 3 Điều 317 BLTTDS năm 2015 quy định, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu vụ án dân sự được tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục rút gọn mà phát sinh yêu cầu độc lập của các đương sự tham gia giải quyết vụ án, thì vụ án không được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Tòa án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
Theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần lưu ý: Phân biệt rõ yêu cầu độc lập của các đương sự với ý kiến của các đương sự tham gia giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện (nguyên đơn). Nếu là ý kiến của các đương sự đối với yêu cầu của người khởi kiện thì vụ án vẫn có thể được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết, nhưng nếu phát sinh yêu cầu độc lập thì vụ án dân sự đã thụ lý không được áp dụng thủ tục rút gọn. Đồng thời, quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều 317 BLTTDS năm 2015 còn bảo đảm nguyên tắc về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong quá trình tham gia giải quyết vụ án dân sự. Vì xét về bản chất khi các đương sự tham gia giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu độc lập thì họ có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71; thủ tục yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định tại Điều 202 BLTTDS năm 2015 và Điều 13 Nghị quyết số 05/2012 về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.
Có thể thấy rằng, với các quy định dẫn chiếu nêu trên yêu cầu độc lập của các đương sự tham gia giải quyết vụ án dân sự là một trong những điều kiện, cơ sở để tòa án căn cứ, lựa chọn, áp dụng thủ tục giải quyết vụ án dân sự cho phù hợp.
Thứ hai, sửa đổi quy định về thời điểm đương sự có quyền đưa ra yêu cầu độc lập giúp cho việc giải quyết vụ án của Tòa án được chủ động và hợp lý hơn
So sánh quy định của BLTTDS năm 2015 với BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), chúng ta thấy có sự khác biệt về thời điểm đương sự tham gia giải quyết vụ án dân sự có quyền đưa ra yêu cầu độc lập. Theo đó, thời điểm đương sự có quyền đưa ra yêu cầu độc lập quy định trong BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) là “trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử”, còn BLTTDS năm 2015 là “trước thời điểm tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Như vậy, thời hạn các đương sự được quyền yêu cầu độc lập theo BLTTDS năm 2015 đã được rút ngắn so với trước đây. Điểm mới về thời điểm đưa ra yêu cầu độc lập của các đương sự trong BLTTDS năm 2015 để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp về thủ tục tố tụng công khai, minh bạch chứng cứ, giải quyết các yêu cầu, đề nghị của đương sự về thu thập chứng cứ, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp, giúp cho việc giải quyết vụ án của Tòa án được chủ động và hợp lý hơn. Bởi nếu quy định đương sự có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước khi tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử như trước đây, có trường hợp tòa án đã tiến hành hòa giải xong vụ án các đương sự mới đưa ra yêu cầu độc lập. Lúc này, tòa án lại phải tiến hành thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ và hòa giải riêng đối với các yêu cầu độc lập khiến cho thời hạn giải quyết vụ án bị kéo dài, gây tốn kém thời gian, công sức của cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.
Điểm mới của BLTTDS năm 2015 là bổ sung quy định về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Theo quy định tại Điểm g Khoản 2 Điều 203 và Khoản 2 Điều 208 BLTTDS năm 2015, Thẩm phán tòa án có nhiệm vụ tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Như vậy, việc tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường là bắt buộc, thậm chí khi vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 206, 207 BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán vẫn phải tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải. Đương sự được quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm Thẩm phán mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Sau thời điểm này đương sự mới đưa ra yêu cầu độc lập thì Tòa án không chấp nhận và hướng dẫn họ khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.
Thứ ba, việc đương sự đưa ra yêu cầu độc lập có ý nghĩa quyết định thời hạn giải quyết vụ án dân sự
Về bản chất, yêu cầu độc lập cũng là yêu cầu khởi kiện nên yêu cầu này có thể được khởi kiện bằng vụ án độc lập. Nhưng vì yêu cầu này có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ của các đương sự đối với nguyên đơn để vụ án giải quyết chính xác, nhanh chóng hơn nên các đương sự có quyền yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án. Thủ tục yêu cầu độc lập của các đương sự được thực hiện theo quy định của BLTTDS năm 2015 về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Do vậy, các yêu cầu này nếu phát sinh sẽ có ý nghĩa quyết định đối với thời hạn giải quyết vụ án dân sự trên thực tế. Hiện nay, quy định của BLTTDS năm 2015 về thời điểm các đương sự có quyền đưa ra yêu cầu độc lập là “trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải” nên thời hạn giải quyết vụ án đã được rút ngắn hơn so với trước đây. Dẫn chiếu đến Khoản 2 Điều 13 Nghị quyết số 05/2012, thấy rằng: Nếu Toà án nhận được đơn về yêu cầu độc lập của đương sự có liên quan để giải quyết trong cùng một vụ án, thì (thời hạn chuẩn bị xét xử được xác định từ ngày hoàn thành thủ tục phản tố, yêu cầu độc lập) ngày thụ lý vụ án để tính thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án đó được xác định như sau:
+ Trường hợp bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, thì ngày thụ lý vụ án là ngày Toà án nhận được đơn về yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo.
+ Trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp tiền tạm ứng án phí, thì ngày thụ lý vụ án là ngày người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí.
+ Trường hợp có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, thì ngày thụ lý vụ án được xác định như sau:
– Là ngày Toà án nhận được đơn về đơn về yêu cầu độc lập cuối cùng, nếu họ đều thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí;
– Là ngày người nộp cuối cùng cho Toà án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, nếu họ thuộc trường hợp phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Tóm lại, những điểm mới của BLTTDS năm 2015 so với BLTTDS năm 2004 quy định về yêu cầu độc lập của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự được nêu ở trên là những điểm mới cơ bản, tiến bộ. Những sửa đổi, bổ sung này góp phần thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như chiến lược về cải cách tư pháp, phù hợp với quá trình đổi mới công tác lập pháp và chương trình cải cách hành chính; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.