Phân tích hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Với sự kết hợp giữa lối sống giả dối của con người hiện đại, dục vọng thấp hèn với những khát khao cao cả, tác phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ đã xây dựng lên tình huống truyện đầy căng thẳng, kịch tính. Thành công của vở kịch không chỉ ở nội dung xung đột kịch độc đáo mà còn thể hiện ở giá trị tư tưởng, triết lý về nhân sinh sâu sắc. 

1. Tóm tắt “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” ngắn gọn:

Câu chuyện kể về nhân vật ông Trương Ba – một người làm vườn hiền lành, chất phác, yêu thương vợ con và gia đình. Ông chăm chỉ làm vườn, chăm sóc cho cây cối và thi thoảng có chơi cờ cùng Đế Thích. Cuộc sống bình yên cứ thế diễn ra, cho tới một ngày do sự tắc trách của Nam Tào và Bắc Đẩu đã gạch nhầm tên Trương Ba trong sổ tử vô tình buộc ông phải chết. Vì muốn sửa chữa sai lầm, Nam Tào đã để Trương Ba nhập vào xác của một anh hàng thịt vừa mới chết ở làng bên.

Sau khi nhập vào thân xác của hàng thịt, Trương Ba gặp không ít rắc rối như lí trưởng sách nhiễu anh, vợ anh hàng thịt đòi chồng, con trai Trương Ba lên mặt, hư hỏng, cháu gái không nhận ông, vợ đòi bỏ đi. Sống ở thân xác của hàng thịt, ông không còn những nét thanh tao của ngày xưa mà thay vào đó ông bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, trở nên cọc cằn, phũ phàng, hay ăn thịt và uống rượu. Ông phải đấu tranh chật vật với những ham muốn bản năng, dục vọng của anh hàng thịt. Cuối cùng, sau bao nhiêu đấu tranh giữa xác và hồn, Trương Ba quyết định trả lại xác cho anh hàng thịt và cũng không đồng ý nhập vào xác cu Tị để bảo toàn sự trong sạch của mình. Ông bằng lòng với cái chết để được toàn vẹn hơn là sống nhục nhã gửi hồn vào thể xác của người khác.

2. Dàn ý phân  tích hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ:

2.1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả Lưu Quang Vũ.

– Giới thiệu về vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

2.2. Thân bài:

Ý 1: Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt:

Hồn Trương Ba:

– Ông cho rằng mình vẫn có một đời sống nguyên vẹn, trong sạch và thẳng thắn.

– Đối với ông, xác chỉ là cái vỏ bên ngoài, âm u, đui mù, không có ý nghĩa, tư tưởng, cảm xúc, nếu có chỉ là những thứ thấp kém => Hồn Trương Ba phủ nhận vai trò của xác anh hàng thịt.

– Thái độ của Trương Ba: Từ quyết đoán, mạnh mẽ chuyển sang ấp úng, ngập ngừng, tuyệt vọng.

Xác anh hàng thịt:

– Xác anh hàng thịt cho rằng hồn Trương Ba không thể tách khỏi mình, tất cả việc làm, hành động của hồn Trương Ba đều chịu sự điều khiển của xác anh hàng thịt.

– Thái độ của xác anh hàng thịt: Từ giễu cợt sang quyết đoán, mạnh mẽ, lấn át và cuối cùng thắng thế hồn Trương Ba.

Kết quả: Xác anh hàng thịt chiến thắng hồn Trương Ba.

=> Đây là cuộc đấu tranh giữa phần con và phần người, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng.

Ý 2: Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và những người thân trong gia đình:

– Hồn Trương Ba: Ông khẳng định bản thân mình có đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch và thẳng thắn.

Những người thân trong gia đình:

+ Vợ Trương Ba: Bà đau đớn tuyệt vọng, khóc lóc, nhận ra sự thay đổi của Trương Ba, cho rằng ông không còn là ông của trước kia.

+ Cháu gái: Tức giận, quyết liệt, phản đối kịch liệt, không chịu nhận ông, cho rằng ông mình đã chết mà thay vào đó là một Trương Ba thô lỗ, phũ phàng, vụng về.

+ Con dâu: Tuy cô đã đồng cảm, chia sẻ và yêu thương ông nhưng vẫn thấy ông khác với Trương Ba của ngày xưa.

=> Mỗi người trong nhà có một suy nghĩ, thái độ, biểu cảm khác nhau nhưng đều có điểm chung rằng Trương Ba đã thay đổi, không còn là người thanh tao như ngày xưa nữa.

– Kết quả: Trương Ba nhận ra sự thay đổi của bản thân, thấy được sự lấn át của phần xác đối với phần hồn trong ông.

=> Mâu thuẫn kịch trở nên cao trào, đỉnh điểm.

Ý 3: Cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích cùng với sự quyết định cuối cùng của hồn Trương Ba:

Sự giác ngộ về ý thức:

– Trương Ba không chấp nhận bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo, muốn bản thân được toàn vẹn.

– “Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”.

– Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”.

=> Con người sống cần có sự hòa hợp giữa thể xác và tâm hồn, cần được sống với chính mình thì mới có ý nghĩa.

Hành động của Trương Ba:

– Trả lại xác cho anh hàng thịt.

– Phép thử của Đế Thích: Trương Ba nhập vào xác cu Tị =>Trương Ba từ chối, ông để cho cu Tị sống còn ông chết.

=> Một quyết định đầy khó khăn, đấu tranh suy nghĩ nhưng vô cùng đúng đắn của Trương Ba khi không nhập vào xác của ai, muốn sống là chính mình.

=> Lưu Quang Vũ đã xây dựng tình huống xung đột kịch độc đáo, căng thẳng đạt đến cao trào rồi giải quyết mâu thuẫn một cách hợp lý. Xây dựng đối thoại, độc thoại sắc nét, giúp nhân vật bộc lộ được bản chất và suy nghĩ của cá nhân.

2.3. Kết bài:

– Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của vở kịch.

– Bài học rút ra cho bản thân: Sống là chính bản thân mình mới có ý nghĩa, không nên chạy theo những nhu cầu vật chất tầm thường.

3. Phân tích hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ chi tiết:

Lưu Quang Vũ là một nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam. Các vở kịch và tác phẩm của Lưu Quang Vũ đều mang tính nhân văn cũng như in đậm dấu ấn trong cuộc đời của ông. Đặc biệt vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đã làm nổi bật lên trong sự nghiệp sáng tác của Lưu Quang Vũ. Tác phẩm viết về cuộc xung đột căng thẳng giữa hồn Trương Ba với xác anh hàng thịt và sự khát khao được sống là chính mình, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

Trước hết, Trương Ba là ông lão gần sáu mươi, một người làm vườn hiền lành, chất phác, yêu thương vợ con và gia đình. Ông không những nho nhã, thanh lịch mà còn rất thông minh và hiểu biết, đặc biệt ông rất giỏi đánh cờ. Tuy nhiên, do sự tắc trách của Nam Tào và Bắc Đẩu đã gạch nhầm tên Trương Ba trong sổ tử vô tình buộc ông phải chết oan. Vì muốn sửa sai, Nam Tào và Đế Thích đã cho hồn Trương Ba sống lại bằng cách nhập vào xác của anh hàng thịt vừa mới chết. Nhưng không ngờ, bi kịch của Trương Ba đã bắt đầu từ đây.

Trái ngược hoàn toàn với tính trước đây của Trương Ba, ông trở nên thô thiển, tham ăn tục uống, hay ăn thịt và uống rượu, có những hành vi lố bịch. Giữa hai thực thể đối lập nhau đã dần khiến hồn Trương Ba bị tha hóa, biến chất, không còn là người tao nhã, thẳng thắn, trong sạch như trước kia. Về hành động, ông không còn hay đánh cờ, trí tuệ đã không còn minh mẫn, sáng suốt. Trước kia, đối với người làm vườn như ông rất coi trọng cây cối, nâng niu và yêu quý chúng, chăm sóc chúng từng ngày. Giờ đây, chính tay ông đã phá hoại chúng bằng thân xác xấu xí, thô kệch, nặng nề của anh hàng thịt. Ông làm gãy cái chồi non, chân giẵm nát cây sâm quý mới ươm trong vườn, làm hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất yêu quý nó, làm gãy luộn cả nan rách giấy. Không chỉ dừng lại ở đó, ông còn dơ tay tát con trai của mình toét máu mồm, máu mũi. Khi đứng cạnh vợ anh hàng thịt, ông ham muốn và cảm thấy chân tay run rẩy, hơi thở nóng rực. Có thể thấy, tính cách của Trương Ba đã thay đổi hoàn toàn. Trước kia là người sống có chừng mực, hiền hậu, vui vẻ, là tấm gương sáng cho mọi người thì giờ đây tha hóa, biến chất trở nên cọc cằn, thô lỗ và ham dục vọng. Khi Trương Ba nhận thức ra rằng mình đã không còn là con người trước kia, ông đã bộc lộ rằng: “Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Câu nói này của ông biểu hiện nỗi day dứt, giày vò khi con người ngày trước biến mất hoàn toàn, ông tỏ ra kiên quyết một thái độ dứt khoát: “Không! Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời mi ngay tức khắc”. Càng nói ông càng cảm thấy ghê tởm trước thân xác xồ xề, xấu xí của anh hàng thịt. Ông tuyên bố nếu như cái hồn của ông có hình thù riêng, sẽ tách ra khỏi cái xác này dù chỉ một lát.

Bi kịch của hồn Trương Ba chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục lâm vào bi kịch thứ hai đau đớn hơn bi kịch trước. Tất cả mọi người trong gia đình ông bắt đầu nghi ngờ, xem thường và xa lánh ông. Mọi người đã không còn thấy sự hiền lành, dịu dàng của ông nữa. Khi nhìn thấy Trương Ba gần vợ anh hàng thịt có biểu hiện của ham muốn dục vọng, vợ ông Trương Ba vừa tức giận vừa ghen, muốn xa lánh, chối bỏ ông ngay lập tức. Bà dứt khoát: “ Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa” và kèm theo lời từ biệt đau đớn: “ Có lẽ tôi phải đi… đi cấy thuê, làm mướn, ở đâu cũng được…, đi biệt… Để ông được thảnh thơi… với cô vợ hàng thịt… Còn hơn là thế này…”. Có thể thấy, bà vợ đã quá tuyệt vọng khi thấy chồng mình trở thành con người như thế này. Nỗi đau của bà khi mất chồng đã đành, giờ đây còn thấy chồng tha hóa, biến chất như này khiến bà tuyệt vọng đau đớn hơn bao giờ hết. Rồi đến người con trai cả, trước kia anh rất nghe lời của Trương Ba nhưng giờ đây anh lại quyết định dứt khoát bán khu vườn để có tiền mở thêm vốn của cửa hàng thịt. Đây là khu vườn tâm huyết của ông, nhưng ông không thể làm gì khác khi con trai của ông đã ra quyết định như vậy. Đến ngay cả cái Gái, một đứa bé còn nhỏ, yêu thương kính mến ông nhưng không thể chấp nhận hành động thô bạo, tàn nhẫn khi giẫm nát cây cối trong vườn, phá hỏng cái diều của cu Tị, nó phẫn nộ hét lên: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể cút đi!”, chưa dừng lại ở đó, nó tiếp tục nói: “Nếu ông nội tôi hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông”. Cuối cùng, tuy người con dâu là một cô gái hiểu chuyện, thông cảm, hiểu rõ được nỗi đau khổ của bố chồng nhưng trong suy nghĩ của cô vẫn len lỏi những ý nghĩ nghi ngờ về tính cách của bố chồng hiện tại. Cô tâm sự với Trương Ba: “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa”. Trương Ba nghe xong ông đau đớn nhưng không làm gì khác được, người con dâu tiếp tục nói: “Thầy ơi! Làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con ngày xưa”. Ai cũng mong muốn ông có thể quay về tính cách của ngày xưa, một người làm vườn hiền lành, đáng kính. Trong từng lời nói và hành động của mọi người đều xa lánh, nghi ngờ và xem thường Trương Ba. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau bị mọi người trong gia đình khinh bỉ, ghét bỏ. Chính vì thế, Trương Ba đã nói lên khát vọng của mình với Đế Thích: “Không thể sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Ông tha thiết xin trả lại xác và mong muốn để bản thân được chết. Đối với ông, thà cái chết đem lại cho mình vinh quang, được là người trong sạch, chín chắn còn hơn sống dựa dẫm vào người khác, trái ngược với tính cách của ông khiến ông không thoải mái mà còn nhận lại những sự khinh bỉ, rè bỉu, ruồng bỏ của gia đình người thân. Nhưng Đế Thích vẫn muốn để Trương Ba được sống nên đề nghị Trương Ba nhập vào xác con chị Lụa, tức cu Tị vừa mới chết. Nhưng hồn Trương Ba đã từ chối, đối với ông đây là cách đi ngược với quy luật của tạo hóa, đâu khác với hoàn cảnh hiện tại của mình. Ông đề nghị để cho bản thân mình chết và cho anh hàng thịt với cu Tị được sống. Hồn Trương Ba không cam tâm sống nhờ vào người khác, bởi sống như vậy không có một ý nghĩa gì, ông nói: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải của người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”. Những lời phê phán của Trương Ba rất gay gắt nhưng vô cùng chính xác về việc làm tắc trách của Đế Thích, càng sửa càng sai, càng làm cho con người rơi vào bế tắc, không còn là chính bản thân mình nữa. Cách lựa chọn chết thay vì sống vào thân xác người khác của Trương Ba là một lựa chọn cao cả và thể hiện được đúng con người của ông. Trương Ba không thể chấp nhận sự giả dối, hoán đổi, bên ngoài một nẻo bên trong một nẻo, dù sống nhưng đó cũng là thân xác đi mượn và ông lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn, trắc trở khi không còn là chính mình, chính vì thế ông đã chọn cái chết để giữ được hình tượng trong sạch của mình.

Với cách xây dựng tình huống truyện kịch đầy căng thẳng, kịch tính và xây dựng lời đối thoại, độc thoại nhân vật sắc nét đã góp phần làm cho vở kịch trở nên có ý nghĩa triết lí về nhân sinh sâu sắc, hiểu rõ được nội tâm của nhân vật.

Qua vở kịch trên, Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm thông điệp tới bạn đọc rằng cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải biết đấu tranh giữa những nghịch cảnh, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com