Nghiệm thu công trình xây dựng gồm các giai đoạn nào?

Khái niệm, đặc điểm và vai trò của công trình xây dựng? Nghiệm thu công trình xây dựng là gì? Các giai đoạn nghiệm thu của công trình xây dựng?

Công trình xây dựng là một khái niệm không còn xa lạ đối với chúng ta, chẳng phải khái niệm ở đâu xa xôi, ngay chính ngôi nhà bạn đang ở, trường học, bệnh viện, văn phòng công ty… – tất cả những thứ đó đều là sản phẩm của xây dựng và được gọi là công trình xây dựng. Tuy nhiên, để có một công trình xây dựng an toàn vững chãi phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trong đó không thể không kể đến việc nghiệm thu công trình xây dựng. Các giai đoạn của nghiệm thu công trình xây dựng bao gồm một số giai đoạn mà bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích đó.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 số 50/2014/QH13;

– Nghị định 06/2021 NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191

1. Khái niệm, đặc điểm và vai trò của công trình xây dựng :

Công trình xây dựng là những sản phẩm được kiến tạo lên nhờ sức lao động của con người hay máy móc, các vật liệu xây dựng và các thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình xây dựng công cộng, nhà ở, công trình công nghiệp, giao thông, thủy lợi, năng lượng và các công trình khác. Công trình xây dựng gồm các loại sau đây:

– Công trình dân dụng:

Bao gồm nhà ở và công trình công cộng (Công trình giáo dục, y tế, thể thao, Công trình tôn giáo, tín ngưỡng, Công trình thương mại, dịch vụ và trụ sở làm việc của các tổ chức xã hội, sự nghiệp và doanh nghiệp; nhà ga, trụ sở cơ quan nhà nước)

– Công trình công nghiệp bao gồm:

Công trình sản xuất vật liệu xây dựng, Công trình luyện kim và cơ khí chế tạo, Công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, Công trình dầu khí, Công trình năng lượng, Công trình hoá chất, Công trình công nghiệp nhẹ

– Công trình hạ tầng kỹ thuật:

Nằm trong gói công trình này bao gồm công trình cấp, thoát nước, xử lý chất thải rắn, đèn sáng công cộng và các công trình khác như: nghĩa trang, nhà hỏa táng, công viên, cây xanh, bãi đỗ xe,…

– Công trình giao thông:

Loại công trình thuộc gói công trình giao thông bao gồm các công trình đường bộ, đường sắt, cầu, hầm, công trình hàng hải, công trình hàng không.

– Công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn:

Nằm trong gói này bao gồm công trình thủy lợi, công trình đê điều, công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khác.

2. Nghiệm thu công trình xây dựng là gì?

Nghiệm thu công trình xây dựng được quy định cụ thể tại điều 21 Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng,

“Điều 21. Nghiệm thu công việc xây dựng 

1.Căn cứ vào kế hoạch thí nghiệm, kiểm tra đối với các công việc xây dựng và tiến độ thi công thực tế trên công trường, người trực tiếp giám sát thi công xây dựng công trình và người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của nhà thầu thi công xây dựng công trình thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng công việc xây dựng đã được thi công, nghiệm thu; kết quả nghiệm thu được xác nhận bằng biên bản.

2.Người giám sát thi công xây dựng công trình phải căn cứ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn được áp dụng, các kết quả kiểm tra, thí nghiệm chất lượng vật liệu, thiết bị được thực hiện trong quá trình thi công xây dựng có liên quan đến đối tượng nghiệm thu để kiểm tra các công việc xây dựng được yêu cầu nghiệm thu.

3.Người giám sát thi công xây dựng phải thực hiện nghiệm thu công việc xây dựng trong khoảng thời gian không quá 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị nghiệm thu công việc xây dựng của nhà thầu thi công xây dựng. Trường hợp không đồng ý nghiệm thu phải thông báo lý do bằng văn bản cho nhà thầu thi công xây dựng.

4.Biên bản nghiệm thu công việc xây dựng được lập cho từng công việc xây dựng hoặc lập chung cho nhiều công việc xây dựng của một hạng mục công trình theo trình tự thi công, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Tên công việc được nghiệm thu;

b) Thời gian và địa điểm nghiệm thu;

c) Thành phần ký biên bản nghiệm thu;

d) Kết luận nghiệm thu, trong đó nêu rõ chấp nhận hay không chấp nhận nghiệm thu; đồng ý cho triển khai các công việc tiếp theo; yêu cầu sửa chữa, hoàn thiện công việc đã thực hiện và các yêu cầu khác (nếu có);

đ) Chữ ký, họ và tên, chức vụ của người ký biên bản nghiệm thu;

e) Phụ lục kèm theo (nếu có).

5.Thành phần ký biên bản nghiệm thu:

a) Người trực tiếp giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư;

b) Người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của nhà thầu thi công xây dựng hoặc của tổng thầu, nhà thầu chính;

c) Người trực tiếp phụ trách kỹ thuật thi công của nhà thầu phụ đối với trường hợp có tổng thầu, nhà thầu chính.”

Nghiệm thu công trình xây dựng là việc kiểm tra đối với các công việc xây dựng và tiến độ thi công thực tế trên công trường. Việc nghiệm thu công trình xây dựng có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm tra và bảo đảm độ an toàn để đưa công trình vào sử dụng. Việc đánh giá thông qua quá trình nghiệm thu sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn cảnh về hạng mục thi công cũng như đánh giá mức độ an toàn khi đưa công trình vào sử dụng.

Trong quá trình nghiệm thu nếu có phát hiện ra những bộ phận kém chất lượng trong quá trình thi công do lỗi của nhà thầu thì buộc nhà thầu phải khắc phục hậu quả và chịu mọi chi phí kể cả các chi phí kiểm định phúc tra. Trong trường hợp do lỗi của chủ đầu tư khiến cho công việc không được nghiệm thu thì bắt buộc chủ đầu tư phải khắc phục hậu quả và phải đền bù mọi chi phí tổn thất cho nhà đầu tư.

3. Các giai đoạn của nghiệm thu công trình xây đựng:

Nghị định 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Trong nghị định cũng quy định rõ các giai đoạn nghiệm thu của công trình xây dựng một cách cụ thể và chi tiết.

Giai đoạn 1: Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng

“Điều 22. Nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng

1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng công trình, chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan được tự thỏa thuận về việc tổ chức nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng trong các trường hợp sau: a) Khi kết thúc một giai đoạn thi công hoặc một bộ phận công trình cần phải thực hiện kiểm tra, nghiệm thu để đánh giá chất lượng trước khi chuyển sang giai đoạn thi công tiếp theo;b) Khi kết thúc một gói thầu xây dựng.

2. Việc nghiệm thu giai đoạn thi công xây dựng hoặc bộ phận công trình xây dựng được thực hiện trên cơ sở xem xét kết quả các công việc đã được nghiệm thu theo quy định tại Điều 21 Nghị định này, các kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng và các văn bản pháp lý theo quy định của pháp luật có liên quan trong giai đoạn thi công xây dựng để đánh giá các điều kiện nghiệm thu theo thỏa thuận giữa các bên.

3. Chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan được tự thỏa thuận về thời điểm tổ chức nghiệm thu, trình tự, nội dung, điều kiện và thành phần tham gia nghiệm thu; kết quả nghiệm thu được xác nhận bằng biên bản.”

Giai đoạn 2: Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng

“Điều 23. Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng

1. Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng:

Trước khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức và trực tiếp tham gia nghiệm thu hoàn thành toàn bộ hạng mục công trình, công trình xây dựng khi đáp ứng các điều kiện sau:a) Các công việc xây dựng đã được thi công đầy đủ theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt;b) Công tác nghiệm thu công việc xây dựng, bộ phận, giai đoạn trong quá trình thi công được thực hiện đầy đủ theo quy định tại Điều 21, Điều 22 Nghị định này;c) Kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng;d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan.

Nghiệm thu có điều kiện, nghiệm thu từng phần công trình xây dựng:

a) Chủ đầu tư được quyết định tổ chức nghiệm thu có điều kiện đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào khai thác tạm trong trường hợp việc thi công xây dựng cơ bản đã hoàn thành theo yêu cầu thiết kế, nhưng còn một số tồn tại về chất lượng mà không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình và đảm bảo công trình đủ điều kiện khai thác an toàn và đáp ứng quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan. Kết quả nghiệm thu được xác nhận bằng biên bản theo các nội dung quy định tại khoản 6 Điều này trong đó phải nêu rõ các tồn tại về chất lượng cần được khắc phục hoặc các công việc xây dựng cần được tiếp tục thực hiện và thời gian hoàn thành các nội dung này, yêu cầu về giới hạn phạm vi sử dụng công trình (nếu có). Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình sau khi các tồn tại về chất lượng đã được khắc phục hoặc các công việc xây dựng còn lại đã được hoàn thành;

b) Trường hợp một phần công trình xây dựng đã được thi công hoàn thành và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, chủ đầu tư được quyết định việc tổ chức nghiệm thu phần công trình xây dựng này để đưa vào khai thác tạm. Kết quả nghiệm thu được xác nhận bằng biên bản theo các nội dung quy định tại khoản 6 Điều này trong đó phải nêu rõ về phần công trình được tổ chức nghiệm thu. Chủ đầu tư có trách nhiệm tiếp tục tổ chức thi công và nghiệm thu đối với các phần công trình, hạng mục công trình xây dựng còn lại theo thiết kế; quá trình tiếp tục thi công phải đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến việc khai thác, vận hành bình thường của phần công trình xây dựng đã được nghiệm thu.”

Ngoài ra, trong trường hợp công trình đã hoàn thành thi công xây dựng nhưng có một số chỉ tiêu, thông số kỹ thuật chủ yếu không đáp ứng được yêu cầu thiết kế và không hoặc chưa đủ điều kiện để nghiệm thu hoàn thành hoặc nghiệm thu có điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì sẽ phải sửa lại theo yêu cầu của nhà đấu thầu đến khi đáp ứng đủ các tiêu chí và việc nghiệm thu lại được thông qua.

Không chỉ vậy, chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan thỏa thuận về thời điểm nghiệm thu, trình tự và nội dung nghiệm thu; kết quả nghiệm thu được xác nhận bằng biên bản cụ thể.

Trên đây là các giai đoạn của nghiệm thu công trình xây dựng. Công trình xây dựng là sản phẩm quan trọng và cần thiết trong xã hội hiện nay. Sự an toàn của công trình luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Giai đoạn nghiệm thu công trình càng chặt chẽ và nghiêm ngặt bao nhiêu càng góp phần đảm bảo sự an toàn của công trình bấy nhiêu. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn tồn tại một số trường hợp lỏng lẻo giáo điều trong công tác nghiệm thu, vì vậy mà khi công trình đi vào sử dụng gặp phải những sự cố đáng tiếc. Pháp luật cần phải mạnh tay xử lý hơn nữa những trường hợp còn tồn đọng này.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com