Học sinh đánh giáo viên bị xử lý thế nào? Bị đuổi học không?

Tôn sư trọng đạo là truyền thống đạo đức tốt đẹp và vô cùng quý báu. Những người thầy, người cô đóng góp rất nhiều trong quá trình phát triển về nhân cách và kiến thức của con người. Thế nhưng đáng buồn là hiện nay, tình trạng bạo lực học đường và việc học sinh đánh giáo viên xảy ra ngày càng nhiều. Vậy học sinh đánh giáo viên có bị đuổi học không?

1. Bạo lực học đường là gì? Thực trạng học sinh đánh giáo viên hiện nay:

Bạo lực học đường là những hành vi hung hãn, hiếu chiến, thách thức luật pháp, đạo lý, xúc phạm nhân phẩm người khác gây nên những tổn hại về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.

Tình trạng bạo lực học đường giữa các học sinh với nhau tưởng chừng không có dấu hiệu chấm dứt khi gần đây lại bùng phát một số sự việc học sinh bạo lực đối với thầy giáo. Tuỳ mức độ của hành vi mà học sinh có hành vi bạo lực với giao viên sẽ bị áp đặt một số hình thức kỷ luật cụ thể theo biện quyết xử lý của trường học cho đến biện pháp nặng nhất là xử lý hình sự.

Thực trạng học sinh đánh giáo viên hiện nay ngày càng có xu hướng gia tăng với diễn biến phức tạp. Trường hợp này phải kể đến vụ học sinh đánh cô giáo hồi tháng 09/ 2022 vừa qua. Theo đó, vì nhắc nhở thói xấu của cậu học trò, cô Xuân bị nam sinh lớp 12 đánh và ném đồ gây thương tích. Cánh tay có hai vết xước sâu và vẫn còn sưng đỏ, cô Nguyễn Thị Mỹ Xuân – giáo viên trường THPT Trần Quang Khải (quận 11, TP HCM) – giải thích đó là vết thương của cậu học sinh gây ra. Chiều 21/9, cô kiểm tra bài môn Văn lớp 12A14 (lớp chuyên) thì Lâm không làm bài nên cho điểm 0 và cảnh cáo. Đến khi cô yêu cầu các bạn ngồi lên bảng làm bài thì Lâm tỏ ra không quan tâm.

“Tôi la mắng và doạ sẽ trị tính này thì em lâm lại vùng lên văng tục, chửi, đòi tát tôi. Rất may là các học sinh đã can ngăn được “, cô Xuân cho biết.

Nam sinh trên được cho là đã dùng giá đỡ bình nước trong thùng rác ném làm cô Xuân bị thương ở tay phải và vỡ màn hình điện thoại di động. Vụ việc chiều hôm sau dừng lại và được Ban giám hiệu nhà trường ghi nhận. “Sáng hôm sau, khi cùng mẹ trở lại trường làm việc thì em ta tiếp tục chửi bới và doạ hành hung tôi”, cô giáo Xuân nói.

Còn rất nhiều những vụ việc đau lòng khác về tình sư trò rạn nứt, học trò đánh thầy cô gây bức xúc trong dư luận, cho thấy sự suy thoái về mặt đạo đức và nhân phẩm của những hoc sinh đánh những người thầy, người cô đã dạy mình.

2. Nguyên nhân của tình hình trên:

Nguyên nhân của tình trạng học sinh đánh giáo viên đó là xuất phát từ bản thân mỗi em học sinh. Theo một báo cáo của Viện khoa học giáo dục Việt Nam thì đối tượng tham gia đánh nhau chủ yếu là học sinh ở cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông (từ 12-17 tuổi) , đây là độ tuổi mà tâm, sinh lý các em có sự thay đổi, sống buông thả, muốn tự khẳng định bản thân, hay bị bạn bè dụ dỗ, rủ rê, tâm lý có nhiều biểu hiện bất thường, đôi khi nóng nảy, không kiểm soát được hành vi bản thân. Trong thời gian này, chỉ cần sự tác động, kích thích xấu từ bên ngoài cũng làm các em học tập theo, thể hiện sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng giao tiếp, sự hạn chế của kỹ năng sống, sự lệch lạc trong quan điểm, lối sống. .. sẽ dẫn đến suy nghĩ và hành vi sai trái.

Nguyên nhân từ môi trường gia đình và xã hội: môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ khi sinh ra tiếp xúc là gia đình, bố, mẹ là những người có tác động lớn và quan trọng nhất trong việc định hình tính cách, đạo đức và lối sống của con cái. Trong hoàn cảnh hiện nay, có không ít ông bố, bà mẹ giáo dục con theo kiểu la mắng, đánh đập thô bạo con khi con phạm lỗi, dần đã hình thành trong con cái tính hung hãn hơn. Việc con cái tiếp xúc với văn hoá như phim ảnh, truyện tranh, game, vũ khí (dao, kiếm) có tính bạo lực. .. cũng gây nên những tác động xấu và kích thích sự gia tăng tính hung hãn ở trẻ em.

Môi trường xã hội cũng là nguyên nhân quan trọng tạo nên nạn bạo lực học đường. Đa số những vụ việc bạo lực học đường đều xảy ra với những thanh thiếu niên sống trong khu dân cư có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, vùng sâu vùng xa, nhiều đối tượng bỏ học sớm, ăn chơi đua đòi, nơi có nhiều tệ nạn xã hội… khi tiếp xúc với nhiều thành phần xấu đó đã tác động tiêu cực tới các em, dần đi vào môi trường học đường và tác động, ảnh hưởng sang những học sinh khác trong nhà trường.

Nguyên nhân do nhà trường: nhiều trường học quá nặng về việc truyền đạt kiến thức tới học sinh và đôi lúc quên trách nhiệm giáo dục con người. Mặt khác, cuộc sống hiện đại, chạy theo vật chất của một phần xã hội đã làm cho giá trị quan trọng của nhà trường và uy tín của một bộ phận thầy cô giáo ngày càng suy giảm. Một số vụ việc học sinh đánh nhau ngay tại lớp nhưng nhà trường không biết, mãi sau khi trên mạng xuất hiện clip mới quay trở lại điều tra, xử lý.

3. Học sinh đánh giáo viên bị xử lý thế nào? Có bị đuổi học không?

Theo Thông tư 08/TT năm 1988, học sinh có thể bị áp dụng một trong 03 hình thức kỉ luật như sau:

3.1. Cảnh cáo trước lớp:

Theo khoản 3 Mục III Thông tư 08, cảnh cáo trước toàn trường nếu học sinh phạm một trong những khuyết điểm sau:

“Mắc khuyết điểm sai phạm lớn, tuy chỉ là một lần, nhưng có tác hại nghiêm trọng như: trộm cắp hay cướp giật ở trong và ngoài trường học; có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô. ..”

3.2. Đuổi học một tuần lễ:

Theo khoản 4 Mục III Thông tư 08, đuổi học một tuần lễ nếu học sinh phạm một trong những khuyết điểm sau:

“Những học sinh vi phạm các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không chịu sửa chữa và khắc phục khuyết điểm, có tác động tiêu cực tới nhiều học sinh khác; hay phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến danh dự của nhà trường, của giáo viên và tập thể học sinh như: bỏ cắp, trấn nghịch, gây gổ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác, . ..”

3.3. Đuổi học 01 năm:

Theo khoản 5 Mục III Thông tư 08, đuối học 01 năm nếu học sinh phạm một trong những khuyết điểm sau:

“Mắc khuyết điểm sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, dù đây là lần đầu, nhưng sai phạm này là có ý thức và chủ động (không phải bị ép buộc, xúi giục) , gây ra những tác hại vô cùng to lớn, hết sức nguy hiểm đối với tài sản của xã hội và tính mạng của con người như: gia nhập các tổ chức trộm cướp, bảo kê, mại dâm, ma tuý, . .. sử dụng hung khí (dao, kiếm, súng ngắn, lựu đạn, . ..) đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt hay mắc những khuyết điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương.

– Sau khi bị kỷ luật đuổi học một năm, nhà trường phải tập hợp đủ hồ sơ, gửi ngay cho cơ quan giáo dục cấp trên trực tiếp quản lý là Phòng Giáo dục (đối với học sinh cấp 2) và Sở Giáo dục (đối với học sinh THPT) để kiểm tra và theo dõi.

– Đối với học sinh sau một năm bị đuổi học, nếu có đủ điều kiện về sức khoẻ và nguyện vọng học tiếp thì phải làm đơn đề nghị nhà trường cũ xem xét cho học trở lại và phải có giấy chứng nhận của chính quyền địa phương (phường, xã, quận, huyện. ..) về sự tiến bộ của bản thân hoặc giấy cam kết của phụ huynh trong việc giáo dục con mình.

Ngoài hình thức kỉ luật trên đây, nhằm đảm bảo tính sư phạm và tính nghiêm túc của việc dạy và học tập trong giờ lên lớp, giáo viên cũng có thể tạm đình chỉ việc học tập và đưa lên để Hiệu trưởng xử lý nếu học sinh mắc phải một trong các lỗi sau: ăn nói hoặc có thái độ hỗn láo đối với thầy cô giáo; gây gổ đánh nhau với bạn trong lớp; gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến việc học tập của cả lớp, dù đã được thầy cô giáo khuyên răn, nhắc nhở. ..

4. Các biện pháp xử lý khác có thể áp dụng:

4.1.  Bị xử phạt hành chính:

Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 04/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 05 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong cơ sở giáo dục nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 04 quy định mức phạt nêu trên được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sẽ bằng 1/2 mức tiền phạt trên. Như vậy, một học sinh có hành vi xâm phạm thân thể giáo viên bị phạt tiền từ 2, 5 triệu đến 5 triệu đồng.

Ngoài ra, buộc xin lỗi công khai giáo viên, trừ trường hợp giáo viên bị xâm phạm thân thể có yêu cầu không xin lỗi công khai.

4.2. Bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

Học sinh đánh giáo viên bị xử phạt tù nếu gây thương tích, tổn hại sức khoẻ cho giáo viên ở mức độ nghiêm trọng

Học sinh có hành vi đánh dẫn đến gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng không một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 134 BLHS 2015 được sửa đổi bằng khoản 22 Điều 1 BLHS 2017 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.

Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là từ 07 năm đến 14 năm tù; khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Lưu ý: Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 134 BLHS 2015. Còn lại, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự với mọi khung hình phạt (theo Điều 9, 12 BLHS 2015 và sửa đổi bổ sung tại khoản 2, 3 Điều 1 BLHS 2017

5. Biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng học sinh đánh giáo viên:

Một là, nhà trường cần có biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức, thái độ của từng em học sinh đối với hành động và hậu quả của hành động bạo lực. Với những học sinh hư, có hành vi “đầu gấu” cần phải khoanh vùng và kết hợp cùng gia đình động viên, giúp đỡ các em, lôi cuốn các em vào các phong trào của nhà trường, tạo sân chơi lành mạnh để làm các em bớt chán nản.

Hai là, mỗi gia đình cần nhìn lại việc giáo dục con trẻ, cần chú ý tìm hiểu xem trẻ muốn gì, cần gì, xử sự thế nào với bạn bè; cha mẹ phải là bạn đồng hành với con mình, không được tạo cho con cái một vỏ bọc quá hoàn hảo sẽ nảy sinh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, ăn chơi, đua đòi; cần có thái độ phê bình, lên án các hành vi bạo lực và có những biện pháp xử lý có tính răn đe nhằm làm gương cho người sau.

Ba là, nhà trường cần thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình các em học sinh và chính quyền địa phương nhằm nắm bắt tâm lý để chăm sóc và giáo dục học sinh. Giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt được tình hình tâm lý của học sinh, không để những hành vi sai trái và bạo lực xảy ra. Cần tăng cường việc giảng dạy các môn giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách và lối sống cho học sinh, tạo môi trường sư phạm lành mạnh để hình thành cho học sinh nhận thức đúng đắn giúp các em có hành động tốt, biết thương yêu, trân trọng nhau.

Bốn là, toàn hệ thống chính trị cần nhận thức đúng vai trò trách nhiệm của mình trong giải quyết vấn đề bạo lực học đường, sử dụng hết khả năng của mình trong việc phòng ngừa tình hình bạo lực học đường, chủ động làm tốt biện pháp vận động quần chúng, thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các địa bàn dân cư, khi có mâu thuẫn cần kịp thời xử lý, không để xảy ra nghiêm trọng.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com