Quy định của pháp luật về vấn đề từ con đẻ? Xóa quan hệ huyết thống được không?
Trên thực tế không ít những trường hợp cha mẹ muốn từ con hoặc xóa tên con ra khỏi gia phả, huyết thống của gia đình. Vậy, theo quy định của pháp luật cha mẹ có thể từ con đẻ được không? Thủ tục từ từ con đẻ như thế nào ? Hay xóa quan hệ huyết thống được không?
Cơ sở pháp lý:
– Luật hôn nhân và gia đình 2014;
– Luật nuôi con nuôi 2010.
Dịch vụ LVN Group tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.0191
1. Quy định của pháp luật về vấn đề từ con đẻ?
Trước khi tìm hiểu về vấn đề từ con đẻ, ta sẽ tìm hiểu các quy định của pháp luật về vấn đề quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình hiện nay. Căn cứ theo quy định tại điều 69 và điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.”
“Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của con
1. Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.
2. Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.
3. Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.
Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
4. Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.
5. Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.”
Như vậy, theo quy định trên có thể thấy rằng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ràng buộc với nhau bởi các quyền và nghĩa vụ nhất định, không có bất kỳ một quy định nào về việc cha mẹ được từ con đẻ của mình và ngược lại con cái huỷ quan hệ cha con, mẹ con với mình.
Còn hiện tại pháp luật chỉ có quy định liên quan đến việc từ con nuôi hay nói cách khác là bố mẹ có quyền được chấm dứt việc nuôi con nuôi. Cụ thể căn cứ theo luật nuôi con nuôi 2010 quy định như sau:
“Điều 25. Căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi
Việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
2. Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
3. Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
4. Vi phạm quy định tại Điều 13 của Luật này.”
Theo quy định tại điều này có thể hiểu cha mẹ được quyền chấm dứt việc nuôi con nuôi khi con nuôi đã thành niên; con bị kết án về tội cố ý xâm phạm sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi hoặc ngược lại……
Tóm lại, dựa vào các căn cứ pháp lý nêu trên thì có thể thấy rằng cha mẹ chỉ có quyền từ con nuôi nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định, còn không có quyền từ con đẻ. Trong trường hợp nếu con đẻ của mình có vấn đề về khả năng nhận thức, chơi bời, hư hỏng, đàn đúm như đập đá, hít bóng, uống rượu bia thường xuyên mà cha mẹ không thể dạy nổi, muốn từ con thì trường hợp này cha mẹ nên yêu cầu Tòa án tuyên bố người con bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Khi đó mọi giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra nếu mục đích của việc từ con đẻ là để cho con sau này không được nhận thừa kế thì cha mẹ có thể làm di chúc định đoạt tài sản với nội dung tước quyền nhận di sản của con theo quy định của pháp luật
Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, chứ về mặt quan hệ huyết thống thì không thể xoá bỏ nếu đó là con ruột của mình.
2. Xóa quan hệ huyết thống được không?
Liên quan đến vấn đề xóa quan hệ huyết thống thì hiện nay không có quy định nào về việc chấm dứt quan hệ huyết thống giữa con cái với cha mẹ. Khi người con đã đạt đến độ tuổi nhất định có đầy đủ hành vi dân sự thì có quyền tự quyết định về hành vi, về cuộc sống riêng của mình, khi đó cha mẹ chỉ là những người thực hiện quyền của cha mẹ, từ sự dẫn dắt chủ động, trực tiếp sang hướng dẫn, gợi ý, cố vấn, giúp đỡ,… cuộc sống của con và đồng thời cả cha mẹ và con đều có các nghĩa vụ với nhau. Nếu người con quá hư hỏng dẫn đến vi phạm các nghĩa vụ của con với cha mẹ theo quy định thì cha mẹ có thể làm đơn gửi tới các cơ quan chính quyền để được giải quyết. Còn không có bất kỳ một lý do nào là hợp pháp để làm căn cứ xóa huyết thống giữa các thành viên trong gia đình.
Hiện tại pháp luật chỉ có quy định về việc chấm dứt quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi quy định tại điều 78 Luật hôn nhân và gia đình 2014 và các quy định tại Luật nuôi con nuôi 2010.
Nếu xin chấm dứt quan hệ cha, mẹ, con nuôi thì việc chấm dứt quan hệ này được dựa trên các căn cứ theo quy định tại điều 10, điều 27 và điều 27 của luật nuôi con nuôi.
“Điều 26. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi
1. Cha mẹ nuôi.
2. Con nuôi đã thành niên.
3. Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi.
4. Cơ quan, tổ chức sau đây có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 25 của Luật này:
a) Cơ quan lao động, thương binh và xã hội;
b) Hội liên hiệp phụ nữ.”
“Điều 27. Hệ quả của việc chấm dứt nuôi con nuôi
1. Quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Trường hợp con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động thì Tòa án quyết định giao cho cha mẹ đẻ hoặc tổ chức, cá nhân khác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục vì lợi ích tốt nhất của người đó.
3. Trường hợp con nuôi được giao cho cha mẹ đẻ thì các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đã chấm dứt theo quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật này được khôi phục.
4. Trường hợp con nuôi có tài sản riêng thì được nhận lại tài sản đó; nếu con nuôi có công lao đóng góp vào khối tài sản chung của cha mẹ nuôi thì được hưởng phần tài sản tương xứng với công lao đóng góp theo thỏa thuận với cha mẹ nuôi; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
4. Con nuôi có quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi.”
Trường hợp nếu con nuôi đã thành niên, thì con nuôi quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc chấm dứt quan hệ cha mẹ, con trong trường hợp này. Khi chấm dứt việc nuôi con nuôi thì ta cũng cần lưu ý đến những hệ quả của việc chấm dứt đó, tức là lúc này cả cha mẹ và con nuôi đều không có quyền và nghĩa vụ gì với nhau nữa.
“Điều 10. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi
Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Theo quy định này thì việc chấm dứt nuôi con nuôi sẽ do tòa án nhân dân giải quyết. Cha mẹ hoặc con nuôi nếu muốn từ con nuôi thì làm hồ sơ gửi lên tòa án nhân dân nơi mình đang cư trú để được chấm dứt quan hệ cha mẹ con nuôi.
Tóm lại, theo quy định của pháp luật những người cùng huyết thống với nhau, cha mẹ đẻ với con đẻ không thể thực hiện được việc “ từ con đẻ” hay “ xóa huyết thống” được, việc từ con chỉ áp dụng trong trường hợp đấy là con nuôi nhưng cũng không phải tất cả các trường hợp đều được từ mà phải thuộc vào một trong số những trường hợp mà luật nuôi con nuôi quy định. Tuy nhiên, xét về mặt truyền thống, đạo đức thì khi đứa con đã thành niên nhưng chơi bời, bất hiếu với cha mẹ thì cha chỉ cần thể hiện ý chí của mình rằng sẽ cắt đứt mối quan hệ với đứa con này bằng việc không cho ở chung, không chu cấp tiền, viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho người khác,… bởi lúc này người con đã trưởng thành và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật vì vậy việc cha mẹ từ con trên thực tế cũng không vi phạm pháp luật.