Các dạng văn miêu tả? Các bước làm bài văn miêu tả? Cách làm bài văn miêu tả đồ vật? Dàn ý bài văn miêu tả đồ dùng học tập mà em thích? Mẫu bài văn miêu tả đồ dùng học tập mà em thích?
Đồ dùng học tập chính là người bạn thân thiết của các em học sinh, giúp các em trong hành trình đạt được tri thức. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn tổng hợp một số mẫu bài văn miêu tả đồ dùng học tập mà em yêu thích hay.
1. Các dạng văn miêu tả:
Có 3 dạng văn miêu tả hay gặp nhất:
Thứ nhất, Văn tả vật (Tả đồ vật, con vật, cây cối): Dạng đề bài này thường yêu cầu các em miêu tả các loại đồ vật, cây cối, con vật gần gũi xung quanh nhằm rèn luyện kĩ năng quan sát, viết miêu tả theo cảm nhận.
Thứ hai, Văn tả người: Thường là những đề bài yêu cầu tả chân dung, đặc điểm, tả người trong một trạng thái hoạt động nào đó ( Ví dụ: Tả cô giáo đang giảng bài, Tả mẹ đang nấu cơm dưới bếp…).
Thứ ba, Văn tả cảnh: Thường là đề bài tả cảnh thiên nhiên như: khung cảnh làng quê, dòng sông, cánh đồng, đêm trăng đẹp… hay cảnh sinh hoạt như: phiên chợ ngày tết, buổi biểu diễn văn nghệ, buổi thi đấu thể thao…
2. Các bước làm bài văn miêu tả:
Bước 1: Xác định yêu cầu đề bài
Các em cần xác định được đề bài thuộc dạng bài miêu tả nào (tả vật, tả người hay tả cảnh), đối tượng cần miêu tả là ai. Chẳng hạn: Đề bài yêu cầu tả một người bạn thân của em thì em cần xác định được đây là dạng bài tả người, đối tượng cần tả là người bạn thân của em, từ đó có những liên tưởng về người bạn ấy với những đặc điểm về ngoại hình, giọng nói, tính cách, những kỉ niệm đáng nhớ mà em và người bạn ấy đã trải qua, tình cảm của em với bạn…Việc xác định dạng bài, đối tượng miêu tả sẽ giúp các em định hình được nội dung và ý tưởng cho bài viết.
Bước 2: Lập dàn ý
Lập dàn ý là việc tóm tắt nội dung, ý tưởng cho bài viết theo cấu trúc 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài. Trong phần dàn ý, các em có thể ghi lại những ý chính mà mình muốn triển khai trong bài viết. Việc lập dàn ý hỗ trợ đắc lực cho quá trình viết bài, qua dàn ý đã xây dựng, các em tránh được việc sót ý, lạc đề, đảm bảo tính mạch lạc và trình tự diễn đạt các ý.
Chú ý: Nguyên tắc miêu tả: Để đảm bảo tính mạch lạc, hấp dẫn của bài văn, khi viết miêu tả các em cần đảm bảo trình tự:
– Trình tự thời gian: Sáng-trưa-chiều-tối; theo mùa (Xuân- hạ-thu-đông), theo trình tự: Mở đầu- diễn biến- kết thúc.
– Trình tự không gian: Từ bao quát đến khái quát, từ xa đến gần, từ ngoài vào trong.
– Với văn tả người cần miêu tả từ hình dáng đến tính cách
Bước 3: Viết bài
Dựa trên phần dàn ý đã lập, các em có thể hoàn thiện bài văn miêu tả của mình. Khi viết các em có thể thêm những câu so sánh để tăng tính hấp dẫn cho bài viết.
3. Cách làm bài văn miêu tả đồ vật:
Mở bài:
Có thể mở bài theo một trong những cách sau:
– Giới thiệu ngay đồ vật định tả (mở bài trực tiếp).
– Nói chuyện khác có liên quan để dẫn vào việc giới thiệu đồ vật định tả (mở bài gián tiếp).
Thân bài:
– Tả bao quát toàn bộ đồ vật (hình dáng, kích thước, màu sắc, chất liệu,..)
– Tả những bộ phận đặc điểm nổi bật:
Lần lượt tả từng bộ phận của đồ vật theo trình tự từ trước ra sau, từ trên xuống dưới hoặc từ ngoài vào trong…
– Nêu rõ công dụng của đồ vật hay của từng bộ phận.
Kết bài:
Có thể kết bài theo một trong những cách sau:
– Nêu cảm nghĩ với đồ vật định tả (kết bài không mở rộng).
– Từ công cụ của đồ vật, nêu thêm mối quan hệ giữa con người với đồ vật đó, bàn luận dẫn dắt người đọc liên tưởng hoặc suy nghĩ thêm về những vấn đề có liên quan (kết bài mở rộng).
4. Dàn ý bài văn miêu tả đồ dùng học tập mà em thích:
Mở bài: giới thiệu đồ dùng học tập mà em định tả
Vào năm học mới, để khuyến khích em học tập tốt hơn nên ba mẹ đã mua tặng em một chiếc bàn học. Em rất thích chiếc bàn học mà ba mẹ mua tặng em, em luôn bảo vệ và giữ gìn nó sạch sẽ. Khi các bạn tới chơi đều khen em có chiếc bàn đẹp, em rất tự hào về chiếc bạn học của mình.
Thân bài:
Tả bao quát chiếc bàn học
– Chiếc bàn có ghế liền
– Chiếc bàn học màu trắng
– Chiếc bàn có giá sách ở phía trên
– Bàn dài 1m và rộng 50cm
– Trông chiếc bàn rất đẹp
Tả chi tiết từng bộ phận của chiếc bàn học
– Mặt bàn:
+ Màu trắng
+ Nhẵn bóng
+ Có gắn hộp đựng bút hình con hươu cao cổ
– Hộc bàn:
+ Được đính kèm dưới mặt bàn
+ Có ngăn kéo ra kéo vào rất tiện lợi
+ Có núm cầm hình tròn
– Ghế:
+ Ghế được nối với bàn
+ Cố thanh gác chân
+ Màu trắng
+ Hình vuông
– Giá sách:
+ Đính trên mặt bàn
+ Màu trắng
+ Có 10 hộp to nhỏ khác nhau với nhiều hình dạng khác nhau
– Bàn rất chắc chắn và tiện nghi
– Em thích để những đồ yêu thích của mình trên chiếc bàn
Công dụng của chiếc bài
– Ngồi học bài
– Để sách vở
– Dùng để đặt các vật trang trí
– Giúp em rèn luyện viết chữ đẹp
– Giúp em rất nhiều trong học tập
Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về chiếc bàn học
Em rất thích chiếc bàn học của em
Nhờ có bàn mà em học tốt hơn
Em sẽ giữ gìn và bảo vệ cẩn thận chiếc bàn học
5. Mẫu bài văn miêu tả đồ dùng học tập mà em thích:
Mẫu bài văn tả chiếc bàn học
Đã là học sinh thì ai ai cũng cần có một chiếc bàn học để học bài ở nhà. Và em cũng có một người bạn đồng hành như thế. Chiếc bàn được bố mua đầu năm học lớp 3.
Bàn học của em được làm bằng chất liệu nhựa Đài Loan cao cấp. Em nghe bố nói loại nhựa này có thể tránh ẩm mốc, mối mọt và điều đặc biệt là không thấm nước, dễ lau chùi. Bàn học của em là loại bàn học có liền giá sách. Bàn cao một mét tám, mặt bằng rộng khoảng năm mươi phân, dài khoảng một mét. Chiếc bàn được sơn màu xanh nước biển rất đẹp cùng với những hình dán Đô- rê- mon và những người bạn của chú trông thật ngộ nghĩnh đáng yêu phù hợp với lứa tuổi em.Phần thân bàn còn có một tủ nhỏ ở dưới rất rộng và xinh xắn để em có thể đựng được nhiều thứ. Phía dưới còn có chỗ để chân cho những ai chưa tới chân xuống đất cho em thật tiện lợi. Phần giá sách được chia làm năm ngăn với những ô riêng. Ngăn thì em đựng sách giáo khoa, ngăn đựng vở viết , đồ dùng học tập,….Mẹ còn mua cho em chiếc đồng hồ rất đẹp để trên bàn học. Bàn học của em được kê gần cửa sổ nên rất sáng sủa, sạch sẽ.
Mỗi buổi tối chiếc bàn lại chăm chỉ đồng hành cùng em học bài, cùng em viết những câu văn hay, làm những bài toán khó. Mỗi khi học xong em thường thu dọn sách vở và các thứ trên mặt bàn cho gọn ghẽ rồi lau bàn bằng khăn vải mềm. Không bao giờ em lơ đễnh hay cố ý viết, vẽ bậy lên mặt bàn. Vì vậy mà dùng đã hơn một năm rồi bàn vẫn còn mới.
Em yêu quý cái bàn này lắm bởi ngày nào nó cũng cùng em học tập miệt mài. Áp má lên mặt bàn, em nghe mát rượi như có ngọn gió nào thổi từ khu rừng xa xưa nơi cây gỗ này sinh sống. Em tưởng như nghe được lời gió thì thầm nhắc nhở: “Cô chủ ơi, gắng học lên! Chúng tôi tin tưởng nhiều ở cô đấy nhé!”.
Mẫu bài văn tả chiếc cặp sách
Năm học mới đã đến rồi, lòng em cứ xốn xang chờ đợi ngày tựu trường. Hai tháng hè xa bạn bè, thầy cô em nhớ lắm!
Sáng nay, em dậy thật sớm sửa soạn sách vở, đồ dùng học tập, cẩn thận bỏ các thứ vào chiếc cặp mà mẹ đã mua cho em tại hiệu sách Minh Trí ở cố đô Huế trong dịp mẹ đi học ở ngoài ấy. Chiếc cặp chưa lần nào đến lớp nhưng đã trở thành người bạn thân thiết của em từ lâu rồi. Hôm cầm chiếc cặp trong tay, em thầm cám ơn mẹ đã lo lắng chu toàn cho đứa con gái út của mẹ trước lúc vào lớp Bốn.
Mẹ đã chọn chiếc cặp thật hợp với sở thích của em, vừa vặn và xinh xắn. Nó được làm bằng chất liệu ni lông tổng hợp, màu xanh rêu, sợi tơ óng ánh như pha kim tuyến. Sờ vào, ai cũng cảm giác mát lạnh và mềm mềm như làn da của một đứa trẻ ba tuổi. Có lẽ chiếc cặp to bằng sổ ghi điểm của cô giáo, không cồng kềnh như cặp của bạn Thúy ngồi cạnh em. Phía trên là một quai xách được bện bằng sợi ni lông bền và rất chắc. Đằng sau có hai quai đeo được mắc vào những cái khóa sắt xi sáng loáng, dùng để điều chỉnh cho vừa quai đeo. Phía trước mặt có một bức tranh màu, vẽ hình một chú ếch đang ngồi trên lá sen du ngoạn ở trong đầm. Xung quanh là những đóa hoa sen hồng đang xòe cánh đón sắc nắng vàng mùa hạ. Bức tranh được lồng vào trong một ngăn bằng giấy mê ca mỏng, có khóa kéo đi, kéo lại. Ngăn này em dùng đựng tấm áo mưa.
Muốn mở cặp, em chỉ cần bấm nhẹ vào hai chiếc khóa ở nắp cặp, nó tự động mở ra nhờ một bộ phận quan trọng làm băng hệ thống lò xo, gắn giấu vào phía trong nắp cặp. Cặp có hai ngăn chủ yếu. Ngăn lớn, em dùng để những quyển sách vở trong buổi học. Còn ngăn kia nhỏ hơn, em để các đồ dùng học tập như: bảng con, tập giấy kiểm tra và hộp đựng bút cùng một số vật dụng khác. Thấy chiếc cặp của em vừa xinh, vừa gọn nhẹ lại tiện lợi nữa nên bạn nào cũng hỏi mua ở cửa hàng nào để về xin bố mẹ mua cho. Em cũng nói thật với các bạn là ở đây không có.
Mải nghĩ về chiếc cặp mà suýt nữa trễ giờ đi học, em khoác vội chiếc cặp vào vai rồi chào bố và chị Hai rảo bước đến trường trong lòng rộn lên một niềm vui khó tả.