Căn cứ khởi kiện quyết định thu hồi đất? Khởi kiện hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án? Thời hiệu khởi kiện quyết định định thu hồi đất? Thời hiệu khởi kiện quyết định định thu hồi đất? Thủ tục khởi kiện quyết định thu hồi đất?
Nhà nước quyết định thu hồi đất trong một số trường hợp nhất định. Khi quyết định thu hồi đất đó làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức thì cá nhân, tổ chức đó có quyền khởi kiện. Vậy trình tự, thủ tục khởi kiện quyết định thu hồi đất như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
– Luật đất đai năm 2013;
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
– Luật tố tụng hành chính năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019.
LVN Group tư vấn luật miễn phí qua tổng đài điện thoại: 1900.0191
1. Căn cứ khởi kiện quyết định thu hồi đất?
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 3 Luật tố tụng hành chính giải thích:
“Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.”
Căn cứ theo Luật đất đai, cá nhân, tổ chức khi bị thu hồi đất có quyền khởi kiện quyết định thu hồi đất nếu có bằng chứng chứng minh việc thu hồi đất xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cụ thể như sau:
– Có căn cứ thu hồi đất không thuộc một trong số các trường hợp Nhà nước có quyền thu hồi đất của người dân: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 61 Luật đất đai 2013); Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62 Luật đất đai 2013); Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 64 Luật đất đai 2013); Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (Điều 65 Luật đất đai 2013);
– Thẩm quyền thu hồi trái pháp luật. Thẩm quyền thu hồi đất thuộc quyền của các chủ thể sau:
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
+ Ban Quản lý khu công nghệ cao: Thu hồi đất đã cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các Điểm a, b, c, d, e, g và i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai; quản lý quỹ đất đã thu hồi.
+ Ban Quản lý khu kinh tế: Thu hồi đất đã giao lại, cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các Điểm a, b, c, d, e, g và i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai; quản lý quỹ đất đã thu hồi.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 204 Luật đất đai năm 2013, người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất ngoài quyền khiếu nại còn có quyền khởi kiện quyết định hành chính về quản lý đất đai khi không đồng ý với quyết định đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định đó. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
2. Khởi kiện hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án?
Khởi kiện hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa, ngoài trừ các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật tố tụng hành chính 2015:
“Điều 30. Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:
a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật.
b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.”
– Thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của Tòa án cấp huyện: Khiếu kiện quyết định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở xuống trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước đó, trừ quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
– Thẩm quyền giải quyết khiếu kiện của Tòa án cấp tỉnh:
+ Khiếu kiện quyết định hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính;
+ Khiếu kiện quyết định hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án và của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó;
+ Khiếu kiện quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án;
+ Khiếu kiện quyết định hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;
3. Thời hiệu khởi kiện quyết định định thu hồi đất?
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì sẽ bị mất quyền khởi kiện. Luật tố tụng hành chính không quy định bắt buộc quyền khởi kiện phải thực hiện sau khi giải quyết .
Với trường hợp tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định thu hồi đất thì có quyền khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định thu hồi đất.
Với trường hợp cá nhân, tổ chức khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được quy định: 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Nếu thời hạn khởi kiện có sự kiện bất khả kháng hoặc sự kiện khách quan theo quy định của pháp luật dân sự khiến cho người khởi kiện không thực hiện được quyền của mình thì thời gian đó không được tính vào thời hiệu khởi kiện.
4. Hồ sơ khởi kiện quyết định thu hồi đất?
Hồ sơ khởi kiện quyết định thu hồi đất bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn khởi kiện có các nội dung chính quy định tại Điều 118 Văn bản hợp nhất luật tố tụng hành chính 30/VBHN-VPQH ngày 16/12/2019: Ngày, tháng, năm làm đơn; Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính; Tên, địa chỉ; số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Nội dung quyết định hành chính nội dung giải quyết khiếu nại hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính; Yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết; Cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.
– Cam kết của người khởi kiện không khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;
– Bản sao quyết định thu hồi đất, bản sao các quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có) …;
– Giấy ủy quyền tham gia tố tụng (nếu có);
– Bản sao hộ khẩu, giấy chứng minh thư nhân dân (có chứng thực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền);
– Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
5. Thủ tục khởi kiện quyết định thu hồi đất?
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:
– Nộp trực tiếp tại Tòa án;
– Gửi qua dịch vụ bưu chính;
– Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Thông báo nhận đơn khởi kiện
Tòa án nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp nhận đơn trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và ghi vào sổ nhận đơn. Việc nhận đơn khởi kiện được ghi vào sổ nhận đơn và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn trực tuyến thì Tòa án trả lời cho người khởi kiện biết qua thư điện tử. Trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện.
Bước 3: Ra quyết định
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
– Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện.
– Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu thuộc một trong các trường hợp Người khởi kiện không có quyền khởi kiện; Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ; Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó; Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại; Đơn khởi kiện không có đủ nội dung mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung; Hết thời hạn được thông báo mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.