Dàn ý thuyết minh về bài thơ Bếp Lửa? Thuyết minh về bài thơ Bếp Lửa? Dàn ý thuyết minh về tác giả Bằng Việt? Thuyết minh về tác giả Bằng Việt?
Tình yêu quê hương đất nước là nguồn cảm hứng bất tận trong kho tàng thi ca văn học Việt Nam. Dưới đây là bài viết tham khảo về Giới thiệu, thuyết minh về tác giả và tác phẩm Bài thơ bếp lửa, mời bạn đọc theo dõi.
1. Dàn ý thuyết minh về bài thơ Bếp Lửa:
1.1 Mở bài:
Giới thiệu khái quát về bài thơ Bếp lửa của tác giả Bằng Việt với hình ảnh sáng tạo đặc sắc nhất là hình ảnh bếp lửa.
1.2. Thân bài:
Bài thơ Bếp lửa được Bằng Việt sáng tác vào năm 1963. Thời kì cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp của cả nước đã giành thắng lợi. Miền Bắc nước ta đang bước và thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Còn Miền Nam tiếp tục cuộc chiến tranh chống xâm lược của đế quốc Mĩ.
Hình ảnh bếp lửa xuyên suốt trong bài thơ gắn liền với thời kì chống Pháp của nhân dân ta. Đối với cá nhân tác giả Bằng Việt, bài thơ Bếp lửa gợi lại những kỉ niệm tuổi thơ về bà với tình yêu thương, chăm sóc ân cần trong những năm tháng tác giả phải xa bố mẹ.
Hình ảnh bếp lửa xuất hiện cùng với hình ảnh người bà đã già luôn tần tảo, thể hiện lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu đối với sự hi sinh bao năm tháng của bà.
Không chỉ bó hẹp trong tình cảm gia đình bài thơ mà còn thể hiện một tình yêu nồng nàn của tác giả đối với quê hương, đất nước. Tình cảm đối với người bà luôn gắn liền với tình cảm dành cho quê hương, đất nước. Điều đó đã trở thành sức mạnh tinh thần và động lực chiến đấu của người cháu trên con đường kháng chiến đầy gian khổ.
1.3. Kết bài:
Hình ảnh bếp lửa là một hình ảnh nghệ thuật đầy sáng tạo và riêng biệt của nhà thơ Bằng Việt. Qua đó, cùng thể hiện tình cảm chân thành kính yêu, biết ơn tha thiết đối với người bà và với đất nước quê hương của tác giả.
2. Thuyết minh về bài thơ Bếp Lửa của Bằng Việt:
Bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt được sáng tác năm 1963 khi nhà thơ đang là sinh viên học Luật tại nước Nga xa xôi. Qua đó, tác phẩm đã thể hiện tình cảm sâu nặng đối với gia đình, quê hương, đất nước của tác giả. Đặc biệt, những điều gần gũi, những kỉ niệm tuổi thơ mỗi người đều có sức mạnh soi sáng, nâng đỡ ta trên mỗi bước đường đời.
Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ hồi ức đến hiện tại, từ thương nhớ đến chiêm nghiệm. Trước hết là hình ảnh “bếp lửa” – mang những cảm xúc nhớ nhung da diết về người bà kính yêu. Người cháu luôn hướng về quê hương, nơi đó bà và những kỷ niệm đẹp đẽ.
Hình ảnh bếp lửa giàu chất hiện thực trong sương sớm với những viên than hồng đỏ rực được nhóm lên bởi bàn tay hiền lành, và trái tim bé nhỏ của người bà. Từ đó, đánh thức trong lòng đứa cháu nỗi nhớ da diết về bà ngoại với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, thể hiện tình cảm chân thành, xuất phát từ trái tim chan chứa yêu thương, lòng biết ơn sâu sắc, của người cháu đối với bà.
Bài thơ sẽ là những suy nghĩ, hoài niệm của người cháu về bếp lửa, về người bà và cả những kỉ niệm buồn vui khi cháu còn ở bên bà. Nhắc đến tuổi thơ, có lẽ trong mỗi chúng ta thường nghĩ đến những năm tháng hồn nhiên, trong sáng và thuần khiết khi được sống trong sự đầy đủ cả về vật chất lẫn tình cảm của cha mẹ và những người thân yêu. Nhưng với những thế hệ như lớp nhà thơ Bằng Việt, sao có thể như vậy khi họ phải sống trong những năm tháng chiến tranh, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.
Làn khói bếp bay lên làm mắt nhòe đi, in đậm trong tâm trí đứa cháu hay chính là những nhọc nhằn, vất vả của nghèo đói, chiến tranh, loạn lạc trong tuổi thơ của đứa cháu. Giọng thơ trầm thấp đượm một nỗi khi dòng hoài niệm tuổi thơ tràn về trong lòng nhà thơ làm “sống mũi vẫn cay”. Tiếp theo là những dòng hoài niệm về tám năm sống thời chiến với bà với tiếng chim tu hú được tái hiện với nhiều cung bậc, tình huống khác nhau từ cánh đồng xa gợi một không gian rộng lớn, bao la và tĩnh lặng khiến người ta sống lại những kỉ niệm xa xăm
Tuy nhiên, tuổi thơ của đứa cháu vẫn thấm đẫm tình yêu thương của người bà thân yêu. Bố mẹ bận công việc không về, hai bà cháu nương tựa vào nhau. Bà bảo, bà dạy, bà chăm sóc cháu với tình thương bao la, quan tâm của người bà đối với đứa cháu. Vì vậy, người cháu luôn ghi nhớ khắc cốt ghi tâm công ơn trời biển của bà với tất cả sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc mà người cháu dành cho bà của mình.
Trong những năm tháng đất nước có chiến tranh, khó khăn có một kỷ niệm trong ký ức mà đứa cháu dù đã lớn cũng không bao giờ quên. Nỗi thống khổ khi giặc kéo về làng đốt phá nhà cửa, bà vẫn âm thầm chịu đựng, đứng lên với sự giúp đỡ, đùm bọc của dân làng. Chúng ta đọc thấy ở đây sự hy sinh thầm lặng, cao cả và thiêng liêng của người bà, người mẹ nơi hậu phương luôn cùng đất nước đánh đuổi quân xâm lược. Có được chiến thắng đó không chỉ có sự đóng góp trực tiếp của các chiến sĩ ngoài tiền tuyến mà còn có sự đóng góp to lớn của những người phụ nữ ở hậu phương.
Sau khi hồi tưởng về tuổi thơ bên bà ngoại, người cháu tiếp tục ngẫm nghĩ về cuộc đời của bà. Hình ảnh bếp lửa không đơn thuần tạo nên bằng những nguyên liệu tự nhiên mà được tạo nên bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt mà người bà dành cho đứa cháu của mình. Vì vậy, bà không chỉ là người thắp lửa, giữ lửa mà còn là người giữ lửa, truyền lửa cho đứa cháu, một ngọn lửa của sự sống, niềm tin. Từ suy ngẫm về vai trò của người bà trong cuộc sống, tác giả tiếp tục khẳng định phẩm chất cao quý của người bà: cần cù, giàu đức hi sinh và giàu lòng nhân ái. Và cũng chính từ hình ảnh bếp lửa, bà đã muốn cháu luôn nhớ về cội nguồn quê hương, đất nước của dân tộc.
Từ đó, bếp lửa trở nên lạ lùng, thiêng liêng “Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”. Câu cảm thán kết hợp với nghệ thuật đảo ngữ như phát hiện ra sự thật, kì diệu khiến cuộc sống trở nên bình dị.
Khổ thơ cuối là lời tâm sự chân thành của người cháu dù cho khoảng cách về không gian và thời gian nhưng người cháu luôn khắc khoải trong lòng một nỗi nhớ về bà nội và bếp lửa: “ Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở: – Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…”.Đoạn thơ khép lại bằng một câu tu từ thể hiện nỗi nhớ da diết của người cháu luôn tha thiết nhớ về tuổi thơ, gia đình, quê hương, đất nước.
Bài thơ “Bếp lửa” là một bài thơ dạt dào cảm xúc với hình ảnh bếp lửa độc đáo được thể hiện qua giọng điệu thiết tha, nhịp thơ linh hoạt khiến cho lời thơ hiện lên ngọn lửa bùng cháy, mỗi lúc thêm nồng nàn, ấm áp. Qua đó, ta càng thấy yêu và càng trân trọng tình cảm gia đình, đất nước.
3. Dàn ý thuyết minh về tác giả Bằng Việt:
3.1. Mở bài:
Giới thiệu khái quát về tác giả Bằng Việt
3.2. Thân bài:
– Giới thiệu về tiểu sử của tác giả: năm sinh, quê quán, gia đình
– Giới thiệu về quan điểm nghệ thuật, phong cách sáng tác của Bằng Việt
– Giới thiệu về các tác phẩm tiêu biểu và các giải thưởng Bằng Việt đạt được
3.3. Kết bài:
Khẳng định lại những đóng góp của tác giả Bằng Việt đối với nền văn học Việt Nam
4. Thuyết minh về tác giả Bằng Việt:
Có những câu thơ hay những bài thơ chỉ nghe thôi cũng đã chạm đến trái tim của đọc giả nhưng lại khiến họ nhớ mãi không quên. Đọc thơ Bằng Việt, chắc hẳn ai trong chúng ta sẽ nhận ra sức lan tỏa mạnh mẽ và kỳ diệu của ngôn từ tinh tế và nghệ thuật của tác giả.
Nhà thơ Bằng Việt tên khai sinh là Nguyễn Viết Bằng, sinh ngày 15/06/1941, tại phường Phú Cát, thành phố Huế, lớn lên quê quán tại xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội. Năm 1961, ông được cử đi học luật tại Mátxcơva (Liên Xô). Nhà thơ Bằng Việt thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành và hoạt động tích cực trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bằng Việt bắt đầu làm thơ từ những năm 60 của thế kỷ XX. Ông là một cây bút vô cùng tài hoa, có đóng góp lớn cho nền thơ ca nước nhà.
Sự nghiệp sáng tác của ông dồi dào, phong phú với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Thơ Bằng Việt tha thiết, trong trẻo, mượt mà “như tranh lụa”; rất đằm thắm và sâu lắng khi viết về những kỉ niệm về gia đình, quê hương, đất nước…. Nhiều bài thơ của ông đã tận dụng tối đa những kỷ niệm tuổi thơ và những ước mơ của tuổi trẻ.
Có thể kể đến nhiều tác phẩm của ông như: Hương cây bếp lửa (1968); Đường Trường Sơn, cảnh và người (ký sự thơ 1972 – 1973); Những gương mặt, những khoảng trời (1973); Khoảng cách giữa lời (1984); Bếp lửa – khoảng trời (1988); Ném câu thơ vào gió (2001); Thơ Bằng Việt (tuyển sáng tác 40 năm, 2003); Tác phẩm chọn lọc (2010)….
Bài thơ “Bếp lửa” là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách nghệ thuật và sự nghiệp sáng tác của ông. Tác phẩm ra đời năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên luật tại Liên Xô, là tập thơ đầu tay của Bằng Việt, sau này đưa vào tuyển tập Hương thơm – Ngọn lửa chung với nhà thơ Lưu Quang Vũ. Bài thơ là những tình cảm chân thành giản dị mà sâu sắc, cảm động và hết sức thiêng liêng.
Như vậy có thể thấy Bằng Việt thuộc thế hệ những người viết trẻ được tôi luyện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc với những lời thơ dạt dào cảm xúc đã đóng góp rất lớn cho nền văn học nước ta cho đến tận ngày nay.