Hào khí Đông A là gì? Bối cảnh lịch sử đằng sau câu nói Hào khí Đông A thời Trần? Biểu hiện Hào khí Đông A trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn? Biểu hiện Hào khí Đông A trong bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải? Biểu hiện Hào khí Đông A trong bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão?
Nhắc về hào khí Đông A, hẳn không ít người đã từng nghe thấy rất nhiều lần nhưng vẫn luôn băn khoăn tự hỏi, hào khí Đông A là gì? Tại sao nó lại được phát huy mạnh mẽ nhất vào thời nhà Trần? Vậy nên, bài viết sẽ đi sâu vào phân tích Hào khí Đông A và biểu hiện của nó trong văn học.
1. Hào khí Đông A là gì?
Trên thực tế, chúng ta có thể hiểu “hào khí Đông A” chính là hào khí nhà Trần. Nhưng có câu nói đó là xuất phát từ 2 lý do! Đầu tiên, theo lối chiết tự, chữ Trần được ghép từ chữ Đông và chữ A nên có thể đọc là Đông A! Nhưng để hiểu được cụ thể, chúng ta phải kể đến lý do thứ 2! Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu cũng như khách quan lịch sử, nhà Trần là triều đại phong kiến đầu tiên của lịch sử Việt Nam có thể tạo được sự đồng tâm, nhất chí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ hay từ trai đến gái. Lần đầu tiên, tất cả con dân Đại Việt đồng lòng vì nghĩa lớn, với tinh thần quyết tử để chống giặc ngoại xâm! Lúc bấy giờ đứng trước kẻ địch cường mãnh nhất thế giới, nhưng Đại Việt vẫn thể hiện được tinh thần tự lập tự cường, lòng yêu nước vô hạn.
Tuy nhiên, hào khí đông A không chỉ nói về hào khí nhà Trần mà còn là hào khí của lịch sử chống giặc ngoại xâm nói chung.
Biểu hiện của hào khí Đông A là tinh thần tự lập , tự cường , lòng yêu nước , khát vọng lập công giúp nước ; ý chí quyết chiến , quyết thắng mọi kẻ thù.
2. Bối cảnh lịch sử đằng sau câu nói Hào khí Đông A thời Trần:
Trong những năm tháng cuối cùng của triều đại nhà Lý, hoàng đế thứ tám của triều đại nhà Lý là Lý Huệ Tông do không có con trai nên đã quyết định lập Lý Chiêu Hoàng lên làm thái tử và truyền ngôi hoàng đế. Đây cũng là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, bà chỉ ngồi trên ngai vàng khoảng 2 năm rồi nhường ngôi lại cho họ Trần.
Trần Cảnh sau đó chính là Trần Thái Tông, dưới sự bố trí của thái sư Trần Thủ Độ đã trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần, mở ra một thời kỳ mới oai hùng trong lịch sử Đại Việt. Có thể nói rằng, đây là 1 trong các triều đại mạnh mẽ và có sự phát triển bùng cháy nhất trong lịch sử phong kiến của Việt Nam.
Trong suốt 175 năm trị vì, nhà Trần đã có những thành công tuyệt vời về văn hóa truyền thống, tôn giáo như về mặt quân sự nhưng điểm sáng lớn nhất chính là việc chỉ huy nhân dân đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông tới 3 lần vào các năm lần lượt 1258, 1285, 1288). Và cũng chính từ đây, câu nói “Hào khí Đông A” đã được ra đời!
3. Biểu hiện Hào khí Đông A trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn:
Hịch tướng sĩ được coi là bản hùng ca sáng người của nước Đại Việt ta. Những câu thơ như một lời tuyên bố đanh thép, khẳng định chủ quyền độc lập của nước Nam mà không một ai có thể làm lung lay được ý chí đó.
Nhắc về hào khí Đông A thì không thể không nhắc đến bản hùng ca tráng lệ này. Mượn tiếng lòng của tất cả các vị tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn vạch rõ ưu mưu thâm độc, chiến lược của bọn giặc phương Bắc, chúng tham lam muốn chiến cả đất nước ta, hống hách, tàn bạo. Lòng tham vô đáy, lúc thì chúng thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, lúc thì giả hiệu Vân Nam Vương mà thu bạc vàng, để vét của kho có hạn. Chúng là cú diều, là dê chó, là hổ đói rất bẩn thỉu, tham lam, độc ác, phải khinh bỉ và căm ghét tận xương tuỷ, phải tiêu diệt!
Nối căm hờn ấy như uất nghẹn, khiến cho quả cam trong tay Trần Quốc Tuấn tan nát lúc nào không hay. Bất bình trước những sự dã man, căm hờn đến tột độ bọn quân Mông – Nguyên khi ngày đêm lăm le xâm lược, phá hoại cuộc sống của người dân, người chiến sĩ dũng cảm Trần Quốc Tuấn đã phải giãi bày rằng: ” Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cùng vui lòng”. Tỉnh yêu đất nước thiêng liêng như thổi phùng sức mạnh, khiến cho các chiến sĩ giờ đây chỉ muốn đánh bọn chúng tan nát để trả mối thù đất nước, đây có lẽ là đoạn văn thể hiện khúc ca bi tráng nhất Hào khí Đông A.
4. Biểu hiện Hào khí Đông A trong bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải:
Hoàn cảnh sáng tác:
Cuối năm 1284, quân Nguyên – Mông do Thoát Hoan cầm đầu ồ ạt tấn công nước ta lần thứ II. Trước sức mạnh của quân giặc ,Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông phải rời kinh đo đi lánh nạn. Nhưng chỉ mấy tháng sau , vào tháng 5-1285 (tháng 4 năm Ất Dậu ), quân ta đã phản công bất ngờ, chiến thắng lớn ở trận Hàm Tử, tháng 7 – 1285 (tháng 6 năm Ất Dậu), ta lại thắng lớn ở Chương Dương. Kẻ thù thất bại hoàn toàn.
Sau chiên thắng,Trần Quang Khải là người hộ giá hai vua Trần trở về kinh do.Trong không khí ngày khải hoàn,Trần Quang Khải đã cảm hứng làm bài thơ này.
Hào khí Đông A thể hiện ở sự chiến thắng hào hùng của vua tôi nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Chiến thắng Hàm Tử và chiến thắng Chương Dương là hai chiến thắng vang dội lừng lây, khẳng định sức mạnh của tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.
Đoạt sóc Chương Dương độ.
Cầm Hồ Hàm Tử quan.
(Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù)
Hào khí Đông A còn được thể hiện ở khát vọng muốn xây dựng, phát triển đất nước trong hoà bình và niềm tin sắt đá vào sự bền vững muôn đời của đất nước.
Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
(Thái Bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu)
Tóm lại:
Có lẽ không một quốc gia, dân tộc nào trên thế giới mong muốn bị xâm lăng, không một ai trong nhân loại thích sống trong cảnh loạn lạc chiến tranh. Bởi vậy, khi quân thù xâm chiếm bờ cõi, không thể làm làm gì khác ngoài đứng lên đấu tranh. Và những chiến thắng hào hùng trước kẻ xâm lăng luôn là niềm tự hào, là động lực và ý chí để nhân dân các dân tộc bị áp bức để đấu tranh. Bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải như một khúc ca khải hoàn về hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình ấy.
Chương Dương và Hàm Tử là hai trận địa diễn ra cuộc chiến ác liệt của quân dân nhà Trần với quân xâm lược Mông Nguyên. Hai chiến thắng ấy là những chiến công hiển hách, lẫy lừng, vang tiếng bốn phương của nhân dân đã làm thay đổi tình thế giữa ta và địch. Quân ta từ thế bị động, sang thế tấn công để giành thắng lợi. Hai câu thơ chỉ mười tiếng thôi mà âm hưởng vang dội núi sông, như hiện lên trước mắt người đọc cả cuộc chiến ác liệt, có tiếng hô vang, tiếng trống chiêng dội non sông. “Cướp giáo giặc”, “bắt quân thù” – tư thế hiên ngang, oai phong trong trận chiến, bản lĩnh và uy quyền, oai phong lẫm liệt. Hào khí chiến trận như hào khí Đông A của con dân đời Trần vậy – đồng lòng, quyết chí vì nghĩa lớn với tinh thần quyết thắng không gì có thể lay chuyển nổi. Câu thơ ngập tràn niềm vui niềm hứng khởi, hân hoan trong chiến thắng vẻ vang.
Trải qua bao nhiêu vất vả, chiến đấu anh dũng nhưng khi giành được thắng lợi thì vẫn không quên nhiệm vụ củng cố đất nước, tiếp tục rèn luyện để bảo vệ Tổ quốc được Trần Quang Khải đúc kết thông qua hai câu thơ cuối:
“Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san”
Sau bao đau khổ, đổ biết bao máu và nước mắt, hàng ngàn tính mạng phải đánh đổi, ta lại càng trân quý hơn thời khắc hoà bình, tự do. Tác giả đã nhắn nhủ đến quân thần, đến nhân dân về ý thức bảo vệ dân tộc, cùng nhau đồng lòng góp sức xây dựng đất nước phát triển trong thái bình thịnh trị để cho đất nước mãi ngàn năm được trường tồn, bền vững. Niềm mong ước của tác giả như thay lời muốn nói cho ước nguyện của nhân dân. Sự trăn trở của muôn người về việc xây dựng, kiến thiết nước nhà tốt đẹp ngàn năm.
Hào khí chiến thắng và khát vọng hoà bình là tư tưởng chủ đạo âm vang xuyên suốt tác phẩm. Bài thơ tuy ngắn nhưng ý nghĩa đong đầy, chứa đựng ước mong, suy nghĩ của một tư tưởng lớn, một nhân cách lớn.
5. Biểu hiện Hào khí Đông A trong bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão:
Hoàn cảnh sáng tác: Quân Nguyên đòi mượn đường đánh Chiêm Thành năm 1282, nhưng âm mưu thực chất là muốn xâm lược nước ta. Nhận biết được ý đồ của giặc, vua Trần mở hội nghị Bình Than bàn kết hoạch đánh giặc. Sau khi bàn bạc, Phạm Ngũ Lão và một số vị tướng được cử lên biên ải phía Bắc để trấn giữ đất nước. Như vậy, hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ là chất xúc tác mãnh liệt để Phạm Ngũ Lão viết thơ.
– Hào khí dân tộc thể hiện qua tư thế,hành động của người trai Đại Việt :
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.
(Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân hùng khí ắt sao Ngưu)
– Khát vọng lập công giúp nước, tinh thần trách nhiệm đối với dân tộc :
Nam nhi vị liễu công danh trái.
Tu thính nhân gian nghe thuyết Vũ Hầu.
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu)
Tóm lại:
Cả bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão được bao trùm bởi lòng tự hào dân tộc, bởi hào khí của con người và thời đại nhà Trần. Được thể hiện thật cô đọng và súc tích, bài thơ đã toát lên cái hào khí oai thiêng của dân tộc Việt Nam, toát lên từ một tâm hồn cao đẹp, một tấm lòng yêu nước vô cùng sâu sắc. Đọc bài thơ, người đọc chúng ta càng cảm thấy tự hào về một triều đại hào hùng trong dòng lịch sử của dân tộc ta, mới có thể hiểu tại sao ở thời đại đó, chúng ta lại có thể ba lần đánh bại đội quân Mông – Nguyên đang tung hoành khắp thế giới. Cái hào khí mà thời đại ấy thể hiện, tuy nó đã trôi qua, nhưng cái tinh thần mà nó đã thể hiện thì còn vang vọng mãi tới tận ngày nay. Thế hệ chúng ta kế tiếp hào khí anh hùng ấy bằng những dấu son chói lọi trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Và chúng ta càng không thể quên hình ảnh người tráng sĩ chí lớn – Phạm Ngũ Lão, văn võ song toàn, biểu tượng cho bậc trai tráng, cho người chiến binh của thời đại mang hào khí Đông A quyết thắng ấy.