Quy định của pháp luật về khoản cách an toàn giao thông? Khoảng cách an toàn giữa các xe khi tham gia giao thông bao nhiêu m?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi tham gia giao thông người điều khiển phương tiện phải làm chủ được tốc độ và giữ khoảng cách an toàn giữa các xe. Vậy, theo quy định thi khoảng cách an toàn giữa các xe khi tham gia giao thông là bao nhiêu m?
Cơ sở pháp lý:
Luật giao thông đường bộ 2008;
Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn giữa các xe.
Dịch vụ LVN Group tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.0191
1. Quy định của pháp luật về khoảng cách an toàn giao thông:
Hẳn ai đã và đang tham gia giao thông đường bộ, một điều căn bản nhất mà mọi người cần phải nắm được đó là là giữ khoảng cách an toàn đối với xe đi phía trước mặt mình. Theo đó, có thể hiểu rằng khoảng cách an toàn là khoảng cách đủ để phản ứng, không đâm vào xe trước khi gặp tình huống bất ngờ. Việc duy trì những khoảng cách này sẽ hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, bởi lẽ khi gặp tình huống bất ngờ thì những xe đi sau rất dễ gây liên lụy cho những xe đi trước.
Hiện tại pháp luật cũng có những quy định rất cụ thể và chi tiết về những nguyên tắc giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện khi tham gia giao thông. Cụ thể là căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ. Theo quy định này ta có thể xác định được một số nội dung liên quan đến nguyên tắc giữ khoảng cách an toàn như sau:
Thứ nhất, khi điều khiển phương tiện mà có xe chạy liền trước xe của mình thì người lái xe phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với các xe đó.
Thứ hai, người điều khiển phương tiện phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo cự ly tối thiểu giữa hai xe. Số ghi trên biển cho biết khoảng cách tối thiểu tính bằng mét .Hiện nay, theo QCVN 41:2019/BGTVT có hiệu lực từ 01/7/2020, để báo xe ô tô phải đi cách nhau một khoảng tối thiểu, đặt biển số P.121: Cự ly tối thiểu giữa hai xe. Biển số P.121 có hiệu lực đến hết khoảng cách cấm ghi trên biển phụ số S.501 hoặc đến vị trí đặt biển số DP.135 hết tất cả các lệnh cấm. Biển có hiệu lực cấm các xe ô tô kể cả xe được ưu tiên theo quy định đi cách nhau một cự ly nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.
Bên cạnh các quy định về giữ khoảng cách giữa các phương tiện thì người điều khiển phương tiện cũng cần nắm được các quy định về tốc độ . Cụ thể là căn cứ theo quy định tại điều 4 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT, nguyên tắc chung khi điều khiển phương tiện trên đường bộ về tốc độ và khoảng cách. Theo quy định này thì người điều khiển phương tiền cần phải nắm được các nguyên tắc như sau:
Một là, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về tốc độ, khoảng cách khi tham gia giao thông trên đường bộ kể cả đường nhánh ra vào đường cao tốc.
Hai là, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn phải thực hiện theo các quy định của pháp luật về khoảng cách và tốc độ di chuyển phương tiện ngay cả khi di chuyển trên những đoạn đường không có biển báo hiệu đường bộ quy định về tốc độ, quy định về khoảng cách an toàn tối thiểu giữa hai xe,
Ba là, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu theo quy định khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, đối với các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được phép đi vào đường cao tốc
Như vậy, để ngăn chặn những tình trạng bất trắc thường xuyên diễn ra như xe sau đâm xe trước, xe trước dừng lại đột ngột đụng vào xe sau người điều khiển xe phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình, đặc biệt là những nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT đã quy định thì ta có thể hiểu rằng việc duy trì khoảng cách an toàn này còn phải tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông. Đối với những khu vực đông dư cư và có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc như nội thành hay các nơi tiến hành thi công cho nên giao thông không thuận lợi, thì việc giữ khoảng cách an toàn sẽ được linh hoạt và người dân tham gia giao thông không nhất thiết phải tuân thủ cứng nhắc quy định này.
Câu hỏi đặt ra là, nếu không giữ khoảng cách an toàn giữa 2 xe khi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện có bị xử phạt hay không. Từ trước đến nay, những gì pháp luật đã quy định không được phép làm, hoặc cấm, hoặc có quy định cụ thể là phải làm như thế nào mà khi các cá nhân, tổ chức vi phạm thì luôn luôn đi kèm theo các chế tài xử phạt. Liên quan đến hành vi người điều khiển phương tiện không giữ khoảng cách giữa các xe khi tham gia giao thông ta căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP để xác định mức phạt đối với hành vi này. Cụ thể là:
– Phạt tiền từ 800.000 – 01 triệu đồng trong trường hợp người điều khiển xe ô tô không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”.
– Phạt tiền từ 03 triệu đồng– 05 triệu đồng trong trường hợp người điều khiển xe ô tô không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc.
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng– 20 triệu đồng trong trường hợp người điều khiển xe ô tô không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông.
– Phạt tiền từ 100.000 nghìn đồng– 200.000 nghìn đồng trong trường hợp người điều khiển xe xe máy không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”.
– Phạt tiền từ 04 triệu đồng– 05 triệu đồng trong trường hợp người điều khiển xe máy không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông.
Như vậy, có thể thấy rằng hiện tại pháp luật đã quy định rất rõ ràng và chi tiết về các vấn đề liên quan đến nguyên tắc giữa khoảng cách an toàn giữa các phương tiện khi tham gia giao thông kèm theo các chế tài xử phạt đối với những người vi phạm quy định về giữ khoảng cách an toàn giữa các phương tiện tham gia giao thông.
2. Khoảng cách an toàn giữa các xe khi tham gia giao thông bao nhiêu mét?
Như đã nêu ở phần mục trên về nguyên tắc, khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình. Căn cứ vào điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT ta có thể xác định được khoảng cách an toàn giữa các phương tiện như sau:
– Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện di chuyển đến những nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.
– Đối với trường hợp người điều khiển phương tiện di chuyển đến những nơi có điều kiện mặt đường khô ráo thì xác định khoảng cách an toàn ứng với tốc độ của xe như sau:
Thứ nhất, người điều khiển phương tiện phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông với vận tốc dưới 60 km/h;
Thứ hai, người điều khiển phương tiện phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m với vận tốc 60 km/h;
Thứ ba, người điều khiển phương tiện phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m với vận tốc trên 60 đến 80 km/h;
Thứ tư, người điều khiển phương tiện phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m với vận tốc từ trên 80 đến 100 km/h;
Thứ năm, người điều khiển phương tiện phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m với vận tốc từ trên 100 đến 120 km/h.
Như vậy, từ quy định này có thể thấy đây là cách xác định khoảng cách an toàn này áp dụng trong điều kiện thời tiết khô ráo. Nếu trời mưa, sương mù, trơn trượt, quanh co đèo dốc, các xe chủ động điều chỉnh khoảng cách cho an toàn, phải lớn hơn khoảng cách an toàn tối thiểu ghi trên biển báo. Theo đó theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định trong trường hợp điều kiện thuận lợi như đã nêu ở trên.
Như vậy, người điều khiển phương tiện phải đảm bảo khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định khi mặt đường khô ráo nêu trên khi tham gia giao thông vào những ngày có điều kiện thời tiết không tốt, trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế,
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng người điều khiển phương tiện phải đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu trên cao tốc cũng dựa vào tốc độ của xe khi tham gia giao thông như quy định trên khi di chuyển phương tiện trên cao tốc
Tóm lại, liên quan đến vấn đề khoảng cách an toàn giữa các phương tiện khi tham gia giao thông thì pháp luật không quy định cụ thể về khoảng cách an toàn trong trường hợp điều kiện không thuận lợi như trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, tuy nhiên lại có thể hiểu rằng nếu gặp những trường hợp như vậy người điều khiển phương tiện có thể tự căn chỉnh khoảng cách cho phù hợp để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh và chính bản thân họ.Với đường trong khu dân cư, đô thị có tốc độ tối đa 60 km/h trở xuống, các lái xe chủ động điều chỉnh khoảng cách với xe liền trước sao cho an toàn nhất, tùy thuộc vào mật độ phương tiện và tình hình giao thông thực tế.
Trên thực tế có thể thấy rằng bất cứ khi nào xảy ra những vụ va chạm xe trước, thì hầu hết xe sau đều mắc lỗi không làm chủ tốc độ và không giữ khoảng cách an toàn.
Tóm lại, khi tham gia giao thông các phương tiện cần phải đảm bảo giữ khoảng cách an toàn theo quy định của pháp luật để tự bảo vệ chính mình, đồng thời không gây thiệt hại cho người khác.