Yêu cầu về sử dụng vật liệu và thi công xây dựng công trình

Yêu cầu đối với sử dụng vật liệu xây dựng? Yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình?

Thi công công trình là hoạt động hiện thực hóa nội dung ghi trong giấy phép xây dựng, là hoạt động để tạo nên các công trình xây dựng được sử dụng trong đời sống con người. Chính vì có vai trò quan trọng, do đó, việc thi công phải đáp ứng các yêu cầu được pháp luật ghi nhận nhằm đảm bảo quá trình thi công được diễn ra an toàn, hiệu quả.

Gắn với thi công xây dựng công trình không thể không nhắc đến vật liệu xây dựng, đây là đối tượng tác động chủ yếu để thực hiện hoạt động thi công. Cũng giống như thi công công trình, vật liệu xây dựng cũng phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu cơ bản, làm nền tảng trước hết cho yêu cầu thi công công trình.

Vậy, yêu cầu về sử dụng vật liệu và thi công xây dựng công trình là gì? Hãy cũng Luật LVN Group tìm hiểu câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Tổng đài LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.0191

Cơ sở pháp lý:

Văn bản hợp nhất Luật Xây dựng năm 2020.

1. Yêu cầu đối với sử dụng vật liệu xây dựng?

Theo giải thích tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 09/2021/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng, vật liệu xây dựng là sản phẩm, hàng hóa được sử dụng để tạo nên công trình xây dựng, trừ các trang thiết bị điện và thiết bị công nghệ.

Yêu cầu đối với sử dụng vật liệu xây dựng được quy định tại Điều 110 Luật Xây dựng, cụ thể:

Thứ nhất, sử dụng vật liệu xây dựng phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.

Vật liệu xây dựng thường được sử dụng với số lượng lớn, ví dụ như gạch, đá, cát,…việc sử dụng thường tính bằng tấn, tạ,…, quá trình vận chuyển và sử dụng dễ xảy ra các những khó khăn, gây mất an toàn. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên đối với sử dụng vật liệu xây dựng phải đảm bảo an toàn.

Tính hiệu quả trong việc sử dụng vật liệu xây dựng được biểu hiện ở việc sử dụng đúng, triệt để, tận dụng tối đa nguồn vật liệu xây dựng còn sót lại hoặc chưa dùng đến. Trong quá trình sử dụng vật liệu xây dựng phải tính đến việc sử dụng các vật liệu khô, thân thiện môi trường, tránh tác động gây ô nhiễm môi trường, sử dụng vật liệu hạn chế tự nhiên, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thứ hai, vật liệu, cấu kiện sử dụng cho công trình xây dựng phải theo đúng thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật (nếu có) đã được phê duyệt, bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Các vật liệu xây dựng khi được sản xuất hầu hết đều có các tiêu chuẩn kỹ thuật được in ấn trên sản phẩm, hàng hóa, việc sử dụng đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sẽ đem lại hiệu quả tối ưu nhất trong việc sử dụng vật liệu. Hơn nữa, việc sử dụng vật liệu theo đúng thiết kế xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật cũng đánh giá được tính tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư khi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).

Thứ ba, vật liệu xây dựng được sử dụng để sản xuất, chế tạo, gia công bán thành phẩm phải phù hợp với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Mỗi quan hệ giữa yêu cầu thứ ba và hai yêu cầu trên nhằm tạo ra sản phẩm, hàng hóa là vật liệu xây dựng ngay từ đầu đã phải đáp ứng triệt để  các yêu cầu cơ bản của vật liệu xây dựng, không cần phải đợi đến lúc được đưa vào thi công, sử dụng trên thực tế mới đạt yêu cầu. Từ đó, tạo trách nhiệm ngay từ đầu cho các cơ sở sản xuất, chế tạo gia công phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tạo ra nguồn thành phẩm có giá trị.

Thứ tư, ưu  tiên sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ; vật liệu xây dựng và sản phẩm xây dựng được sản xuất, chế tạo trong nước; sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Nhằm tận dụng tối đa vật liệu xây dựng và với nguyên tắc “người Việt dùng hàng Việt”, việc ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng tại chỗ và vật liệu xây dựng trong nước là điều hoàn toàn hợp lý, đặc biệt, tình hình sản xuất, chế tạo vật liệu xây dựng ở nước ta cũng đang ngày càng phát triển, các sản phẩm cũng đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, phục vụ hiệu quả cho việc sử dụng thi công các công trình xây dựng.

2. Yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình?

Theo quy định tại Khoản 38, Điều 3, Luật Xây dựng, thi công xây dựng công trình gồm xây dựng và lắp đặt thiết bị đối với công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi; phá dỡ công trình; bảo hành, bảo trì công trình xây dựng.

Yêu cầu đối với thi công xây dựng công trình được quy định tại Điều 111 Luật Xây dựng, với 6 yêu cầu cơ bản:

Thứ nhất, tuân thủ thiết kế xây dựng được duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ và điều kiện an toàn khác theo quy định của pháp luật.

Đây là yêu cầu đầu tiên để đảm bảo cho sự ra đời của một công trình hiệu quả, an toàn và phù hợp với người sử dụng công trình. Việc tuân thủ thiết kế xây dựng đã duyệt, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình là cực kỳ quan trọng, đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng là điều kiện để đảm bảo các yêu cầu còn lại.

Thứ hai, bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng, người, thiết bị thi công, công trình ngầm và các công trình liền kề; có biện pháp cần thiết hạn chế thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố gây mất an toàn trong quá trình thi công xây dựng.

Theo giải thích tại Khoản 20, Điều 2, Nghị định 06/2021/NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, an  toàn trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm đảm bảo không gây thương tật, tử vong, không làm suy giảm sức khỏe đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Đảm bảo an toàn tính mạng cho người trong quá trình thi công công trình xây dựng là yêu cầu đầu tiên, quan trọng nhất trong các đối tượng cần được bảo đảm. Thực tế cũng dễ nhận thấy các câu khẩu hiệu thường được treo tại các công trình xây dựng về bảo đảm an toàn cho người thi công công trình.

Bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho người thi công, còn phải đảm bảo an toàn cho công trình xây dựng, thiết bị xây dựng, công trình liền kề, tránh gây thiệt hại cho chủ sở hữu công trình khác. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu, việc thi công công trình thường gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, do đó, ngoài việc tác động nhẹ thì việc còn gây ảnh hưởng đến tài sản, người là điều không thể chấp nhận được.

Thứ ba, thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn riêng đối với những hạng mục công trình, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ.

Các biện pháp kỹ thuật an toàn riêng nhằm bảo vệ người lao động khỏi bị tác động bởi các yếu tố nguy hiểm nảy sinh trong lao động, ví dụ: thiết bị che chắn; thiết bị bảo hiểm; tín hiệu, báo hiệu; cơ cấu điều khiển, phanh hãm, điều khiển từ xa; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân;….thông thường, hầu hết các hàng mục công trình, công việc đều có áp dụng các biện pháp kỹ thuật an toàn riêng.

Thư tư, sử dụng vật tư, vật liệu đúng chủng loại quy cách, số lượng theo yêu cầu của thiết kế xây dựng, bảo đảm tiết kiệm trong quá trình thi công xây dựng.

Yêu cầu này cũng khá giống với yêu cầu trong việc sử dụng vật liệu xây dựng được nêu ở mục 1, việc sử dụng vật tư, vật liệu đúng chủng loại, quy cách, số lượng vừa tiết kiệm trong thi công, vừa đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất của vật liệu xây dựng, công trình xây dựng ra đời hoàn toàn phù hợp, vừa phải, không lạm dung quá nhiều vật liệu.

Thứ năm, thực hiện kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công việc xây dựng, giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng khi cần thiết, nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng.

Nghiệm thu là một trong các giai đoạn thuộc trình tự quản lý thi công xây dựng công trình, việc nghiệm thu có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo công trình xây dựng trước khi đưa vào khai thác, sử dụng phải thực sự an toàn, hiệu quả, nghiệm thu còn là giai đoạn nhanh chóng phát hiện lỗ hỏng, sai sót, có khả năng gây mất an toàn trong tương lai để kịp thời khắc phục, sửa chữa.

Thứ sáu, nhà thầu thi công xây dựng công trình phải có đủ điều kiện năng lực phù hợp với loại, cấp công trình và công việc xây dựng.

Điều kiện năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình bao gồm: nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình. Việc xác định các điều kiện phù hợp với loại, cấp công trình, công việc xây dựng, nhằm bảo đảm trách nhiệm của các nhà thầu thi công xây dựng đối với công trình của mình, hạn chế nhận việc tràn lan mà không thực sự có hiệu quả và gây thiệt hại cho chủ đầu tư.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com