Viết về người lính trong những năm tháng kháng chiến, người đọc sẽ không thể nào quên được bức tượng đài người lính được xây dựng trên nền hiện thực và lãng mạn dưới ngòi bút của nhà thơ Chính Hữu. Bài viết dưới đây sẽ đi phân tích 7 câu thơ đầu và 3 câu thơ cuối bài thơ Đồng chí để thấy rõ được điều đó.
1. Dàn ý phân tích 7 câu thơ đầu và 3 câu thơ cuối trong bài thơ Đồng chí hay:
1.1. Mở bài:
– Hình tượng người lính trong tác phẩm văn học.
Giới thiệu tác giả Chính Hữu và bài thơ Đồng Chí.
Dẫn dắt và khái quát nội dung chính của 7 câu thơ đầu.
1.2. Thân bài:
Khát quát hoàn cảnh sáng tác bài thơ
Phân tích 7 câu thơ đầu: Cơ sở hình thành tình đồng chí, đồng đội:
– Tình đồng chí bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân.
+ Thủ pháp đối được sử dụng trong 2 câu thơ đầu gợi lên sự tương đồng trong cảnh ngộ của người lính.
+ Lời thơ mộc mạc, giản dị, chân thành đã cho thấy những người lính, họ đều xuất thân từ những người nông dân chân lấm tay bùn, vất vả và nghèo khó.
+ Sử dụng thành ngữ ” nước mặn đồng chua”, ” đất cày lên sỏi đá”,…
=> Các anh tuy có khác nhau về địa giới, người miền xuôi, kẻ miền ngược thì cũng giống nhau ở cái nghèo, cái khổ. Chính sự tương đồng về cảnh ngộ, sự đồng cảm giai cấp là sợi dây tình cảm nối họ lại với nhau, là cơ sở ban đầu để hình thành trong họ tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn.
– Cùng chung chí hướng, lí tưởng cách mạng cao đẹp, cùng trải qua những khó khăn, thiếu thốn.
+ Hình ảnh thơ sóng đôi gợi nên tình gắn bó keo sơn của người lính cách mạng.
+ Tác giả đã rất khéo léo khi sử dụng từ “đôi”: Đôi có nghĩa là “hai”, nhưng từ “hai” chỉ 2 cá thể hoàn toàn tách biệt, từ “đôi” thể hiện sự gắn kết không thể tách rời.
+ Khép lại đoạn thơ là một câu thơ có vị trí rất đặc biệt, được cấu tạo bởi hai từ
“đồng chí!”.
=> Đoạn thơ đã đi sâu khám phá, lí giải cơ sở của tình đồng chí. Đồng thời tác giả đã cho thấy sự biến đổi kì diệu từ những người nông dân hoàn toàn xa lạ trở thành những người đồng chí đồng, đội sống chết có nhau.
– Phân tích ba câu thơ cuối: Sức mạnh và vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
– Đó là khoảng thời gian “đêm nay” rất cụ thể với khung cảnh “rừng hoang – sương muối” hiu quạnh, lạnh lẽo và khắc nghiệt.
– Tuy nhiên, người lính vẫn “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”.
Nghệ thuật:
+ Hình ảnh “đứng cạnh bên nhau” cho thấy tinh thần đoàn kết, luôn sát cánh bên nhau trong mọi hoàn cảnh.
+ Động từ “chờ” cho thấy được tư thế chủ động, hiên ngang và sẵn sàng chiến đấu của người lính.
+ Nghệ thuật tương phản đối lập được tạo ra rất cân đối giữa một bên là không gian núi rừng lạnh lẽo, hoang vu, vắng lặng; với một bên là tư thế chủ động mạnh mẽ như lấn át cả không gian toàn cảnh của người lính.
– Kết thúc bài thơ là một hình ảnh độc đáo, là điểm sáng của bức tranh về tình đồng chí, rất thực nhưng cũng rất lãng mạn.
Chất hiện thực: trong đêm canh gác thì người chiến sĩ phát hiện được hình ảnh thú vị trăng treo lơ lửng trên đầu súng
Chất lãng mạn: vầng trăng thể hiện cho cuộc sống khao khát hòa bình, nó xuất hiện trong hiện thực khắc nghiệt ấy như làm tăng thêm hy vọng về một tương lai đất nước hòa bình.
Hình ảnh câu thơ cuối ” đầu súng trăng treo” đã gợi lên nhiều sự liên tưởng cho người đọc, đặc biệt: giữa núi rừng đầy khó khăn gian khổ cộng thêm tính khắc nghiệt của cuộc chiến đấu nhưng những người lính ấy vẫn lạc quan, hiên ngang, chủ động đối phó và chống lại mọi khó khăn gian khổ ấy.
1.3. Kết bài:
– Khái quát lại nội dung và nghệ thuật của 7 câu thơ đầu
– Nêu suy nghĩ của bản thân
3. Bài văn mẫu phân tích 7 câu thơ đầu và 3 câu thơ cuối bài thơ Đồng chí hay nhất:
Hình tượng người lính trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ đã được nhà thơ Chính Hữu đem vào những vần thơ của mình qua bài thơ “Đồng Chí”. Bài thơ gợi lên những tình cảm đồng đội cao đẹp, gắn bó keo sơn cùng nhau vượt qua những thử thách, khó khăn đầy gian khổ. Phân tích bảy câu thơ đầu và ba câu thơ cuối của bài thơ, bạn đọc sẽ thấy rõ hơn về những điều mà tác giả muốn gửi gắm về bức tranh tượng đài người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Bài thơ là những trải nghiệm thực tế của chính tác giả trogn những năm đi kháng chiến, được sống và làm việc cùng những người anh em kể vai, sát cánh. Mở đầu bài thơ, Chính Hữu đã miêu tả rõ nét xuất thân của những người lính cách mạng. Đó là những người lính đi lên từ:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Từ những phương trời khác nhau, người miền ngược, người miền xuôi nhưng hôm nay lại đứng chung cùng một chiến tuyến, cùng lý tưởng cách mạng. Những từ ngữ giản dị, mộc mạc khiến cho người đọc hiểu được những sự xa lạ, bỡ ngỡ của những anh chàng nông dân chất phác. Vì lần đầu gặp nhau nên tác giả sử dụng đại từ xưng hô ” anh – tôi”. Anh với tôi những người xa lạ, không biết gì về nhau. Người lớn lên từ nơi ” nước mặn đồng chua” vùng chiêm chũng nhiều thiên tai, người lớn lên từ nơi đất đá khô cằn, hạn hạn để rồi chúng ta có chung mục đích, cùng chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Nghe theo tiếng gọi của trái tim, của đất nước, những anh chàng chất phác ấy quyết tâm bỏ lại quê hương khoác lên mình chiếc áo người lính ra chiến trận. Vậy là những người xa lại ấy có cùng xuất thân, cùng chung lý tưởng cách mạng đã vô tình trở thành những người đồng chí, đồng đội của nhau. Khi đất nước cần, những người chiến sĩ ấy có mặt. Họ đã dần thích nghi cuộc sống của người lính, thời gian đã giúp họ trở thành những người đồng đội gắn kết:
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Không chỉ có những người đồng đội ngày đêm ” đầu sát bên đầu” cùng nhau canh gác và bảo vệ cho nhau bởi tính chất nguy hiểm của cuộc chiến đấu mà còn đó người bạn tri kỷ không thể thiếu của những người lính chính là ” súng”. Hình ảnh “súng bên súng, đầu sát bên đầu” thật đẹp. Nó không chỉ gợi tả hình ảnh những người bộ đội đang kề sát nhau chiến đấu, họ trở thành điểm tựa của nhau trên mọi nẻo đường mà còn gợi lên sự gian khổ, tính chất khốc liệt của cuộc chiến đấu. Súng là vũ khí chiến đấu, là người bạn không thể tách rời của những người lính trên mặt trận. Chiến đấu cùng nhau, những người lính ấy còn chia sẻ cho nhau những tình cảm, những khó khăn gian khổ trong đêm giá rét.
“Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ” – câu thơ gợi tả lên những khó khăn, hiện thực cuộc sống tại chiến khu Việt Bắc đầy gian khổ. Ở đó có cái giá rét căm cùng bao nhiêu là thiếu thốn, bệnh dịch. Nhưng những tác động ngoại cảnh ấy đâu có ngăn cản được tinh thần chiến đấu bất diệt của những người chiến sĩ. Có lẽ, họ đã truyền cho nhau những ngọn lửa ấm áp của tình đồng đội, đồng chí cao đẹp đủ để sưởi ấm trái tim, xóa tan đi những gian khổ mà họ phải chịu.
Để rồi, cuối khổ thơ, hai chữ ” Đồng chí” nghẹn ngào thốt lên! Kết hợp cùng việc sử dụng dấu chấm than, câu thơ như để lại trong lòng người đọc những cảm xúc khó tả. Từ xa lại, không quen biết giờ đây họ đã trở thành những người đồng đội, đồng chí kề vai sát sánh, cùng nhau chiến đấu. Tình cảm ấy đã phát triển thành những thứ tình cao thiêng liêng, cao quý nhất. Họ có thể sẵn sàng hy sinh bảo vệ. “Đồng chí!” như một sự gắn kết và làm rõ thêm được sự trân trọng mà tác giả dành cho mối lương duyên này.
Tô điểm thêm cho bức tranh rừng Việt Bắc những ngày kháng chiến đầy dẫy những khó khăn, Chính Hữu đã xây dựng bức tượng đài người lính trên nền thời gian và không gian đặc biệt qua ba câu thơ cuối kết thúc bài thơ:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”
Trên nền bức tranh thiên nhiên rừng núi sâu thẳm là hình ảnh những người lính đứng cạnh nhau, kề vai sát cánh cùng tư thế hiên ngang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến đấu sắp tới. Đêm là lúc mọi người được nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc vất vả nhưng những người chiến sĩ ấy lại là thời gian hoạt động. Các anh đứng cạnh nhau không rời nửa bước, cùng nhau chiến đấu với tâm thế chủ động, không hề nao núng và sợ hãi. Họ đã trở thành điểm tựa vững chắc của nhau để tin tưởng và sẵn sàng cùng nhau chiến đấu.
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh thơ ” đầu súng trăng treo” vừa gợi tả thực vừa lãng mạn. Hiện thực ở đây là gợi tả hình ảnh súng luôn trong tâm thế sẵn sàng, không hề có sự sơ suất nào và sẵn sàng thực chiến. Lãng mạn ở đây là biểu tượng vầng trăng toát nên những vẻ đẹp trong tâm hồn người lính. Động từ “treo” được sử dụng đã là tăng thêm tính thơ mộng, giúp nối liền khoảng cách giữa mặt đất với bầu trời, hay chính là sự hòa hợp giữa tâm hồn người lính và tâm hồn của một nhà thơ. Câu thơ cuối ấy cũng đem lại những ý nghĩa vô cùng cao đẹp.
Như vậy, thông qua việc phân tích 7 câu thơ đầu và 3 câu thơ cuối bài thơ ” Đồng chí”, nhà thơ Chính Hữu đã khắc họa bức tượng đài người lính thật đẹp, thiêng liêng và anh dũng. Họ không chỉ là tấm gương cũng những người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường mà còn là toát lên những vẻ đẹp tâm hồn giản dị, mộc mạc và chân thành. Qua đó, thế hệ trẻ chúng ta càng thêm trân trọng và biết ơn công lao của thế hệ cha ông đi trước.
3. Một số đề văn bài thơ Đồng Chí:
Đề 1: Phân tích biểu tượng của hình ảnh: đầu súng trăng treo
Đề 2: Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn
Đề 3: Phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ “Đồng chí”
Đề 4: Suy nghĩ của em về tình đồng chí đồng đội trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu
Đề 5. Theo em, vì sao tác giả đặt tên cho bài thơ về tình đồng đội của những người lính là “Đồng chí”?
Đề 6: Cảm nhận bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
2. Phân tích bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu để thấy bài thơ đã diễn tả sâu sắc tình đồng chí gắn bó thiêng liêng của anh bộ đội thời kháng chiến.