Có được phép giữ bằng tốt nghiệp của người lao động không?

Doanh nghiệp có được giữ bằng tốt nghiệp của người lao động không? Quy định về bằng tốt nghiệp? Quy định xử phạt khi giữ bằng tốt nghiệp bản gốc của người lao động? Giao bằng gốc cho công ty giữ đòi lại như thế nào?

Người lao động khi nộp hồ sơ xin việc, người sử dụng lao động lại bắt buộc người lao động nộp bằng gốc. Người sử dụng lao động giữ bằng gốc tốt nghiệp khiến cho người lao động muốn tìm kiếm nơi làm việc khác khó khăn, người sử dụng lao động có thể gây khó dễ cho người lao động khi muốn nghỉ việc, thậm chí quyền lợi của họ bị xâm phạm. Vậy người sử dụng lao động có được phép giữ bằng tốt nghiệp của người lao động không?

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật lao động 2019.

– Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

LVN Group tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191

1. Doanh nghiệp có được giữ bằng tốt nghiệp của người lao động không?

Nhiều trường hợp doanh nghiệp không muốn người lao động tự ý chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc nhiều nguyên nhân khác mà người sử dụng lao động cố tình giữ giấy tờ gốc văn bằng, giấy tờ nhân thân, … của người lao động. Thực tế, khi đi xin việc công ty thường yêu cầu bản sao các giấy tờ đó của người lao động, nhiều nơi yêu cầu bản sao có công chứng. Bằng tốt nghiệp là giấy tờ quan trọng, việc giữ bản gốc bằng tốt nghiệp của người lao động sẽ vi phạm pháp luật về lao động.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Bộ Luật lao động năm 2019, một trong những hành vi người lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động là: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

Hơn nữa theo quy định tại Khoản 3 Điều 48 Bộ luật lao động quy định, khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm:

– Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

– Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả..

Như vậy, công ty có thể giữ bản sao bằng tốt nghiệp nhưng không được phép giữ bản gốc bằng tốt nghiệp của người lao động, nếu công ty giữ bằng tốt nghiệp gốc thì phải có nghĩa vụ  phải trả lại cho người lao động.

2. Quy định về bằng tốt nghiệp:

Bằng tốt nghiệp gốc là văn bằng được hiểu theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

– Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định và hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học.

– Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi đã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người dự thi lấy chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, bằng gốc ở đây được hiểu là chứng nhận mà đơn vị đào tạo cấp cho người học sau khi người học hoàn thành quá trình đào tạo đó theo tiêu chuẩn của của đơn vị đào tạo. Bằng tốt nghiệp gồm có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Đây là tài liệu quan trọng thể hiện quá trình đào tạo của người học, các đơn vị tuyển dụng sẽ căn cứ vào văn bằng, chứng chỉ này để đưa ra đánh giá ban đầu về năng lực chuyên môn, xem xét ứng viên tuyển dụng có đáp ứng được nhu cầu của mình hay không.

3 Quy định xử phạt khi giữ bằng tốt nghiệp bản gốc của người lao động?

Trong trường hợp người sử dụng lao động giữ bằng gốc của người lao động thì theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 vi phạm quy định về giao kết hợp đồng đối với hành vi giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ của lao động thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định như sau:

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động;

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm khi giữ bản gốc văn bằng.

Như vậy người sử dụng lao động không được giữ bằng tốt nghiệp gốc của người lao động. Nếu người sử dụng giữ bằng tốt nghiệp gốc của người lao động có thể bị xử phạt lên đến 25.000.000 đồng và buộc phải trả lại bằng tốt nghiệp gốc của người lao động.

Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt và nguyên tắc áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì mức phạt tiền quy định đối với các hành vi giữ bằng tốt nghiệp gốc của người sử dụng lao động là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, công ty giữ bản gốc bằng tốt nghiệp là hành vi trái pháp luật. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi với số tiền từ 40 – 50 triệu đồng theo quy định trên.

4. Giao bằng gốc cho công ty giữ đòi lại như thế nào?

Cách 1: Thương lượng/trao đổi

Trên tinh thần thiện chí, thỏa thuận hợp tác giữa các bên, người lao động có thể sắp xếp một buổi làm việc để trao đổi với người quản lý của Công ty về việc trao trả bằng gốc. Tuy nhiên, để có thể đưa ra những lý lẽ yêu cầu người sử dụng lao động buộc phải trả lại bằng gốc đã giữ thì người lao động phải nắm rõ các quy định của pháp luật liên quan. Đồng thời, phân tích cho người sử dụng lao động hiểu mặt hạn chế, những hậu quả pháp lý họ sẽ phải chịu nếu không trả bằng gốc. Ở cách này người lao động nên khéo léo với người sử dụng lao động để tranh chấp được giải quyết ngay từ giai đoạn này.

Cách 2. Khiếu nại/tố cáo.

Theo nguyên tắc, nếu người lao động không thể trao đổi, thương lượng với người sử dụng lao động, người lao động phải khiếu nại đến người sử dụng lao động. Việc khiếu nại có thể thực hiện bằng đơn hoặc có thể khiếu nại trực tiếp.

Thời gian giải quyết khiếu nại lần đầu là không quá 30 ngày hoặc 40 ngày đối với vụ việc phức tạp, tình từ ngày thụ lý. Nếu quá thời hạn trên mà người lao động không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại của công ty, người lao động được quyền khiếu nại lần hai đến Chánh thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính để yêu cầu đòi người sử dụng lao động trả lại bằng gốc.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu phát hiện vi phạm, thanh tra lao động sẽ xử phạt vi phạm và yêu cầu công ty trả lại bằng gốc cho người lao động.

Như vậy có thể thấy, việc doanh nghiệp giữ bằng tốt nghiệp là vi phạm quy định của pháp luật. Để đòi lại quyền lợi của mình thì người lao động có thể thương lượng trực tiếp với người sử dụng lao động hoặc làm Đơn gửi đến Phòng lao động Thương binh và Xã hội thuộc UBND quận/huyện để khiếu nại/tố cáo hành vi trên của phía doanh nghiệp hoặc có thể khởi kiện trực tiếp đến Tòa án nhân dân nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để đề nghị công ty trả lại bằng tốt nghiệp bản gốc. 

5. Rủi ro khi nộp bằng gốc cho công ty:

Hiện nay, rất nhiều các công ty yêu cầu người lao động phải nộp bằng gốc Đại học thì mới được làm việc. Rất nhiều người lao động mới ra trường mong muốn có công việc ngay, chưa hiểu rõ quy định như vậy đúng hay sai hoặc có những người lao động dù biết người sử dụng lao động sai nhưng vẫn chấp nhận.

Trong trường hợp công ty vẫn buộc người lao động phải nộp bản chính bằng tốt nghiệp thì người lao động có thể yêu cầu công ty lập biên nhận có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty và có đóng dấu. Trong biên nhận phải ghi rõ công ty đã nhận của bạn bản chính bằng tốt nghiệp số… do trường… cấp ngày… Và nghĩa vụ của công ty  phải thực hiện việc giao trả lại cho người lao động khi người lao động có yêu cầu.

Tuy nhiên, thực tế khi công ty giữ bằng tốt nghiệp bản gốc của người lao động thì người lao động có thể gặp những rủi ro sau:

Thứ nhất, trong quá trình làm việc nếu người lao động muốn thay đổi môi trường khác thì việc rút hồ sơ sẽ rất phiền phức. Thậm chí có nhiều công ty sẽ yêu cầu người lao động  phải nộp một khoản tiền để chuộc lại bằng, cố tình gây khó dễ kéo dài thời gian.

Thứ hai, một số ít công ty có thể làm mất bằng của người lao động do quá trình lưu trữ không cẩn thận.

Việc giữ giấy tờ tùy thân nhằm đưa người lao động vào hoàn cảnh lệ thuộc, buộc phải thực hiện các công việc theo yêu cầu là một dấu hiệu của lao động cưỡng bức nếu như người lao động không lấy lại được giấy tờ đó và người lao động nhận thấy rằng họ không thể rời khỏi nơi làm việc nếu không muốn bằng tốt nghiệp gốc của mình bị mất.

Chính vì vậy, người lao động phải xem xét và cân nhắc trước khi quyết định môi trường làm việc nếu người sử dụng lao động yêu cầu giữ bằng tốt nghiệp gốc. Nếu công ty giữ bằng thì người lao động có quyền yêu cầu lấy lại, công ty vi phạm có thể bị phạt tiền trong mức từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com