Điều kiện để người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam? Đối tượng miễn thị thực được phép nhập cảnh vào Việt Nam? Các trường hợp người nước ngoài chưa được phép nhập cảnh? Nguyên tắc nhập cảnh? Các hành vi nghiêm cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam? Xử lý khi người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam như thế nào?
Quy định về vấn đề nhập cảnh ở mỗi quốc gia sẽ có những quy định riêng. Vậy theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi nào người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam?
Căn cứ pháp lý:
– Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, sửa đổi năm 2019.
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình.
LVN Group tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
1. Điều kiện để người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam:
Người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 20 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi năm 2019, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực, trừ trường hợp được miễn thị thực theo quy định.
+ Trường hợp người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng.
+ Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định.
Thứ hai,người nước ngoài sử dụng thị thực điện tử nhập cảnh phải đủ các điều kiện có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực như trên và các điều kiện về nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế do Chính phủ quyết định.
2. Đối tượng miễn thị thực được phép nhập cảnh vào Việt Nam:
Căn cứ Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi năm 2019, người nước ngoài được miễn thị thực, không cần có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị quốc tế và thị thực vẫn nhập cảnh được vào Việt Nam:
– Theo quy định điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
– Sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú phù hợp theo quy định của pháp luật;
– Vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định khi đáp ứng đủ các điều kiện như sau: có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt; có ranh giới địa lý đã xác định, cách biệt với đất liền; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo điều kiện không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của nước Việt Nam;
– Theo quy định về đơn phương miễn thị thực cho công dân nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện: Công dân nước ngoài có quan hệ ngoại giao với Việt Nam; miễn thị thực khi phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ; miễn thị thực mà không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam. Thời hạn của quyết định đơn phương miễn thị thực không quá 05 năm và được xem xét gia hạn;
– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà có hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài thuộc các trường hợp là vợ, chồng, con của họ; người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam đã được miễn thị thực theo quy định của Chính phủ.
3. Các trường hợp người nước ngoài chưa được phép nhập cảnh:
Theo quy định tại Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi năm 2019, người nước ngoài thuộc các trường hợp sau thì chưa được phép nhập cảnh vào Việt Nam:
– Người nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được phép nhập cảnh;
– Trẻ em dưới 14 tuổi khi nhập cảnh mà không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng;
– Người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam nhưng gian dối, giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú;
– Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng;
– Người nước ngoài đã từng bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực;
– Người nước ngoài bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam mà chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực;
– Vì lý do phòng, chống dịch bệnh, tránh sự lấy lan dịch bệnh cho cộng đồng;
– Vì lý do thiên tai để bảo vệ an toàn, sức khỏe, hạn chế thiệt hại xảy ra cho cộng đồng;
– Vì lý do bảo vệ quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
4. Nguyên tắc nhập cảnh:
Theo quy định tại Điều 4 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, Người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam phải tuân theo nguyên tắc:
– Tuân thủ quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, bảo đảm an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng trong quan hệ quốc tế.
– Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam; quản lý hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam một cách chặt chẽ, thống nhất.
– Để nhập cảnh tại Việt Nam, người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu.
5. Các hành vi nghiêm cấm người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam:
Theo Điều 5 Luât Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, các hành vi sau đây bị nghiêm cấm nhập cảnh:
– Nghiêm cấm các hành vi cản trở người nước ngoài và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về nhập cảnh.
– Đặt ra thủ tục, giấy tờ, các khoản thu trái với quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các quy định khác của pháp luật có liên quan; sách nhiễu, gây phiền hà trong quá trình làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
– Nhập cảnh trái phép tại Việt Nam; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh tại Việt Nam.
– Cung cấp những thông tin, tài liệu sai sự thật để được nhập cảnh vào Việt Nam.
– Lợi dụng việc nhập cảnh vào Việt Nam để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, tẩy, xóa, sửa chữa nội dung giấy tờ có giá trị nhập cảnh để người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam
6. Xử lý khi người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam như thế nào?
6.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định:
+ Đối với người nước ngoài đi lại trên lãnh thổ Việt Nam mà không mang theo hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hoặc thẻ ABTC: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.
+ Đối với các hành vi như: mất, hư hỏng hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, vào Việt Nam hoặc thẻ ABTC mà không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền; Khai không đúng sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, gia hạn, khôi phục giá trị sử dụng hoặc trình báo mất hộ chiếu; Khi cơ quan có thẩm quyền Việt Nam yêu cầu xuất trình hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà không xuất trình được: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
+ Đối với các hành vi như: không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định khi qua biên giới quốc gia; Hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam bị hủy hoại, tẩy, xoá, sửa chữa hoặc làm sai lệch hình thức, nội dung; Giầy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang đi cầm cố, tặng, cho, cho thuê; Cho người khác sử dụng giấy tờ được phép nhập cảnh vào Việt Nam để sử dụng vi phạm pháp luật: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
+ Đối với các hành vi sử dụng các giấy tờ giả liên quan để nhập cảnh vào Việt Nam: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
+ Đối với các hành vi người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc mua bán giấy tờ cấp cho người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
+ Đối với các hành vi như: Làm thủ tục mời, bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam không đúng trách nhiệm, khai không đúng sự thật; Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp giấy phép được nhập cảnh vào Việt Nam: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
+ Đối với các hành vi: Làm giả giấy phép nhập cảnh cho người nước ngoài vào Việt Nam; người nước ngoài cư trú tại các khu vực cấm người nước ngoài cư trú; tổ chức, môi giới, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện để người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Ngoài ra, người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, khi vi phạm một trong những hành vi trên thì còn bị phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; Trục xuất người nước ngoài. Đồng thời yêu cầu buộc khắc phục hậu quả thu lại số lợi bất hợp pháp mà người nước ngoài có được khi thực hiện hành vi vi phạm.
6.2. Xử lý hình sự:
Căn cứ Điều 347 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép như sau:
Người nào nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này lại tiếp tục vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.