Tản Viên Sơn Thánh là ai? Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh ở đâu?

Tản Viên cùng Thánh Tản Viên Sơn trở thành một phần trong đời sống tâm linh của người dân ta từ hàng ngàn năm lịch sử. Chính vì vậy nó đã trở thành một di tích thờ cúng linh thiêng mà sau đây chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Tản Viên Sơn Thánh là ai? 

Tản Viên Sơn Thánh, còn gọi là Sơn Tinh, là một nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam- vị thần cai quản dãy núi Ba Vì (tức núi Tản Viên). Ông được xem là hàng đệ nhất trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt, gọi là Tứ bất tử (Tiên Dung Chử Đồng Tử, Thánh Gióng, Tản Viên, Thánh mẫu Liễu Hạnh). Các sự tích, truyền thuyết về Đức thánh Tản, đặc biệt là truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết trong tâm thức người Việt hiện đại. Những truyền thuyết khiến ông trở thành một biểu tượng văn hóa, biểu đạt cho những khả năng to lớn và vĩnh viễn của cộng đồng trong lao động sáng tạo ra nguồn của cải vô tận và trong chiến đấu chống thiên tai (lũ lụt) để bảo vệ cuộc sống chung.

2. Xuất thân của Đức Thánh Tản Viên:

Có rất nhiều nguồn giải thích cho nguồn gốc nhà ngài.

– Tản Viên Sơn Thánh là một trong 50 người con theo cha xuống biển của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Theo đó, ngài “đi qua cửa biển Thần Phù, ngược sông Hồng đến Long Đỗ (Hà Nội), Trấn Trạch, rồi ngược sông Lô, đến Phúc Lộc giang”. Ngài thấy núi Tản Viên cao vời, xinh đẹp tú lệ ba hòn sắp thẳng đứng lại thêm dân chúng quanh vùng cực thuần phác, đôn hậu, thái bình nên người đã làm một đường thẳng như kẻ chỉ từ làng Bạch Phiên Tân mà đến phía nam núi Tản Viên, đến Uyên Đông, lại đến Nham Tuyền là chỗ nguồn khác, rồi đi lên núi Thạch Bàn đầu non Vân Mộng thì lập diện để nghỉ ngơi.  Về sau nhân dân theo những vết chân ấy, lập miếu thờ phụng, hạn thì đảo, lụt thì cầu, ngự hỏa tai ngăn đại hạn mau hơn tiếng vang cực kỳ linh ứng.

– Thánh Tản Viên là người có thực, tên Nguyễn Tuấn vốn là một nông dân dũng cảm, nhân hậu, thiên phú hùng tài. Sau trở thành Sơn thần, Sơn Tinh- thủ lĩnh của muôn loài, thường dạy dân làm ruộng, săn bắn, kéo vó, luyện võ và mở hội. Từ đây, ông trở thành người cứu độ nhân dân có phép thần thông biến hóa, có văn võ song toàn và trở thành vị thần núi Tản Viên. Trong cuộc đo tài với Thủy Tinh, vị ác thần cai quản các loài thủy tộc thường dâng nước tràn lên cướp phá mùa màng, cầm thú, làm hại dân lành, Sơn Tinh thắng và được Vua Hùng gả con gái- công chua Ngọc Hoa. Thủy Tinh thua, đem hận dâng nước lũ và xua thủy quái đánh phá. Sơn Tinh cùng thần dân và các loài vật trên đất liền chống chọi quyết liệt, nước càng dâng thì núi lại càng cao. Sơn Tinh thắng trận, biểu tượng cho tinh thần chiến thắng thiên tai lũ kụt của dân tộc, tinh thần cái thiện chiến thắng cái ác.

– Tản Viên Sơn Thánh là ba anh em thần núi hay còn được gọi là Tam Vị Đại Vương Quốc Chúa Thượng Đẳng Thần gồm Sơn Tinh, Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiền công) chia nhau cai quản, mỗi người một ngọn núi, tức núi Ba Vì ngày này – núi tổ của nước ta, có ba ngọn cao chót vót (Nguyễn Trãi – Dư địa chí). Hiện hai xã Minh Quang và Ba Vì (thuộc huyện Ba Vì) có khu đền thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh, gồm 3 đền Thượng, đền Trung và đền Hạ…

3. Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh ở đâu?

Khu di tích lịch sử Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền (đền Thượng, đền Trung, đền Hạ), nằm ở sườn Tây của dãy núi Ba Vì – ngọn núi cao và linh thiêng bậc nhất Việt Nam, án ngữ phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Ngày nay thuộc trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội.

Ngoài Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh ở Ba Vì, có nhiều điểm thờ tự khác thờ tự Đức Thánh Tản Viên như:

– Đền Lăng Sương, ở xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Đây là nơi đầu tiên thờ thánh Tản Viên, vốn là nền đất của Động Lăng Xương- nơi thần Sơn Tinh được sinh ra, được nhân dân trong vùng lập điện thờ cha mẹ ngài để tưởng nhớ công ơn sinh thành nên một người con kiệt xuất, có công giúp dân trừ nạn giặc nước.

– Đền Và, ở Trung Hưng, Sơn Tây, Hà Nội.

– Đền Hải Đức (Khánh Cường, Yên Khánh); chùa Lỗi Sơn (Gia Phong, Gia Viễn); đền Kê Thượng, đền Miếu Sơn (Ninh Vân, Hoa Lư) và đền Đông Thịnh (Bích Đào, Tp. Ninh Bình).

4. Khu đền Tản Viên Sơn Thánh, Ba Vì, Hà Nội: 

Cứ ba năm một lần, vào 15 tháng giêng âm lịch, tại đây diễn ra lễ hội lớn, với hàng vạn người tham dự. Lễ hội gồm nhiều hoạt động như rước bài vị thánh Tản cùng nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh cá sông (99 con) làm gỏi dâng tế, lễ rước Thánh bà Mỵ Nương, chọi gà, đấu cờ, hát đúm, bịt mắt bắt dê, kéo co, cướp cờ, thi bơi thuyền rước quân, đấu vật và mở hội Chém May…

Trước kia, vào ngày hội lễ, nhà Vua hoặc tự thân hoặc cử đại quan tới dâng hương. Đến nay, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng thường tới dự lễ tại đền chính trên núi Ba Vì, Hà Nội.

4.1. Đền Thượng:

Đền Thượng hay còn gọi là Chính cung Thần điện, nằm trên độ cao 1227m, thuộc địa phận xã Ba Vì, huyện Ba Vì và nằm trong diện tích lân phần của Vườn Quốc gia Ba Vì quản lý. Theo truyền thuyết, đền có từ thời An Dương Vương (vị vua lập triều Âu Lạc, trị vì 257- 208 TCN/208 – 179 TCN), được khởi dựng lại vào năm 1993 và gần đây được trung tu lớn.

Đền có quy mô nhỏ, hướng theo hướng Nam, là ngôi đền có lối kiến trúc xòe ra như cái tán. Đền gồm ba gian hai chái, một nửa mái sau Đền là vách đá, không có mái, kết cấu công trình làm bằng bê tông xi măng theo kiểu kiến trúc xà, cột. Phần mái được lợp bằng ngói mũi hài với đầu đao cong vút. Hai tường hồi bố trí hai vòng tròn sắc không đối diện nhau mô phỏng biểu tượng của nhà Phật. Trên bàn thờ Thánh Tản Viên có một khám thờ, trong có ba ban thờ: chính giữa ngôi Tam Bảo là tượng Đức Thánh Tản ngự trong long ngai sơn son thiếp vàng, bên tả là ban thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, bên hữu là ban thờ Tam toà Thánh Mẫu (Mẫu Thượng ngàn).

Qua sân Đền chính, leo thêm vài chục bậc đá tới đỉnh núi, điểm cao nhất của núi Tản Viên. Trên đỉnh núi có lầu bát giác. Trong lầu đặt tượng Địa mẫu, cạnh đó, ngoài trời là ban thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên…

4.2. Đền Trung:

Đền Trung còn gọi là Trung cung, tọa lạc ở lưng chừng núi phía Tây Ba Vì, cao độ khoảng 500m, là nơi thờ bà Ma Thị, mẹ nuôi của Tản Viên. Nay thuộc địa phận xã Minh Quang. Đền được xây dựng từ triều Lý, đền triều Nguyễn, nhiều lần được vua Minh Mạng cho Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai trùng tu lại. Đây là ngôi đền có quy mô lớn và có vị thế đẹp nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên ở sườn Tây núi Ba Vì: cửa đền nhìn về hướng Tây, đối diện là núi Chàng Rể, phía dưới là dòng sông Đà như một dải mụa trắng vắt ngang, lại càng tôn lên vẻ thiêng liêng hùng vĩ.

Đền Trung hướng về phía Tây, gồm: Tam quan, Chính điện, đền Mẫu.

Tam quan đền Trung gồm 3 ô vòm cửa, có mái che bên trên. Ô vòm cửa chính giữa có hai trụ biểu nhô ra phía trước. 2 ô vòm cửa hai bên là vòm tường. Chính điện có kiến trúc kiểu chữ “tam”, phỏng quẻ Càn trong Kinh dịch, gồm Tiền đường, Trung đường và Hậu đường, Tiền đường, 5 gian, biểu tượng của sự bền vững. Bên phải đền Trung là đền Lang hay đền Lang Mẫu, 3 gian, bên trong đặt ngai thờ bà Mai Thị, mẹ nuôi của Tản Viên.

Trung đường, gian giữa bài trí tượng bốn vị quan ở tư thế đứng hai bên đối diện nhau, mũ áo cân đai chỉnh tề, biểu thị bốn vị đại thần trấn ở bốn cung Đông – Tây – Nam – Bắc.

Hậu đường, gian chính giữa là tượng thờ Tản Viên, hai bên là tượng Cao Sơn đại vương và Quý Minh đại vương.

4.3. Đền Hạ:

Đền Hạ còn có tên gọi là Tây cung, là ngôi đền cổ tọa lạc dưới chân núi Tản Viên, ven bờ sông Đà thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội. Theo truyền thuyết, đền Hạ xuất hiện muộn hơn so với đền Trung và đền Thượng, xuất hiện vào đầu thế kỷ 18, được xây dựng lại vào thế kỷ 19 và được tu sửa vào năm 1998.

Đền Hạ thờ Tam vị đức thượng đẳng thần: Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương, với kiến trúc gồm: Tam quan, Điện thờ, nhà thờ Mẫu và công trình phụ trợ.

Tam quan đền Hạ có 3 cổng, trên cổng chính có mái 2 tầng, 8 mái, giữa hai tầng mái là bốn chữ Hán “Quốc sơn từ Hạ”. Hai bên cổng chính có 2 pho tượng Hộ pháp. Phía sau là một sân, trong có tấm bia đá ghi dòng chữ “Tản Viên từ ký” (ghi chép về đền thờ Tản Viên), dựng vào năm 1848, triều Nguyễn. Nội dung bia cho biết đền Hạ được vua Tự Đức (hoàng đế thứ 4 triều Nguyễn, trị vì năm 1847- 1883) đã cấp hai nghìn quan tiền để xây dựng đền quy mô lớn.

Điện thờ đền Hạ kiểu chữ “tam” gồm Tiền đường, Trung đường và Hậu đường với nhiều bức chạm trổ mô phỏng hình tượng mặt trời, tia sét, chim phượng, con nghê, đao mác, lửa…theo phong cách nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com