GAP là gì? Đặc điểm của GAP? Phân loại GAP trong chứng khoán? Cách giao dịch chứng khoán với GAP? Lưu ý khi giao dịch chứng khoán với GAP?
Chứng khoán vốn là một lĩnh vực rất phong phú, thị trường cũng có nhiều kênh đầu tư với đa dạng các thuật ngữ khác nhau. Trong đó, GAP trong chứng khoán là gì cũng là một câu hỏi thường được các nhà đầu tư thắc mắc.
1. GAP là gì?
GAP được hiểu là khoảng trống giữa hai phiên giao dịch liên tiếp, khoảng trống này được xác định bởi giá đóng cửa của cây nến phía trước và giá mở cửa của cây nến phía sau, là khoảng trống về giá giữa các phiên giao dịch trên thị trường tài chính. GAP là chỉ số phân tích rất quan trọng để nhà đầu tư có thể đánh giá và đưa ra quyết định mua bán đúng đắn.
Thông thường, GAP xuất hiện dưới 2 dạng, cụ thể:
GAP Up: là GAP tăng giá, xuất hiện khi mức giá mở cửa của phiên hôm sau cao hơn mức giá đóng cửa của phiên giao dịch hôm trước.
GAP Down: là GAP giảm giá, xuất hiện khi mức giá mở cửa của phiên hôm sau thấp hơn mức giá đóng cửa của phiên giao dịch hôm trước.
2. Đặc điểm của GAP:
– GAP xuất hiện ở những vùng kháng cự mạnh và vùng hỗ trợ, GAP có xu hướng quay trở về các vùng kháng cự mạnh và hỗ trợ này để kiểm tra lại nhằm xác định cụ thể xu hướng giá hiện tại trước khi nó tiếp tục bị giảm hoặc tăng lên.
– GAP có thể xuất hiện tại các khu mô hình giá thường hoặc lấp đầy để hoàn thành mô hình đó.
– GAP có thể xuất hiện khi có sự kiện hoặc các thông tin mới do những người tham gia chứng khoán hoặc người thực hiện giao dịch mua. Sự xuất hiện này sẽ gây ra sự chênh lệch mạnh giữa giá mở cửa và giá đóng cửa.
– Mỗi loại khoảng trống về giá sẽ cho thấy sự bắt đầu của xu hướng hoặc sự đảo chiều của xu hướng đó.
3. Phân loại GAP trong chứng khoán:
Trong chứng khoán có ba loại GAP:
GAP tạo xu hướng: đây là loại GAP tạo ra các biến động về giá, từ đó tạo nên xu hướng giá mới, xu hướng này sẽ xuất phát từ sự tăng vọt hoặc giảm sâu của giá vào thời điểm đầu phiên giao dịch, sau đó duy trì đến các phiên giao dịch sau. Đây là loại GAP được đánh giá mang lại lợi nhất cao nhất cho các nhà đầu tư.
GAP theo xu hướng: Đây là loại GAP thay đổi theo xu hướng giá đã có trên thị trường trước đó. GAP theo xu hướng xuất hiện trong thị trường giá mạnh và ít điều chỉnh. GAP theo xu hướng mang lại ít lợi nhuận kỳ vọng hơn GAP tạo xu hướng nhưng nhà đầu tư vẫn có thể thu lợi luận khi theo GAP theo xu hướng.
GAP gãy xu hướng: đây là loại GAP xuất hiện khi kết thúc một xu hướng giá. Đa số các trường hợp, khi xu hướng giá tăng, giá GAP sẽ tăng thêm một hoặc hai nhịp nữa trước khi kết thúc. GAP gãy xu hướng không phải sẽ có một xu hướng mới bắt đầu.
Và có 5 dạng GAP xuất hiện trong chứng khoán:
Common GAP (GAP thông thường): đây là loại GAP mang tính chất tạm thời và xảy ra khi giá cổ phiếu đi ngang và dao động trong phạm vi hẹp. GAP thông thường được làm đầy trong các phiên giao dịch sau một các nhanh chóng và được xem như một tín hiệu yếu – không tác động nhiều đến các sàn giao dịch.
Breakaway GAP: đây là GAP phá vỡ báo hiệu cho sự bắt đầu của một xu hướng giá mới, xuất hiện khi có những bất ngờ tác động đến thị trường chứng khoán, khiến tâm lý của nhà đầu tư thay đổi sang hướng khác. Loại GAP này có ý nghĩa như một vùng hỗ trợ mạnh nếu là GAP Up hoặc là một vùng kháng cự mạnh nếu là GAP Down.
Runaway GAP hay là Continuation GAP (GAP tiếp diễn): GAP tiếp diễn xuất hiện giữa hai xu hướng tăng hoặc giảm của giá được hình thành rõ rệt. GAP tiếp diễn không bị lấp GAP trong chứng khoán.
Exhaustion GAP (GAP kiệt sức): loại GAP này thường xuất hiện ở vị trí gần đỉnh hoặc đáy khi giá thị trường chứng khoán nằm trong một xu hướng tăng hoặc giảm rõ ràng. Khi xuất hiện GAP kiệt sức kết hợp với khối lượng giao dịch lớn, đây là dấu hiệu để nhà đầu tư có thể vào lệnh.
Island Reversal (GAP đảo ngược): đây là dạng GAP xuất hiện sau giai đoạn tăng giá sẽ tiếp diễn đến giai đoạn giá nằm ngang và dần giảm xuống.
4. Cách giao dịch chứng khoán với GAP:
GAP trong chứng khoán là một chỉ báo quan trọng để phân tích chứng khoán, giúp các nhà đầu tư có thể đưa ra những đánh giá chính xác và quyết định thực hiện giao dịch đúng đắn. Nhưng GAP không phải là một sự chỉ báo có tính chính xác trong chứng khoán mà chỉ mang tính xác suất. Trong chứng khoán, GAP thường xuất hiện trong những thời điểm sau:
– Xuất hiện vào phiên giao dịch ngày thứ hai: giống như forex, chứng khoán trong thực tế sẽ không có giao dịch vào hai ngày cuối tuần, thứ bảy và chủ nhật. Nhưng khi xuất hiện những sự kiện bất ngờ gây chấn động đến kinh tế, chính trị thì sẽ gây ra hiện tượng mở GAP trong chứng khoán
– Xuất hiện khi có thông tin nóng và bất ngờ gây ảnh hưởng mạnh đến thị trường ví dụ như: một doanh nghiệp, tập đoàn lớn phá sản, sự sáp nhập của hai công ty lớn,…
– Xuất hiện vào các dịp nghỉ lễ với khối lượng giao dịch biến động thất thường cũng dễ gây ra sự xuất hiện của GAP. Lý do là vì khoảng thời gian này các ngân hàng trên thế giới đều nghỉ lễ nên việc giao dịch không được diễn ra liên tục.
Để giao dịch với GAP hiệu quả, các nhà đầu tư cần xác định khoảng thời gian lấp đầy và xác định GAP đó nằm trong vùng hỗ trợ hay kháng cự hay các biểu đồ nến giao dịch quen thuộc.
Nếu GAP trùng với những mức cản này thì xu hướng giá sẽ quay lại để lấp GAP và để kiểm tra sự chính xác trước khi giá tăng hoặc giảm theo xu hướng.
Exhaustion GAP và Continuation GAP là hai loại GAP có tỷ lệ lấp đầy cao, vì vậy các nhà đầu tư cần xác định các loại GAP này để quá trình giao dịch thuận lợi hơn. Nhà đầu tư có thể thực hiện chiến lược giao dịch theo các bước sau:
Bước 1: Tìm kiếm biểu đồ có xuất hiện GAP thông thường (Common GAP)
Bước 2: Xác định mô hình nến
Bước 3: Dựa theo giờ nền tảng tìm kiếm GAP, Common GAP hay xuất hiện nhất là vào nửa đêm
Bước 4: Sau khi thấy Common GAP xuất hiện, nhà đầu tư cần xác định giá đỉnh hoặc giá đáy
Bước 5: Áp dụng vào GAP ngay sau đó hoặc có thể đợi đỉnh nến bị phá ngưỡng hỗ trợ, kháng cự hãy vào lệnh
Bước 6: Đặt lệch cắt lỗ và chốt lời. Nên đặt lệnh cắt lỗ stop loss cách đáy hoặc đỉnh 15 pip và đặt lệnh take profit khi đóng GAP hoặc 3 pip cách đáy hoặc đỉnh
5. Lưu ý khi giao dịch chứng khoán với GAP:
Đối với loại GAP đầu phiên, đây là dạng GAP hay xuất hiện khi thị trường vừa mở cửa và tạo ra khoảng trống giá so với phiên giao dịch trước đó. Đối với các nhà đầu tư đây thường là cơ hội để giao dịch và kiếm lợi nhuận, vì thế nhà đầu tư có thể canh vào các nhịp giá trống trên đồ thị để thực hiện giao dịch có lợi nhuận. Tuy nhiên để theo đuổi GAP ngay từ khi xuất hiện, nhà đầu tư cần xác định loại GAP là tạo xu hướng hay theo xu hướng. GAP theo xu hướng có mức độ rủi ro thấp hơn GAP tạo xu hướng do các nhà đầu tư đã có một xu hướng khá mạnh trước đó. Với tính chất này, các nhịp điều chỉnh để có cơ hội vào lệnh gía tương đối thấp và đây là thời điểm nhà đầu tư nên theo đuổi GAP. Đối với các trường hợp còn lại, nhà đầu tư cũng cần quan sát diễn biến để xác định dạng GAP trước khi thực hiện giao dịch.
Có một số lưu ý quan trọng mà nhà đầu tư cần biết để đạt hiệu quả cao khi giao dịch với GAP. Đó là:
– Cần phân tích GAP kết hợp với chỉ báo chất lượng để có thể xác nhận chính xác tín hiệu, kiểm tra khối lượng trong thời điểm xảy ra khoảng GAP. Khối lượng cao sẽ xuất hiện trong Breakaway GAP (GAP phá vỡ), ngược lại khối lượng thấp sẽ tiếp diễn ở Exhaustion GAP (GAP kiệt sức)
– Hai dạng GAP là Runaway GAP (GAP tiếp diễn) và Exhaustion GAP (GAP kiệt sức) cho thấy tín hiệu thị trường theo hai hướng hoàn toàn khác nhau vì thế các nhà đầu tư cần tìm hiểu và phân định được hai loại GAP này trước khi giao dịch hay nói cách khác các nhà đầu tư cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng để tránh nhầm lẫn.
– Xác định chính xác các mức hỗ trợ hay kháng cự theo các dạng GAP để tiến hành vào lệnh phù hợp, khi giá cổ phiếu có đấu hiệu bắt đầu lấp đầy các khoảng GAP, sẽ hiếm khi nó dừng lại vì thế không có ngưỡng kháng cự hay hỗ trợ nào gần đó.
– GAP không phải lúc nào cũng được lấp đầy và thường chỉ được lấp đầy bằng những khoảng thời gian dài ngắn khác nhau. Vì thế không phải lúc nào xuất hiện GAP cũng ngay lập tức mở lệnh mua hoặc bán.