Các loại thuế và cách tính thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp

Các loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp? Phương pháp tính thuế của hộ kinh doanh? Cách tính thuế môn bài với hộ kinh doanh? Cách tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân hộ kinh doanh? Cách kê khai thuế khoán cho hộ kinh doanh?

Hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh đơn giản với quy mô nhỏ. Theo quy định của Pháp luật, có 03 loại thuế chính mà hộ kinh doanh cá thể phải nộp bao gồm: thuế môn bài; thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ngoài các loại thuế nêu trên, tùy thuộc vào mặt hàng kinh doanh khác nhau mà hộ kinh doanh còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên,… nếu hộ kinh doanh đó thuộc đối tượng chịu thuế của các luật này. Vậy quy định cụ thể các loại thuế hộ kinh doanh phải nộp và cách tính thuế như thế nào?

Căn cứ pháp lý:

– Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài.

– Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài.

– Thông tư 65/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

– Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do Bộ Tài chính ban hành.

1. Cácloại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp:

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hộ kinh doanh cá thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để tiến hành các hoạt động kinh doanh, được phép kinh doanh tại nhiều địa điểm. Hộ kinh doanh cá thể thì sẽ không có tư cách pháp nhân, không có con dấu và chủ hộ kinh doanh tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản đối với hoạt động kinh doanh của mình. Mã số thuế của hộ kinh doanh cá thể là mã số thuế thu nhập cá nhân của chủ hộ kinh doanh. Đối với các loại hình doanh nghiệp được thành lập sau ngày 01/06/2010 thì mã số doanh nghiệp cũng sẽ đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp. Còn đối với Hộ kinh doanh, mã số thuế khác với mã số kinh doanh.

Theo đó ta có thể xác định được rằng ngoài các loại thuế như là:

– Thuế thu nhập cá nhân;

– Thuế giá trị gia tăng;

– Thuế môn bài.

Ngoài ra, hộ kinh doanh còn phải nộp thuế bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên nếu kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế của các luật này.

2. Phương pháp tính thuế của hộ kinh doanh:

Tùy vào quy mô, lĩnh vực, ngành nghề của hộ kinh doanh mà sẽ áp dụng phương pháp tính thuế khác nhau. Cụ thể bao gồm:

– Phương pháp kê khai: Áp dụng đối với hộ kinh doanh quy mô lớn hoặc hộ kinh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai;

– Phương pháp khoán: Áp dụng đối với hộ kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai. Đây là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

Bài viết dưới đây sẽ phân tích cách tính thuế theo phương pháp khoán. Hộ kinh doanh tính theo phương pháp này không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ trừ trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Mức thuế khoán hộ kinh doanh là khoản tiền thuế và các khoản thu khác trong ngân sách nhà nước do hộ kinh doanh phải nộp theo phương pháp khoản do cơ quan thuế xác định tại điều 51 Luật Quản lý thuế.

3. Cách tính thuế môn bài với hộ kinh doanh:

Theo quy định của Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, sửa đổi tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC thì hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh là đối tượng nộp lệ phí  môn bài.

3.1. Mức thu lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh:

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, hướng dẫn tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC như sau:

– Hộ gia đình hoạt động kinh doanh có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 (một triệu) đồng/năm.

– Hộ gia đình hoạt động kinh doanh có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 (năm trăm nghìn) đồng/năm.

– Hộ gia đình hoạt động kinh doanh có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/năm.

Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với hộ gia đình kinh doanh như sau:

– Đối với hộ kinh doanh (trừ cá nhân cho thuê tài sản) thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân năm trước liền kề của hoạt động sản xuất, kinh doanh (không bao gồm hoạt động cho thuê tài sản) của các địa điểm kinh doanh theo quy định pháp luật.

Trường hợp hộ gia đình có hoạt động kinh doanh đã giải thể, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh sau đó ra kinh doanh trở lại không xác định được doanh thu của năm trước liền kề thì  doanh thu của năm tính thuế của cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng quy mô, địa bàn, ngành nghề theo quy định tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính là doanh thu làm căn cứ  xác định mức thu lệ phí môn bài.

–  Đối với cá nhân có hoạt động cho thuê tài sản thì doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế. Trường hợp cá nhân phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản tại một địa điểm thì tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của năm tính thuế là doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho địa điểm đó. Trường hợp cá nhân phát sinh cho thuê tài sản tại nhiều địa điểm thì tổng doanh thu từ các hợp đồng cho thuê tài sản của các địa điểm của năm tính thuế, bao gồm cả trường hợp tại một địa điểm có phát sinh nhiều hợp đồng cho thuê tài sản là doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài cho từng địa điểm.

 Đối với hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm thì chỉ nộp lệ phí môn bài của một năm trong trường hợp hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân một lần. Nộp lệ phí môn bài theo từng năm tương ứng với số năm cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối trường hợp hợp đồng cho thuê tài sản kéo dài trong nhiều năm.

– Trường hợp hộ gia đình sản xuất, kinh doanh (thuộc trường hợp không được miễn lệ phí môn bài) nộp mức lệ phí môn bài cả năm nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng đầu năm, nộp 50% mức lệ phí môn bài của cả năm nếu ra sản xuất kinh doanh trong 06 tháng cuối năm.

Người nộp lệ phí môn bài đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) nếu văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh thì không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh. Khi tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì hộ kinh doanh nộp mức lệ phí môn bài cả năm.

3.2. Các trường hợp hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài:

Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài được quy định tại Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP và khoản 1 Điều 1 Nghị định số 22/2020/NĐ-CPsửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP xác định như sau:

– Hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống;

– Hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

– Hộ gia đình sản xuất muối;

– Hộ gia đình thực hiện ngành nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đối với hộ kinh doanh lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh thì được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12). Trong thời gian miễn lệ phí môn bài mà hộ kinh doanh có thành lập địa điểm kinh doanh thì địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian hộ kinh doanh được miễn lệ phí môn bài.

Trường hợp hộ kinh doanh lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 25/02/2020 và thành lập địa điểm kinh doanh từ ngày 25/02/2020 (nếu có) thì hộ kinh doanh thực hiện nộp lệ phí môn bài theo quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài.

4. Cách tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân hộ kinh doanh:

4.1. Nguyên tắc tính thuế GTGT, TNCN hộ kinh doanh:

Theo  quy định thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng khi doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Ví dụ: Hộ gia đình ông A được thành lập năm 2020 và có doanh thu kinh doanh năm 2020 là 150 triệu đồng. Tuy nhiên đến năm 2021, do dịch bệnh khó khăn nên mức doanh thu cả chỉ còn 80tr. Như vậy, hộ gia đình ông A chỉ phải nộp thuế GTGT và TNCN năm 2020.

Đối với cách tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh thì có thể hiểu là chi cục thuế sẽ duyệt mức doanh thu khoán ổn định, gửi cho cá nhân kinh doanh và công khai theo quy định trên cơ sở mức doanh thu do hộ kinh doanh tự khai báo; mức doanh thu khoán của năm liền trước năm tính thuế; thông tin tại cơ sở dữ liệu riêng của từng địa bàn; dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá.

4.2. Cách xác định doanh thu tính thuế:

Doanh thu tính thuế sẽ bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thanh toán, chiết khấu thương mại, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ trội, phụ thu, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác; doanh thu khác mà hộ, cá nhân kinh doanh được hưởng.Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Bên cạnh đó, ta cần lưu ý rằng thời điểm cá nhân thực hiện việc xác định doanh thu là từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế. thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc ngày thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh đối với những cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh hoặc cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh trong năm

Đối với doanh thu theo hóa đơn thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế như sau:Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa hoặc thời điểm lập hóa đơn bán hàng đối với hoạt động bán hàng hóa, nếu thời điểm lập hóa đơn trước thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa. Thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ đối với hoạt động vận tải, cung ứng dịch vụ nếu thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ trước thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ. Thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt

4.3. Cách tính thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân phải nộp của hộ kinh doanh:

Việc tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân căn cứ như sau:

Số thuế giá trị gia tăng phải nộp = doanh thu tính thuế giá trị gia tăng x tỷ lệ (%) thuế giá trị gia tăng.

Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân x tỷ lệ (%) thuế thu nhập cá nhân.

Công thức này áp dụng đối với trường hợp hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán. Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh; cho thuê tài sản; làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.

4.4. Tỷ lệ % thuế tính trên doanh thu khoán:

Tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu cụ thể như sau theo nhóm ngành được quy định như sau :

– Áp dụng thuế giá trị gia tăng là 1%, thuế thu nhập cá nhân là 0,5% đối với hộ kinh doanh cá thể thực hiện phân phối, cung cấp hàng hoá;

– Áp dụng thuế giá trị gia tăng là 5%, thuế thu nhập cá nhân là 2% đối với nhóm ngành dịch vụ không bao thầu nguyên vật liệu như cắt tóc gội đầu, sửa chữa đồ điện tử, sửa chữa đồ điện gia dụng;

– Áp dụng thuế giá trị gia tăng là 3%;  thuế thu nhập cá nhân là 1,5% đối với nhóm ngành dịch vụ có gắn với hàng hóa bao thầu nguyên vật liệu như sản xuất gia công, chế biến sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ăn uống, sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị phương tiện vận tải, ô tô, mô tô, xe máy;

– Áp dụng thuế giá trị gia tăng là 2%, thuế thu nhập cá nhân là 1% đối với hoạt động kinh doanh khác.

5. Cách kê khai thuế khoán cho hộ kinh doanh:

Hàng năm, từ ngày 20/11 đến 05/12, cơ quan thuế sẽ phát tờ khai thuế cho năm sau cho tất quả hộ kinh doanh trong phạm vi quản lý (mẫu 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC)

Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp hoặc bán lẻ theo từng lần phát sinh thì hộ kinh doanh kê khai thuế khoán theo từng lần phát sinh kèm mẫu 01/CNKD) kèm theo các hồ sơ sau:

– Hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ cùng ngành nghề kinh doanh với hoạt động của hộ kinh doanh (bản sao);

– Biên bản thanh lý hợp đồng (bản sao);

– Tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất của của hàng hóa (bản sao);

Ngoài ra, cơ quan thuế có quyền yêu cầu hộ kinh doanh xuất trình bản chính các giấy tờ trên để đối chiếu.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoản: Chậm nhất ngày 15/12 trước liền kề năm tính thuế hoặc chậm nhất ngày thứ 10 kể từ ngày hộ kinh doanh bắt đầu kinh doanh hoặc chuyển đổi từ phương pháp tính thuế/ thay đổi ngành nghề/ quy mô kinh doanh.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com