Yêu người khác khi mới chỉ ly thân, chưa ly hôn có làm sao không?

Quy định của pháp luật về vấn đề ly thân? Đang trong thời gian ly thân có được yêu người khác không? Chưa ly hôn nhưng sống chung với người khác, có con với người khác có bị làm sao không?

Khi mối quan hệ của vợ chồng rạn nứt, mâu thuẫn trong hôn nhân xảy ra thường xuyên và không thể tìm được tiếng nói chung tuy nhiên lại chưa đến mức phải ly hôn thì thường họ sẽ tìm đến giải pháp ly thân. Vậy trong trường hợp ly thân có được yêu người khác không? Vấn đề này thực ra khá phổ biến trong xã hội hiện nay, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu và biết về hậu quả pháp lý của việc đang trong thời gian ly thân chưa ly hôn mà yêu người khác.

Căn cứ pháp lý:

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDT Thông tư liên tịch Hướng dẫn thi hành một số quy định của luật hôn nhân và gia đình

Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Nội dung tư vấn

1. Quy định của pháp luật về vấn đề ly thân 

Ly thân là tình trạng quan hệ vợ chồng khi mà cả hai không muốn sống chung với nhau hoặc cùng chung sống dưới một mái nhà nhưng không ăn chung, ở chung, sinh hoạt tách biệt.

Ly thân hiện chưa được cụ thể hóa và quy định trong một văn bản pháp luật nào, kể cả Luật hôn nhân và gia đình 2014. Việc ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý cũng như các quyền và nghĩa vụ của các bên với nhau. Ly thân cũng không làm phát sinh các quyền riêng về tài sản chung và con chung.

Tuy nhiên có thể hiểu một cách đơn giản, việc ly thân giữa hai vợ chồng mô tả quan hệ vợ chồng theo đó một người hay cả hai không còn muốn sống chung với nhau. Có thể là không còn sống chung hoặc còn sống chung nhưng không có quan hệ vợ chồng, tức không có những sinh hoạt chung, không giao tiếp với nhau hay không có quan hệ tình dục,…

Biện pháp này thường nhằm mục đích để các cặp vợ chồng có thời gian bình tĩnh, suy nghĩ lại, từ đó có thể giải quyết các mâu thuẫn, xung đột. Đây là một biện pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu việc vợ chồng nóng giận, thiếu suy nghĩ dẫn đến việc có quyết định ly hôn vội vã gây hối hận về sau.

Ngược lại, nhiều trường hợp lại trở nên tiêu cực do tâm lý muốn tạo sự ràng buộc cho bên kia cảm thấy phải ăn năn, hối hận không muốn giải thoát cho đối phương hoặc lợi dụng việc không chung sống với nhau để có thể tiến hành ly hôn một cách dễ dàng hơn, từ đó có thể nhanh chóng tiếp tục một cuộc tình mới.

Hậu quả pháp lý của việc ly thân:

Nhìn chung, hậu quả pháp lý của việc ly thân về bản chất hoàn toàn khác so với hậu quả pháp lý của ly hôn bởi pháp luật hiện nay không thừa nhận vấn đề ly thân. Do đó, ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng giống như ly hôn mà chỉ chấm dứt quan hệ sống chung.

Chính vì thế, dù không chung sống với nhau trong khoảng thời gian bao lâu thì xét về mặt pháp luật đó vẫn là quan hệ hôn nhân chính thức được pháp luật thừa nhận, do đó chẳng thể xác định cụ thể thời gian ly thân bao lâu thì được ly hôn bởi ly thân không phải là căn cứ ly hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, nó có thể được xem xét như là cơ sở cho thấy vợ chồng có những mâu thuẫn kéo dài, không thể hàn gắn, không thể tiếp tục chung sống.

Do đó, trong thời gian mà vợ chồng không sống chung với nhau, mọi quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến các vấn đề tài sản chung, con chung,… vẫn phải tuân theo các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và các quy định khác có liên quan. Khi đó mà vợ chồng có nhu cầu chia tài sản chung, giải quyết vấn đề người trực tiếp nuôi con chung hay cấp dưỡng cho con thì sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên nhưng phải đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em. Trường hợp hai vợ chồng không tự thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Ly thân và ly hôn có nhiều điểm tương đồng, về biểu hiện của việc không còn chung sống với nhau, không có đời sống kinh tế chung, không có đời sống tinh thần chung,… Nhưng bên cạnh đó vẫn có những điểm khác biệt, phân biệt với ly hôn, cụ thể như sau:

Điểm giống nhau:

  • Căn cứ ly thân và ly hôn: Về cơ bản, căn cứ để có thể đi đến quyết định ly thân của hai vợ chồng đều giống với căn cứ để ly hôn. Khi mâu thuẫn vợ chồng làm cho quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng nghiêm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được tuy nhiên xét về mức độ trầm trọng thì chưa đến mức để đôi bên phải ly hôn.
  • Về mặt tình cảm của hai vợ chồng: Cả hai trường hợp này xét về mặt tình cảm của hai bên vợ chồng đều đã không còn mặn nồng với cuộc hôn nhân, đã đến mức không còn muốn chung sống hay sinh hoạt cùng nhau như cặp vợ chồng khác.

Điểm khác nhau:

  • Về mặt nhân thân: Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý giống như trường hợp ly hôn mà chỉ chấm dứt quan hệ sống chung của hai vợ chồng như không sống chung hoặc sống chung nhưng không có đời sống kinh tế và không có đời sống tinh thần chung hoặc không giao tiếp với nhau,…
  • Về mặt thủ tục: Do không được pháp luật thừa nhận cũng như không có quy định một cách cụ thể giống như việc như ly hôn nên thủ tục ly thân sẽ do các bên vợ chồng tự thỏa thuận, sắp xếp mà không phải ra Tòa. Trường hợp vợ chồng có nhu cầu phân chia tài sản chung mà trước đó không thể tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Như vậy, từ những phân tích trên ta có thể hiểu đang trong thời gian ly thân thì hai vợ chồng vẫn chưa chấm dứt mối quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý.

2. Đang trong thời gian ly thân có được yêu người khác không?

Theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

 “Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

…”

Theo thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC thì chung sống như vợ chồng với người khác là: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”

Do đó nếu trong trường hợp đang có vợ hoặc chồng mà tình trạng chỉ mới là ly thân mà lại chung sống như vợ chồng với người khác thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Còn nếu chỉ là việc yêu đương nam nữ với nhau mà không chung sống như vợ chồng thì không vi phạm pháp luật, mà đó chỉ là hành vi vi phạm về đạo đức, hay còn gọi ngoại tình.

Nếu trong trường hợp đang có vợ/ có chồng mà sống chung với người khác như vợ chồng thì sẽ bị bị xử lý tùy theo mức độ cụ thể:

  • Xử phạt vi phạm hành chính: áp dụng đối với những hành vi vi phạm pháp luật mà hành vi đó không gây ra hậu quả nghiêm trọng

Theo quy định tại Điều 59  Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:

“Điều 59: Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

  • Xử lý hình sự: áp dụng đối với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình gây hậu quả nghiêm trọng

Theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015:

“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.”

Như thế, căn cứ vào hậu quả nghiêm trọng mà hành vi vi vi phạm chế độ một vợ một chồng có thể bị phạt ở mức phạt cao nhất là 06 tháng đến 03 năm tù.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com