Hợp đồng không có hiệu lực khi nào? Điều kiện có hiệu lực là gì?

Hợp đồng không có hiệu lực khi nào? Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng?

Hợp đồng mà được các bên giao kết hợp pháp sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm các bên giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác về hiệu lực của hợp đồng hoặc là luật liên quan có quy định khác. Vậy trong những trường hợp nào thì hợp đồng không có hiệu lực? Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là gì?

Căn cứ pháp lý:

– Bộ Luật Dân sự 2015

LVN Group tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.0191

1. Hợp đồng không có hiệu lực khi nào?

Tại Điều 385 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

“Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Như vậy, có thể hiểu hợp đồng chính là sự thoả thuận giữa các bên (hai bên trở lên) về việc mua bán tài sản, trao đổi tài sản, tặng cho tài sản, cho vay tài sản, cho thuê tài sản, mượn tài sản hoặc là về việc thực hiện một hoặc một số công việc, theo đó sẽ làm xác lập, thay đổi hoặc là chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự giữa các bên trong hợp đồng.

Hợp đồng có thể được các bên giao kết bằng lời nói, bằng hành vi cụ thể hoặc là bằng văn bản. Tuỳ theo từng trường hợp mà hợp đồng dân sự sẽ có thể phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký (ví dụ như mua bán, tặng cho,….nhưng tài sản phải đăng ký quyền sử dụng, sở hữu như mua bán, tặng cho đất đai, nhà, xe cộ,…).

Đối với những hợp đồng mà pháp luật Việt Nam quy định là phải đăng ký thì hợp đồng đó chỉ phát sinh hiệu lực khi được đăng ký và sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm được đăng ký.

Hợp đồng không có hiệu lực tức là hợp đồng bị vô hiệu. Tại Điều 116 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định rằng giao dịch dân sự chính là hợp đồng hoặc là những hành vi pháp lý đơn phương mà làm phát sinh, làm thay đổi hoặc là làm chấm dứt các quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo quy định này thì hợp đồng chính là một trong các loại giao dịch dân sự. Chính vì thế, các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu mà pháp luật về Dân sự quy định cũng sẽ được áp dụng khi xem xét các vấn đề liên quan đến hợp đồng dân sự vô hiệu.

Tại Điều 407 Bộ Luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng vô hiệu, theo đó hợp đồng bị vô hiệu (không có hiệu lực) khi:

Thứ nhất, hợp đồng có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái với đạo đức xã hội:

+ Điều cấm của luật chính là những quy định của pháp luật không cho phép các chủ thể thực hiện các hành vi nhất định

+ Đạo đức xã hội chính là các chuẩn mực ứng xử chung tồn tại trong đời sống xã hội, theo đó sẽ được cả cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Tuy nhiên, không thể thống kê được một cách đầy đủ có hệ thống các nội dung, đặc tính của đạo đức xã hội mà cần phải xem xét chúng trong mối quan hệ thực tiễn và khoa học pháp lý.

Thứ hai, hợp đồng vô hiệu do giả tạo:

Hợp đồng được xác lập do giả tạo là những hợp đồng xác lập lên không đúng với ý chí của chủ thể; các chủ thể biết rõ các nội dung mà các bên xác lập lên nhưng lại không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ từ hợp đồng đã xác lập; mục đích (trốn tránh pháp luật) trong hợp đồng là không đúng với thực tế nhưng vẫn cùng nhau xác lập lên hợp đồng đó. Theo quy định của pháp luật thì hợp đồng giả tạo có hai loại:

+ Hợp đồng được xác lập lên nhằm che giấu một hợp đồng khác: các bên thoả thuận ký hai hợp đồng về một đối tượng, tuy nhiên một hợp đồng có giá trị pháp lý còn hợp đồng thứ hai không phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên. Theo quy định của pháp luật thì hợp đồng giả tạo vô hiệu, còn hợp đồng bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp hợp đồng đó cũng vô hiệu theo quy định của pháp luật.

+ Hợp đồng xác lập lên nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba: trên thực tế, trường hợp này đa phần sẽ xảy ra khi một người nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ hoặc trốn tránh thi hành án dân sự, bên có nghĩa vụ định đoạt tài sản cho người khác để không còn tài sản trả nợ hoặc thi hành án. Trường hợp này, người định đoạt tài sản không có nhu cầu nhưng vẫn định đoạt tài sản của mình nhằm để trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba, cho nên giao dịch đó bi vô hiệu. Theo đó, hợp đồng giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba bị vô hiệu khi đáp ứng đủ các điều kiện là: nghĩa vụ đã đến kỳ hạn thực hiện và định đoạt tài sản để không còn tài sản nào thực hiện nghĩa vụ.

Thứ ba, hợp đồng do người chưa thành niên, người mà mất năng lực hành vi dân sự, người mà có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người mà bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện:

+ Trong trường hợp này, hợp đồng sẽ không bị mặc nhiên là vô hiệu. Nó chỉ bị vô hiệu hay là không sẽ phụ thuộc vào người đại diện theo pháp luật của những đối tượng này. Nếu như hợp đồng đó mà theo quy định là phải do người đại diện của những đối tượng này xác lập, thực hiện hoặc là đồng ý cho xác lập, thực hiện thì Toà án sẽ tuyên bố hợp đồng đó vô hiệu nếu như có yêu cầu của người đại diện của những đối tượng này.

+ Trong trường hợp này, hợp đồng sẽ không bị vô hiệu khi hợp đồng được xác lập với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của những đối tượng đó; hợp đồng chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho những đối tượng này với những người đã xác lập, thực hiện hợp đồng với họ; những đối tượng này thừa nhận hợp đồng đã xác lập trước đó có hiệu lực khi đã thành niên hoặc là sau khi khôi phục lại năng lực hành vi dân sự.

Thứ tư, bị nhầm lẫn:

Nhầm lẫn chính là sự hiểu không đúng với bản chất của vấn đề do một tác động khách quan nào đó hoặc là do nguyên nhân chủ quan khiến cho người bị nhầm lẫn cho rằng vấn đề đó là đúng theo sự hiểu biết của mình. Trên thực tế, để chứng minh về một giao dịch đã xác lập lên do bị nhầm lẫn khá là khó.

Thứ năm, do bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép:

+ Lừa dối trong hợp đồng đã được xác lập là hành vi cố ý của một bên chủ thể hoặc là của người thứ ba nhằm mục đích làm cho bên chủ thể kia hiểu sai lệch về chủ thể, về tính chất của đối tượng hoặc của nội dung của hợp đồng nên đã xác lập hợp đồng đó.

+ Đe dọa, cưỡng ép trong hợp đồng là hành vi cố ý của một bên chủ thể hoặc là người thứ ba nhằm làm cho bên chủ thể kia buộc phải thực hiện xác lập hợp đồng để tránh thiệt hại về tính mạng, về sức khoẻ, về danh dự, uy tín, nhân phẩm, về tài sản của mình hoặc của những người thân thích của mình.

Thứ sáu, do người xác lập lên hợp đồng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình:

Đây là trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng tại thời điểm xác lập lên hợp đồng thì do những lý do khác nhau mà người đó không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và vì thế mà họ đã xác lập lên hợp đồng đó. Tuy nhiên, hợp đồng đã được xác lập trong trường hợp này sẽ không mặc nhiên là bị vô hiệu. Nó chỉ bị vô hiệu khi mà người này đã thoát ra khỏi trạng thái không nhận thức và làm chủ được hành vi yêu cầu toà án tuyên bố hợp đồng mà mình đã xác lập với người khác bị vô hiệu.

Thứ bảy, do hợp đồng không tuân thủ về hình thức:

Hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, nhưng các bên lại không tuân thủ theo đúng điều kiện đó. Ví dụ như, theo quy định thì hợp đồng mua bán đất đai phải được lập thành văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực nhưng hai bên lại chỉ lập thành văn bản và tự ký tá với nhau chứ không thực hiện bước công chứng, chứng thực. Các hợp đồng không tuân thủ về hình thức chỉ có hiệu lực khi một bên hoặc là các bên đã thực hiện được ít nhất là hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng và theo yêu cầu của một bên hoặc là của các bên gửi lên Tòa án để yêu cầu toà án ra quyết định công nhận về hiệu lực của hợp đồng đó.

2. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng:

Như đã nói ở trên thì hợp đồng chính là một trong các loại giao dịch dân sự, và cũng chính vì thế mà các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự cũng sẽ được áp dụng khi xem xét các vấn đề liên quan đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Căn cứ Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015 thì điều kiện có hiệu lực của hợp đồng bao gồm có:

– Chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự, có năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập;

– Chủ thể tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng hoàn toàn tự nguyện;

– Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm các điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Ngoài ra, nếu hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng mà pháp luật quy định (ví dụ như mua bán đất, mua bán xe,…) thì các bên phải tuân thủ các điều kiện đó.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com