Môn thi chứng chỉ đại lý thuế? Đề thi chứng chỉ đại lý thuế?
Theo quy định của pháp luật thì chứng chỉ hành nghề đại lý thuế là một chứng chỉ bắt buộc đối với đại lý thuế. Vậy, Môn thi chứng chỉ đại lý thuế và Đề thi chứng chỉ đại lý thuế được quy định như thế nào?
Dịch vụ LVN Group tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.0191
1. Môn thi chứng chỉ đại lý thuế:
Đại lý thuế được xem là một ngành nghề trong hệ thống danh mục ngành nghề của nước ta ra đời từ năm 2008. Đại lý thuế theo quy định của pháp luật hiện hành thì có thể hiểu đó là các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế cho những doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau theo hợp đồng đã ký kết. Các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế bao gồm các hoạt động như là thực hiện thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, lập hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, nộp thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế…
Tuy nhiên, muốn trở thành một đại lý thuế, hoạt động liên quan đến thuế thì các đơn vị, doanh nghiệp bắt buộc phải có chứng chỉ đại lý thuế. Có thể hiểu là không phải bất kỳ đơn vị nào muốn làm đại lý thuế cũng được. Việc thi và được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế khá là khó khăn và phức tạp. Theo đó, ta có thể hiểu mỗi đơn vị, doanh nghiệp khi hoạt động lĩnh vực thuế cần có chứng chỉ hành nghề đại lý thuế. Hơn thế nữa, một đại lý thuế muốn đủ điều kiện hoạt động bắt buộc phải có ít nhất 2 nhân viên sở hữu chứng chỉ hành nghề này. Đây là loại chứng chỉ được Bộ Tài chính cấp cho những thí sinh đủ điều kiện vượt qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.
Để được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế thì bạn cần phải trải qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế. Thông thường, kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế được tổ chức vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm. Ít nhất 3 tháng trước kỳ thi, thông tin cụ thể sẽ được Tổng cục thuế công bố trên website của họ. Bạn cần theo dõi website này để nắm được lịch thi và đăng ký. Bởi có thể thấy, mỗi năm chỉ có 2 kỳ thi, số lượng khá ít, nếu bỏ lỡ kỳ thi thì bạn phải chờ khá lâu mới có kỳ thi mới, ảnh hưởng đến công việc và cơ hội của bạn. Cần lưu ý rằng kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế chỉ được tổ chức tại 2 thành phố là: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, nếu bạn ở những tỉnh thành phố khác thì phải sắp xếp công việc để về hai thành phố này để thi. Kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề kế toán thuế gồm 2 môn thi là: kế toán và pháp luật về thuế với hình thức thi viết và thời gian làm bài là 180 phút/môn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tham dự kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế cũng cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Theo đó bạn cần đáp ứng được các điều kiện như là:
Một là, người đăng ký dự thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế phải là công dân có quốc tịch Việt Nam hoặc người nước ngoài có giấy phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên, có lý lịch rõ ràng.
Hai là, người đăng ký dự thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế phải có bằng tốt nghiệp Cao đẳng trở lên các chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng, luật, thuế hoặc tốt nghiệp các ngành khác nhưng có số tín chỉ các môn liên quan đến kinh tế chiếm từ 7% trở lên trong tổng số tín chỉ của toàn khóa học. Điều kiện này có thể hiểu là không phải học bất kỳ ngành nghề nào bạn cũng có thể đăng ký dự thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế, đa phần phải liên quan đến kinh tế, kế toán. Vì vậy, nếu bạn đang học ngành nghề khác mà muốn đăng ký dự thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế thì bạn phải học thêm các chuyên ngành kinh tế, kế toán để đảm bảo điều kiện dự thi theo quy định.
Ba là, người đăng ký dự thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế phải có thời gian làm việc từ đủ 2 năm trở lên trong các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, thuế, luật, tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự thi.
Khi đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện nêu trên thì bạn phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế theo quy định để đăng ký dự thi. Nếu bạn ở khu vực miền bắc thì có thể nộp hồ sơ tại trụ sở của Tổng cục Thuế số 123 Lò Đúc – quận Hai Bà Trưng – Hà Nội. Nếu bạn ở khu vực miền nam thì có thể nộp hồ sơ tại văn phòng Tổng cục thuế tại 138 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, Tp. HCM. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ tài liệu sau đây:
– Đơn đăng ký dự thi theo mẫu;
– Sơ yếu lý lịch có dán ảnh 4×6, đóng dấu giáp lai của cơ quan có thẩm quyền;
– Phiếu lý lịch tư pháp;
– Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên (bản sao có chứng thực);
– Bản kết quả học tập hoặc bảng điểm toàn khóa học (bản sao có chứng thực);
– Bằng xác định chuyên ngành đủ điều kiện dự thi;
– Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân,sổ hộ chiếu (bản sao công chứng);
– Giấy xác nhận số năm công tác chuyên môn;
– 01 ảnh 3×4, 02 ảnh 4×6;
– 02 phong bì dán sẵn tem, ghi rõ họ – tên – địa chỉ – số điện thoại để nhận thông báo thi – lịch thi – kết quả thi;
– Giấy tờ chứng minh được miễn môn thi theo quy định (nếu có);
– Bản chụp giấy chứng nhận điểm thi của kỳ thi trước do Hội đồng thi cấp (nếu có).
Mỗi đợt thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế có hàng nghìn người đăng ký dự thi, thế nhưng tỷ lệ thí sinh trượt là khá cao, có khi lên đến 75%. Vì vậy, nếu bạn muốn đăng ký thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế – 3 tháng trước kỳ thi, cần lên kế hoạch ôn tập từng phần kiến thức một cách có hiệu quả – hoặc nếu không tự ôn được thì nên tìm đến các khóa ôn luyện để có thể tự tin làm bài và đạt kết quả tốt. Mỗi đơn vị kinh doanh dịch vụ thuế phải có ít nhất 2 nhân viên sở hữu chứng chỉ này, chứng minh năng lực của đại lý thuê đó cho nên đề thi thường bao quát rất nhiều vấn đề liên quan do đó đòi hỏi người dự thi phải có kiến thức sâu rộng về kế toán và pháp luật về thuế.
2. Đề thi chứng chỉ đại lý thuế:
Cấu trúc đề thi của kỳ thi chứng chỉ đại lý thuế luôn luôn có 3 phần: phần câu hỏi lý thuyết và bài tập tình huống, phần tự luận. Theo đó, có thể tham khảo đề thi chứng chỉ đại lý thuế như sau:
Phần lý thuyết: thường có 2 câu – tương ứng với 4 điểm. Câu hỏi rất rộng, gần như có thể rơi vào bất kể tài khoản, chuẩn mực kế toán nào.Trong phần lý thuyết sẽ hỏi các câu hỏi liên quan đến một số vấn đề như là:
– Những quy định chung của Luật kế toán hiện hành;
– Các chuẩn mực kế toán Việt Nam;
– Chế độ kế toán Việt Nam như: Đơn vị tiền tệ; Chứng từ và sổ kế toán;
– Nguyên tắc kế toán; Nội dung kết cấu của một tài khoản thuộc Hệ thống tài khoản kế toán Việt Nam
– Báo cáo tài chính trong Doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng những câu hỏi này mang nặng lý thuyết tuy không khó, nhưng chúng ta không có cách hệ thống và cập nhật kiến thức sẽ khó mà làm tốt được câu hỏi.
Ngoài các câu hỏi lý thuyết thì thường có thêm các dạng câu hỏi đưa ra ví dụ như:
Anh chị hãy trình bày các khái niệm: Liên doanh, kiểm soát, đồng kiểm soát, nhà đầu tư trong liên doanh; Phương pháp vốn chủ sở hữu được quy định ở chuẩn mực kế toán số 08 – Thông tin tài chính về những khoản vốn góp liên doanh. Có phải tất cả các nhà đầu tư trong liên doanh đều có quyền đồng kiểm soát.
Phần Bài Tập: phần bài tập chiếm 3 câu, tương ứng với 6 điểm.
Đối với phần bài tập này đề bài sẽ cho số liệu cụ thể về các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tạo Doanh nghiệp và đặt các câu hỏi liên quan như:
– Lập bảng Cân đối kế toán cho Doanh nghiệp;
– Định khoản kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh;
– Lập Báo cáo kết quả kinh doanh cho Doanh nghiệp;
– Tính thuế TNDN phải nộp theo thuế suất phổ thông; theo thuế suất ưu đãi;
– Hoặc cũng có thể đề bài sẽ cho số liệu tại Doanh nghiệp sản xuất. và ra câu hỏi tính giá thành sản phẩm theo một trong các phương pháp tính giá thành đã học.
Bên cạnh đó, sẽ có các dạng câu hỏi bài tập tình huống mà bạn có thể tham khảo như:
Tình huống 1: Công ty ABC có 2 xưởng sản xuất sản phẩm Y theo quy trình công nghệ chế biến liên tục. Chi được kế toán tập hợp trong tháng như sau:
Đơn vị tính: 1.000 VNĐ.
Nội dung chi phí | Xưởng 1 | Xưởng 2 |
Chi phí NVL trực tiếp | 400.000.000 | – |
Chi phí nhân công trực tiếp | 120.000.000 | 50.000.000 |
Chi phí sản xuất chung | 110.000.000 | 69.000.000 |
Kết quả trong tháng: Xưởng 1 sản xuất được 1.260 bán thành phẩm chuyển cho Xưởng 2, còn lại 600 sản phẩm dở mức độ hoàn thành 60% . Xưởng 2 nhận 1.260 bán thành phẩm của Xưởng 1 chuyển sang tiếp tục chế biến và hoàn thành nhập kho 420 thành phẩm, còn lại 210 thành phẩm dở với mức độ hoàn thành 50%.
Yêu cầu:
1.Tính giá thành theo phương pháp phân bước không có bán thành phẩm.
2.Tính giá thành theo phương pháp phân bước có bán thành phẩm.
Tình huống 2: Trích tài liệu kế toán Tại Công ty XYZ như sau:
1.Trong kỳ xuất bán hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, giá bán chưa có thuế GTGT 10% là 4.000.000.000 đ, người mua đã thanh toán bằng chuyển khoản. Giá vốn hàng bán là 3.500.000.000 đ.
2.Trong kỳ xuất bán sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, giá bán chưa có thuế GTGT 10% là 5.000.000.000 đ, người mua chưa thanh toán tiền. Giá vốn hàng bán là 4.200.000.000 đ.
3.Chi phí tập hợp được như sau:
Chi phí quảng cáo, tiếp khách, tiếp thị… thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng với giá chưa thuế GTGT 10% là 300.000.000 đ.
Chi phí quản lý khác không có chứng từ hợp lệ là 160.000.000 đ.
Yêu cầu:
1.Định khoản kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên.
2.Xác định thuế TNDN phải nộp và lập Báo cáo Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tình huống 3: Công ty A được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất như sau:
Ngày 1/1/n phát hành loại trái phiếu có kỳ hạn 2 năm là 100 tỷ đồng, thu bằng tiền mặt, lãi suất danh nghĩa 10%/năm; Do lãi suất thị trường xấp xỉ là 13%/năm, nên Công ty A đã chiết khấu 3%/năm. Công ty A trả lãi 1 lần ngay khi phát hành trái phiếu. Theo kế hoạch thời gian đầu tư công trình là 2 năm. Nhưng Công ty đã hoàn thành công trình sau 18 tháng (khởi công ngày 1/1/n hoàng thành 30/6/n+1).
Yêu cầu:
Anh chị hãy tính toán và lập định khoản các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trên tại:
Ngày 1/1/n (sau khi phát hành trái phiếu).
Ngày 30/6/n+1 (sau khi công trình hoàn thành).
Ngày đáo hạn trái phiếu 31/12/n+1, thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng.
Từ những lập luận và phân tích như trên có thể thấy môn thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế gồm 2 môn thi là: kế toán và pháp luật về thuế, đề thi chứng chỉ đại lý thuế đòi hỏi kiến thức rất sâu rộng, do vậy khi đi thi bạn nên ôn luyện một cách hệ thống.