Một số khái niệm? Đặc điểm và hình thức của doanh nghiệp dân doanh?
“Trong một thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, lộ trình duy nhất đưa bạn đến thất bại là không dám mạo hiểm”. – Mark Zuckerberg. Trong thời đại mà cuộc sống muôn màu muôn vẻ bạn có dám đầu tư toàn bộ tài sản của mình vào một hình thức kinh doanh mà không cần đến góp vốn của nhà nước. Doanh nghiệp dân doanh một khái niệm đã cũ được dùng để chỉ loại hình doanh nghiệp có vốn ngoài nhà nước do tổ chức hoặc cá nhân sở hữu. Nếu bạn muốn hiểu doanh nghiệp dân doanh là gì và các đặc điểm cũng như đặc điểm của loại hình doanh nghiệp dân doanh này, hay cùng tham khảo bài viết sau.
Căn cứ pháp lý: Luật doanh nghiệp 2020
LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191
1. Doanh nghiệp dân doanh là gì?
Hiện tại pháp luật Việt Nam không có một quy định nào đưa ra về khái niệm doanh nghiệp dân doanh. Tuy nhiên, trong quá khứ, doanh nghiệp dân doanh lại là một thuật ngữ được sử dụng tại cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Doanh nghiệp dân doanh được hiểu là một dạng hình thức doanh nghiệp (có thể là loại hình công ty hoặc xí nghiệp) nhằm để chỉ đến các doanh nghiệp không có vốn nhà nước hoặc nhà nước không có quyền làm chủ, chi phối công ty hay còn hiểu là công ty doanh nghiệp ngoài nhà nước tại Trung Hoa và Việt Nam.
2. Đặc điểm và hình thức của doanh nghiệp dân doanh?
2.1. Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên:
Căn cứ điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 đặc điểm của công ty TNHH 1 thành viên: là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu. Phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty và công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Về cổ phần, công ty sẽ không được phát hành cổ phần, ngoài trừ khi chuyển đổi thành công ty cổ phần và công ty được phát hành trái phiếu.
Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu quy định tại điều 79 luật doanh nghiệp 2020. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong mô hình sau đây:
Mô hình 1: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu có Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Chủ sở hữu công ty là Chủ tịch công ty và có thể kiêm hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Quyền, nghĩa vụ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được quy định tại Điều lệ công ty và hợp đồng lao động.
Mô hình 2: Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Mô hình cá nhân đứng đầu công ty với chức danh chủ tịch bên dưới sẽ là giám đốc hoặc tổng giám đốc sẽ công ty có nhiều phòng ban có chức năng khác nhau. Tuy nhiên có thể thay chủ tịch công ty thành hội đồng thành viên điều này luôn đem lại những mặt lợi hại khác nhau. Ví dụ: nếu là chủ tịch hội đồng thì quyết sách ra lệnh cũng nhanh chóng hơn còn hội đồng thành viên thì quyết sách ra lệnh nhiều khi sẽ chính xác hơn.
Thêm nữa, công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác thì cơ cấu tổ chức, hoạt động, chức năng, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc thực hiện theo quy định của Luật này.
2.2. Công ty trách nhiệm hai thành viên trở nên:
Căn cứ tại điều 46 luật doanh nghiệp 2020, Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần; được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
2.3. Công ty cổ phần có những đặc điểm sau:
Căn cứ tại điều 111 Luật doanh nghiệp 2020.Cổ phần là vốn điều lệ của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau;
Quy định về cổ động :có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp; có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.
Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần
Trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
Mô hình 1: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;
Mô hình 2: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban kiểm toán quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.
Nói thêm về sự khác nhau của hai mô hình trên ta có thể thấy đó là ban Kiểm soát là một tổ chức chịu sự chi phối của chủ thể quản lý với đối tượng quản lý, được thiết lập để đảm bảo nội quy của công ty nhằm đạt các mục tiêu như: hiệu quả của hoạt động, sự tin cậy của báo cáo tài chính và việc tuân thủ các luật lệ và quy định. ủy Ban Kiểm toán và thành viên độc lại cho thấy sự độc lập, nhằm đảm bảo các hoạt động đã được hoạch định đạt hiệu quả, gia tăng giá trị và cải thiện rủi ro thông qua các phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống.
Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
2.4. Doanh nghiệp tư nhân:
Căn cứ điều 188 luật doanh nghiệp 2020:
Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Đặc biệt, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Vì họ phải chịu về mức độ tài sản với doanh nghiệp tư nhân của họ là toàn bộ tài sản nếu doanh nghiệp tư nhân xảy ra vấn đề gì liên quan tài sản dẫn đến phá sản trách nhiệm bồi thường sẽ gây ảnh hưởng đến phần vốn góp của họ ở công ty cổ phần hoặc vốn góp ở công ty TNHH.
2.5 Hợp tác xã:
Căn cứ luật hợp tác xã 2012. Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập. Trong hợp tác xã các thành viên hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã tuân theo pháp luật. Khi hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật doanh nghiệp.