Điều kiện huỷ hợp đồng tặng cho nhà đã công chứng? Thủ tục hủy hợp đồng tặng cho nhà đã công chứng?
Hiện nay, hợp đồng tặng cho tài sản là một trong những loại hợp đồng được sử dụng khá phổ biến trong đời sống xã hội. Trong đó, hợp đồng tặng cho nhà ở hoặc đất bắt buộc phải được công chứng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên có một số trường hợp, sau khi thực hiện tặng cho thì các bên lại xảy tranh chấp dẫn đến một trong các bên muốn hủy bỏ hợp đồng tặng cho tài sản. Vậy điều kiện, thủ tục hủy hợp đồng tặng cho nhà đã công chứng là gì?
Căn cứ pháp lý:
– Bộ Luật Dân sự 2015;
– Luật Công chứng 2014.
LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
1. Điều kiện huỷ hợp đồng tặng cho nhà đã công chứng:
Tại Điều 457 Bộ Luật Dân sự có quy định về hợp đồng tặng cho tài sản, theo đó hợp đồng tặng cho tài sản chính là sự thỏa thuận giữa các bên, khi đó bên tặng cho sẽ giao tài sản của mình và thực hiện chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho tài sản mà không yêu cầu đền bù, bên được nhận tặng cho đồng ý nhận. Qua quy định này, ta có thể hiểu bản chất của hợp đồng tặng cho tài sản là được hình thành trên cơ sở sự thoả thuận giữa các bên. Tuy nhiên, trên thực tế trong nhiều trường hợp, các nội dung trong hợp đồng tặng cho tài sản là do chính bên tặng cho đưa ra, bên được tặng cho thường sẽ không thể hiện được ý chí trong việc xác định về đối tượng tặng cho là gì, giá trị của tài sản tặng cho lớn hay nhỏ,… Về thực chất, ý chí của bên được tặng cho chỉ được thực hiện khi mà các nội dung của hợp đồng tặng cho tài sản đã được bên tặng cho xác định trước.
Điều 459 Bộ Luật Dân sự có quy định về tặng cho bất động sản, theo quy định này thì tặng cho bất động sản sẽ phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật hoặc phải đăng ký, nếu như tài sản là bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo đúng quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản sẽ có hiệu lực bắt đầu kể từ thời điểm được đăng ký; nếu như bất động sản không phải thực hiện đăng ký quyền sở hữu thì hiệu lực của hợp đồng tặng cho sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm thực hiện chuyển giao tài sản.
Thông thường, các bên có thể thoả thuận để lựa chọn hình thức xác lập hợp đồng tặng cho bằng miệng hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề quản lý tài sản của cơ quan nhà nước, pháp luật quy định hợp đồng tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và trong một số trường hợp hợp đồng tặng cho bất động sản phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuỳ thuộc vào bất động sản phải đăng ký hay không đăng ký mà thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng tặng cho bất động sản là khác nhau. Nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. Nếu tặng cho bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu.
Có hai hình thức hợp đồng tặng cho tài sản đó là tặng cho tài sản không có điều kiện và tặng cho tài sản có điều kiện, cụ thể như sau:
– Tặng cho tài sản không có điều kiện:
+ Đây là đạng hợp đồng không có đền bù, là hợp đồng đơn vụ;
+ Trong hợp đồng tặng cho tài sản, bên tặng cho phải thực hiện nghĩa vụ, còn bên được tặng cho có quyền nhận tài sản mà không phải thực hiện nghĩa vụ.
– Tặng cho tài sản có điều kiện:
+ Bên tặng cho đưa ra những điều kiện nhận tài sản tặng cho
+ Điều kiện tặng cho do bên tặng cho đưa ra trước hoặc sau khi chuyển tài sản tặng cho
+ Nếu bên được tặng cho thực hiện tốt các điều kiện tặng cho thì có quyền sở hữu đối với tài sản tặng cho
+ Nếu điều kiện tặng cho phải thực hiện trước khi nhận tài sản thì bên được tặng cho phải thực hiện xong điều kiện đó mới được nhận tài sản.
Hiện nay, giá trị pháp lý của hợp đồng đã công chứng được quy định tại Điều 5 Luật Công chứng 2014. Cụ thể như sau:
– Văn bản đã công chứng sẽ phát sinh hiệu lực bắt đầu kể từ ngày văn bản được công chứng viên thực hiện ký và đóng dấu của chính tổ chức hành nghề công chứng;
– Hợp đồng, giao dịch đã được công chứng sẽ có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp mà bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình thì bên còn lại hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, trừ các trường hợp mà các bên tham gia trong hợp đồng, giao dịch có những thỏa thuận khác;
– Hợp đồng, giao dịch đã được công chứng có giá trị là chứng cứ; những tình tiết, những sự kiện trong hợp đồng, trong giao dịch đã được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp là bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Như vậy, theo những quy định trên thì đối với hợp đồng tặng cho nhà ở nếu đã thực hiện công chứng thì sẽ được coi là đã có hiệu lực nên các bên buộc phải thực hiện theo đúng hợp đồng tặng cho.
Tuy nhiên, nếu như ở trong quá trình thực hiện hợp đồng tặng cho nhưng cả hai bên họ không còn muốn thực hiện nữa hoặc là trong hợp đồng tặng cho đó có các ràng buộc về điều khoản quy định về việc hủy bỏ hợp đồng khi mà một trong hai bên bị mất đi hoặc là vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng hoặc là hợp đồng tặng cho đó có vi phạm quy định về hình thức của văn bản có công chứng thì các bên ở trong giao kết hoàn toàn có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố hủy bỏ đối với văn bản công chứng trong những trường hợp sau:
Trường hợp 1: Đối với hợp đồng tặng cho không có điều kiện
Trong trường hợp một trong các bên muốn hủy bỏ hợp đồng tặng cho mà không có điều kiện nhưng đã thực hiện công chứng, chứng thực thì phải cần có sự thỏa thuận giữa các bên, bên tặng cho hoặc bên nhận tặng cho không thể tự mình đến để yêu cầu tổ chức công chứng thực hiện việc hủy hợp đồng đó nếu như không có về sự đồng ý của bên còn lại.
Theo đó, thì việc hủy bỏ hợp đồng, các giao dịch đã được công chứng thì chỉ được thực hiện hủy bỏ khi mà đã có sự thỏa thuận, sự cam kết bằng văn bản của tất cả những chủ thể đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
Trường hợp 2: Đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện
– Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ:
Đối với hợp đồng tặng cho mà đã ràng buộc các nghĩa vụ đối với các bên, thì bên có quyền hoàn toàn có thể hủy bỏ hợp đồng tặng cho nhà, đất khi mà đã công chứng khi mà bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng các nghĩa vụ mà bên có quyền đưa yêu cầu trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ lại không thực hiện.
Bên có quyền có thể thực hiện hủy bỏ hợp đồng do các tính chất của hợp đồng hoặc là do ý chí của các bên, hợp đồng tặng cho sẽ không đạt được mục đích nếu như không được thực hiện trong một thời hạn nhất định mà khi hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ lại không thực hiện đúng các nghĩa vụ thì bên còn lại có quyền hủy bỏ hợp đồng.
– Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện được
Trường hợp mà bên có nghĩa vụ họ không thể thực hiện được một phần hoặc là toàn bộ các nghĩa vụ của mình mà làm cho mục đích của bên có quyền không thể nào đạt được thì bên có quyền họ có thể thực hiện hủy bỏ hợp đồng và có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Thủ tục hủy hợp đồng tặng cho nhà đã công chứng:
Hiện nay, khi mà bên tặng cho mà có yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho nhà đất thì khi thực hiện khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết chính là Tòa án nơi có nhà đất có thẩm quyền giải quyết.
Theo quy định của pháp luật thì thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng chính là 03 năm, tính kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc là phải biết về quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm.
Hồ sơ khởi kiện bao gồm:
– Đơn khởi kiện về vấn đề hủy hợp đồng tặng cho nhà đất;
– Hợp đồng tặng cho nhà đất (bản gốc);
– Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến tranh chấp (bản gốc);
– Giấy tờ nhân thân của các bên (chứng minh nhân dân, căn cước công dân,…) (bản sao chứng thực).
Thủ tục khởi kiện hủy hợp đồng tặng cho bất động sản:
– Người khởi kiện tiến hành nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án
– Trong thời hạn là 03 ngày làm việc Chánh án Tòa án sẽ phải phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu.
– Thẩm phán đã được phân công tiến hành thụ lý vụ án khi mà hồ sơ đã hợp lệ và tiến hành thủ tục cần thiết để chuẩn bị xét xử.
– Xét xử sơ thẩm
– Xét xử phúc thẩm (nếu có).