Cảm nhận về Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng

Hạnh Phúc Một Tang Gia của Vũ Trọng Phụng kể về câu chuyện của một gia đình xoay quanh cái chết của cụ cố, nhưng lại là niềm vui sướng của các thành viên trong gia đình. Dưới đây, bài viết sẽ đưa ra những mẫu gợi ý để phân tích tác phẩm. 

1. Tóm tắt tác phẩm:

“Hạnh Phúc Một Tang Gia” của tác giả Vũ Trọng Phụng kể về câu chuyện của một gia đình xoay quanh cái chết của cụ cố. Nguyên nhân cái chết của cụ không ai khác do chính thành viên trong gia đình gây ra. Tuy nhiên, cái chết của cụ tổ khiến cả nhà ai cũng sung sướng, cụ Hồng nói với ông Phán sẽ chia tài sản cho mọi người trong nhà. Cả nhà tất bật chuẩn bị đám tang, con cháu ai cũng vui vẻ chọn những bộ quần áo ma chay hiện đại thuê xe đưa đám, cáo phó, mọi thứ chuẩn bị thật linh đình thể hiện cho mọi người thấy đây là đám tang lớn nhất vùng.

Cụ Hồng còn thuê cả cảnh sát Min Đơ, Min Toa giữ trật tự trong đám tang, những người đến đám tang thuộc tầng lớp thượng lưu, bề ngòai chúng thể hiện sự đau buồn, thương xót nhưng thực chất đang dò xét, đánh giá và dòm ngó bộ đồ ngây thơ của Tuyết và chị em. Đám ma tổ chức lẫn lộn theo nét Đông Tây, ta có tàu có. Đám đi đến đâu, huyên náo đến đó. Sự xuất hiện của Xuân tóc đỏ khiến cả gia đình vui sướng bởi sự xuất hiện của cậu ta khiến đám tang trở nên sang trọng, linh đình hơn. Khi hạ huyệt, cậu Tú mải mê tạo dáng chụp ảnh còn ông Pháp chỉ có nhiệm vụ khóc to để được chia tài sản nhiều hơn.

2. Ý nghĩa tác phẩm:

Nhan đề tạo sự đối lập, gây tiếng cười thâm thúy. “Tang gia” là đau đớn, u buồn, ảm đạm. “Hạnh phúc” là sự sung sướng, vui vẻ, mãn nguyện khi thực hiện được điều gì đó. Hai danh từ đối lập nhau  nhưng lại được đặt cùng nhau trong một nhân đề đã tạo nên nghịch lý gây sự tò mò, chú ý ở người đọc. Nhan đề góp phần lột tả rõ nét nội dung đoạn trích: Cái chết của cụ cố Tổ đã đem lại cho cả gia đình này một niềm hạnh phúc hoan hỉ. Cái chết của cụ cố tổ đem đến hạnh phúc, sung sướng cho tất cả con cháu, người thân và bạn bè, niềm hạnh phúc đó to, bởi cái chết của cụ khiến cho cái chúc thư thực sự “bắt đầu đi vào giai đoạn thực hành chứ không còn là lý thuyết suông nữa”. Nhan đề góp phần tố cáo mạnh mẽ, lật tẩy bộ mặt thật của một xã hội tư sản lố lăng, kệch cỡm, đang làm bang hoại giá trị đạo đức truyền thống xưa.

3. Dàn bài phân tích cảm nhân hạnh phúc một tang gia:

3.1. Mở bài:

– Giới thiệu về nhà văn Vũ Trọng Phụng.

– Hạnh phúc của một tang gia là đoạn trích tiêu biểu trong tiểu thuyết Số đỏ.

3.2. Thân bài:

* Sơ lược về nội dung tiểu thuyết Số đỏ và đoạn trích Hạnh phúc một tang gia

– Cốt truyện xoay quanh nhân vật chính là Xuân tóc đỏ – một kẻ lưu manh, sống bằng nhiều nghề khác nhau như trèo sấu, bán thuốc dạo… Nhờ những kinh nghiệm bán thuốc lậu, hắn  đã trở thành sinh viên trường luật và được vợ chồng cậu Văn Minh giới thiệu chữa bệnh cho ông nội mình là cụ Cố Tổ. Theo cách thức vô tình hay hữu ý, bài thuốc của hắn tiếp tay cho cái chết của cụ cố và mở màn cho lớp diễn bi hài trong đoạn trích Hạnh phúc một tang gia.

* Bản chất lố lăng, đồi bại của các nhân vật trong truyện: 

a. Chân dung những người trong gia đình có tang: 

– Cụ cố Hồng: đám tang của bố là cơ hội để ông được khen ngợi, được chú ý bởi cái sự già và bộ trang phục thể hiện sự uy nghi của tuổi tác.

– Ông Văn Minh: luôn băn khoăn, trăn trở trong cái đám tang của ông nội mình là làm sao để thực thi cái di chúc kia đúng như ông mong đợi và càng sớm càng tốt

– Cô Tuyết, bà Văn Minh, bà Phó Đoan: là dịp để trưng diện những mốt thời trang của tiệm Âu hóa, và làm cho thiên hạ được một phen sáng mắt vì đã coi thường sự trinh tuyết của cô.

b. Khắc họa chân dung những người khách: 

– Những ông bạn của cụ Cố Hồng đến dự đám tang với tất cả lòng thành kính dành cho những tấm huy chương của họ được tác giả Vũ Trọng Phụng phác họa qua những hình ảnh những bộ ria mép độc đáo: râu dài hoặc ngắn, đen hoặc hun hun..

– Trai thanh, gái lịch, những người bạn của vợ chồng Văn Minh và cô Tuyết thì mang đủ tâm trạng: ghen tức, soi mói, tị hiềm, tự hào… xung quanh những mẩu chuyện tám chẳng liên quan.

– Sự cảm động trên gương mặt của những vị khách với làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết.

3.3. Kết bài:

– Ngòi bút hiện thực trào phúng đã khắc họa thành công những nhân vật tiêu biểu cho xã hội thượng lưu giả dối, bề ngoài đạo đức nhưng bên trong lại thối nát,…

4. Bài văn cảm nhận về Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng ý nghĩa nhất:

Số đỏ là cuốn tiểu thuyết trào phúng được viết theo khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa, dưới ngòi bút kì tài của Vũ Trọng Phụng, tác  phẩm được dẫn dắt như một màn hài kịch trọn vẹn. Đặc biệt nhất là đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia.

Dường như, ý nghĩa châm biếm được thể hiện đầu tiên từ nhan đề tác phẩm “Hạn phúc của một tang gia”. Đám tang, thậm chí đại tang ắt phải là niềm tiếc thương, sầu não đến bực nào, ấy vậy mà lại hạnh phúc? Mới nghe có vẻ ngược đời nhưng dặt trong hoàn cảnh cụ thể của tác phẩm thì điều ấy lại chân thực, hợp lí.

Trong đoạn trích này, tác giả đã xây dựng thành công một tình huống điển hình truyện đặc sắc thông qua việc khắc họa những hình ảnh, tính cách của nhân vật. Trước hết, bức tranh trào phúng được mở ra bởi hình ảnh của những người thân của người quá cố. Dường như, cái chết của cụ đã đem đến cho họ một niềm vui to lớn không che giấu nổi – một hạnh phúc, cái chết đã làm cho nhiều người sung sướng lắm. “Bọn con cháu vô tâm cũng vui sướng thỏa thích… Người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường kèn, thuê xe đám tang…”

Cậu Tú Tân, cháu nội cụ Tổ rất hào hứng, cậu có dịp trổ tài và sử dụng mấy cái máy ảnh và tài năng nghệ thuật mà mãi cậu không được dùng đến. Vợ Văn Minh mừng rỡ vì sẽ được mặc đồ tang gia gai tân thời và đội cái mũ mấn trắng viền đen… là dịp  quảng cáo cho một kiểu đồ tang mới lạ. Còn người con trai của cụ Tổ, cụ cố Hồng sung sướng vì một lý do khác lớn hơn, cụ mơ màng đến cái lúc cụ mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu để cho thiên hạ bình phẩm, ngợi khen.

Văn Minh đã từng du học tận bên Tây bao năm, về nước không có nổi một tấm bằng, chỉ nhăm nhăm nghĩ tới chuyện chia gia tài vì cái chúc thư kia đã vào thời kì thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa. Người con trể, Phán mọc sừng thì khấp khởi, sướng rơn trong bụng vì đã được bố vợ nói nhỏ vào tai rằng sẽ chia thêm một số tiền vài trăm nghìn đồng. Hóa ra, giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta mà lại to đến thế! Không khí của đám ma nhưng hóa ra lại là không khí của một ngày hội. Đây cũng chính là sự mâu thuẫn trào phúng gây cười ra nước mắt, xuyên suốt hoạt cảnh này.

Tác giả khắc họa hình ảnh đám ma rất to, to đến mức chưa từng thấy ở đất Hà Thành xưa nay. Có đủ cả kiệu bát cống, lợn quay… đi lọng, vài ba trăm câu đối, bức trướng, vòng hoa phúng điếu, vài trăm người đi đưa nghiêm nghị thành kính với đủ thứ tiếng kèn huyên náo kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu, có cả âm thanh chói tại, rộn rã của lốc bốc xoảng và bu-xích… Tuy nhiên, nó lại trở thành dịp may hiếm để vợ chồng Văn Minh  trưng bày và quảng cáo các mốt quần áo Âu hóa mới nhất. Rồi hình ảnh cô Tuyết với bộ y phục ngây thơ, hở hang trên gương mặt cố tạo một vẻ buồn lãng mạn, rất đúng mốt một nhà đám, khiến cho bao nhiêu vị khách đàn ông trung niên không thể rời mắt khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực

Bức tranh biếm họa còn thêm nhộn nhịp và sôi động bởi, những thân nhân của người quá cố phải nói đến đám bạn bè, quan khách của tang chủ. Những kẻ đi đưa đám không phải để chia buồn, mà là dịp để khoe các thứ huy chương, mề đay đeo đầy ngực và các kiểu râu ria tân thời nhất. Hay đám phụ nữ quí phái, giai thanh gái lịch đang đeo đuổi, học đòi phong trào Âu hóa, vừa  đi đưa ma vừa cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, hẹn hò nhau,… Hình ảnh đó càng chứng tỏ bản chất thật sự của những người đưa đám, hoàn toàn dửng dưng với người chết của cụ cố, tất cả đều thản nhiên, vui vẻ và dối trá. Người dân hai bên đường đổ xô ra xem đám ma như xem một sự lạ thường. “Đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu. Thật là mỉa mai, chua chát!”.

Đặc biệt hơn hết, hình ảnh Xuân Tóc Đỏ xuất hiện, đẩy sự lố lăng, dị hợm của đám ma lên tới đỉnh cao. Hắn chọn đúng lúc, trước sự chú ý của mấy trăm con người và gây ấn tượng mạnh với hai vòng hoa đồ sộ, sáu chiếc xe kéo sang trọng và một đám sư, điều này khiến cho cụ Phán bà càng thêm sung sướng “giá không có món ấy thì là thiếu chưa được to, may mà ông Xuân đã nghĩ hộ tôi”.

Câu chuyện kết thúc bằng phân cảnh hạ huyệt, nhưng dường như, nghệ thuật trào phúng vẫn chưa dừng lại ở đây. Nhà văn thật kỳ công khi khắc họa thật rõ nét những chi tiết đặc tả cảnh hạ huyệt càng mỉa mai, trào phúng. Nó được dàn dựng chuyên nghiệp như một vở kịch mà bàn tay đạo diễn quá ư lộ liễu, trắng trợn. Cậu Tú Tân, vị nhiếp ảnh gia nghiệp dư bắt từng người phải chống gậy, gục đầu, còng lưng, lau mắt… để cậu chụp ảnh. Trong khi đó, những người bạn hữu của cậu thì rầm rộ nhảy lên những ngôi mộ mà chụp. Trong khung cảnh náo nhiệt ấy, chỉ có một tiếng khóc lớn nhất bật lên là của ông Phán mọc sừng “Ông oặt người đi, khóc mãi không thôi và tiếng khóc của ông thật đặc biệt: Hứt! Hứt! Hứt!…” nhưng thực chất lại rất vui mừng vì cụ Tổ chết và ông được chia phần khá nhiều, miệng khóc lớn, nhưng tay lại dúi nhanh vào tay Xuân Tóc Đỏ tờ bạc năm đồng gấp làm tư để trả công hắn đã gọi gián tiếp gây ra cái chế cho cụ cố.

Qua một đoạn trích ngắn của tác phẩm, nhà văn Vũ Trọng Phụng bộc lộ xuất sắc tài kể chuyện của mình. Bút pháp của ông giỏi ở chỗ phóng đại mà như không phóng đại, làm cho mọi việc đều như thật và hơn thật. Ông chú ý đến các mâu thuẫn, khai thác triệt để nhằm gây nên những tràng cười có ý nghĩa phê phán sâu sắc. Cảnh đám ma được khắc họa rõ nét như một màn hài kịch hay như một bức biếm họa khổng lồ và chi tiết về cái xã hội tự cho là thượng lưu, sang trọng ở Hà Nội thời đó đang phơi bày tất cả cái bản chất lố lăng và đồi bại của nó.

5. Bài văn cảm nhận về Hạnh phúc của một tang gia – Vũ Trọng Phụng hay nhất:

Được gọi với cái tên “vua phóng sự đất Bắc”, Vũ Trọng Phụng là nhà văn yêu thích của không chỉ rất nhiều độc giả mà còn với nhiều văn nghệ sĩ trong diễn đàn văn học Việt Nam. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất gợi lên tên tuổi ông chính là tác phẩm Số đỏ. “Số đỏ” là tiểu thuyết được viết năm 1936, đây là một kiệt tác của văn học trào phúng. Điều này được thể hiện rõ nét qua tác phẩm “Hạnh phúc một tang gia”.

Ngay từ cái tiêu đề, nhà văn đã gợi ấn tượng với người đọc bởi tiêu đề tác phẩm: tang gia nhưng lại hạnh phúc. Đây quả là một nghịch lí đời thường. Nhưng ngồi suy ngẫm lại là những hình ảnh chân thực đến hợp lý trong cốt truyện, nó lột tả được cái xã hội thối nát thời bấy giờ.

Bối cảnh của đoạn trích là sự ra đi của ông cụ tổ, đã ngoại tám mươi tuổi và ra đi bởi vì uất ức trước việc cháu rể chồng của cụ ngoại tình. Theo lẽ thường, cái chết của người có địa vị nhất nhà sẽ là nỗi đau đớn, tan nát trái tim của con cháu. Nhưng ở đây, cái chết của cụ cố tổ lại được khắc họa dưới sự châm biếm đến hài hước, bởi nó dường như lại chính là niềm mong đợi mòn mỏi của các thành viên từ rất lâu.

Như một thước phim quay chậm, ống kính của tác giả quay cận cảnh từng nhân vật một. Mỗi nhân vật lại có một nét miêu tả riêng, thể hiện niềm hạnh phúc riêng, niềm vui khôn tả. Cụ cố Hồng hạnh phúc vì sẽ được mọi người trọng vọng về tuổi thọ là người con giai nhớn trong nhà. Bởi lẽ, dù vẫn còn chưa đến cái tuổi “thọ” nhưng cụ luôn thích được mọi người trọng vọng, kính nể, thích được tôn sùng như một vị cụ cố đức cao trọng vọng. Hẳn rồi, cụ cố chết đi thì cụ Hồng dĩ nhiên trở thành người địa vị lớn nhất. Ông Văn Minh, đứa cháu trai đã phiêu bạt mấy năm ở trời Tây, nay trở về thì không khỏi vui mừng vì đây là thời kì cái chúc thư đi vào thời kì thực hành. Bà Văn Minh mừng rỡ vì cuối cùng cũng có cơ hội quảng cáo cho những mốt áo tang, đem lại lợi nhuận cho tiệm may. Đám tang của cụ cố tổ hẳn là một cái đám tang long trọng và tầm cỡ, nếu để các thành viên trong gia đình cùng diện những bộ áo tang tân thời trong tiệm của bà thì không những không mất tiền quảng cáo mà những bộ váy ấy sẽ được rất nhiều người biết đến và tìm đến với cửa hiệu Âu hóa.

Với cô Tuyết, đây dịp để cô trưng diện y phục mốt nhất trước mặt người yêu cùng mọi người, khiến những người đàn ông không thể rời mắt khỏi nước da trắng ngần của bầu ngực lấp ló dưới voan áo. Dường như cậu Tú Tân cũng không tránh khỏi sự phấn khích. Chiếc máy ảnh đã được cất lâu chưa có cơ hội dùng. Ông Phán mọc sừng thì mừng bởi cuộc thương thảo với Xuân tóc đỏ đã kết thúc tốt đẹp, đúng như ông mong đợi, ông vừa có thể công khai cho gia đình nhà vợ cái hãnh diện vì mình được là một người chồng mọc sừng, có thể vạch trần cô vợ lăng loàn Hoàng Hôn, rồi được cụ cố chia thêm di sản cho cái sừng của ông.

Bức tranh biếm họa cũng được khắc họa thêm bởi hình ảnh của những nhân vật bạn cụ cố Hồng, đây là cơ hội trưng diện các kiểu râu và các loại mề đay, “Bắc Đẩu Bội Tinh, Long Bội tinh, Cao Mên Bội tinh, Vạn Tượng Bội tinh…”. Không phải bỗng dưng mà trời cho cơ hội để khoe những cái đó với bàn dân thiên hạ, là cơ hội để cả thiên hạ sẽ phải nhìn vào những huân chương của các ông.

Đối với đám bạn của con cháu: bà phó Đoan, bà Văn Minh, cô Hoàng Hôn, cô Tuyết… gồm toàn giai thanh gái lịch, nam thanh nữ tú nhưng họ đi ở đây là để trưng diện những bộ cánh hiện đại nhất, đám tang sẽ là một sân khấu lớn và họ sẽ là những người mẫu thời trang catwalk trên sàn diễn của mình, rồi tán tỉnh, rồi cười đùa. bình phẩm chê bai nhau.

Đám tang nhộn nhiẹp, liên tục xuất hiện điệp khúc “đám cứ đi”, diễn tả một sự tiếp diễn bất tận, cái sự việc đưa một đám tang như một con đường trải thảm đỏ để người ta bước đi trình diễn trong sự trầm trồ ngắm nhìn của mọi người.

Nét đặc sắc của tác phẩm dường như đến đoạn trào phúng cao nhất bởi hình ảnh hạ huyệt. Cảnh hạ huyệt là lúc hội tụ đầy đủ nhất sự giả dối vô đạo đức, lúc mà các vai hề diễn xuất một cách tài tình nhất, nào là hình ảnh người gục người quỳ người gào khóc theo đúng sắp xếp của cậu Tú Tân để thực hiện một bộ ảnh trong những phút giây để đời.

Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” nói riêng và tác phẩm Số đỏ nói chung đã vạch trần bộ mặt của nền văn minh phương Tây và phong trào Âu hóa. Mặt khác tác phẩm cũng phơi bày hiện thực xã hội Việt Nam trước cách mạng, một xã hội nhốn nhá, giả tao, học đòi. Dường như mọi thứ đang đi ngược lại với những giá trị đạo đức truyền thống, kẻ vô học nhưng giỏi bịp thì trở thành vĩ nhân, một gia đình tồi bại thì được coi là mẫu mực về nền nếp.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com