Hộ chiếu gắn chip điện tử là gì? Thủ tục làm hộ chiếu gắn chip?

Hộ chiếu gắn chip điện tử là gì? Thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip ở trong nước tại cấp tỉnh? Thủ tục cấp hộ chiếu gắn chip tại cấp trung ương?

Nhằm giảm bớt thủ tục hành chính phức tạp, hiện nay nhiều giấy tờ được cấp tự động hóa, tinh gọn, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân chẳng hạn như căn cước công dân gắn chip, hộ chiếu gắn chip, … Vậy hộ chiếu gắn chip điện tử là gì? Thủ tục làm hộ chiếu gắn chip như thế nào?

Căn cứ pháp lý:

– Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019;

– Thông tư 110/2020/TT-BCA quy định về quy trình thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và người đăng ký xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động do Bộ Công An ban hành;

– Thông tư 73/2021/TT-BCA quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành.

LVN Grouptư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191

1. Hộ chiếu gắn chip điện tử là gì?

Hộ chiếu được giải thích cụ thể theo Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 như sau: Hộ chiếu là giấy tờ cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân, được cơ quan có thẩm quyền cấp, thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Hộ chiếu có gắn chip điện tử theo quy định là hộ chiếu lưu giữ thông tin được mã hóa, có gắn thiết bị điện tử của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Điều này giúp cho thủ tục thực hiện tinh giảm hồ sơ giấy tờ, việc quản lý cơ sở dữ liệu dễ dàng hơn với cả cơ quan có thẩm quyền và người dân có nhu cầu.

Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn.

Quy cách, kĩ thuật chung của hộ chiếu được căn cứ tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 73/2021/TT-BCA quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành như sau:

+ Trang bìa mặt ngoài hộ chiếu in quốc hiệu, quốc huy, tên hộ chiếu; hộ chiếu có gắn chip điện tử thì có biểu tượng chip điện tử;

+ Tại các trang trong hộ chiếu thể hiện các hình ảnh là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng;

+ Ngôn ngữ trong hộ chiếu sử dụng là: tiếng Việt và tiếng Anh;

+ Số trang trong cuốn hộ chiếu không tính trang bìa: 48 trang đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và hộ chiếu phổ thông có thời hạn 5 năm hoặc 10 năm, đối với hộ chiếu phổ thông có 12 trang với thời hạn không quá 12 tháng;

+ Kích thước theo tiêu chuẩn ISO 7810 (ID-3): 88mm x 125mm ± 0,75 mm;

+ Bán kính góc cuốn hộ chiếu r với kích thước: 3,18mm ± 0,3mm;

+ Tại bìa sau của hộ chiếu chíp điện tử được đặt trong bìa có gắn chíp điện tử;

+ Bìa hộ chiếu được làm từ vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao;

+ Chữ, số hộ chiếu được đục lỗ bằng công nghệ laser thông suốt từ trang 1 tới bìa sau cuốn hộ chiếu và trùng với chữ, số ở trang 1;

+ Toàn bộ nội dung, hình ảnh được in trong hộ chiếu, thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.

Hiện nay có 03 mẫu hộ chiếu sau: Hộ chiếu ngoại giao có trang bìa màu nâu đỏ (mẫu HCNG); Hộ chiếu công vụ có trang bìa màu xanh lá cây đậm (mẫu HCCV); Hộ chiếu phổ thông có trang bìa màu xanh tím (mẫu HCPT).

2. Thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip ở trong nước tại cấp tỉnh:

2.1. Trình tự thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

+ 01 tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông (mẫu TK01) ban hành kèm theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 của Bộ Công an. Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì tờ khai do người đại diện hợp pháp khai, ký thay và phải được Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú hoặc tạm trú xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh (Bản chính);

+ 02 ảnh mới chụp chân dung trong thời hạn không quá 06 tháng, cỡ 4cm x 6cm, trang phục lịch sự, phông nền trắng. (Bản chính);

+ Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất; trường hợp bị mất hộ chiếu, phải có đơn trình báo bị mất hộ chiếu hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền (Bản chính);

+ Trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp gần  nhất thì cần nộp thêm bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân (Bản sao);

+ Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (bản sao có chứng thực hoặc nộp kèm bản chính để đối chiếu).

Bước 2: Nộp hồ sơ 

+ Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu loại gắn chip có thể đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để xin cấp. Hiện nay, với việc sử dụng căn cước công dân gắn chip phổ biến thì có quyền lựa chọn nơi làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu tại bất kỳ Phòng quản lý xuất nhập cảnh của công an cấp tỉnh nơi người dân thấy thuận lợi nhất.

+ Người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở đi thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi nhất hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Khi đến nộp hồ sơ phải xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để đối chiếu.

Bước 3: Kiểm tra hồ sơ

Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử lần đầu.

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ quản lý xuất nhập cảnh cấp giấy hẹn trả kết quả cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông; yêu cầu nộp lệ phí, cán bộ giao biên lai thu tiền cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông. Nếu người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông đề nghị nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính thì trả phí dịch vụ chuyển phát.

+ Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ.

* Thời gian tiếp nhận hồ sơ: giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần và sáng thứ 7 (đối với các đơn vị bố trí tiếp nhận hồ sơ vào sáng thứ 7); trừ ngày nghỉ lễ, Tết.

Bước 3: Nhận kết quả

+ Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông khi nhận trực tiếp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh thì mang theo giấy hẹn trả kết quả, biên lai thu tiền, xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

+ Trường hợp đề nghị nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan cung cấp dịch vụ bưu chính.

2.2. Cách thức thực hiện:

Người đề nghị cấp hộ chiếu gắn chip có thể nộp trực tiếp, trực tuyến hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.

+ Trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh trả kết quả cho người đề nghị cấp hộ chiếu gắn chip.

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả kết quả cho người đề nghị. Đối với trường hợp cấp hộ chiếu lần đầu có thể lựa chọn thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an thì thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận. Nếu người yêu cầu cấp hộ chiếu chưa đủ điều kiện để cấp hộ chiếu thì Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh trả lời bằng văn bản và phải nêu lý do.

2.3. Phí cấp hộ chiếu gắn chip:

Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 của Bộ Tài chính quy định phí 160.000đ/hộ chiếu, áp dụng đến hết ngày 31/12/2021.

Hiện nay, Thông tư số 25/2021/TT-BTC ngày 07/4/2021 của Bộ Tài chính quy định phí 200.000đ/hộ chiếu. Trường hợp cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất: 400.000đ/hộ chiếu

3. Thủ tục cấp hộ chiếu gắn chip tại cấp trung ương: 

3.1. Trình tự thực hiện:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật. Gồm có:

+ 01 tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 của Bộ Công an (mẫu TK01). Đối với trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì tờ khai do người đại diện hợp pháp khai, ký thay và phải được Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú hoặc tạm trú xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh. (Bản chính)

+ 02 ảnh mới chụp chân dung trong thời hạn không quá 06 tháng. (Bản chính)

+ Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất; trường hợp bị mất hộ chiếu, phải có đơn trình báo bị mất hộ chiếu hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền. (Bản chính)

+ Trường hợp thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp gần  nhất thì cần nộp thêm bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân (Bản sao).

+ Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (bản sao có chứng thực hoặc nộp kèm bản chính để đối chiếu).

Trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam, giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp thì yêu cầu phải xuất trình giấy tờ tùy thân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ khác  làm căn cứ để xác định quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Bước 2: Nộp hồ sơ 

Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử từ lần thứ hai hoặc lần đầu nếu thuộc một trong các trường hợp có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh; Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết; Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu; người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác thì có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại một trong hai trụ sở làm việc của Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an:

+ Số 44-46 đường Trần Phú, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

+ Số 333-335-337 đường Nguyễn Trãi, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi đến nộp hồ sơ phải xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để đối chiếu.

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

Cán bộ quản lý xuất nhập cảnh tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính pháp lý và nội dung các giấy tờ trong hồ sơ; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chip điện tử lần đầu.

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì cấp giấy hẹn trả kết quả cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông; yêu cầu nộp lệ phí cho cán bộ thu lệ phí, cán bộ giao biên lai thu tiền cho người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông. Nếu người đề nghị nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

+ Trường hợp hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông điều chỉnh nộp bổ sung hoàn thiện hồ sơ.

* Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Thời gian hành chính từ thứ 2 đến sáng thứ 7 hàng tuần (trừ ngày Tết, ngày lễ).

Bước 3: Nhận kết quả

Người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có thể nhận trực tiếp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an hoặc đề nghị nhận qua dịch vụ bưu chính.

3.2. Cách thức thực hiện:

Người đề nghị cấp hộ chiếu gắn chip có thể lựa chọn một trong ba cách sau: nộp trực tiếp:, trực tuyến hoặc qua dịch vụ công.

Phí thực hiện cấp hộ chiếu gắn chip: Thông tư số 25/2021/TT-BTC ngày 07/4/2021 của Bộ Tài chính thì phí là 200.000đ/hộ chiếu. Trường hợp cấp lại do bị hỏng hoặc bị mất: 400.000đ/hộ chiếu.

3.3. Thời hạn thực hiện:

Nếu đủ căn cứ để cấp hộ chiếu, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại nơi tiếp nhận đề nghị cấp hộ chiếu trả kết quả cho người đề nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu và 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị cấp hộ chiếu lần thứ hai trở đi.

Trong trường hợp chưa kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Trường hợp chưa đủ căn cứ để cấp hộ chiếu hoặc cần kéo dài thời gian để xác định căn cứ cấp hộ chiếu thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải trả lời bằng văn bản cho người đề nghị có nêu rõ lý do.

Thời gian kéo dài để xác định căn cứ cấp hộ chiếu quy định:

+ Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi văn bản theo mẫu về Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an để xác minh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị.

+ Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả lời bằng văn bản cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi.

+ Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp hộ chiếu và trả kết quả cho người đề nghị trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được trả lời của Cơ quan Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an; trường hợp chưa cấp hộ chiếu, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trả lời bằng văn bản cho người đề nghị, nêu lý do.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com