Làm mất tài sản của người khác phải chịu trách nhiệm thế nào?

Làm mất tài sản của người khác trong trường hợp mượn tài sản chịu trách nhiệm như thế nào? Làm mất tài sản của người khác trong trường hợp nhận gửi giữ tài sản chịu trách nhiệm như thế nào?

Trên thực tế khi chúng ta mượn tài sản hoặc được nhờ trông hộ tài sản cho người khác nhưng không may làm mất tài sản của họ thì chúng ta phải bồi thường thiệt hại. Vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành làm mất tài sản của người khác phải chịu trách nhiệm thế nào?

Cơ sở pháp lý

Bộ Luật Dân sự năm 2015

Dịch vụ LVN Group tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.0191

1. Làm mất tài sản của người khác trong trường hợp mượn tài sản chịu trách nhiệm như thế nào?

Trước hết ta đi tìm hiểu quy định của pháp luật về vấn đề hợp đồng mượn tài sản là gì? Căn cứ theo quy định tại Ðiều 494 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng mượn tài sản, ta có thể hiểu như sau:

Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận, thống nhất giữa các bên về việc một  bên sẽ cho mượn, giao tài sản của mình cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được bên mượn phải trả lại tài sản đó cho chủ ban đầu của tài sản, hay nói cách khác là hết thời gian mượn tài sản phải trả lại cho người đã cho mượn.

Khi mượn bất kỳ một tài sản nào thì bạn cũng đều có quyền và nghĩa vụ nhất định. Các quyền và nghĩa vụ này trước hết là do các bên tự thỏa thuận thống nhất với nhau trên tinh thần của pháp luật quy định. Căn cứ theo quy định tại Điều 496, bộ luật dân sự 2015 về nghĩa vụ của bên mượn tài sản, ta có thể xác định được những nghĩa vụ của bên mượn tài sản bao gồm:

Một là, bên mượn tài sản phải chịu trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa,không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản của bên cho mượn. Ví dụ khi bạn mượn một chiếc xe của người khác để đi nhưng nếu các bên không thỏa thuận thống nhất từ trước thì bạn không thể tự ý đi sơn sửa màu xe đó của họ, nếu trong quá trình sử dụng xe không may xe bị thủng lốp hay hỏng phanh thì bạn phải sửa chữa xe cho họ, vì nó bị hư hỏng trong quá trình bạn đang sử dụng. Vì vậy, trước khi mượn xe cần kiểm tra kỹ các thiết bị, phụ tùng xe, nếu thấy đã hư hỏng từ trước thì phải trao đổi với chủ xe để có hướng giải quyết, tránh trường hợp tranh chấp về sau này.

Hai là, khi bạn mượn tài sản của người khác, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn thì bạn không được cho người khác mượn lại

Ba là, bạn có trách nhiệm phải trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; khi các bên không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.

Bốn là, khi mượn tài sản của người khác nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn thì bạn vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại,

Năm là, bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.

Như vậy theo quy định trên ta đã xác định được rằng một trong số những nghĩa vụ của bên mượn tài sản đó chính là trong quá trình mượn tài sản mà làm mất tài sản của khác thì người đó sẽ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người cho mượn. Mức bồi thường như thế nào thì tùy thuộc vào giá trị tài sản đã bị mất và sự thỏa thuận của hai bên.

Bên cạnh đó, tại bộ luật này cũng đã có quy định cụ thể về quyền của bên cho mượn tài sản. Cụ thể là tại điều 499, bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền của bên cho mượn tài sản, theo quy định này ta xác định được bên cho mượn tài sản cũng có quyền như sau:

Một là, bên cho mượn tài sản hoàn toàn có quyền được đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn. Trường hợp, bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, thì bên cho mượn tài sản vẫn được đòi lại tài sản đó nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.

Hai là, bên cho mượn tài sản có quyền đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.

Ba là, bên cho mượn tài sản có quyền yêu cầu  bên mượn tài sản bồi thường thiệt hại đối với tài sản do bên mượn gây ra.

Từ quy định này có thể hiểu rằng, pháp luật đã quy định rất cụ thể và chi tiết về vấn đề nếu trong quá trình sử dụng tài sản đi mượn của người khác gây ra thiệt hại, làm mất tài sản thì bên cho mượn hoàn toàn có quyền yêu cầu bên mượn phải bồi thường thiệt hại cũng như bên mượn tài sản phải có nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp này.

Vậy khi làm mất tài sản trong trường hợp mượn tài sản của người khác thì mức bồi thường như thế nào. Về vấn đề này pháp luật đã có quy định rất cụ thể, căn cứ Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản bị xâm phạm ta có thể xác định được mức bồi thường như sau:

Người mượn tài sản nhưng làm mất tài sản đó phải đền bù lại tài sản cùng loại với tài sản đã bị làm hủy hoại hoặc hư hỏng.

Hoặc khi làm hư hỏng tài sản đó thì phải đền bù phần lợi ích chính đáng gắn với việc sử dụng, khai thác bị mất hoặc bị giảm sút khi tài sản bị hủy hoại, hỏng hóc.

Hoặc bên mượn tài sản phải đền bù chi phí mà bên bị hại phải bỏ ra để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại như: chi phí để dập lửa khi bị cháy rừng, rồi chi phí để trồng lại số cây trên rừng đã bị cháy đó, chi phí sửa xe thay thế phụ tùng….

Ngoài ra còn phải bồi thường các chi phí đền bù với những thiệt hại thực tế khác.

Khi bồi thường thiệt hại do làm mất tài sản thì người mượn và bên cho mượn cũng phải tuân thủ các nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự:

Một là, bồi thường toàn bộ và kịp thời thiệt hại thực tế. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Hai là, người mượn tài sản và làm mất tài sản đó có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Ba là, nếu mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Bốn là, Khi bên cho mượn tài sản có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

2. Làm mất tài sản của người khác trong trường hợp nhận gửi giữ tài sản chịu trách nhiệm như thế nào?

Với trường hợp nhận gửi giữ tài sản cho người khác mà làm mất tài sản của họ thì phải chịu trách nhiệm như thế nào, trước hết ta cũng cần tìm hiểu được về hợp đồng gửi giữ tài sản là gì theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại điều 554, bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản thì ta có thể xác định được hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên mà một bên nhận giữ  tài sản cho một bên còn lại gọi là bên bên gửi giữ tài sản. Việc gửi giữ tài sản này là để bên nhận gửi giữ bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công theo thỏa thuận của các bên.

Tương tự như vấn đề mượn tài sản, bên nhận gửi giữ tài sản cũng có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại điều 557 bộ luật dân sự 2015 quy định về  nghĩa vụ của bên giữ tài sản ta có thể xác định được bên nhận gửi giữ tài sản có các nghĩa vụ như:

Một là, bên nhận gửi giữ phải có trách nhiệm bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

Hai là, bên nhận gửi giữ tài sản chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản mà mình nhận giữ nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

Ba là, thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

Bốn là, bên nhận giữ tài sản nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ thì phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Như vậy, theo quy định này có thể hiểu trong trường hơp nếu bên nhận giữ tài sản làm mất tài sản của bên gửi tài sản thì họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản đó.

Bên cạnh đó, tại điều 556 bộ luật dân sự 2015 cũng có quy định rất cụ thể về quyền của bên gửi tài sản, theo đó bên gửi tài sản có các quyền như:

Một là,  nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn bên gửi tài sản hoàn toàn có quyền được yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.

Hai là, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ thì bên gửi tài sản có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp bất khả kháng.

Như vậy, có thể thấy khi bị mất tài sản trong trường hợp gửi giữ tài sản thì bên gửi tài sản có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản đó còn bên nhận gửi giữ đương nhiên là phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Về mức bồi thường thiệt hại sẽ do các bên tự thỏa thuận thống nhất với nhau dựa trên giá trị thực tế của tài sản đó. Nếu các bên không thảo thuận và thống nhất được với nhau thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết vấn đề tranh chấp này theo quy định của pháp luật, nguyên tắc bồi thường thiệt hại tương tự như phần bồi thường tài sản bị mất trong trường hợp cho mượn tài sản đã nêu ở trên.

Tóm lại, khi mượn tài sản hay nhận gửi giữ tài sản mà làm mất tài sản đó thì bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự 2015, mức bồi thường thiệt hại sẽ do các bên tự thảo thuận thống nhất với nhau dựa trên giá trị thực tế của tài sản đó. Nếu các bên không thỏa thuận và thống nhất được với nhau thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com