Bao lâu sau khi người thân qua đời mới được chia thừa kế? Người để lại di sản chết, sau bao lâu thì được chia thừa kế? Quy định của pháp luật về thừa kế?
Thừa kế chính là nhằm mục đích dịch chuyển khối tài sản của người chết cho những người còn sống được tiến hành dựa trên quan hệ huyết thống hoặc ý chí của người để lại di sản và do những phong tục tập quán riêng của từng nơi. Mọi người đều có quyền được để lại tài sản của mình cho người khác khi mình chết đi và được quyền hưởng di sản của người thân mình. Vậy bao lâu sau khi người thân qua đời mới được chia thừa kế?
Căn cứ pháp lý:
– Bộ Luật Dân sự 2015
LVN Group tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
1. Bao lâu sau khi người thân qua đời mới được chia thừa kế?
Tại Điều 611 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định rằng:
“Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này”.
Như vậy, thời điểm để mở thừa kế chính là thời điểm mà người để lại di sản chết. Trong trường hợp một người đã bị Toà án tuyên là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định như sau:
– Sau 03 năm, kể từ thời điểm quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án bắt đầu có hiệu lực pháp luật mà gia đình, cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống;
– Người để lại tài sản biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ thời điểm chiến tranh kết thúc mà gia đình, cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn không có tin tức xác thực là người đó còn sống;
– Người để lại tài sản bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ thời điểm tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt mà gia đình, cơ quan chức năng có thẩm quyền vẫn không có tin tức xác thực là họ còn sống, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Người để lại tài sản biệt tích 05 năm liền trở lên và họ không có chút tin tức xác thực là còn sống.
Qua căn cứ trên, ta có thể hiểu sau khi người thân qua đời mà có để lại tài sản (kể cả trong trường hợp toà án tuyên bố là đã chết) thì những người thừa kế của người để lại tài sản sẽ được quyền chia di sản thừa kế.
Tuy nhiên, tại Điều 661 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về hạn chế phân chia di sản quy định cụ thể như sau:
– Nếu ý chí của người để lại tài sản lập di chúc mong muốn tài sản của mình sẽ được phân chia cho người thân sau một khoảng thời gian nhất định thì khối di sản đó chỉ được đưa ra phân chia sau một thời hạn nhất định mà người để lại di sản quy định. Ví dụ như trong nội dung di chúc của bà A, bà có yêu cầu rằng “sau khi bà chết 5 năm, những người thân của bà được hưởng tài sản theo di chúc bà để lại mới được quyền phân chia tài sản thừa kế”. Như vậy, trong khoảng thời gian là 05 năm kể từ ngày người để lại di sản chết thì những người thừa kế được chỉ định trong di chúc không được phép phân chia tài sản thừa kế.
– Nếu theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế thì di sản chỉ được phép phân chia sau một thời hạn nhất định mà các đồng thừa kế quy định. Ví dụ, Bà A có để lại di chúc nhưng trong di chúc của bà không có điều kiện về thời điểm chia di sản thừa kế nhưng tất cả những người thừa kế được phân định trong di chúc đều thỏa thuận rằng trong vòng 5 năm kể từ ngày bà A chết thì những đồng thừa kế này không được phân chia tài sản thừa kế và họ chỉ được thực hiện chia thừa kế sau khi đã hết thời hạn 05 năm đó.
– Trường hợp người thừa kế yêu cầu phân chia di sản thừa kế mà việc phân chia di sản sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc bên chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống hoàn toàn có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án xác định các phần di sản tương ứng với những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho những người này chia di sản trong một khoảng thời hạn nhất định và thời hạn này sẽ không được quá 03 năm, kể từ thời điểm được mở thừa kế. Nếu hết thời hạn 03 năm mà bên còn sống vẫn chứng minh được vì việc chia di sản mà vẫn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì người này có quyền gửi đơn yêu cầu Tòa án gia hạn thêm một lần nhưng không được quá 03 năm. Ví dụ trường hợp anh A mất đi, bố mẹ của anh A có yêu cầu chia căn nhà chung của hai vợ chồng anh A ( đó là di sản thừa kế duy nhất) cho ông bà theo quy định của pháp luật, nhưng việc chia tài sản này sẽ dẫn đến người vợ và các con của anh A khó khăn về chỗ ở và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chính người vợ anh A và các con thì trong trường hợp này người vợ có quyền yêu cầu Tòa án tạm thời chưa thực hiện chia di sản thừa kế trong một khoảng thời gian nhất định.
2. Quy định của pháp luật về thừa kế:
Thừa kế được hiểu chính là sự dịch chuyển tài sản của người đã chết sang cho người còn sống và tài sản để lại được gọi là di sản. Di sản bao gồm có tài sản riêng của người chết cùng với phần tài sản trong khối tài sản chung với người khác.
Tại Điều 609 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định mọi cá nhân đều có quyền:
– Lập di chúc để định đoạt khối tài sản của mình để lại sau khi chết;
– Để lại khối tài sản của mình cho những người thừa kế theo pháp luật;
– Được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Đối với những người được thừa kế, những người này nếu là cá nhân thì phải là những người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc đã sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã được thành thai trước khi người để lại di sản chết. Nếu người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì đối tượng này vẫn phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Căn cứ Điều 610 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định thừa kế được chia làm hai hình thức đó là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.
– Thừa kế theo di chúc:
Thừa kế theo di chúc đó chính là những người được chỉ định trong di chúc sẽ được thừa hưởng tài sản của người để lại di sản theo ý chí của người để lại di sản nhằm chuyển dịch khối tài sản của người đã chết sang cho người còn sống.
Tại Điều 644 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định những đối tượng sau sẽ được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc nếu họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc họ chỉ được cho hưởng phần di sản mà ít hơn hai phần ba suất di sản đó và họ sẽ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật:
+ Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng của người để lại di sản;
+ Con thành niên mà không có khả năng lao động của người để lại di sản.
– Thừa kế theo pháp luật:
+ Thừa kế theo pháp luật đó chính là thừa kế theo hàng thừa kế, các điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Điều 650 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp được thừa kế theo pháp luật bao gồm có:
+ Không có di chúc;
+ Di chúc không được hợp pháp;
+ Những người được thừa kế theo di chúc chết trước hoặc là chết cùng thời điểm với người lập di chúc để lại di sản; đối với cơ quan, tổ chức mà được hưởng thừa kế theo di chúc nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
+ Những đối tượng được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc nhưng lại không có quyền hưởng di sản hoặc họ từ chối nhận di sản.
+ Những phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
+ Những phần di sản mà có liên quan đến phần của di chúc mà không có hiệu lực pháp luật;
+ Những phần di sản mà có liên quan đến những người được thừa kế theo di chúc nhưng những đối tượng này không có quyền hưởng di sản, họ từ chối nhận di sản, họ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; có liên quan đến các cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc nhưng lại không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Tại Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định những người được thừa kế theo pháp luật, bao gồm có:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm có: vợ, chồng của người để lại di sản; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của người để lại di sản; con đẻ, con nuôi của người để lại di sản
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm có: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của người để lại di sản; anh ruột, chị ruột, em ruột của người để lại di sản; cháu ruột của người của người để lại di sản mà người của người để lại di sản là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm có: cụ nội, cụ ngoại của người để lại di sản; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người để lại di sản; cháu ruột của người để lại di sản mà của người để lại di sản là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người để lại di sản mà người của người để lại di sản là cụ nội, cụ ngoại.