Phần đường là gì? Mức xử phạt lỗi đi sai phần đường mới nhất?

Phần đường là gì? Quy định pháp luật về phần đường? Mức xử phạt lỗi đi sai phần đường?

Với tình hình tai nạn giao thông như hiện nay, hằng ngày, có biết bao con người ra khỏi nhà và không trở lại nữa. Theo số liệu thống kê, trong tháng 8/2022, toàn quốc xảy ra 952 vụ tai nạn giao thông, làm chết 491 người và bị thương 701 người- 1 con số đáng buồn là cứ ngày một đi lên chứ chưa bao giờ giảm xuống. Phải chăng do cuộc sống quá đỗi xô bồ, do tính toán từng giờ phút chấm công cho kịp giờ làm hoặc vì những lý do khác mà khi cầm tay lái, nhiều người không làm chủ được tốc độ mà gây ra những tai nạn thương tâm? Pháp luật đã đổi mới các khung hình phạt vi phạm giao thông theo hướng tăng nặng khung hình phạt để nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia giao thông. Một trong số đó là lỗi đi sai phần đường. Vậy phần đường là gì và mức phạt đi sai phần đường được quy định trong luật như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn đọc những thông tin đó.

Căn cứ pháp lý:

– Luật giao thông đường bộ năm 2008;

– Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191

1. Phần đường là gì? Quy định pháp luật về phần đường?

Phần đường là phần của đường bộ sử dụng cho phương tiện qua lại. Một phần đường có thể có nhiều làn đường, khái niệm này căn cứ theo quy định tại khoản 6 điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008. Ngoài ra, trên phần đường cũng có dải phân cách để chia phần đường thành hai chiều riêng biệt hoặc phân chia các đường cho xe cơ giới, xe thô sơ hoặc nhiều loại xe khác trên cùng một chiều.

Ngoài ra theo QCVN 41: 2019/BGTVT, phần đường gồm 02 loại:

– Phần đường dành cho xe cơ giới là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xe máy chuyên dùng qua lại;

– Phần đường dành cho xe thô sơ là phần của đường bộ được sử dụng cho các phương tiện giao thông thô sơ đường bộ qua lại.

Một phần đường có thể bao gồm có một hoặc nhiều làn đường (một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn).

Trên phần đường sẽ có các dải phân cách để phân chia phần đường thành hai chiều riêng biệt hoặc để phân chia phần đường dành cho xe cơ giới và xe thô sơ hoặc của nhiều loại xe khác nhau trên cùng một chiều.

Theo khoản 1 điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Việc chấp hành đúng quy định pháp luật sẽ giúp văn hóa giao thông của người dân nâng cao, giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo quy định của pháp luật, tại Khoản 1 Điều 9 và Khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ quy định: Người tham gia giao thông phải đi đúng phần đường, làn đường quy định; phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.

Tại Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định vạch kẻ đường thuộc hệ thống báo hiệu đường bộ, là vạch chỉ sự phân chia của phần đường, làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại.

Tại Điều 55 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ (Quy chuẩn 41:2016/BGTVT) đã quy định: Vạch kẻ đường khi sử dụng độc lập thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường.

Từ những căn cứ nêu trên, như vậy, có thể hiểu lỗi đi sai phần đường là người điều khiển xe cơ giới đi vào phần đường dành cho xe thô sơ và ngược lại, người đi phần đường dành cho xe thô sơ đi sang phần đường dành cho xe cơ giới. Lỗi sai này có thể do người điều khiển phương tiện giao thông nắm không rõ về quy định phần đường, do lỗi vô ý hoặc cố ý. Nhưng dù vô tình hay cố ý đi sai phần đường theo quy định thì người tham gia giao thông cũng đã vi phạm luật giao thông và có thể bị xử phạt hành chính với các mức độ và cơ chế xử phạt như dưới đây.

2. Mức xử phạt lỗi đi sai phần đường mới nhất?

Căn cứ theo nghị định 100/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hiện nay, người vi phạm lỗi đi sai phần đường sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý tóm tắt như sau :

– Đối với ô tô: Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng.

– Đối với xe máy: Phạt tiền 400.000 – 600.000 đồng.

– Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền 400.000 – 600.000 đồng.

– Đối với xe đạp: Phạt tiền 80.000 – 100.000 đồng.

– Đối với người đi bộ: Phạt tiền 50.000 – 60.000 đồng.

Căn cứ xử lý trên được quy định cụ thể tại điều 5 và điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với sự chia ra 2 trường hợp là đi sai phần đường đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là ô tô hay các phương tiện như mô tô, xe gắn máy.

“Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau

đ, Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi cửa mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) trừ hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này; điều khiển xe đi qua giải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà

7.Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a, Không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông

Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

1.Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c, điểm đ, điểm e, điểm h khoản 2;điểm d, điểm g, điểm i, điểm m khoản 3; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e khoản 4; khoản 5; điểm b khoản 6; điểm a, điểm b khoản 7; điểm d khoản 8 Điều này;

3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

g, Điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều);

7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây

b, Không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông …”

Như vậy qua các quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy, mức phạt do đi sai phần đường là không hề nhỏ và chủ phương tiện tham gia giao thông còn có thể bị thu Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Hiện nay pháp luật quy định mức phạt so với các lỗi vi phạm giao thông đang tăng nặng nhằm mục đích để người chủ phương tiện cẩn trọng hơn trong việc tham gia giao thông, lái xe chú ý an toàn hơn nữa để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bản thân và những người cùng tham gia lưu thông khác.

Việc tuân thủ đúng luật giao thông, đi theo chỉ dẫn các biển báo giao thông và không vi phạm các lỗi theo quy định pháp luật dù vô tình hay cố ý, điều này sẽ góp phần đưa văn hóa giao thông được nâng cao và cải thiện rõ rệt. Mỗi người dân khi tham gia giao thông không chỉ phải trân trọng sức khỏe mạng sống của mình mà việc tuân thủ đúng pháp luật còn bảo vệ tính mạng của những người tham gia lưu thông khác. Trên đây là quy định về phần đường và mức độ xử lý vi phạm khi đi sai phần đường. Người dân có thể tham khảo và thực hiện đúng theo quy định pháp luật để không chịu những chế tài xử lý của Luật giao thông đường bộ.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com