Cuộc sống của phạm nhân trong tù? Đi tù có được tiền không?

Cuộc sống của phạm nhân trong tù như thế nà? Đi tù có được tiền không?

Chấp hành án phạt tù hay còn gọi là đi tù chính là một trong những hình phạt mà được quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Khi kết thúc thời gian đi tù hay là đã hoàn thành xong thời gian chấp hành hình phạt tù thì người đó sẽ được hòa nhập lại với cộng đồng và bắt đầu lại một cuộc sống mới. Vậy khi ở trong tù thì cuộc sống của phạm nhân trong tù như thế nào? Đi tù họ có được tiền không?

Căn cứ pháp lý:

– Luật Thi hành án Hình sự 2019;

– Nghị định 133/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự.

LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191

1. Cuộc sống của phạm nhân trong tù như thế nào:

Tại khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành án Hình sự 2019 có giải thích về “phạm nhân”, cụ thể:

“Phạm nhân là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân”.

Theo quy định trên thì phạm nhân chính là người mà đang chấp hành án tù, bao gồm là tù có thời hạn và tù chung thân.

Tại Điều 27 Luật Thi hành án Hình sự 2019 có quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, qua quy định này ta có thể thấy cuộc sống của phạm nhân ở trong tù thì họ sẽ được hoạt động như sau:

– Họ được bảo đảm về chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và họ được chăm sóc y tế theo quy định;

– Họ được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;

– Họ được lao động, học tập, học nghề.

1.1. Chế độ học tập của phạm nhân:

– Khi phạm nhân được đưa đến chấp hành án phạt tù thì chính cơ sở giam giữ phạm nhân sẽ phải tổ chức một khoảng thời gian là từ 04 đến 06 ngày để phổ biến cho các phạm nhân, cụ thể:

+ Phổ biến về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân;

+ Phổ biến về nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân;

+ Phổ biến về các quy định về đồ vật được đưa vào sử dụng và đồ vật cấm đưa vào nơi chấp hành án phạt tù;

+ Phổ biến về quy định nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử của phạm nhân;

+ Phổ biến về các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù;

+ Phổ biến về các chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế;

+ Phổ biến về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân;

+ Phổ biến về chế độ sinh hoạt, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách báo, vui chơi giải trí;

+ Phổ biến về gặp thân nhân, nhận, gửi thư, tiền, quà;

+ Phổ biến về liên lạc điện thoại;

+ Phổ biến về một số nội dung về giá trị đạo đức, kỹ năng sống.

– Khi phạm nhân đã được biên chế về các đội (tổ) thì các phạm nhân sẽ được chính cơ sở giam giữ bố trí mỗi tuần một ngày để phổ biến, học tập như sau:

+ Giáo dục về các quy định về chính sách hình sự của Việt Nam;

+ Giáo dục về tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, về đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, về miễn chấp hành án phạt tù;

+ Giáo dục về một số nội dung cơ bản của Hiến pháp, của Luật Thi hành án hình sự, của Bộ luật Hình sự, của Bộ luật Tố tụng hình sự, của Bộ luật Dân sự, của Bộ luật Lao động, của Luật Đặc xá, của Luật Phòng, chống ma túy, của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng miễn dịch ở người, của Luật Giáo dục nghề nghiệp,… và một số nội dung, giá trị đạo đức và kỹ năng sống.

– Trước ngày phạm nhân chấp hành xong án phạt tù là 02 tháng thì cơ sở giam giữ sẽ bố trí, tổ chức từ 05 đến 07 ngày để cho các phạm nhân đó được phổ biến, học tập như sau:

+ Các chính sách, các quy định của pháp luật về vấn đề tái hòa nhập cộng đồng, về vay vốn sản xuất, kinh doanh, về định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm;

+ Phổ biến, học tập về Luật Cư trú, về Luật Giao thông đường bộ, đường thủy và các quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm, về xóa án tích, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, về phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội;

+ Phổ biến, học tập một số nội dung, giá trị đạo đức, kỹ năng sống;

+ Tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý.

– Đối với các phạm nhân là người dưới 18 tuổi thì các phạm nhân này sẽ còn được học tập, phổ biến về Luật Trẻ em, về Luật Thanh niên, về Luật Giáo dục… và những văn bản quy phạm pháp luật mà có nội dung liên quan đến lứa tuổi, giới tính.

– Đối với những phạm nhân chưa biết chữ: Các cơ sở giam giữ phạm nhân sẽ tổ chức cho những phạm nhân chưa biết chữ:

+ Tổ chức dạy chương trình xóa mù chữ;

+ Đối với những phạm nhân là người dưới 18 tuổi mà chưa biết chữ hoặc là chưa học xong chương trình tiểu học thì sẽ thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc;

+ Đối với những phạm nhân chưa học xong chương trình trung học cơ sở thì căn cứ vào hồ sơ của phạm nhân, học bạ để tổ chức dạy các chương trình giáo dục thường xuyên của cấp trung học cơ sở phù hợp với các điều kiện của đơn vị mình. Phạm nhân mà đang học văn hóa mà lại hết thời hạn chấp hành án phạt tù, thì sẽ được bảo lưu các kết quả học tập để họ có thể tiếp tục học tại những cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

1.2. Chế độ học nghề của phạm nhân:

Cơ sở trại giam sẽ  tổ chức chế độ học nghề cho phạm nhân trong một trong hai phương thức sau:

– Dạy những nghề phổ thông, đơn giản;

– Bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho phạm nhân.

Cơ sở trại giam sẽ căn cứ vào khả năng, trình độ văn hóa, sức khỏe, giới tính của phạm nhân, căn cứ vào thị trường lao động, vào điều kiện cụ thể và vào khả năng hợp tác với tổ chức, cá nhân để thực hiện tổ chức chế độ học nghề tương ứng với hai phương thức trên sao cho phù hợp với phạm nhân.

Phạm nhân học nghề sẽ được đào tạo trình độ sơ cấp hoặc được đào tạo thường xuyên, cụ thể như sau:

– Đào tạo trình độ sơ cấp:

+ Thời gian khoá dạy nghề: thời gian thực hiện từ 03 tháng đến dưới 01 năm. Chương trình đào tạo tối thiểu là 300 giờ với 03 đơn vị học tập bao gồm các kiến thức nghề, các kỹ năng thực hành và thái độ với nghề được học.

+ Nội dung, cấu trúc của của chương trình đào tạo: sẽ phải đảm bảo được tính khoa học, hệ thống, thực tiễn và sử dụng từ ngữ nhất quán, dễ hiểu và phải tương đương mục tiêu đào tạo trình độ sơ cấp theo đúng quy định của pháp luật

– Chương trình đào tạo nghề thường xuyên:

+ Thời gian khoá dạy nghề: thời gian khóa học đến dưới 03 tháng. Phạm nhân sẽ được học nghề theo các hình thức truyền nghề, kèm cặp nghề, tập nghề và có thời gian thực học từ 100 giờ đến dưới 300 giờ;

+ Chương trình đào tạo thường xuyên sẽ đảm bảo giúp những người học có năng lực thực hiện được những công việc của nghề, tăng năng suất lao động, và phạm nhân học xong sẽ tự thực hiện được những công việc đơn giản, một hoặc là một số phần công việc của một nghề, sẽ có hiểu biết về an toàn, vệ sinh lao động.

1.3. Chế độ lao động của phạm nhân:

– Phạm nhân ở trong tù sẽ được chính cơ sở trại giam tổ chức hoạt động lao động phù hợp với độ tuổi, với sức khỏe và đáp ứng được yêu cầu quản lý, giáo dục và hòa nhập cộng đồng.

– Phạm nhân lao động phải dưới sự giám sát, sự quản lý của trại giam, của trại tạm giam.

– Thời giờ lao động của phạm nhân:

+ Không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 05 ngày trong 01 tuần

+ Phạm nhân được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, ngày tết theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp mà đột xuất hoặc thời vụ thì Giám thị trại giam sẽ có thể yêu cầu các phạm nhân làm thêm giờ nhưng giờ làm thêm không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo đúng quy định của pháp luật về lao động

+ Trường hợp mà phạm nhân lao động thêm giờ hoặc là lao động trong ngày nghỉ thì họ sẽ được nghỉ bù hoặc là được bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.

1.4. Chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ và chế độ sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin với tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân:

– Phạm nhân sẽ được hoạt động thể dục, thể thao, được sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, được đọc sách, báo, được nghe đài, xem truyền hình phù hợp với các điều kiện của nơi chấp hành án.

– Thời gian để hoạt động thể dục, thể thao, hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thời gian để đọc sách, báo, nghe đài, để xem truyền hình của phạm nhân sẽ được thực hiện theo nội quy trại giam.

– Phạm nhân nào mà theo tôn giáo sẽ được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức là sách in, phát hành hợp pháp và họ được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

1.5. Chế độ ăn, ở đối với phạm nhân:

– Phạm nhân được bảo đảm về tiêu chuẩn định lượng về gạo, về rau xanh, về thịt, cá, về đường, muối, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, chất đốt.

– Đối với những phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại theo đúng quy định của pháp luật thì định lượng ăn của họ được tăng thêm nhưng sẽ không được quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

– Ngày lễ, ngày tết theo quy định của pháp luật thì phạm nhân sẽ được ăn thêm nhưng mức ăn của họ không quá 05 lần mức tiêu chuẩn ăn ngày thường.

– Phạm nhân sẽ được sử dụng quà, sử dụng tiền của mình để ăn thêm nhưng sẽ không được quá 03 lần định lượng trong 01 tháng đối với mỗi phạm nhân.

– Việc nấu ăn cho phạm nhân sẽ do các phạm nhân đảm nhiệm dưới sự giám sát, sự kiểm tra của trại giam, của trại tạm giam, của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

– Phạm nhân sẽ được ở theo buồng giam tập thể trừ các phạm nhân đang bị giam riêng và chỗ nằm tối thiểu của mỗi phạm nhân chính là 02m2

1.6. Chế độ mặc và tư trang của phạm nhân:

– Phạm nhân sẽ được cấp quần áo theo mẫu thống nhất, được cấp khăn mặt, chăn, chiếu, màn, được cấp dép, mũ hoặc nón, xà phòng, kem và được cấp bàn chải đánh răng;

– Phạm nhân nữ sẽ được cấp thêm các đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ.

– Phạm nhân tham gia lao động sẽ được cấp thêm quần áo để lao động và sẽ căn cứ vào điều kiện công việc cụ thể thì họ được cấp dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết.

2. Đi tù có được tiền không?

Tại khoản 2 Điều 46 Luật Thi hành án Hình sự 2019 có quy định về trả tự do cho phạm nhân thì vào ngày cuối cùng của thời gian chấp hành án phạt tù (kể cả là phạm nhân được đặc xá, được tha tù trước thời hạn có điều kiện) thì phạm nhân sẽ được cấp một khoản tiền từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam, được cấp tiền tàu xe, được cấp tiền ăn trong thời gian đi đường trở về nơi cư trú hoặc là nơi làm việc. Tại Điều 32 Luật Thi hành án Hình sự 2019 có quy định trong trường hợp đột xuất hoặc thời vụ, Giám thị tại trại giam có thể yêu cầu phạm nhân làm thêm giờ, tuy nhiên số giờ làm thêm  không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của Bộ luật lao động. Trường hợp phạm nhân có lao động thêm giờ hoặc lao động trong ngày nghỉ thì họ sẽ được nghỉ bù hoặc được bồi dưỡng bằng tiền, hiện vật.

Điều 34 Luật Thi hành án Hình sự 2019 có quy định về sử dụng kết quả lao động của phạm nhân, theo đó phạm nhân sẽ được nhận số tiền thưởng nếu như họ được khen thưởng của trại giam và số tiền mà được nhận khi họ được chi trả một phần công lao động cho phạm nhân có trực tiếp tham gia lao động sản xuất; khoản tiền chi hỗ trợ cho phạm nhân khi bị tai nạn lao động.

Khi phạm nhân được hưởng những khoản tiền trên thì phạm nhân có thể sử dụng theo quy định những số tiền đó hoặc là họ có thể gửi trại giam quản lý và sẽ được nhận lại khi họ chấp hành xong án phạt tù.

Như vậy, khi ra tù phạm nhân sẽ được những khoản tiền sau:

– Khoản tiền từ Quỹ hòa nhập cộng đồng của trại giam;

– Tiền tàu xe;

– Tiền ăn trong thời gian đi đường;

– Tiền lao động trong ngày nghỉ hoặc lao động thêm giờ (nếu có);

– Tiền thưởng (nếu có);

– Tiền công lao động, tiền chi hỗ trợ khi bị tai nạn lao động (nếu có).

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com