FATCA là gì? Đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài?

Đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài (FATCA), là một đạo luật của Hoa Kỳ, có hiệu lực từ 01/07/2014. Chính phủ Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận IGA Mô hình 1B với Chính phủ Hoa Kỳ về tuân thủ FATCA vào ngày 01/04/2016 và có hiệu lực từ 07/07/2016.

1. FATCA là gì? Đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài?

FATCA (Tên đầy đủ là: Foreign Account Tax Compliance Act) là Đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài. Đạo luật này được đưa ra tháng 10/2009 và đã thành luật vào tháng 3/2010, là một phần của Đạo luật Hiring Incentives to Restore Employment (HIRE). FATCA được sử dụng để ngăn chặn việc trốn thuế của công dân hoặc cư dân Mỹ có tài khoản nước ngoài hoặc đầu tư ra nước ngoài. Theo quy định FATCA, các tổ chức tài chính nước ngoài (FFIs) cần phải xác định chủ tài khoản cũng như các tổ chức dưới sự kiểm soát của nước Mỹ và cung cấp cho Sở Thuế vụ Mỹ (Internal Revenue Service – IRS) thông tin về tài sản, thanh toán thu nhập và dòng tiền thương mại trong năm tài khóa. Theo đó, FATCA yêu cầu tất cả định chế tài chính bên ngoài nước Mỹ gửi thông tin thường xuyên trên tài khoản tài chính của cá nhân hoặc pháp nhân Mỹ cho IRS.

FATCA yêu cầu các công dân Mỹ, bao gồm cả các cá nhân sống bên ngoài nước Mỹ báo cáo về các tài khoản tài chính của họ bên ngoài nước Mỹ và yêu cầu các tổ chức tài chính nước ngoài báo cáo cho IRS về khách hàng người Mỹ của họ. Không giống như nhiều quốc gia phát triển khác, Mỹ áp thuế thu nhập với mọi công dân Mỹ, bất kể nơi cư trú, những người Mỹ sống ở nước ngoài phải nộp thuế Mỹ trên các khoản thu nhập ở nước ngoài. Theo đó, FATCA yêu cầu công dân Mỹ có tài sản tài chính nước ngoài với giá trị trên 50.000 USD phải báo cáo chi tiết thông tin về các tài sản đó theo một mẫu đơn được gắn cùng với tờ khai thuế hàng năm của những người nộp thuế. Việc báo cáo này được áp dụng cho các tài sản nắm giữ trong năm tài chính bắt đầu sau ngày 18/3/2010. Để tuân thủ FATCA, các tổ chức tài chính nước ngoài có thể ký thỏa thuận trực tiếp với IRS hoặc các nước đối tác ký thỏa thuận liên chính phủ (IGA) với Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ đưa ra 2 mô hình IGA để giảm bớt gánh nặng và hỗ trợ việc thực hiện FATCA tại các nước đối tác. Dạng mô hình tương hỗ cho phép các FFI báo cáo lên cơ quan chính phủ của nước sở tại trước, sau đó báo cáo lên IRS. Dạng mô hình không tương hỗ cho phép các FFI báo cáo trực tiếp lên IRS. Theo Ủy ban Phối hợp Quốc hội Mỹ về Thuế ước tính FATCA sẽ tăng nguồn thu từ thuế mỗi năm khoảng 792 triệu USD trong 10 năm tới. Trong khi đó, chi phí để tuân thủ FATCA của các tổ chức tài chính ước tính vào khoảng 8 tỷ USD mỗi năm, gấp gần 8 lần doanh thu ước tính.

Có ý kiến cho rằng FATCA là một thảm họa trong khi những người khác cho rằng, FATCA thể hiện tính minh bạch, chống hành động trốn thuế của những đối tượng Mỹ ở nước ngoài. Trên thế giới, một số nước cũng đang nghiên cứu áp dụng một số đạo luật tương tự để ngăn chặn hành vi trốn thuế của công dân nước mình, hoặc trao đổi thông tin song phương. Như vậy, trong tương lai, ngoài FATCA, hệ thống ngân hàng các nước sẽ phải làm quen với việc tuân thủ các đạo luật tương tự, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi trong nền kinh tế toàn cầu.

2. Một số nội dung cơ bản của FATCA:

Với mục tiêu ngăn ngừa hành vi trốn thuế của các đối tượng phải nộp thuế ở Hoa Kỳ thông qua các khoản đầu tư ở nước ngoài (hay còn gọi là chủ tài khoản Hoa Kỳ), FATCA hướng tới điều chỉnh 2 đối tượng chính là tổ chức, cá nhân phải nộp thuế ở Hoa Kỳ và tổ chức tài chính nước ngoàitrên phạm vi toàn cầu, cụ thể:

– FATCA yêu cầu các chủ tài khoản Hoa Kỳ có nắm giữ tổng số dư tài sản tài chính ở nước ngoài vượt quá 50,000 USD (đối với tài khoản của cá nhân Hoa Kỳ) và vượt quá 250.000 USD (đối với tài khoản của tổ chức có đại diện pháp nhân là công dân Hoa Kỳ hoặc cổ đông chính là công dân Hoa Kỳ phải khai báo thông tin theo mẫu của Cục Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) để nộp thuế

– Các tổ chức tài chính nước ngoài phải báo cáo định kì cho IRS các thông tin liên quan tới chủ tài khoản Hoa Kỳ có hoạt động đầu tư trực tiếp thông qua tài khoản ở nước ngoài hoặc gián tiếp thông qua việc sở hữu các tài sản ở nước ngoài.

Trong trường hợp tổ chức tài chính nước ngoài không thực hiện các quy định của FATCA sẽ bị áp dụng hình thức khấu trừ 30% đối với các khoản thu nhập phát sinh trên tài sản có nguồn gốc từ Hoa Kỳ của tổ chức tài chính nước ngoài này bao gồm: thu nhập từ chứng khoán có nguồn gốc tại Hoa Kỳ; tiền lãi từ tài khoản tiền gửi ngân hàng mở tại Hoa Kỳ hay chi nhánh nước ngoài của ngân hàng Hoa Kỳ; tổng các khoản thu từ mua bán chứng khoán của Hoa Kỳ.

Các tổ chức tài chính nước ngoài khi cam kết tuân thủ FATCA phải thực hiện những nghĩa vụ sau:

– Tổ chức tài chính nước ngoài phải xác định và phân loại các khách hàng hiện tại và khách hàng mới theo các điều khoản của FATCA để xác nhận về nguồn gốc tài khoản có phải do tổ chức, cá nhân Hoa Kỳ nắm giữ hay không

– Tổ chức tài chính nước ngoài phải thực hiện các thủ tục rà soát khách hàng toàn diện và nộp báo cáo thường niên cho IRS về chủ tài khoản Hoa Kỳ

– Tổ chức tài chính nước ngoài phải tuân thủ chế độ báo cáo thông tin toàn diện cho IRS chi tiết các tài khoản của khách hàng được phân loại theo các điều khoản của FATCA là chủ tài khoản Hoa Kỳ và chủ tài khoản chống đối (nghĩa là các chủ tài khoản hoặc khách hàng không tuân thủ các yêu cầu hợp lý về cung cấp thông tin cho các tổ chức tài chính nước ngoài tuân thủ)

– Tổ chức tài chính nước ngoài phải cung cấp thêm các thông tin, báo cáo tài khoản của các tổ chức, cá nhân Hoa Kỳ (việc rút, chuyển tiền và đóng tài khoản) khi Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu bổ sung thông tin

– Tổ chức tài chính nước ngoài phải khấu trừ, nộp cho IRS 30% các khoản thanh toán thuộc diện khấu trừ trả cho những chủ tài khoản chống đối, các tổ chức tài chính nước ngoài không tuân thủ FATCA, tổ chức phi tài chính nước ngoài chấp nhận khấu trừ

– Tổ chức tài chính nước ngoài phải bảo mật thông tin về chủ tài khoản Hoa Kỳ và chỉ được công bố những thông tin này cho những bên liên quan (bao gồm tòa án, cơ quan quản lý) của Chính phủ Hoa Kỳ nhằm thu thập thông tin, đánh giá, quản lý và thực thi các nghĩa vụ quy định tại Hiệp định song phương.

Để thực hiện FATCA, Hoa Kỳ đưa ra những cách thức lựa chọn:

– Tổ chức tài chính nước ngoài chủ động ký Thỏa thuận trực tiếp với IRS (Thỏa thuận FFIs)

– Chính phủ nước đối tác ký kết Hiệp định song phương với Chính phủ Hoa Kỳ (IGA) về việc thực hiện FATCA, việc ký kết IGA có 2 phương thức là IGA mô hình 1 và IGA mô hình 2.

3. Chủ trương thực hiện FATCA tại Việt Nam:

Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cam kết tuân thủ FATCA dưới hình thức Chính phủ Việt Nam ký kết hiệp định song phương với Chính phủ Hoa Kỳ theo mô hình IGA 1B. Theo mô hình này, các tổ chức tài chính ở Việt Nam sẽ báo cáo thông tin theo yêu cầu của FATCA cho một cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Trên cơ sở thông tin báo cáo từ các tổ chức tài chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ phân tích và chuyển giao cho IRS.

Các tổ chức tài chính ở Việt Nam phải tuân thủ FATCA được xác định bao gồm: các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp bảo hiểm..

Tuy nhiên, việc đăng ký mã số GIIN mới chỉ là bước đầu thể hiện cam kết các tổ chức tài chính ở Việt Nam sẽ tuân thủ quy định của FATCA. Để thực hiện được các nghĩa vụ theo quy định của FATCA, ngay từ bây giờ, các tổ chức tài chính cần phải chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bao gồm: việc xác định chủ tài khoản Hoa Kỳ, thu thập thông tin về chủ tài khoản Hoa Kỳ, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu, kế hoạch nhân sự… để có thể đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin và khấu trừ cho IRS.

4. Các đối tượng bị ảnh hưởng bởi FATCA:

Đạo luật FATCA sẽ ảnh hưởng đến khách hàng được coi là công dân Mỹ hoặc công dân Mỹ không trực tiếp/gián tiếp sở hữu nhiều hơn 10% các tài sản và công cụ tài chính tại các Tổ chức tài chính bên ngoài nước Mỹ (FFIs), cụ thể bao gồm:  

– Công dân Mỹ, bao gồm cả cá nhân sinh ra ở Mỹ và cư trú tại một đất nước khác (không từ bỏ quốc tịch Mỹ).  

– Người cư trú tại Mỹ, bao gồm cả Công dân có Thẻ cư trú dài hạn (Thẻ xanh).  

– Các cá nhân cư trú hàng năm dài ngày tại Mỹ. 

5. Hướng dẫn thực hiện FATCA ở Việt Nam:

Hiệp định song phương để thực hiện Đạo luật tuân thủ thuế đối với tài khoản ở nước ngoài của công dân Hoa Kỳ (FATCA) giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Hoa Kỳ (Hiệp định IGA) và các văn kiện liên quan đã được đại diện Chính phủ hai nước ký kết, phê chuẩn và đã có hiệu lực thực hiện từ ngày 7/7/2016. Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có 07 văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) đề nghị thực hiện báo cáo FATCA theo yêu cầu của Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS). Để thống nhất thực hiện đúng yêu cầu của IRS và tránh phải tham chiếu các văn bản trước đây, văn bản hướng dẫn này hợp nhất toàn bộ nội dung yêu cầu của FATCA tại Phụ lục I (đính kèm) và được áp dụng cho việc thực hiện báo cáo FATCA từ năm tài khóa 2016.

Ngoài ra, do mẫu biểu báo cáo của từng năm có thể thay đổi theo yêu cầu của IRS, NHNN đã bổ sung đường link để truy cập trực tiếp mẫu biểu báo cáo và hướng dẫn chi tiết để điền mẫu biểu này tại Phụ lục II (đính kèm) để giúp các TCTD truy cập đầy đủ các mẫu biểu của các năm trước và các năm sau khi IRS thực hiện điều chỉnh mẫu biểu báo cáo trong tương lai.

Riêng đối với báo cáo FATCA của năm tài khóa 2016, đề nghị các TCTD gửi báo cáo bằng file điện tử định dạng XML cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) trước ngày 15/8/2017.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com