Quy định vị trí treo biển công ty? Kích thước biển hiệu công ty? Quy định về thông tin trên biển hiệu công ty? Công ty treo biển hiệu không đúng quy định sẽ bị xử phạt như thế nào? Những lưu ý khi làm bảng hiệu công ty?
Khi công ty thành lập thì việc lập biển hiệu chỉ dẫn, quảng cáo rất quan trọng. Công ty có thể thoải mái lựa chọn hình thức làm biển hiệu nhưng việc lập biển hiệu, treo biển hiệu phải phù hợp với quy định của pháp luật. Vậy quy định vị trí treo biển công ty như thế nào? Kích thước bảng hiệu nào phù hợp công ty?
Căn cứ pháp lý:
– Luật quảng cáo năm 2012, sửa đổi, bổ sung 2018.
– Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.
– Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
LVN Group tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
1. Quy định vị trí treo biển công ty:
Việc xây dựng biển hiệu độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có trước phải tuân theo quy định của Luật quảng cáo, quy định khác của pháp luật có liên quan và quy hoạch quảng cáo ngoài trời của địa phương.
Việc xây dựng biển hiệu có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, vị trí biển hiệu công ty được đặt:
– Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân;
– Mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng;
– Tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.
Ngoài ra, biển hiệu công ty không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật quảng cáo và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
2. Kích thước biển hiệu công ty:
Việc viết, đặt, treo, dán, dựng, lắp biển hiệu, sau đây gọi chung là viết, đặt biển hiệu, tại trụ sở, nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân có thể thực hiện dưới nhiều hình thức như bảng, biển, hộp đèn, hệ thống đèn neon uốn chữ (neonsight) hoặc các hình thức khác, nhằm giới thiệu tên gọi, địa chỉ giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 34 Luật quảng cáo năm 2012 về vị trí biển hiệu như sau:
– Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 02 mét (m), chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà nơi công ty hoạt động đặt biển hiệu.;
– Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 01 mét (m), chiều cao tối đa là 04 mét (m) nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi công ty đặt biển hiệu .
Căn cứ quy định trên, pháp luật không đặt ra yêu cầu kích thước cụ thể đối với việc đặt biển hiệu công ty. Mà yêu cầu đặt ra khi treo biển hiệu bị giới hạn về chiều cao, chiều dài đối với từng loại biển hiệu, phù hợp với chiều cao, chiều dài tòa nhà công ty nơi đặt biển hiệu. Do đó, công ty được quyền làm biển hiệu quảng cáo, chỉ dẫn cho cơ sở hoạt động của mình có thể là biển hiệu lớn, vừa nhỏ như trên. Biển hiệu công ty là các thức giới thiệu thông tin doanh nghiệp, hiện tại chưa có quy định nào bắt buộc công ty khi gắn biển hiệu thì phải xin giấy phép của cơ quan chức năng, tuy nhiên khi treo biển hiệu công ty phải thỏa điều kiện của luật định.
3. Quy định về thông tin trên biển hiệu công ty:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật quảng cáo năm 2012, Khoản 3 Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP, biển hiệu công ty sẽ có những nội dung cơ bản như sau:
– Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có), cơ quan chủ quản là cơ quan cấp trên trực tiếp quyết định về tổ chức, nhân sự, ngân sách hoặc giải quyết các chế độ, chính sách cho cơ quan, tổ chức viết, đặt biển hiệu, như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ quản trực tiếp của Báo Văn hóa. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan chủ quản trực tiếp của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Tổng công ty X là cơ quan chủ quản trực tiếp của Công ty Y.
– Cơ quan quản lý nhà nước không phải là cơ quan chủ quản trực tiếp của văn phòng LVN Group, của doanh nghiệp tư nhân hoặc một số loại hình công ty khác.
– Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh: tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;
– Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã;
– Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ);
– Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có);
– Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào.
Không bắt buộc phải có tất cả nội dung thông tin này vì không phải công ty nào cũng đầy đủ thông tin, cách thức liên hệ khi đăng ký với cơ quan nhà nước không giống như khi hoạt động kinh doanh. Biển hiệu được xây dựng khi treo phải bảo đảm mỹ quan. Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.
4. Công ty treo biển hiệu không đúng quy định sẽ bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm về biển hiệu:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại;
+ Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu;
+ Không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu;
+ Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu;
+ Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu;
+ Chiều cao của biển hiệu dọc vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu che chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa;
+ Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng;
+ Treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu làm mất mỹ quan.
Ngoài hình thức xử phạt trên thì phía công ty treo biển hiệu trái quy định còn bị buộc tháo dỡ biển hiệu theo quy định của pháp luật.
5. Những lưu ý khi làm bảng hiệu công ty:
Biển hiệu công ty là hình thức thể hiện quan trọng trong hệ thống nhận diện thương hiệu của mỗi doanh nghiệp, tạo được ấn tượng mạnh với khách hàng cũng như gây được sự chú ý của mọi người, góp phần tôn vinh vẻ đẹp cũng như sự chú ý của doanh nghiệp giữa quang cảnh khu vực lân cận.
Để bảng hiệu có khả năng thu hút sự chú ý của khách hàng tốt nhất, các chủ đầu tư không thể bỏ qua yếu tố kích thước, kiểu dáng, màu sắc khi làm bảng hiệu công ty. Công ty không bị giới hạn lựa chọn một thiết kế giống với bảng hiệu khác mà làm cho công ty mang một sắc riêng, có thể chọn chất liệu, hình dáng, màu sắc tùy theo sở thích hoặc nhu cầu của công ty.
Công ty cần tạo điểm nhấn làm tăng độ nhận diện thương hiệu. Theo đó, công ty cần làm bảng hiệu có tên doanh nghiệp, logo, hình ảnh sản phẩm/dịch vụ mang màu sắc riêng để biển hiệu công ty mình nổi bật hơn các đối thủ cạnh tranh. Bảng hiệu công ty có thể được làm bằng nhiều chất liệu. Có thể làm bằng chất liệu kim nhôm Aluminium, cấu tạo từ 2 lớp nhôm, ở giữa là nhựa chống cháy có khả năng chống ăn mòn cao, không bị rạn nứt trong quá trình sử dụng; có thể làm từ chất liệu như inox đồng, inox trắng,… thường được kết hợp với kỹ thuật “ăn mòn” inox để khắc chữ lên bề mặt; cũng có thể làm bằng chất liệu đồng, chất liệu gỗ, … Bên cạnh đó, công ty có thể sử dụng những ký tự đặc biệt, những hình ảnh ẩn, độc lạ để tạo điểm nhấn cho bảng hiệu của công ty mình..