Cổ phiếu hàng không là gì? Các mã chứng khoán hàng không?

Cổ phiếu hàng không là một loại cổ phiếu tiềm năng, được đặt nhiều kỳ vọng trong thị trường chứng khoán tương lai. Vậy theo quy định thì cổ phiếu hàng không là gì? Các mã chứng khoán hàng không hiện nay bao gồm những loại nào? Qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giải đáp vấn đề này.

1. Cổ phiếu hàng không là gì?

Cổ phiếu hàng không là cổ phiếu của các công ty ngành hàng không. Khái niệm cổ phiếu được hiểu là một loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu cổ phần của tổ chức phát hành. Cổ phiếu hàng không là một trong những loại cổ phiếu rất được kỳ vọng khi nền kinh tế hồi phục.

Cổ phiếu hàng không mang những đặc điểm như sau:

Thứ nhất, chịu tác động từ một số ngành: Cổ phiếu hàng không sẽ chịu ảnh hưởng từ một số ngành như ngành du lịch hay ngành xuất, nhập khẩu,.. Bên cạnh đó, một số yếu tố vĩ mô cũng ảnh hưởng đến cổ phiếu ngành này như: Chính trị, dịch bệnh, chiến tranh,… Do đó, có thể thấy độ nhạy cảm của ngành hàng không trên thị trường là khá “lớn”.

Thứ hai, có “mùa” kinh doanh riêng: Ngành hàng không sẽ thường “dậy sóng” vào mỗi dịp hè hay cuối năm khi nhu cầu đi lại cao. Và tình hình kinh doanh khoảng thời gian còn lại là “ổn” cho phần chi phí của các hãng bay.

Thứ ba, phụ thuộc mối quan hệ các quốc gia: Việc mở rộng đường bay sang các quốc gia cần sự cho phép chính phủ nước sở tại; vậy nên cổ phiếu ngành hàng không cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ các quyết định cấm vận hay kết nối ngoại giao giữa các nước.

2. Các mã chứng khoán hàng không?

Dưới đây là danh sách các mã cổ phiếu ngành hàng không đang có trên các sàn chứng khoán (số liệu tính đến ngày 06/11/2022):

Các mã cổ phiếu ngành hàng không trên sàn HOSE:

Mã cổ phiếu Tên công ty Vốn hóa thị trường KL niêm yết (cổ phiếu)
VJC CTCP Hàng không Vietjet 54,215.3 tỷ 541,611,334
HVN Tổng Công ty Hàng không Việt Nam 23,694 tỷ 2,214,394,174
SGN CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn 2,059 tỷ 33,533,591
NCT CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài 2,313.1 tỷ 26,165,732

Các mã cổ phiếu ngành hàng không trên sàn UPCOM:

Mã cổ phiếu Tên công ty Vốn hóa thị trường KL niêm yết (cổ phiếu)
ACV Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam 161,094.3 tỷ 2,176,950,436
NAS CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài 257.8 tỷ 8,315,482
NCS CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài 350 tỷ 17,948,210
SAS CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất 3,202.8 tỷ 133,451,910

Các mã cổ phiếu ngành hàng không trên sàn HNX:

Mã cổ phiếu Tên công ty Vốn hóa thị trường KL niêm yết (cổ phiếu)
MAS CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng 156.2 tỷ 4,267,683

Các mã cổ phiếu ngành hàng không trên sàn OTC:

Mã cổ phiếu Tên công ty Vốn hóa thị trường KL niêm yết (cổ phiếu)
BAV CTCP Hàng không Tre Việt

3. Tiềm năng của cổ phiếu hàng không năm 2023:

Hiện nay, ngành hàng không Việt Nam được đánh giá là phục hồi top đầu thế giới sau đại dịch Covid-19. Theo Cục Hàng không Việt Nam thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2022, ngành hàng không đã vận chuyển 40 triệu lượt hành khách; dự kiến tổng năm 2022 là khoảng 55 triệu lượt. Trong khi đó, thị trường hàng không quốc tế chỉ phục hồi 50% do các chính sách phòng chống dịch một số quốc gia còn chặt chẽ.

Hơn nữa, mảng du lịch nội địa Việt Nam đang ngày càng thu hút du khách với một số điểm đến nổi bật như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn,…; cụ thể kết thúc quý 3 năm 2022, số chuyến bay tăng 123% so với cùng kỳ 2021 và chủ yếu là khách nội địa; lượng khách nội địa 9 tháng đầu năm 2022 tăng 164,6% so với cùng kỳ năm 2021. Và theo báo cáo từ VNDirect, hàng không quốc tế Việt Nam sẽ phục hồi từ quý 4 năm 2022.

Nhìn vào các số liệu này, phần nào có thể thấy được tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu hàng không năm 2023 là rất lớn. Cục Hàng không Việt Nam dự báo các sân bay Việt Nam có thể hoạt động với công suất 132% -142% so với thiết kế trong năm 2023-2024. Hiện tại, hầu hết các quốc gia đã gỡ bỏ hạn chế cho khách du lịch; đây chính là yếu tố kỳ vọng cao cho ngành hàng không năm 2023. Hàng không quốc tế vào được dự đoán sẽ là “đòn bẩy” cho sự tăng trưởng của cổ phiếu hàng không năm 2023-2024.

Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh phi hàng không tại nước ta cũng đang trở nên “hot”. Cụ thể là các hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, nhà hàng khách sạn tại sân bay; CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất là doanh nghiệp kinh doanh tốt nhất mảng này. Với việc tiên phong mở rộng bán lẻ ở sân bay và kết hợp resort và du lịch,…Đây sẽ là mảng kinh doanh dự đoán sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho các doanh nghiệp hàng không.

4. Ưu điểm khi đầu tư vào cổ phiếu hàng không:

Để tránh những rủi ro, trước khi đầu tư vào bất kỳ nhóm cổ phiếu nào, ta cũng nên cân nhắc những ưu điểm và nhược điểm. Dưới đây là một số ưu điểm khi mua cổ phiếu nhóm ngành này:

– Nhờ số lượng cổ phiếu trên các sàn giao dịch hiện nay vẫn còn hạn chế nên việc xem xét và chọn lọc cổ phiếu để đầu tư sẽ dễ dàng hơn. Do đó, tính cạnh tranh sẽ thấp, định giá cổ phiếu sẽ đơn giản hơn.

– Nếu tương lai dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, ngành du lịch được mở cửa trở lại thì mã cổ phiếu hàng không sẽ tiếp tục tăng trưởng trở lại.

– Đây là nhóm cổ phiếu có khả năng phát triển trong tương lai. Hơn nữa, các công ty được niêm yết cổ phiếu hiện nay trên sàn chứng khoán đều có thương hiệu và lịch sử phát triển bền vững nên độ an toàn khá cao.

5. Một số mã cổ phiếu hàng không có tiềm năng trong năm 2023:

5.1. Cổ phiếu VJC – Công ty Cổ Phần Hàng Không Vietjet:

Vietjet là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam vận hành theo mô hình hàng không thế hệ mới, chi phí thấp, đi đầu trong các ứng dụng công nghệ với website bán vé hiện đại, thân thiện. Được thành lập năm 2007 và chính thức khai thác chuyến bay đầu tiên vào năm 2011, Vietjet là một trong các hãng hiếm hoi trên thế giới có lãi ngay từ năm thứ 2 hoạt động.

Cổ phiếu VJC được niêm yết vào năm 2017 với mức giá chào sàn lên đến 90.000đ/cổ phần. Trong suốt 5 năm niêm yết trên HSX, VJC luôn là cổ phiếu hàng không được săn đón với tiềm năng mô hình kinh doanh “vé giá rẻ” của mình.

Không chỉ vậy VJC còn là cổ phiếu trong ngành duy nhất được lọt vào rổ VN30 – top 30 cổ phiếu tiềm năng được chọn lựa. Người sở hữu nhiều cổ phiếu nhất của VJC là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với khối tài sản chỉ tính riêng các cổ phiếu là hơn 30.000 tỷ đồng (tính đến 06/11/2022).

Kể từ khi niêm yết, doanh thu mỗi năm của Vietjet đều hơn 40.000 tỷ đồng; mức lợi nhuận sau thuế mỗi năm lên đến 4000-5000 tỷ đồng. Chỉ từ năm 2020 – 2021, doanh thu và lợi nhuận của VJC sụt giảm do Covid-19. Mức doanh thu mỗi năm lần lượt là 18220 tỷ đồng và 12874 tỷ đồng; lợi nhuận chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng do chi phí cao.

Năm 2022 với việc mở cửa trở lại, doanh thu quý II, III gấp 4-5 lần cùng kỳ năm 2021 và 2020. Từ đó có thể thấy, đến hết 2023, kỳ vọng cho VJC là rất lớn với mức doanh thu được xem là phục hồi tốt nhất ngành.

5.2. Cổ phiếu HVN – Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines):

Vietnam Airlines là hãng bay lâu đời nhất Việt Nam với 66 năm thành lập từ 15/01/1956, được biết đến là thương hiệu quốc gia, thị phần lớn và uy tín cao. Tuy nhiên, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines lại chỉ mới niêm yết từ 07/05/2019 với mức giá chào sàn là 40.600đ/cổ phần và tỷ lệ sở hữu của nhà nước lên đến hơn 86% với cổ phiếu này.

Mức doanh thu của HVN được xem là đầu ngành với hơn 80.000 – 100.000 tỷ đồng mỗi năm trước 2020. Tuy nhiên, lợi nhuận mỗi năm của HVN chỉ từ 2000 – 3000 tỷ đồng mỗi năm; cho thấy chi phí tại HVN là khá cao.Ban lãnh đạo HVN đã nhiều lần “xin đặc cách” từ HSX vì “sợ” hủy niêm yết với mức thua lỗ trên. Ngoài ra, HVN cũng xin cấp vốn từ nhà nước để duy trì hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, đang có nhiều tín hiệu tích cực từ tình hình kinh doanh quý II và III năm 2022 của HVN với sự tăng trưởng doanh thu gấp 5-6 lần cùng kỳ (21.156 tỷ đồng quý 3 năm 2022). Thống kê 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng vận chuyển toàn thị trường lên đến hơn 40 triệu lượt khách. Tiềm năng cho HVN trong 2023 là rất cao khi toàn ngành hàng không hồi phục. Thị phần và thương hiệu là hai thứ mà HVN dẫn đầu trong ngành.

5.3 Cổ phiếu ACV – Tổng công ty cụm cảng hàng không Việt Nam:

Mã cổ phiếu ACV của tổng công ty cụm cảng hàng không Việt Nam được thành lập năm 2012 và niêm yết năm 2016 trên UPCOM. Tỷ lệ sở hữu của nhà nước đối với ACV lên đến hơn 95%. ACV kinh doanh ngành nghề là sân bay, xây dựng cảng hàng không, bảo dưỡng máy bay,…Với mức vốn hóa thị trường lên đến hơn 160.000 tỷ đồng (tính đến 06/11/2022), cổ phiếu ACV là doanh nghiệp hàng không có vốn hóa đầu ngành với VJC là hơn 54.000 tỷ đồng và HVN là hơn 23.600 tỷ đồng.

Mức doanh thu mỗi năm từ 2017 – 2019 đều trên 14.000 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận đầu ngành hàng không với 25-30%. Tương tự các doanh nghiệp hàng không khác, ACV cũng sụt giảm doanh thu vì Covid-19. Doanh thu 2020 và 2021 sụt giảm, nhưng bù lại, ACV vẫn giữ được mức lợi nhuận tốt để duy trì kinh doanh từ gần 800-1600 tỷ đồng.

Có thể thấy rằng ACV là vốn chủ sở hữu lớn lên đến hơn 40.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận cao qua các năm; do đó, kỳ vọng của các nhà đầu tư với ACV là khá lớn trong giai đoạn từ đây đến cuối năm 2023. Tuy nhiên, vì là doanh nghiệp nhà nước nên sẽ có hạn chế về đổi mới chiến lược và động lực tăng trưởng, nhà đầu tư có thể cân nhắc đầu tư ACV.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com