Bạo lực học đường không phải là một vấn đề mới, nhưng càng ngày, mức độ và tính chất của hành vi càng nguy hiểm, phức tạp hơn. Hoặc nói cách khác, càng ngày, những hành vi bạo lực học đường càng được nhìn thấy nhiều hơn ở ngoài đời và được lan truyền nhanh trên mạng xã hội.
1. Bạo lực học đường là gì ?
– Bạo lực là những hành vi ngược đãi, đánh đập,xâm hại về thân thể, sức khỏe của người khác. Bạo lực còn được hiểu là sự cố ý xúc phạm, lăng mạ danh dự, nhân phẩm gây tổn thất về mặt tinh thần hay những hành vi nhằm cô lập, xua đuổi, cách ly người khác khỏi cộng đồng chung.
– Bạo lực học đường là những hành vi đánh đập, chửi bới, xúc phạm, cô lập, gây tổn thất về mặt tinh thần của người học sinh bị bạo lực. Những hành vi này xảy ra trong phạm vi nhà trường, lớp học.
– Một điều dễ nhận thấy rằng bạo lực học được có thể xảy ra giữa học sinh với học sinh, nhưng đồng thời cũng có thể bởi một giáo viên với học sinh, một giáo viên với một giáo viên khác,… Ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của những vụ bạo lực học đường.
2. Giáo viên có quyền xử phạt, đánh đập, lục cặp học sinh không?
Theo Điều 6 Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ,việc ứng xử của giáo viên được quy định như sau:
– Ứng xử với người học: Ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
– Ứng xử với cán bộ quản lý: Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.
– Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.
– Ứng xử với cha mẹ người học: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
– Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.
Như vậy, giáo viên không được phép đánh đập học sinh trong lớp. Nếu giáo viên có hành vi đánh đập học sinh trong lớp mà bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
3. Giáo viên xử phạt, đánh đập, lục cặp học sinh không rõ lí do sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?
Căn cứ điểm b khoản 1 điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP ,giáo viên xử phạt, đánh đập, lục cặp học sinh trong lớp không rõ lí do sẽ bị xử phạt như sau:
“Điều 28. Vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học; vi phạm quy định về chính sách đối với người học
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành;
b) Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về chính sách đối với người học.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.”
Như vậy, hành vi đánh đập học sinh thì sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 5.000.000 đồng (do mức phạt quy định tại Điều này là mức phạt dành cho tổ chức, mức phạt dành cho cá nhân vi phạm là 1/2 mức phạt quy định). Đồng thời giáo viên phải xin lỗi công khai học sinh bị đánh đập, xúc phạm danh dự. Nếu hành vi của giáo viên gây thương tích cho học sinh từ 11% trở lên hoặc dưới 11% mà rơi vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
4. Các quy tắc ứng xử chung của những đối tượng trong cơ sở giáo dục như thế nào?
Theo Điều 4 Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT thì các quy tắc ứng xử chung được quy định như sau:
– Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, của công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học.
– Thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, quan tâm chia sẻ và giúp đỡ người khác.
– Bảo vệ, giữ gìn cảnh quan cơ sở giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, xanh, sạch, đẹp.
– Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục; nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc; người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục; cha mẹ người học và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục.
– Không sử dụng trang phục gây phản cảm.
– Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội.
– Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
– Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác.
– Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.
5. Thực trạng của bạo lực học đường hiện nay tại Việt Nam:
Bạo lực học đường không còn là một vấn đề xa lạ trong xã hội. Thậm chí hiện tượng này còn trở nên khá phổ biến tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Theo bản báo cáo của cơ quan phòng, chống tội phạm Liên hợp quốc thì mỗi năm trên thế giới có khoảng gần sáu triệu học sinh vướng vào các vụ việc bạo lực học đường. Con số này ngày một tăng, đẩy vấn đề bạo lực học đường lên đỉnh điểm và đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xử lí đối với các nước trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, bạo lực học đường cũng là một vấn đề rất nghiêm trọng, cần phải được giải quyết ngay. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong một năm học mà cả nước ghi nhận hơn 1500 vụ việc học sinh bạo lực học đường trong phạm vi trong và ngoài nhà trường. Số liệu này cho thấy, tình trạng bạo lực học đường đang là một vấn đề nóng, gây nhức nhối đối với toàn xã hội và yêu cầu đặt ra là phải cấp thiết có những giải pháp, phương hướng giải quyết vấn đề này.
Thực tế, những vụ bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa học sinh với học sinh mà còn có những vụ bạo lực học đường xảy ra giữa giáo viên và học sinh. Giống như bạo hành giữa học sinh, bạo hành từ giáo viên cũng bắt nguồn tự sự lạm dụng quyền lực, xảy ra trong khoảng thời gian dài, và thường mang cách thức công khai. Đây là một dạng lăng nhục nhằm gây chú ý từ tập thể để hạ phẩm giá của học sinh trước mặt những người khác. Về mặt hiệu ứng, sự bạo hành này có thể diễn ra như một nghi thức làm nhục – năng lực của học sinh bị phỉ bang và nhân cách bị chế giễu. Bạo hành từ giáo viên dẫn đến không khí thù địch nơi học đường, ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh, và không phù hợp với bất cứ tôn chỉ đào tạo nào.
Có nhiều hình thức bạo lực như:
– Bạo lực về thể xác: đánh đập,….
– Bạo lực ngôn từ: chửi bới, xúc phạm, nói xấu, bôi nhọ… danh dự, nhân phẩm của người bị hại
– Bạo lực tâm lí: hành vi cô lập, tẩy chay, quấy rối tình dục, cưỡng ép,hiếp dâm,…
– Bạo lực mạng: nhắn tin, đe dọa, bêu rếu, nói xấu,… trên những trang mạng xã hội