Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Nhất tự vi sư bán tự vi sư

Tôn trọng giáo viên là truyền thống lâu đời của dân tộc? Giải thích về ngữ nghĩa của câu tục ngữ: Nhất tự vi sư bán tự vi sư?Ý nghĩa của câu tục ngữ Nhất tự vi sư bán tự vi sư? Bài văn tham khảo về câu tục ngữ: Nhất tự vi sư bán tự vi sư? Các câu tục ngữ có ý nghĩa tương tự?

Ca dao, tục ngữ Việt Nam vô cùng đa dạng phong phú với nội dung sâu sắc về nhiều mặt đời sống văn hóa, xã hội và chính trị. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây về câu tục ngữ: Nhất tự vi sư bán tự vi sư.

1. Tôn trọng giáo viên là truyền thống lâu đời của dân tộc:

Trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, giáo dục gắn liền với vai trò to lớn của người thầy, người cô luôn được đề cao và được coi là quốc sách.  Hệ thống giáo dục được xây dựng và phát triển mạnh mẽ. Năm 1075, vua Lý Nhân Tôn tổ chức khoa thi đầu tiên để tuyển chọn các học sĩ làm quan. Đến năm 1076, Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên được xây dựng trong lịch sử Việt Nam. Cũng có nhiều trường tư thục do những người thầy lỗi lạc giảng dạy như Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Võ Trường Toản. Và đến tận ngày nay, nhà nước và chính phủ luôn coi giáo dục là con đường của tương lai, tổ chức nhiều hoạt động và các chính sách khuyến khích sự học và tri ân người thầy cô như Ngày 20 tháng 11 hàng năm là Ngày nhà giáo Việt Nam, các giải thưởng vinh danh nhà giáo xuất sắc có đóng góp lớn trong sự nghiệp giáo dục…

Người Việt Nam thường có một tình yêu lớn đối với tri thức và học tập. Dân tộc ta luôn có sự tôn trọng và ngưỡng mộ đặc biệt đối với những người dạy cho những người khác về kiến thức, cụ thể là thầy cô giáo. Người Việt luôn quan niệm tri và đức chỉ là hai mặt bổ sung cho nhau của mẫu người lý tưởng. Những con người gắn liền với tri thức và học thức (văn nhân, nhà giáo) luôn được coi trọng, không chỉ bởi học trò mà cả phụ huynh và các tầng lớp nhân dân.

Học tập được coi là quý giá hơn của cải và thành công vật chất. Người giàu mà không có học thường bị người khác coi thường và bản thân họ cảm thấy thua kém những người nghèo có học. Trong hệ thống xã hội truyền thống, học giả – những người thầy đứng hàng đầu, trước nông dân, thợ thủ công và thương nhân. Ngay cả ngày nay, truyền thống tôn trọng thầy cô vẫn được đánh giá cao và giữ gìn. Giáo dục đại diện cho những bước đệm cần thiết cho nấc thang xã hội và cơ hội việc làm tốt. Đó là động lực chính của sự vận động theo chiều dọc trong xã hội Việt Nam và khiến tinh thần tôn sư trọng đạo mãi trường tồn cùng thời gian.

2. Giải thích về ngữ nghĩa của câu tục ngữ: Nhất tự vi sư bán tự vi sư:

Giải thích từng từ ngữ trong câu tục ngữ:

Nhất có nghĩa là một

Tự có nghĩa là chữ

Vi có nghĩa là cũng

Sư có nghĩa là thầy

Bán có nghĩa là nửa

Tự có nghĩa là chữ

Sư có nghĩa là thầy

Cả câu nghĩa là: Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.

3. Ý nghĩa của câu tục ngữ Nhất tự vi sư bán tự vi sư:

Đây là câu tục ngữ ca ngợi về vai trò và sự tri ân với người thầy.

Câu tục ngữ: “nhất tự vi sư bán tự vi sư” là một bài học khuyên răn và chỉ bảo chúng ta phải luôn khắc ghi, sống đúng với đạo lý làm người, cách ứng nhân xử thế đối với những người có công dạy dỗ ta lên người. Dù họ có chỉ dạy ta được bao nhiều thì vẫn luôn là thầy, là người cần và phải được kính trọng. Chúng ta phải biết ơn, kính mến, nhớ đến những người đã nỗ lực, dày công truyền thụ kiến thức, lí lẽ, cách làm người cho mình.

4. Bài văn tham khảo về câu tục ngữ: Nhất tự vi sư bán tự vi sư:

Truyễn thống “tôn sư trọng đạo” được biểu hiện bằng thái độ tôn trọng, quý mến người thầy, đây là một di sản văn hóa phi vật chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Trong sách “Kinh Lễ” của Nho giáo đã ghi rõ kính trọng thầy là nguyên tắc cơ bản của hệ tư tưởng này. Và trong ca dao Việt Nam có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Trước tiên ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của tục ngữ “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là gì? Khi chiết tự câu tục ngữ ta như thấy nghĩa là một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Tục ngữ như nhấn mạnh vai trò, vị trí to lớn, đáng kính của người thầy trong đời sống xã hội. Người thầy là người lái những con thuyền tri thức để chở đến cho mỗi chúng ta. Nghề dạy học được mệnh danh là “nghề cao quý trong tất cả các nghề cao quý”. Mỗi chúng ta khi đã trưởng thành phải biết ơn, kính trọng bậc sinh thành là cha mẹ nhưng cũng luôn biết ơn công lao giáo dục, mang đến tri thức của những người thầy. Người thầy là ánh sáng tri thức soi chiếu con đường lớn lên và trưởng thành cho chúng ta biết được đâu là đúng, là sai, dẫn dắt chúng ta mỗi khi ta lầm đường lạc lối hay mất phương hướng. Người ta cho ta ánh nhìn rộng mở nhất về thế giới ngoài kia và để ta nuôi dưỡng phát triển đôi cánh trước khi hòa mình vào thế giới đó.

Người thầy cho dù có như thế nào vẫn luôn được coi trọng. Từ ngữ “một chữ”, “nửa chữ” ý nói rằng dù người thầy có dạy cho ta điều nhỏ nhặt nhất, một chữ hay nửa chữ thì cũng là thầy. Người thầy không cần phải dạy cho chúng ta những nhiều kiến thức to lớn và vĩ đại nhất mới cần được kính trọng và mới được coi là thầy. Người thầy có thể là những người cố gắng rèn luyện và phát triển về nhân cách lẫn tri thức cho chúng ta, có thể là người thầy ta chỉ được học một lần hay thậm chí chỉ cần là người thầy giáo là được tôn trọng chứ không cần là người trực tiếp nuôi dạy ta.

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” ấy của người Việt còn được in dấu đậm nét những câu tục ngữ, thành ngữ, cao dao khác trong văn hóa dân gian. Như khi nhắc đến vị trí không thể thay thế của người thầy có tục ngữ: “Không thầy đố mày nên”- nói về không có người thầy giúp đỡ thì chúng ta không thể thành công nên người hay câu “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” thể hiện sự kính trọng không của người học trò mà của cả gia đình và xã hội. Hay những câu ngợi ca về sự học: “Người không học như ngọc không mài”- không có sự học thì sẽ mãi như viên ngọc chẳng thể sáng, chẳng thể phát triển “Muốn hành nghề chớ nề học hỏi”- làm bất cứ điều gì, hay nghề gì cũng cần phải học hỏi, bổ sung kiến thức “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”- phải chủ động trong sự học thì mới có kinh nghiệm, hiểu biết; “Một kho vàng không bằng một nang chữ”- nói về vai trò vị trí quý giá như vàng bạc của việc học.

Và ngược lại, người thầy cũng phải luôn ý thức về phẩm chất vai trò to lớn của sư phạm là tấm gương sáng để học trò noi theo. Bởi vì bản thân trong từ “thầy” đã bao hàm cái sắc thái tôn xưng, trọng vọng.

Ngược chiều thời gian để tìm về những trang sử xưa, ta có thể bắt gặp hình ảnh cô cậu học trò nghèo phải bắt đom đóm làm đèn hay là những hình ảnh người vợ, người mẹ tảo tần “nấu sử sôi kinh” hoặc những lớp học với người thầy đồ say mê ngồi dạy học. Nhờ công lao rèn luyện nghiêm chỉnh, cẩn thận của người thầy, những học trò non nớt ấy mới thành người. Người thầy được tôn trọng bởi không chỉ là người dạy chữ, mà còn là người tượng trưng cho chuẩn mực cao đẹp nhất.

Ta có thể kể biết bao người thầy đáng kính trọng được lưu danh sử sách mãi đến muôn đời. Đó là hình ảnh người thầy “vạn thế sư biểu” Chu Văn An – người thầy của thái tử, và cũng là vị trung thần của đất nước dâng “Thất trảm sớ” xin vua xử trảm lũ gian thần rồi từ bỏ áo quan về quê sống. Đó là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu luôn thương dân yêu trò, vừa dạy con chữ vừa bốc thuốc cứu dân, đây quả là một thi sĩ lớn với tình yêu nước thương dân bao la. Hay có thể kể đến những người thầy cao quý như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Lân, Hồ Chí Minh.. Mỗi thầy với mỗi hoàn cảnh cá nhân khác nhau nhưng đều yêu nghề và hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục.

Ngày nay, mặc dù thời thế đã có nhiều thay đổi, hiện đại, tiện ích hơn trong quá trình giảng dạy giáo dục con người nhưng có một chắc chắn là không gì thay thế được người thầy. Dù thời gian có trôi qua cả ngàn năm nữa, người thầy với nhân cách đẹp chuẩn mực đạo đức vẫn sẽ luôn là người dẫn dắt con đò tri thức tới muôn đời sau.

5. Các câu tục ngữ có ý nghĩa tương tự:

– “Tôn sư trọng đạo”,

– “Không thầy đố mày làm nên”,

– “Mùng một bên cha, mồng hai bên mẹ, mồng ba bên thầy”,

– “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”,

– “Người không học như ngọc không mài”,

– “Một kho vàng không bằng một nang chữ”

– “Thầy dở (thì) cũng đỡ láng giềng”,

– “Muốn hành nghề chớ nề học hỏi”,

– “Chẳng cày lấy đâu có thóc, chẳng học lấy đâu biết chữ?”

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com