Rút bảo hiểm xã hội một lần thì có được tham gia lại không?

Quy định pháp luật về rút bảo hiểm xã hội một lần? Rút bảo hiểm xã hội một lần có được tham gia lại không?

Bảo hiểm xã hội là một trong số những vấn đề được nhiều người quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là người lao động. Bảo hiểm xã hội là khoản tiền mà người lao động và người sử dụng lao động đóng góp trong thời gian lao động, bảo hiểm có vai trò quan trọng trong việc ổn định và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.  Người dân có thể tham gia bảo hiểm dưới hai hình thức là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong quá trình tham gia bảo hiểm  và giải quyết các chế độ của bảo hiểm, có không ít các vấn đề khúc mắc mà nhiều người lao động băn khoăn. Một trong số đó phải kể đến câu hỏi được nhiều người thắc mắc nhất, đó là việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần rồi thì có được tham gia bảo hiểm xã hội nữa hay không? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra câu trả lời chính xác nhất đến bạn đọc.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Bảo hiểm xã hội 2014

– Nghị quyết 93/2015/QH13 quy định về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động;

LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.0191

1. Quy định pháp luật về rút bảo hiểm xã hội một lần:

Hưởng bảo hiểm xã hội một lần (rút bảo hiểm xã hội một lần) là chế độ thanh toán một khoản tiền nhất định cho người lao động đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội nhưng không tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội và không đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu. Vì nhiều lý do khách quan hay chủ quan, người lao động mong muốn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết vấn đề cá nhân.

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc các trường hợp sau:

– Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội;

– Người lao động đã đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

– Người lao động ra nước ngoài để định cư;

– Người lao động đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

– Người lao động gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí, khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội quy định về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động như sau: “Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần”.

Theo Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về điều kiện hưởng BHXH một lần như sau:

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì cơ quan bảo hiểm làm thủ tục cấp bảo hiểm xã hội một lần nếu người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Đã đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này nhưng chưa đóng đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này nhưng chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

– Ra nước ngoài để định cư;

– Người đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và một số bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế

– Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Trên thực tế hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về thời hạn rút BHXH một lần sau khi đủ điều kiện hưởng. Do đó, nếu cá nhân đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì sẽ có quyền lựa chọn rút BHXH một lần bất kể thời điểm nào căn cứ vào nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho người lao động hơn bởi vì lợi ích trước mắt mà người lao động sẽ bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.

Cũng theo tính toán của cơ quan BHXH, nếu cùng một thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích số tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng BHXH một lần. Việc rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ trong trường hợp cần gấp, còn việc đóng đủ số năm để hưởng lương hưu và các trợ cấp khác sẽ mang lại lợi ích cho người lao động nhiều hơn là rút bảo hiểm một lần.

Do đó, cơ quan BHXH khuyến khích người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia BHXH , sau đó khi có điều kiện thì nối tiếp bảo hiểm xã hội để đủ thời gian hưởng lương hưu thay vì đi nhận BHXH một lần.

2. Rút bảo hiểm xã hội một lần có được tham gia lại không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động

– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

– Cán bộ, công chức và viên chức

–  Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân đội quân nhân

– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

–  Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

– Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương

– Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Như vậy, khi rút sổ bảo hiểm xã hội một lần, người lao động hoặc người dân có nhu cầu hoàn toàn có quyền được tham gia bảo hiểm xã hội tại công ty mới hoặc tham gia bảo hiểm xã hội lần 2, lần 3… Pháp luật không hề quy định về việc người dân khi rút bảo hiểm xã hội một lần thì không được tham gia nữa. Việc tham gia bảo hiểm xã hội là quyền lợi và lựa chọn của mỗi công dân, bạn hoàn toàn có thể tham gia bảo hiểm xã hội mặc dù trước đây bạn đã từng tham gia bảo hiểm xã hội và rút bảo hiểm xã hội 1 lần về.

Trong trường hợp này, công dân cần khai báo với công ty để yêu cầu người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội cho bạn khi tiếp tục ký kết hợp đồng lao động và muốn tham gia tiếp bảo hiểm xã hội. Trường hợp nếu số sổ bảo hiểm xã hội của bạn chưa bị xóa, thì bạn cung cấp sổ bảo hiểm xã hội cũ và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Nếu số sổ bảo hiểm xã hội đã bị xóa, thì bạn sẽ được cấp sổ Bảo hiểm xã hội mới.

Hồ sơ xin cấp sổ bảo hiểm xã hội bao gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân.

Như vậy, khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện hay bắt buộc đều có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, người lao động cần nắm rõ các quy định pháp luật về vấn đề này để thực hiện đầy đủ theo quy định, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com