Đảng đoàn là gì? Chức năng của Đảng đoàn? Nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn? Nguyên tắc làm việc của Đảng đoàn?
Để đất nước đi lên, ngày càng vững mạnh trong mọi lĩnh vực thì cần phải kết hợp nhiều yếu tố quan trọng, và một trong số đó chính là sự lãnh đạo của Chính phủ, của Đảng cộng sản Việt Nam. Quay về quá khứ, khi đất nước còn chịu áp bức, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định chỉ có tìm ra giai cấp lãnh đạo đúng đắn mới tìm ra được con đường giải phóng dân tộc. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đất nước ngày càng phát triển. Và Đảng đoàn chính là một tổ chức Đảng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các tổ chức ban hành Đảng cộng sản Việt Nam. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về Đảng đoàn là gì? Chức năng và nhiệm vụ của Đảng đoàn?
Căn cứ pháp lý:
– Quy định 172/2013/QĐ-TW quy định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự Đảng ở Trung ương
Tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191
1. Đảng đoàn là gì?
Đảng đoàn là một loại hình tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thành lập ở các cơ quan dân cử (Quốc hội, hội đồng nhân dân), các tổ chức chính trị – xã hội và một số tổ chức chính trị – xã hội nghề nghiệp ở cấp trung ương và các địa phương; do cấp uỷ lập ra và chỉ đạo hoạt động.
Trong thời kì đấu tranh giành chính quyền, Đảng đoàn được lập ra ở các đoàn thể quần chúng của Đảng. Điều lệ Đảng tháng 10/1930 ghi rõ “ở công hội, nông hội và các đoàn thể khác, hễ có 3 đảng viên trở lên thì lập ra đảng đoàn. Nhiệm vụ đảng đoàn trong các đoàn thể ấy là hết sức làm cho ảnh hưởng của Đảng mạnh, thực hành chính sách của Đảng; đảng đoàn được cử cán sự và thư kí của mình để làm việc thường ngày…”.
Điều lệ Đảng (2001), tại điều 42, chương IX quy định:
1. Trong cơ quan lãnh đạo của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị – xã hội cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do bầu cử lập ra, cấp uỷ cùng cấp lập đảng đoàn gồm một số đảng viên công tác trong tổ chức đó. Nơi không lập đảng đoàn thì tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan đó thực hiện chức năng lãnh đạo theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
2. Đảng đoàn do cấp uỷ cùng cấp chỉ định; có bí thư, nếu cần, có phó bí thư. Đảng đoàn làm việc theo chế độ tập thể và chịu trách nhiệm trước cấp uỷ.
3. Đảng đoàn lãnh đạo, thuyết phục các thành viên trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; liên hệ mật thiết với nhân dân; đề xuất với cấp uỷ về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, cán bộ và quyết định theo thẩm quyền; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng.
4. Khi cần, đảng đoàn triệu tập các đảng viên trong tổ chức để thảo luận chủ trương của cấp uỷ và bàn biện pháp thực hiện.
2. Chức năng của Đảng đoàn:
Theo điều 1, quy định 172/2013/QĐ-TW quy định về chức năng của Đoàn đảng là thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị – xã hội và một số hội quần chúng ở Trung ương (gọi chung là cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể) theo các quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đảng đoàn:
– Đảng đoàn Lãnh đạo quán triệt và cụ thể hoá Cương lĩnh,đường lối, chủ trương, các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết để triển khai tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng đắn và kịp thời;
– Đôn đốc việc triển khai tổ chức, thực hiện; kiểm tra và giám sát việc thực hiện Hiến pháp, luật, các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết và pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ và văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân trên địa bàn tỉnh;
– Gương mẫu thực hiện đúng đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết;
– Xem xét, cho ý kiến về nội dung, chương trình công tác 6 tháng và hằng năm của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và chương trình, nội dung của kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Lãnh đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ công tác hằng quý, 6 tháng, cả năm đã đề ra.
– Đảng đoàn, ban cán sự đảng họp định kỳ 3 tháng 1 lần, họp bất thường khi cần tới. Trong mỗi cuộc họp đều phải có biên bản, kết Các cuộc họp đều phải ghi biên bản, có kết luận và ra nghị quyết để lưu hành, thực hiện trong nội bộ. Đông chí bí thư chủ trì công việc chung, chủ tọa các cuộc họp, trực tiếp báo cáo hoặc ký các văn bản báo cáo với cấp ủy cùng cấp. Hằng năm, đảng đoàn, ban cán sự đảng báo cáo cấp ủy cùng cấp (ở Trung ương báo cáo Ban Bí thư, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy) về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác tổ chức, cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể mình.
– Đảng đoàn thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn.
3.1. Nhiệm vụ Đảng đoàn ở Trung ương:
– Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể quán triệt và tổ chức thực hiện Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; phương hướng, nhiệm vụ chính trị, tổ chức, cán bộ theo phân công, phân cấp.
– Đảng đoàn, ban cán sự đảng thảo luận tập thể, quyết nghị các vấn đề sau:
– Cụ thể hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các chương trình, kế hoạch thực hiện trong cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể.
– Lãnh đạo, chỉ đạo xác định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, mục tiêu, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm và các đề án, dự án quan trọng của cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể.
– Lãnh đạo, chỉ đạo những định hướng chính trong các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng mà cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể có trách nhiệm trong soạn thảo; những nội dung quan trọng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
– Các đề án về kiện toàn tổ chức bộ máy; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và chế độ, chính sách… đối với cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
– Lãnh đạo kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Đảng trong lĩnh vực được phân công.
– Phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng ủy cơ quan để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
3.2. Quyền hạn của Đảng đoàn:
– Đảng đoàn, ban cán sự đảng thực hiện quyền hạn của mình theo quy định và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các quyết định của mình.
– Đảng đoàn, ban cán sự đảng được sử dụng bộ máy giúp việc chuyên môn của cơ quan, đơn vị để thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
– Đại diện đảng đoàn, ban cán sự đảng được tham dự các cuộc họp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập bàn về những nội dung công tác liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể.
– Đảng đoàn, ban cán sự đảng được các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin.
– Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các thông tin có liên quan.
– Báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề liên quan của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể ở Trung ương.
Việc cung cấp thông tin cho các thành viên đảng đoàn, ban cán sự đảng do bí thư (hoặc phó bí thư được ủy quyền) xem xét, quyết định.
4. Nguyên tắc làm việc của Đảng đoàn:
Tại Điều 7 quy định 172/2013/QĐ-TW, quy định nguyên tắc làm việc như sau:
– Đảng đoàn/ban cán sự đảng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Đối với những chủ trương công tác, vấn đề quan trọng, vượt thẩm quyền phải xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khi bàn về nhân sự diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà các thành viên đảng đoàn/ban cán sự đảng có ý kiến khác nhau, qua thảo luận không thống nhất (biểu quyết không đạt đa số quá bán) thì báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau đó với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
– Quan hệ phối hợp công tác giữa đảng đoàn với các cơ quan, tổ chức liên quan phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức. Bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cơ quan, tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.