Độ phì nhiêu của đất là gì? Biện pháp tăng độ phì nhiêu của đất?

Độ phì nhiêu là gì? Đặc điểm của độ phì nhiêu? Tầm quan trọng của độ phì nhiêu? Biện pháp tăng độ phì nhiêu của Đất? Ảnh hưởng của phân bón đến độ phì nhiêu của Đất?

Đất đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình trông trọt của các bác nông dân. Độ phì nhiêu của Đất như thế nào là mối quan tâm hàng đầu của người nông dân. Vậy làm thế nào để tăng độ phì nhiêu cho đất. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn đọc!

1. Độ phì nhiêu là gì? 

Độ phì nhiêu của đất là yếu tố quan trọng quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Không phải đất nào cũng có độ phì nhiêu giống nhau. Do đó, để giúp cho cây cối phát triển tốt hơn chúng ta cần cải tạo, gia tăng độ phì nhiêu của đất.

Độ phì nhiêu đất chính là khả năng đất đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết về chất dinh dưỡng cho sự sinh trưởng và phát triển ổn định của cây trồng. Ngoài ra nó còn tạo điều kiện cho hệ vi sinh có lợi trong đất phát triển mạnh mẽ.

Đất phì nhiêu đảm bảo các yếu tố sau đây:

– Có đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây trồng và giúp cho cây dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng.

– Có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho cây quang hợp và hô hấp.

– Hệ vi sinh trong đất phát triển mạnh mẽ.

– Đất phì nhiêu thường không chứa các kim loại nặng, không chứa mầm mống sâu bệnh.

– Đất thông thoáng và tơi xốp nên cây dễ hấp thu dưỡng chất, không khí và mang lại sự tiện lợi trong canh tác.

– Độ pH của đất từ 5,5 – 7,5.

Độ phì nhiêu của đất được chia thành 2 loại, đó là:

– Độ phì nhiêu tự nhiên được hình thành do thảm thực vật tự nhiên, hoàn toàn không có tác động hay can thiệp từ con người

– Độ phì nhiêu nhân tạo hình thành do sự tác động của con người như: bón phân, canh tác đất, cải tạo đất tơi xốp …

2. Đặc điểm độ phì nhiêu? 

– Các lọai đất khác nhau, độ phì nhiêu tự nhiên rất khác nhau, quá trình hình thành rất chậm.

– Sử dụng phân bón thường đạt hiệu quả cao trên đất có độ phì nhiêu cao.

– Quản lý không tốt sự suy giảm độ phì nhiêu sẽ rất nhanh

– Nhưng nếu độ phì nhiêu được cải thiện thì hiệu quả sử dụng phân bón sẽ tăng cao.

– Phần lớn đất canh tác hiện nay là có độ phì nhiêu thấp, 1 số ít là trung bình.

Một loại đất có khả năng sản cao với độ phì nhiêu cao, bao gốm các tính chất sau:

– Các chất dinh dưỡng dễ giải phóng ra dung dịch đất từ các nguồn dự trữ.

– Các chất dinh dưỡng trong phân bón dễ dàng chuyển thành dạng hữu dụng đối với cây trồng.

– Giữ được các chất dinh dưỡng hòa tan dưới dạng dễ hữu dụng, đồng thời hạn chế sự rửa trôi các chất dinh dưỡng.

– Cung cấp các chất dinh dưỡng một cách cân bằng theo nhu cầu của cây, do đất có khả năng tự điều chỉnh.

– Giữ và cung cấp đủ nước.

– Duy trì độ thóang tốt, thỏa mãn nhu cầu oxygen cho rễ.

– Không cố định (giữ chặt) các chất dnh dưỡng, như kết tủa, làm cho chất dinh dưỡng trở nên không hữu dụng.

Đất có độ phì tự nhiên cao, không bón phân, cây trồng cũng có thể cho năng suất cao, nhưng năng suất sẽ không thể tăng hơn nữa nếu không bổ sung thêm các chất dinh dưỡng chủ yếu. Đất có mức độ phì nhiêu đất cao chính là nền tảng cho tất cả các biện pháp kỹ thuật khác phát huy tác dụng.

3. Tầm quan trọng của độ phì nhiêu: 

Đất có chức năng cung cấp và giữ gìn chất dinh dưỡng, nước và không khí cho cây phát triển. Vì vậy, độ phì nhiêu trong đất có tầm quan trọng rất lớn đối với cây trồng. Đất càng phì nhiêu thì cây trồng càng phát triển, cho ra năng suất cao và chất lượng. Đất không phì nhiều sẽ dẫn đến hàm lượng dinh dưỡng để cây hấp thụ thấp, khả năng cấp ẩm và không khí cũng không đảm bảo. Điều này dẫn tới cây trồng kém phát triển và cho ra năng suất kém.

4. Biện pháp tăng độ phì nhiêu của Đất? 

Làm ruộng bậc thang đối với các vùng đất dốc để hạn chế xói mòn

Đối với các vùng đất dốc, việc làm ruộng bậc thang sẽ giúp trồng cây một cách thuận lợi và đồng thời hạn chế tình trạng xói mòn, trực di nguồn dinh dưỡng trong đất giúp bảo vệ độ phì nhiêu của đất.

Trồng xen canh, luân canh để tăng độ che phủ đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi

Trồng xen canh, luân canh cây trồng giúp đa dạng hóa hệ sinh thái cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt đây là biện pháp hạn chế được các loài cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng. Có thể trồng xen canh, luân canh với các loài cây họ đậu nhằm tăng hoạt động của các loài vi sinh vật cố định đạm, tạo ra nguồn dinh dưỡng tự nhiên trong đất.

Cày nông bừa sục, giữ nước liên tục, thay nước thường xuyên đối với các vùng đất phèn nhằm rửa phèn

Đối với các vùng đất bị nhiễm phèn, công tác rửa phèn giữ một vai trò vô cùng quan trọng nhằm tạo môi trường đất thuận lợi cho cây trồng có thể phát triển tốt nhất. Các loại cây trồng đa phần không thể sinh sống được trên đất phèn. Đây cũng là biện pháp giúp giảm đồ phèn trong đất, giúp đất có tình trạng dinh dưỡng và độ phì nhiều và luôn ở trạng thái tốt nhất.

Quản lý nguồn nước tưới 

Đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng hàng đầu trong việc làm tăng độ phì nhiêu trong đất. Việc chủ động nước tưới tiêu bằng một hệ thống kênh mương hoàn chỉnh nhằm cải thiện độ phì đất bạc màu, tăng độ ẩm, làm cho đất tơi xốp hơn, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Bổ sung vôi dolomite để nâng pH đất thấp

Đối với các vùng đất bị chua, nhà vườn có thể bổ sung thêm bột đá dolomite để nâng pH. Cây trồng chỉ có thể phát triển tốt trên nền đất có độ pH thích hợp. Việc bón bổ sung dolomite giúp cải tạo đất, trung hòa pH phù hợp, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho cây trồng phát triển.

Bón phân hữu cơ

Tăng cường bón lót, bón thúc bằng các nguồn phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh, phân trùn quế,… để cải tạo và tăng độ phì nhiêu cho đất. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, mùn trấu, than bùn,… để ủ dùng làm chất cải tạo đất rất tốt.

Lưu ý khi làm đất

Đặc điểm của đất có độ phì thấp thường là khô và cứng. Do đó cần hạn chế xới xáo quá nhiều để tránh mất nước do bốc hơi, nhất là vào thời kỳ khô hạn. Chỉ nên kết hợp xới xáo nhẹ khi bón phân. Nếu trồng lúa trên đất bạc màu, thì không nên cày ải dễ làm đất mất thêm nước, hệ vi sinh vật còn sót lại trong đất sẽ bị chết, đất càng trở nên chai cứng hơn. Nếu trồng rau màu thì lên luống cao kết hợp tưới nước theo rãnh là biện pháp cải tạo đất bạc màu tối ưu nhất.

5. Ảnh hưởng của Phân bón đến độ phì nhiêu của Đất: 

Sau mỗi vụ thu hoạch thì hàm lượng chất dinh dưỡng trong đất sẽ bị giảm thiểu. Việc bón phân hợp lý giúp đất không bị suy kiệt, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho các vụ mùa sau. Dưới đây là các ảnh hưởng của phân bón đến độ phì nhiêu trong đất.

5.1. Ảnh Hưởng Trực Tiếp:

Ảnh hưởng đến kết cấu đất: Phân bón có ảnh hưởng trong việc ổn định kết cấu đất, làm đất không bị thoái hóa. Phân bón giúp làm tăng độ thông khí, giúp đất tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm cho đất và cung cấp thức ăn có các vi sinh vật có lợi. Nhiều lợi ích của phân bón đem đến cho đất nhưng không có nghĩa là lạm dụng nó. Nên phân bổ hợp lý lượng phân cho từng vùng đất.

5.2. Ảnh Hướng Gián Tiếp:

Độ chua, độ kiềm của đất: Độ chua, độ kiềm của đất được thể hiện bằng độ pH. Cây trồng thường thích hợp với độ pH 6 – 6,5, đất quá chua hay quá kiềm đều không có lợi đối với cây trồng. Việc bón phân vô cơ sẽ làm cho độ pH của đất cao hơn, làm cho đất bị chua, bị kiềm hóa dẫn đến đất không còn phì nhiêu. Nên sử dụng các loại phân bón hữu cơ để ổn định và góp phần cải tạo đất.

Lượng dưỡng chất trong đất: Bón phân hữu cơ hợp lý cho từng vùng đất sẽ làm tăng chất dinh dưỡng có trong chúng, giúp cho mỗi mùa vụ tiếp theo cây trồng có đủ chất dinh dưỡng và các điều kiện để phát triển tốt. Còn bón phân vô cơ sẽ làm đất bị suy kiệt chất dinh dưỡng, tích lũy kim loại nặng gây độc cho cây trồng.

Hệ vi sinh vật đất: Đất không chỉ có tác động lớn đến cây trồng mà bên cạnh đó còn là nơi hoạt động của các vi sinh vật. Vi sinh vật sẽ quyết định đến độ phì nhiêu của đất. Dùng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh sẽ có vai trò thúc đẩy hoạt động của vi sinh vật có lợi cho đất. Bón phân cho đất bằng phân bón vô cơ trong thời gian dài làm ức chế hoạt động của vi sinh vật hoặc có thể tiêu diệt hết các sinh vật có lợi.

Ngày nay, do lạm dụng quá nhiều chất hóa học như thuốc trừ sâu,.. đã ảnh hưởng rất lớn đến độ phì nhiêu của đất. Độ phì nhiêu của đất ngày càng cạn kiệt chính vì vậy mà các biện pháp cải thiện độ phì nhiêu của đất là rất cần thiết.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5(1
bình chọn
)

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com