Thắt chặt tiền tệ là gì? Ảnh hưởng chính sách thắt chặt tiền tệ đến nền kinh tế? Chính sách nới lỏng tiền tệ là gì? Công cụ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ? Vai trò của chính sách nới lỏng tiền tệ với nền kinh tế?
Thắt chặt tiền tệ là một trong hai chính sách tiền tệ của hiện nay, nhằm giúp hạn chế lạm phát, ổn định thị trường. Vậy thắt chặt tiền tệ là gì? Ảnh hưởng chính sách thắt chặt tiền tệ đến nền kinh tế như thế nào? Nếu bạn cũng quan tâm vấn đề này thì hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng ta để được giải đáp.
1. Thắt chặt tiền tệ là gì?
Về khái niệm, thắt chặt tiền tệ là một hướng trong chính sách tiền tệ nhằm giảm lượng cung tiền trong lưu thông.
Chính sách tiền tệ là việc Chính phủ sử dụng các công cụ ngoại hối và tín dụng để ổn định tiền tệ. Chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển nền kinh tế của một quốc gia. Ngân hàng Trung ương (NHTW) hoặc Cục Dự trữ Tiền tệ là những chủ thể thực hiện chính sách tiền tệ. Việc này nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế và kiểm soát tài chính quốc gia. Chính sách tiền tệ bao gồm chính sách thắt chặt tiền tệ và chính sách nới lỏng tiền tệ.
Chính sách tiền tệ thắt chặt bao gồm một loạt các hành động được ngân hàng trung ương thực hiện nhằm làm chậm lại nền kinh tế đang tăng trưởng quá nóng, hạn chế chi tiêu trong một nền kinh tế đang tăng tốc quá nhanh hay kiềm chế lạm phát đang leo thang.
Có thể kể đến một số biện pháp thắt chặt tiền tệ như sau:
– Ngân hàng Nhà nước phát hành trái phiếu bắt buộc đến các ngân hàng thương mại và các ngân hàng này phải mua.
– Kiểm soát cho vay, tín dụng các loại, nhất là những khoản cho vay tiêu dùng. Thậm chí cắt giảm cho vay tín dụng vì nó được thực hiện bằng tiền mặt và do đó cũng làm giảm lượng tiền mặt trong lưu thông.
– Giảm chi ngân sách: nhiều công trình, dự án không cấp bách, thiết yếu bị đình hoãn, thậm chí hủy bỏ. Cắt giảm mọi khoản chi có thể cắt từ ngân sách như mua sắm trang thiết bị công, giảm biên chế, cắt giảm hoặc hãm trả các chế độ phúc lợi xã hội… vì những việc đó làm tăng lượng tiền đưa ra lưu thông.
– Nhiều biện pháp cản trở việc tăng giá hàng hóa và dịch vụ để ngăn chặn lạm phát.
2. Ảnh hưởng chính sách thắt chặt tiền tệ đến nền kinh tế:
2.1. Khởi phát và đẩy mạnh cuộc đua tăng lãi suất:
Việc quyết định rút tiền ra khỏi lưu thông bằng tín phiếu sẽ tiếp thêm năng lượng cho những cuộc đua tăng lãi suất của ngân hàng. Ở một khía cạnh khác, cuộc đua này sẽ khiến nhiều người bắt đầu quan tâm trở lại với việc đem tiền đi gửi ngân hàng vì lãi suất tiền gửi tăng cao.
Vậy nhưng, nếu lãi suất huy động của ngân hàng tăng thì lãi suất đầu ra khó mà đứng yên. Do đó, chi phí vay mượn cho sản xuất kinh doanh sẽ tăng lên. Khi này có hai tình huống có thể xảy ra. Một là doanh nghiệp chuyển hết phần chi phí tăng thêm này vào giá bán và như vậy, giá cả không những không giảm mà tăng thêm, khiến mục tiêu giảm lạm phát bằng thắt chặt tiền tệ không thể thực hiện. Việc doanh nghiệp có thể chuyển chi phí vay mượn vào giá cả hay không phụ thuộc vào kỳ vọng lạm phát của người dân và khả năng có các nguồn hàng thay thế trên thị trường.
Không thể xem thường, không giám sát kỹ các khâu trong quá trình lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng hàng rẻ mà doanh nghiệp vẫn thích bán giá mắc vì người dân vẫn đang trong tình trạng lo sợ tăng giá. Còn trong tình huống thứ hai, đó là chi phí sản xuất kinh doanh tăng lên, mà doanh nghiệp không thể chuyển phần chi phí này vào giá bán thì họ sẽ chịu nhiều khó khăn, có thể dẫn đến thua lỗ, và giảm quy mô kinh doanh.
2.2 Tạo áp lực lên tăng trưởng và việc làm:
Việc thắt chặt tiền tệ sẽ tạo áp lực tăng lãi suất ngân hàng, tăng chi phí vay mượn cho sản xuất kinh doanh trong tình hình nền kinh tế cần nhiều vốn để phát triển (hệ số ICOR của nền kinh tế còn quá cao nên để duy trì tăng trưởng thì phải đổ nhiều vốn vào), có thể là sự sụt giảm đáng kể trong tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Chỉ số tăng trưởng quốc gia sau khi thắt chặt tiền tệ sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Mà tăng trưởng không cao thì sẽ tạo sức ép lên việc làm và thu nhập của người dân.
2.3 Trở ngại cho thu hút vốn gián tiếp:
Khi thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tạo ra cảm giác cho nhà đầu tư là nhà nước đang cho “hy sinh” các thị trường vốn và thị trường chứng khoán để chống lạm phát. Điều này có khả năng sẽ làm xói mòn hơn nữa niềm tin của nhà đầu tư.
2.4 Đồng tiền lên giá:
Chính sách thắt chặt tiền tệ tạo áp lực tăng giá đồng tiền sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho xuất khẩu. Hậu quả chung là làm cho xuất khẩu bị giảm sút mạnh và hàng xuất khẩu bị giảm sức cạnh tranh.
3. Chính sách nới lỏng tiền tệ là gì?
Ngược lại với chính sách thắt chặt tiền tệ là chính sách nới lỏng tiền tệ.
Chính sách tiền tệ nới lỏng (Easy Money) hay còn gọi là chính sách tiền tệ mở rộng. Với chính sách này, Ngân hàng Trung ương sẽ bơm tiền vào thị trường để mở rộng nguồn cung tiền. Điều này nhằm mục đích hạ lãi suất để kích cầu chi tiêu của người dân. Từ đó dẫn đến việc kích cầu sản xuất, mở rộng quy mô kinh doanh và giảm tỷ lệ thất nghiệp.
4. Công cụ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ:
Hiện nay, có 3 công cụ các Ngân hàng Trung ương có thể thực hiện để nới lỏng tiền tệ:
4.1. Hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc:
Dự trữ bắt buộc là số tiền mà các ngân hàng thương mại phải gửi tại Ngân hàng nhà nước (NHNN). Công cụ dự trữ bắt buộc được quy định và sử dụng với 2 mục đích:
– Khi tiền trong nền kinh tế nhiều, NHNN sẽ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Điều này nhằm mục đích buộc các ngân hàng thương mại phải tăng giá trị tiền mặt trong tài khoản tại NHNN để tăng dòng tiền vào. Hiểu đơn giản hơn, NHNN dùng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để điều chỉnh cung tiền trong nền kinh tế.
– Khi nền kinh tế đi xuống, NHNN sẽ sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bảo toàn tính thanh khoản của các ngân hàng.
Như vậy có thể thấy, khi hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, NHNN vừa có thể bơm tiền cho nền kinh tế, vừa giảm chi phí vốn cho ngân hàng. Đồng thời, nó còn giúp thị trường có nguồn vốn lưu thông.
Ví dụ: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 3%. Điều này có nghĩa là nếu các ngân hàng thương mại huy động được 100.000 đồng tiền gửi, các ngân hàng này bắt buộc phải giữ lại 3.000 đồng tiền mặt. Số tiền 97.000 đồng còn lại có thể được sử dụng cho các hoạt động kinh doanh khác.
4.2. Hạ lãi suất chiết khấu với ngân hàng thương mại:
Về khái niệm, lãi suất chiết khấu là lãi suất NHNN áp dụng khi cho các ngân hàng thương mại vay tiền. Trong quá trình hoạt động, khi tỷ lệ dự trữ của ngân hàng thương mại không đảm bảo an toàn, các ngân hàng thương mại thường vay tiền từ NHNN để bù vào. Lúc này, NHNN sẽ áp dụng một khung lãi suất chiết khấu đối với khoản vay nói trên.
NHNN thông qua lãi suất chiết khấu để điều tiết cung tiền trên thị trường.
– NHNN nước muốn tăng cung tiền sẽ hạ lãi suất chiết khấu. Lúc này, các ngân hàng thương mại sẽ có nhu cầu vay nhiều từ NHNN nhằm tăng lượng tiền dự trữ. Thông qua đó, họ tăng cường các hoạt động cho vay với doanh nghiệp và người dân hơn.
– Ngược lại, NHNN muốn giảm cung tiền sẽ tăng lãi suất chiết khấu. Lúc này, tỷ lệ dự trữ của các ngân hàng thương mại có hạn, họ sẽ hạn chế các hoạt động cho vay hơn.
Như vậy có thể thấy, để nới lỏng, bơm tiền cho thị trường, hạ lãi suất chiết khấu là một công cụ vô cùng hữu hiệu.
4.3. Nới lỏng định lượng:
Nới lỏng định lượng có thể hiểu là chính sách Ngân hàng Trung ương mua trái phiếu Chính phủ hoặc các chứng khoán khác trong thị trường để tăng cung tiền và khuyến khích cho vay và đầu tư.
Khi NHTW mua các chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu) trên thị trường mở. Lúc này, khối lượng dự trữ tại các ngân hàng thương mại sẽ giảm đi. Nhưng ngược lại, họ sẽ có thêm một lượng tiền mặt, từ đó tăng khả năng tín dụng. Điều này góp phần tăng cung ứng tiền tệ trên thị trường, thúc đẩy nền kinh tế.
Ví dụ: NHNN in thêm 1.000 tỷ đồng và dùng số tiền này để mua trái phiếu Chính phủ trên thị trường mở. Lúc này, ngân hàng thương mại và tư nhân bị mất đi lượng trái phiếu có giá trị 1.000 tỷ. Nhưng đổi lại, họ nhận được 1.000 tỷ đồng tiền mặt. Nhờ vậy mà lượng cung tiền trên thị trường tăng lên đáng kể.
5. Vai trò của chính sách nới lỏng tiền tệ với nền kinh tế:
Chính sách nới lỏng tiền tệ có vai trò điều tiết và cung ứng tiền cho toàn bộ nền kinh tế khi một nền kinh tế đang sa sút. Nhờ đó thị trường có thể cải thiện và phát triển trở lại. Cụ thể như sau:
5.1. Giúp tăng trưởng kinh tế:
Có thể nói, tăng trưởng kinh tế là mục tiêu được đặt lên hàng đầu của các chính sách tiền tệ nói chung. Sự cung ứng tiền tệ trong thị trường sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố lãi suất, lạm phát, chi tiêu quốc dân. Do vậy, khi nền kinh tế của một quốc gia đi xuống, GDP giảm sút, NHNN phải áp dụng các chính sách tăng cung tiền cho thị trường. Qua đó đẩy mạnh chi tiêu quốc dân và ngăn ngừa lạm phát.
5.2. Giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp:
Khi nới lỏng tiền tệ, mức tiêu dùng người dân tăng cao, các công việc kinh doanh sản xuất được đẩy mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc xã hội sẽ cần lực lượng lao động lớn hơn. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp cho người dân.
5.3. Giúp ổn định thị trường tài chính:
Khi thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, Chính phủ sẽ ổn định được lãi suất và giá cả trên thị trường. Qua đó, thị trường tài chính sẽ được điều tiết và ổn định. Bên cạnh đó, nó còn góp phần ổn định thị trường ngoại hối, củng cố sức mua của đồng tiền nội tệ.
5.4. Giúp dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán nhiều hơn:
Việc Chính phủ thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thì lãi suất gửi tiết kiệm truyền thống tại ngân hàng sẽ giảm đáng kể. Điều này khiến kênh gửi tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Dòng tiền từ kênh gửi tiết kiệm sẽ dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Trong đó, thị trường chứng khoán được xem là kênh hưởng lợi nhiều nhất. Đồng thời, các doanh nghiệp được khuyến khích vay tiền để mở rộng kinh doanh. Đây là một cơ hội để nhà đầu tư nhìn nhận cổ phiếu công ty nào có tiềm năng phát triển trong tương lai để mua vào với mức giá phù hợp.